Cảm nhận về buổi học tập trải nghiệm tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Nhằm giúp sinh viên có những trải nghiệm thực tế học phần Nhập môn quản lý di sản trong chương trình đào tạo ngành Quản lý văn hóa. Sáng ngày 18/09/2022, giảng viên bộ môn đã đưa sinh viên đến tham gia buổi sinh hoạt Đờn ca tài tử tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Đến tham dự câu lạc bộ có các bậc tiền bối nguyên là giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh TP.HCM như: Thầy Lê Thanh Hạp (chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử), Thầy Lê Xuân Hiểu, Nghệ nhân Sáu Hưng, cô Song Oanh…
Buổi sinh hoạt là sân chơi thường niên 1 tháng/1 lần cho những người yêu thích Tài tử - Cải lương, gồm các thế hệ, các nghệ sĩ chuyên nghiệp không có điều kiện theo nghề đến đờn, ca, giao lưu...để thỏa mãn nhu cầu tinh thần cho mọi người; đây cũng là điểm đến cho những nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa – nghệ thuật, các bạn trẻ yêu thích loại hình này nghiên cứu, học hỏi.
Tại buổi sinh hoạt, các thầy cô đã có những tiết mục giao lưu về Cải lương - Đờn ca tài tử vô cùng cảm xúc. Bạn Lê Anh Nhân lớp ĐH. QLVH 16.2, Khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật cũng đã thử ca 1 số bài như trích đoạn “Nửa đời hương phấn”, vọng cổ “Võ Đông Sơ –Bạch Thu Hà”... Mặc dù chưa quen với cải lương và có chút lúng túng ban đầu, nhưng bạn được các thầy cô khuyến khích, cổ vũ nhiệt tình, khiến cho buổi sinh hoạt càng thêm hào hứng.
Bạn Nguyễn Tiến Đạt lớp QLVH 15.1 chia sẻ: “Thật bâng khuâng nhưng cũng thật hồi hộp, tôi đã “ở đó” và giờ tôi lại ngồi đây để viết về trải nghiệm cùng cảm nhận hôm nay của tôi đã đến buổi sinh hoạt câu lạc bộ đờn ca tài tử Tám Danh. Sẽ là thường tình hay là cảm xúc “bình bình” nếu tôi đem theo cái tâm lý ban đầu là thu thập tài liệu cho bài tập trên lớp, nhưng không ngay từ những thanh âm đầu tiên tôi đã lập tức bị cuốn hút, tò mò: “đây là đờn kìm phải không? còn kia hẳn là đờn cò?…”. Phải nói rằng trước đó tôi đã bước vào Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh – nơi diễn ra buổi sinh hoạt ấy với tâm lý nặng nề, đoạn đường di chuyển trước đó đã đọng lại trong tôi sự ồn ào, khói bụi của đường xá, xe cộ… Thế mà khi câu xàng xê cất lên, tâm hồn tôi bỗng tĩnh lại, mọi thứ như sâu lắng hơn, tôi đã thả mình theo giai điệu trầm bổng khó tả nên lời. Là người không am hiểu Cải lương, trước đó chỉ biết đến thông qua tivi, nhưng khi nghe tôi vẫn cảm thấy cái hay của nó, nó thực sự là trải nghiệm khác biệt. Có lúc tôi nghe thấy da diết vô cùng, có lúc tôi lại thấy nhẹ nhàng tình cảm. Đôi khi nghe ra tiếng nức nở ai oán, lúc lại thấy tươi vui, nhịp điệu cũng theo đó mà chậm thật chậm hay dồn dập mau chóng, bấy giờ tôi đã nghe ra cái điêu luyện của các bậc thầy Cải lương mới thực sự là nể phục tài tuyệt diệu. Hết bài này đến bài khác, các thầy vẫn hát say sưa, nếu không nói họ là bạn bè thì ai cũng thấy họ cứ vui vẻ với nhau như một gia đình vậy. Các thầy cực kì chú trọng ca từ trong bài, đặc biệt là về biểu cảm trong câu hát, thầy rất khắc khe sửa từng từ, từng nốt nhạc sao cho thể hiện được cảm xúc chân thật. Điều đó không chỉ truyền lại cho tôi kiến thức, kinh nghiệm mà còn là tinh thần đam mê, là tình yêu với nghệ thuật cháy bỏng, đó là hành trang tôi mang ra ngoài buổi sinh hoạt và để lại sự nể phục, kính trọng với các thầy. Tôi đã mãn nguyện với điều mình nhận được hôm nay, cảm ơn cô Phà Ca cho em vinh dự này, cảm ơn cuộc sống vì còn những điều lý thú mà tôi chưa trải nghiệm hết.
Qua buổi trải nghiệm thực tế, chúng em nhận thấy học phần Nhập môn Quản lý di sản không những chỉ trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về di sản văn hóa và hệ thống di sản văn hóa Việt Nam (trong đó có Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO chính thức công nhận vào Ngày 05/12/2013), mà còn giúp chúng em thực hành được một số kỹ năng: làm việc độc lập, làm việc nhóm, kỹ năng nghiên cứu để từ đó có thể lựa chọn, phân tích một vấn đề cụ thể về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Dưới dây là 1 số hình ảnh của buổi sinh hoạt.
Bài, ảnh: Phương Linh, Tiến Đạt, Anh Nhân
-
05072022
-
03072019
-
08122020
-
24092018
-
22102018
-
29062023
-
12072020
-
21032019
-
16122024
-
24102018
-
30012024
-
21122019