Nhật ký “Mùa quân sự” đầu đời!

01
02
'21

Xách balo lên và đi, đi hiên ngang lẫm liệt như từng đoàn quân đang khí thế ra trận, và đó là hình ảnh “đám sinh viên” lớp QLVH 15.2 Tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch (TCSK VHTTDL) chúng tôi bước vào cổng trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh vào ngày đầu (04/01/2021 ). Liệu cánh cổng này sẽ mở ra “thiên đường đầy thơ mộng” hay “địa ngục chốn trần gian”?

Mọi thứ thật quá mới mẻ mọi người nhỉ? Từ cảm xúc bỡ ngỡ, hồi hộp, âu lo cho đến sự hứng thú, và cuối cùng chỉ còn lại chút tiếc nuối khi phải chia xa các “đồng chí” thân yêu của tôi chỉ sau một tháng.

05/01/2021! 

5:30…. Còi báo thức - Âm thanh kinh hoàng trong quân đội cũng bắt đầu gây ám ảnh từ đó. 12:30 Còi báo thức dậy chuẩn bị lên giảng đường hay 22:00 - Còi nhắc nhở đã đến giờ đi ngủ cũng ám ảnh không kém. 

Cuộc sống đi vào nề nếp, có kỷ luật, có quy tắc, đó ắt hẳn là điều quá đỗi khó khăn với đám sinh viên năm nhất chúng tôi. Sáng sớm dọn vệ sinh, tập thể dục, đi ăn đi học đi ngủ, mọi vấn đề sinh hoạt đều đi vào khuôn khổ, những giờ học nghiêm khắc cùng những bài rèn luyện đầy vất vả. Nhưng... suy cho cùng, đi vào nề nếp, tác phong nghiêm chỉnh cũng chẳng phải là vấn đề đáng lo ngại trong khi thứ đáng sợ hơn là cái nắng gay gắt và thời tiết khắc nghiệt đang tô vẽ lên những gương mặt tươi sáng kia một màu đen sạm.

Đã bao lần, chúng tôi nhìn thấy những bộ quân phục xanh lá khoác lên vai người lính trên những trang thơ, những áng văn hay trong những thước phim nhưng có lẽ, đến giây phút này đây, bản thân tôi được khoác lên bộ quân phục ấy mới thấy được chính là sự nhiệt huyết, gan góc của trái tim người lính trước mọi khó khăn gian khổ mà đất nước đã trải qua. 

“Tôi với anh đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Súng bên súng đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”

Có bao giờ bạn tự hỏi: "Tại sao chúng ta phải học môn Giáo dục Quốc phòng an ninh?". Có người vô tư trả lời: "Học để lấy chứng chỉ", có người lại vội lật trang sách rồi đáp lại: "Học để rèn luyện đạo đức, rèn luyện tính kỷ luật và thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc". Đúng vậy, những điều đó không sai nhưng giá trị mà một tháng quân sự vừa qua khiến tôi trân quý nhất có lẽ là SỰ YÊU THƯƠNG. 

Ta vô tình ngẩng đầu nhìn lại, bỗng mỉm cười hạnh phúc khi giờ đây, những con người 15.2 đã hòa nhập vào nhau, những Chuyên ngành, những Khoa hay Đại học Văn Hóa TP.HCM, ĐH KHXH&NV, ĐH KHTN cũng đang hòa nhập vào nhau. Sau một tháng “quân trường”, có gì đó đã làm thay đổi chúng tôi, những đứa từng ghét cay ghét đắng tôi, và tôi cũng thế … Giờ đây như đã hiểu thấu nhau hơn và hòa chung một nhịp. Một tập thể cùng ăn, cùng học, cùng ngủ, cùng chơi, thậm chí là cùng than vãn sau những buổi học đầy nắng gắt.

Thầy Hoàng Duẩn, cô Phạm Phương Thùy, cô Vũ Thị Bích Duyên và anh chị sinh viên năm trước đến thăm, chụp hình cùng sinh viên các lớp 15.1, 15.2, 15.3 Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật

Có lẽ bây giờ trong mỗi sinh viên, trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã như ngôi nhà thứ 2 của mình, những người cô, người thầy như cha như mẹ, đàn anh, đàn chị và bạn bè cũng đã trở nên như anh em một nhà. Và rồi ngày ấy cũng tới, ngày mà Thầy Cô và anh chị các năm trước vào thăm chúng tôi. Đã có những tiếng la hò reo vui, những cái ôm tha thiết hay cả những giọt nước mắt vì mừng rỡ. Nhìn chúng tôi những sinh viên năm nhất của Khoa quản lý văn hóa vui mừng vì được Thầy Hoàng Duẩn, cô Phạm Phương Thùy, cô Vũ Thị Bích Duyên đến thăm, hỏi han, động viên như cha mẹ đến thăm con, chúng tôi đã bắt đầu thấm được tình nghĩa của thầy cô dành cho sinh viên. Và tôi thì hiểu rằng mọi cảm xúc đều bắt nguồn từ 2 chữ YÊU THƯƠNG.

Thầy Hoàng Duẩn hỏi thăm "chiến sĩ" bị thương

Đó cũng tình yêu thương liên quan đến đêm liên hoan văn nghệ tổng kết đợt học quân sự do sinh viên Đại học Văn hóa TP.HCM và Đại học KHXH&NV biểu diễn.

Vậy, đêm liên hoan văn nghệ có gì? 

Lại đây chúng tôi kể cho các bạn nghe về những con người mãi vui mừng sung sướng vì được “người nhà” vào thăm mà quên luôn sự chuẩn bị cho chương trình giao lưu văn nghệ sắp sửa. Đến lúc nước ngập đầu mới giật mình nhìn nhau và rồi... chỉ còn 30 tiếng nữa thôi là bắt đầu đêm giao lưu rồi ????? Phải làm sao???

Tập văn nghệ xuyên đêm

Bài ca tôm cá - tiết mục văn nghệ đến từ C33 cũng đã diễn ra thành công tốt đẹp sau 5 tiếng đồng hồ luyện tập, tin được không? Nhưng thành công không nằm ở đó, cái đáng nhớ nhất có lẽ là những kỷ niệm, những con người đã phải tập luyện quá mệt mỏi, những lần cãi nhau vì bất đồng quan điểm rồi lại ôm nhau thắm thiết, tất cả đều là kết quả từ sự cố gắng và nỗ lực của mọi người. Tập văn nghệ xuyên đêm trong môi trường quân đội kể ra cũng có nhiều điều thú vị.

Và 5 phút tỏa sáng trên sân khấu quân trường

Và giờ đây ngày chia tay “quân trường” đã đến, tất cả các đồng chí của tôi trong vẻ mặt hân hoan nhưng có chút u sầu. Ngày đầu bước vào khu quân sự, ai nấy đều khóc than, đều muốn thoát khỏi cái nơi "ngục tù" này để ra ngoài vui với “tự do cá nhân”, ấy thế mà đến giờ phút cuối cùng ta mới nhận ra, nơi "ngục tù" ấy thực sự chính là "Thiên đường". Thiên đường của những trải nghiệm tuổi vào đời và của YÊU THƯƠNG. 

Lễ bế giảng, nghe có vẻ hoành tráng và nhộn nhịp, nhưng chắc hẳn C33 nói riêng và 37 Đại đội nói chung đang chìm trong nốt lặng. Đời sinh viên chỉ trải qua một tháng quân sự này thôi, giờ đây chỉ còn là hoài niệm.

Kết thúc mùa quân sự, mỗi chúng ta không thể thiếu những cảm xúc buồn, vui, háo hức, và cả tiếc nuối. Chúng ta không thể quay lại khoảng thời gian này thêm một lần nào nữa, nhưng có lẽ những cảm xúc và kỷ niệm vẫn còn đó, và đừng quên rằng, các “đồng chí” thân yêu của tôi ơi, chúng ta đã có một tháng quân sự thật tuyệt vời.

Cảm ơn 69 sinh viên lớp QLVH 15.2 TCSKVHTTDL - Những người con của Khoa QLVH,NT. Cảm ơn 145 đồng chí Đại đội 33, Cảm ơn những người bạn ở tứ phương đã cùng trải qua mùa quân sự đáng nhớ này. Cùng về nhà đón một cái Tết thật hạnh phúc bên gia đình thôi nào và... chuẩn bị cho một học kỳ mới với nhiều trải nghiệm mới.

Chụp hình cùng giảng viên chủ nhiệm, thầy Hoàng Duẩn

Một số hình ảnh kỷ niệm sau học kỳ học quân đội

Bài cảm nhận: Hoàng Thị Kim Khánh, Lớp ĐHQLVH 15.2 (Chuyên ngành Tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch)

Ảnh: Lớp ĐHQLVH 15.2 

 

Từ khóa: