Giới thiệu về Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật - cập nhật đến tháng 5 năm 2025

24
05
'25

Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật tiền thân là Hệ văn hoá quần chúng, được thành lập vào đầu năm 1977. Đến nay, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đã bước sang tuổi 47, một chặng đường chưa phải dài lắm trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, nhưng đã để lại những dấu ấn đáng ghi nhận của quá trình phát triển.

- Thời kỳ mang tên Hệ Văn hóa quần chúng/ Khoa Văn hóa quần chúng

Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, tiền thân là Hệ Văn hóa quần chúng (1977). Vị trí được xác lập là một đơn vị chuyên môn duy nhất ở phía Nam có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hoá thông tin trình độ trung cấp và sơ cấp từ các tỉnh thành từ Quảng Trị trở vào đến Cà Mau.

Lúc mới thành lập, “địa chỉ” của Hệ Văn hóa quần chúng tại Cơ sở II – làng Báo chí (khu phố 3, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức hiện nay). Lớp cán bộ, giảng viên đầu tiên về Hệ chỉ có 03 người (Nguyễn Văn Đức, Trần Trọng Cường, Bùi Đăng Vân), thời gian sau có thêm 02 cán bộ, giáo viên (Trần Văn Ánh, Đỗ Thị Châu Phi). Đa số lớp cán bộ, giảng viên này được tăng cường chuyển vào từ Hà Nội, số giảng viên tại chỗ không nhiều. Trưởng Hệ đầu tiên là thầy Nguyễn Văn Đức (từ Bộ Văn hóa chuyển vào), Phó Hệ là thầy Trần Trọng Cường (từ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chuyển vào). Năm 1981, Ban Thông tin Cổ động (do thầy Lô Giang làm Trưởng Ban) sáp nhập vào Hệ Văn hóa quần chúng, số cán bộ, giảng viên tăng thêm 03 (Lô Giang, Trương Văn Huy, Hoàng Thi Mỹ Kim). Cũng trong khoảng thời gian này, Hệ tiếp nhận một số cán bộ từ cơ quan, đơn vị khác về (Nguyễn Văn An, Hồ Ngọc Thành, Lê Quang Hiển, Phan Ngọc Thạch), số lượng cán bộ, giảng viên cả thảy là 12 người. Sau khi sáp nhập, cơ cấu tổ chức bộ máy của Hệ Văn hóa quần chúng được sắp xếp lại, Trưởng Hệ là thầy Lô Giang, Phó Hệ là cô Đỗ Thị Châu Phi và thầy Trần Văn Ánh. Năm 1983 (sau hai năm đổi tên từ Trường Lý luận và Nghiệp vụ II thành Trường Văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh), Hệ Văn hóa quần chúng đổi tên thành Khoa Văn hóa quần chúng, Trưởng Khoa là thầy Phan Ngọc Thạch, cô Đỗ Thị Châu Phi tiếp tục làm Phó Khoa. Cũng năm này, cơ sở đào tạo của Nhà trường chuyển từ làng Báo chí về 51 Quốc Hương, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức. Cơ cấu tổ chức nhân sự của Khoa Văn hóa quần chúng giai đoạn này có nhiều thay đổi, một số thầy cô đến tuổi về hưu hoặc chuyển đi thực tập sinh nước ngoài (thầy Trần Văn Ánh đi học thực tập sinh Tiệp Khắc), Trưởng Khoa có lúc do Ban Giám hiệu (cô Nguyễn Ngọc Ảnh, thầy Trần Trung Chính) kiêm nhiệm; các thầy Nguyễn Hồng Quang và Lê Thụy, cô Nguyễn Thị Hồng Ân làm Trưởng Khoa trong thời gian ngắn, sau đó chuyển công tác sang đơn vị khác. Năm 1991, Khoa Văn hóa quần chúng do thầy Nguyễn Xuân Hồng làm Trưởng Khoa, Phó Khoa là thầy Nguyễn Văn An. Có thể nói, trong khoảng thời gian hơn mười năm đầu được thành lập, từ Hệ Văn hóa quần chúng đổi tên thành Khoa Văn hóa quần chúng đã đánh dấu một bước đi vững chắc, hướng đến sự phát triển của Khoa trong những thời gian tiếp theo.  

- Thời kỳ mang tên Khoa Quản lý Văn hóa - Nghệ thuật/Khoa Quản lý văn hóa/Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật

Năm 1995, Trường được nâng cấp lên cao đẳng, Khoa Văn hóa quần chúng đổi tên thành Khoa Quản lý Văn hóa - Nghệ thuật. Năm 2005, Trường được nâng cấp lên đại học, vẫn giữ tên Khoa Quản lý Văn hóa - Nghệ thuật, đến năm 2007 đổi thành Khoa Quản lý Văn hóa, một năm sau (2008) lại trở về với tên Khoa Quản lý Văn hóa - Nghệ thuật. Giai đoạn này, thầy Nguyễn Xuân Hồng tiếp tục làm Trưởng Khoa, Phó Khoa có các thầy cô Trần Ngọc Lan, Phạm Ngọc Dũng, Lê Thị Thanh Thủy, Trịnh Đăng Khoa. Có thể nói, Khoa Quản lý Văn hóa - Nghệ thuật giai đoạn này quy tụ một lực lượng giảng viên khá hùng hậu với 17 giảng viên, trong đó nhiều thầy cô có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ và một lực lượng giảng viên thỉnh giảng đông đảo đến từ các trường, viện văn hóa, nghệ thuật, nhân văn trong toàn quốc. Năm 2013 tên Khoa được đổi tiếp thành Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật. Từ năm 2012 đến tháng 7/2020, TS. Trịnh Đăng Khoa làm Phó Phụ trách Khoa. Từ tháng 8/2020 đến tháng 6/2022, TS. Trịnh Đăng Khoa được bổ nhiệm làm Trưởng khoa. Phó Khoa gồm TS. Lê Thị Thanh Thủy từ năm 2009 đến năm 2018; TS. Vũ Thị Phương từ năm 2019 đến năm 2023, TS. Huỳnh Công Duẩn từ tháng 4/2023 đến nay; TS. Phạm Phương Thùy, từ tháng 9/2024 đến tháng 11/2024. Từ 02/2024 đến nay, Trưởng Khoa là TS. Vũ Thị Phương. Tính đến cuối năm 2024, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật có 11 giảng viên cơ hữu, gồm: 01 Giáo sư, 01 Nghệ sĩ ưu tú, 04 Tiến sĩ, 02 Nghiên cứu sinh, 04 Thạc sĩ và một lực lượng giảng viên thỉnh giảng đến từ các trường, viện nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật trong toàn quốc.

Nhân sự cơ hữu hiện nay của Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật

* Về nhân sự hiện nay (cập nhật đến cuối năm 2024)

- TS. Giảng viên chính Vũ Thị Phương - Trưởng khoa

- TS. Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Công Duẩn (Hoàng Duẩn) - Phó Trưởng khoa

- TS. Nguyễn Hồ Phong

- TS. Phạm Văn Luân

- ThS. Hoàng Thị Nhung

- ThS. Vũ Thị Bích Duyên

- ThS. Lê Thị Vương Nguyệt

- ThS. Nguyễn Thị Phà Ca

- ThS. Lâm Thị Hòa

- ThS. Hồ Thị Như Vui

* Về đào tạo

- Loại hình/chuyên ngành đào tạo

Công tác đào tạo lúc còn là Hệ văn hóa quần chúng chỉ có một chuyên ngành, gọi chung là “Văn hóa quần chúng”, đào tạo theo hai phân ban: Âm nhạc không chuyên, Sân khấu không chuyên. Sau năm 1981 có thêm phân ban Thông tin Cổ động (sáp nhập từ Ban Thông tin Cổ động). Năm 1983, khi đổi tên từ Hệ Văn hóa quần chúng thành Khoa Văn hóa quần chúng, các chuyên ngành đào tạo của Khoa vẫn theo mô hình Văn hóa quần chúng (bậc trung cấp), bao gồm ba phân ban Âm nhạc, Sân khấu, Thông tin Cổ động và hình thức bồi dưỡng ngắn hạn. Năm 1984, có thêm bậc đào tạo đại học (liên kết với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), Khoa Văn hóa quần chúng được giao trực tiếp điều hành bậc đào tạo này, bao gồm: Đại học Văn hóa quần chúng (chuyên tu) khóa I (1984 - 1987) và khóa II (1988 - 1992) (loại hình đào tạo chuyên tu không chia theo phân ban, chủ yếu là trang bị kiến thức về lý luận, quản lý và phương pháp hoạt động văn hóa cơ sở, tương tự như đào tạo quản lý văn hóa hiện nay; người học đa số là cán bộ thuộc các cơ quan của Đảng và Nhà nước), Đại học Văn hóa quần chúng (chính quy) khóa I (1985 - 1989), lớp cuối cùng là khóa đại học VI (1998 - 2002) (loại hình chính quy đào tạo theo phân ban Âm nhạc, Sân khấu, đối tượng người học được mở rộng hơn, bao gồm cả cán bộ công chức và học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông), và nhiều lớp đại học đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học. Lực lượng giảng dạy cho các lớp ở bậc đại học chủ yếu là thầy cô của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và các trường, viện nghiên cứu trong toàn quốc. Từ khi Trường Văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh được nâng cấp lên cao đẳng (năm 1995), rồi nâng cấp tiếp lên đại học (năm 2005) các loại hình/ chuyên ngành đào tạo trước đó về cơ bản vẫn được duy trì phát triển, gồm có chuyên ngành đào tạo Âm nhạc, Sân khấu, Thông tin cổ động và Quản lý văn hóa. Những năm sau 2005, Khoa có thêm các chuyên ngành: Quản lý hoạt động âm nhạc, Quản lý hoạt động sân khấu, Quản lý hoạt động mỹ thuật và quảng cáo, Tổ chức và dàn dựng sự kiện, Biên tập dẫn chương trình nghệ thuật và nhiều hình thức đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn. Loại hình đào tạo đa dạng hơn ở các bậc học, gồm có chính quy, vừa làm vừa học, liên thông (trong đó loại hình đào tạo vừa làm vừa học có số sinh viên, học viên đông nhất). 

Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, nhu cầu người học ngành Quản lý văn hóa có phần bão hòa. Để đáp ứng nhu cầu người học trong tình hình mới, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm điều chỉnh, xây dựng các chương trình và hình thành ba chuyên ngành đào tạo (trong ngành Quản lý văn hóa): 1/ Quản lý hoạt động văn hóa xã hội; 2/ Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật; 3/ Tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và đào tạo sau đại học (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) ngành Quản lý văn hóa. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm bình quân 250/năm. Lưu lượng sinh viên của Khoa bình quân 700/năm (bao gồm cả chính quy và vừa làm vừa học). Liên kết đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, liên thông, văn bằng 2, vừa làm vừa học...cũng được phát huy, gắn kết với yêu cầu của các địa phương, doanh nghiệp, công ty tư nhân. Điểm lưu ý, những năm gần đây phương thức đào tạo gắn kết thực hành nghề nghiệp với các doanh nghiệp, công ty tư nhân từ việc tiếp nhận sinh viên thực tập, sử dụng nguồn nhân lực đầu ra sau tốt nghiệp tỏ ra có hiệu quả, góp phần nào tháo gỡ những khó khăn về vị trí việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp hiện nay.

 - Kết quả đào tạo (cập nhật đến 12/2024)

Trải qua hơn 49 năm hình thành và phát triển, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đã đào tạo hàng chục nghìn sinh viên, học viên tốt nghiệp ra trường. Tuy chưa có nghiên cứu nào đánh giá sâu về vị trí việc làm của sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, bình quân trên 85% có việc làm trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và các công ty, đơn vị tư nhân...

Tổng số sinh viên, học viên tốt nghiệp từ 1977 -2023

TT

Loại hình đào tạo

Số lượng SV, HV tốt nghiệp

1

Trung cấp

2828

Cao đẳng

1525

3

Đại học

5873

Thạc sĩ

381

5

Tiến sĩ

0

Tổng cộng

10.607

 

Trong số này có nhiều sinh viên, học viên là giảng viên, cán bộ nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo: Trần Văn Ánh (PGS.TS. NGUT, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP. HCM) Nguyễn Xuân Hồng (PGS.TS. NGUT, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Thị Thanh Thủy (TS, GVC Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) Trịnh Đăng Khoa (TS, Phó Hiệu trưởng từ 6/2022), Vũ Thị Phương (TS, GVC, Trưởng khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật), Huỳnh Công Duẩn (TS. NSƯT, Phó trưởng khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật... Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, có nhiều sinh viên, học viên đã và đang giữ những trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước: Nguyễn Thanh Tùng (nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp), Nguyễn Ngọc Minh (nguyên Tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Tiền Giang), Võ Công Phước (Đại tá, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu 7), Trần Hồng Phong (Đại tá, nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn Quân đoàn 4), Nguyễn Ngọc Trạch (nguyên Giám đốc Đài Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi), Hình Phước Liên (nhạc sĩ, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa), Phạm Văn Muộn (Nguyên Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận), Dương Thanh Tùng (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Hậu Giang), Nguyễn Thị Thủy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Long An), Lê Công Nghiệp (Phó Giám đốc Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Kiên Giang), Lương Văn Nhiền (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM)... Bên cạnh đó còn có khá nhiều sinh viên, học viên tốt nghiệp là chuyên gia biên tập, tổ chức và sản xuất các chương trình sự kiện, nghệ sĩ sáng tác, dàn dựng và biểu diễn các chương trình văn hóa nghệ thuật...

- Hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng 

Đào tạo không chỉ diễn ra trong không gian trường lớp, mà còn gắn kết chặt chẽ với hoạt động xã hội. Có thể xem đây như một phương thức đào tạo tối ưu, tương tác giữa quá trình tích lũy kiến thức - trải nghiệm - sáng tạo của người học quản lý văn hóa nghệ thuật. Hoạt động thực tiễn tạo điều kiện để người học “thử sức” của mình, thực tiễn là thước đo năng lực chuyên môn và khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Với quan điểm này, các học phần trong chương trình đào tạo của Khoa, ngoài phần kiến thức lý thuyết còn có kiến thức thực hành đan xen, hoặc thực hành, thực tập hàng năm tại đơn vị cơ sở, cơ quan, công ty... theo quy định. Liên kết với các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện các chương trình văn hóa xã hội, hướng về cộng đồng được phát huy và đem lại những thành quả đáng ghi nhận: xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; công tác “mùa hè xanh” ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, hải đảo; các phong trào hướng về nguồn cội, xóa đói giảm nghèo và tổ chức các hoạt động văn hóa xã hội khác... Lĩnh vực tổ chức, đạo diễn, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật, có thể kể đến: Chương trình sân khấu hóa Lễ Bà Chúa Xứ núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang (năm 2001, 2002, 2003, 2004, 2005); Đêm hội văn hóa nghệ thuật – Liên hoan Thanh niên tiên tiến toàn quốc ngành Văn hóa Thông tin (2004); Festival Hoa Đà lạt (2012); Lễ hội trái cây ngon – an toàn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre (2015); Lễ hội Cà phê Buôn Ma thuột 2019; Khai mạc Tuần Khoa học công nghệ Quốc Gia -Tech Demo Gia Lai (2019), Lễ hội Nguyễn Trung Trực 2019, 2022, 2024; Nam Bộ - Thành phố Hồ Chí Minh rạng ngời mùa thu cách mạng (2020); Lễ hội Giao thừa Hà Tiên (2020), Lễ hội Óc Om Bóc-Đua Ghe Ngo Sóc Trăng - Tuần văn hoá, du lịch, Thể thao Đồng bào Khmer Nam Bộ (2022), Lễ hội Óc Om Bóc-Đua Ghe Ngo Trà Vinh (2022), Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang Bạc Liêu (2022), Lễ hội Óc Om Bóc-Đua Ghe Ngo Sóc Trăng (2023), Lễ hội Biển Ninh Hải-Ninh Thuận (2024), Chương trình nghệ thuật Bản hùng ca Điện Biên tại Củ Chi (2024), Lễ hội Óc Om Bóc-Đua Ghe Ngo Sóc Trăng - Tuần văn hoá, du lịch, Thể thao Đồng bào Khmer Nam Bộ (2024), Lễ hội Gạch Gốm Đỏ-Kinh tế xanh Vĩnh Long (2024), Chương trình nghệ thuật Hát mãi Khúc Quân hành tại Hà Tiên (2024), ...

Các cuộc liên hoan nghệ thuật toàn quốc và khu vực : Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc lần thứ 4, năm 2013 tại Tây Ninh, (01 Huy chương vàng, 01 Huy chương bạc); Liên hoan ca khúc cách mạng khu vực phía Nam, năm 2015 tại tỉnh Bình Phước (4 giải A, 01 giải khuyến khích); Hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo Văn hóa Nghệ thuật toàn quốc, năm 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (01 Huy chương bạc, 01 Huy chương đồng) v.v. Các sự kiện cuộc thi Ca khúc phim Việt (2017)Liên hoan nhóm nhảy Học sinh-sinh viên toàn thành mở rộng Timeless Dance (2018), Trường Sơn con đường Huyền thoại (2019), Dreamdance (2019)Thương ca tiếng Việt (2020), Xuân tứ linh (2021), Cuộc thi Song ca Vàng (2022), Còn mãi với thời gian (2023), Bản hùng ca bất tử (2024), và nhiều vở kịch nói của sinh viên đã được phát sóng trên HTVC Thuần Việt - Đài Truyền hình TP.HCM. Liên Hoan Kịch nói toàn Quốc vở diễn “Câu hò đất Mẹ” (2022)(Kết hợp cùng công ty TNHH Tổ chức Biểu diễn Phiêu Linh (đạt Huy chương vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc và Giải đạo diễn xuất sắc nhất) được Thành uỷ TP.HCM tổ chức công diễn phục vụ trường học và đơn vị 10 suất trong 12/2024. 

Nhiều chương trình thi kết thúc học phần, kết hợp công tác phục vụ cộng đồng và thiện nguyện: 

- Chương trình nghệ thuật Gửi nắng chút yêu thương (Bình Thuận - 2020), Đắk D’rông Dệt khúc yêu thương (2022), TTCĐ Gọi biển xanh về (Bà Rịa - Vũng Tàu - 2023), Chuyện xóm Ngũ hành (2022), A Thị - Chuyện miền đất đỏ (Huyện Krông Năng - Đắk Lắk - 2023), Âm Vang Chơ Ro (Đồng Nai - 2023), Cư M’gar Thắp lửa tri thức (Huyện Cư M’gar - Đắk Lắk - 2023), Âm hưởng Vre Se Tek (Bù Đốp - Bình Phước 2024, Tánh Linh ngày về (Bình Thuận 2024),...

Đào tạo gắn kết với thực tiễn, hướng đến phát triển cộng đồng là phương thức hoạt động tối ưu. Một mặt, để người học vận dụng những kiến thức của mình vào quá trình tổ chức, sáng tạo sản phẩm văn hóa. Mặt khác, đóng góp sức mình vào xây dựng sự nghiệp văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa vùng phía Nam nói riêng. 

* Về Nghiên cứu khoa học 

- Nghiên cứu khoa học của giảng viên

Trong thời gian đầu mới lập Khoa, nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa được đề cao, nếu có chỉ là những ghi chép đơn giản của cá nhân về một hiện tượng văn hóa nghệ thuật nào đó. Khoảng hơn hai chục năm trở lại đây, nhất là từ khi Trường được nâng cấp lên đại học, lĩnh vực này mới có khởi sắc dần lên. Trong môi trường đại học, nghiên cứu khoa học của giảng viên là không thể thiếu, góp phần quan trọng nâng cao vốn văn hóa mỗi cá nhân, phục vụ nâng cao chất lượng giảng dạy. Xác định rõ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học, giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, ở nhiều cấp độ khác nhau, với nhiều vai trò là tác giả/chủ nhiệm, đồng tác giả/đồng chủ nhiệm, thành viên thực hiện công trình, trong đó có một số công trình do giảng viên thỉnh giảng thực hiện. Cụ thể[1]

+ Sách giáo trình, chuyên khảo, tham khảo: Tính đến năm 2024, Giảng viên thuộc Khoa đã xuất bản khoảng 30 đầu sách giáo trình, chuyên khảo và tham khảo với vai trò là chủ biên, đồng chủ biên và thành viên nhóm tác giả. Tất cả các đầu sách đều phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu ngành Quản lý văn hóa. Ngoài ra, để phục vụ công tác giảng dạy, 100% giảng viên có tập bài giảng học phần.

+ Đề tài, đề án: Tính đến năm 2024, Giảng viên trong Khoa đã thực hiện 23 đề tài/đề án các cấp, trong đó có 13 đề tài, đề án cấp bộ và tương đương; 10 đề tài, đề án cấp cơ sở. Trong đó, một số công trình đã được in thành sách để phục vụ công tác giảng dạy đào tạo ngành Quản lý văn hóa. Trong những đề tài, đề án này, giảng viên của Khoa đứng ở các vai trò như chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm, thành viên chính, thành viên và thư ký. Hướng nghiên cứu của các đề tài, đề án khá đa dạng như: văn hóa cơ sở, thiết chế văn hóa; văn hóa gia đình, lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa; quy hoạch phát triển ngành VH, TT & DL; chính sách văn hóa; các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa như: điện ảnh, quảng cáo, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, tiêu dùng văn hóa; làng nghề,... 

+ Bài tạp chí, tham luận: Tính đến năm 2024, đội ngũ Giảng viên của Khoa đã công bố khoảng 200 bài tạp chí, tham luận hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp. Trong số đó, khoảng 35% bài được công bố tại các tạp chí thuộc danh mục tạp chí của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, 65% bài được công bố tại các tạp chí có chỉ số ISBN như Tạp chí Di sản Văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa và Nguồn lực, Tạp chí Văn hóa học, Tạp chí Khoa học quản lý giáo dục, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Tạp chí Quản lý giáo dục... Về tham luận khoa học có: 30% tham luận hội thảo ở cấp quốc tế; 40% tham luận hội thảo cấp quốc gia và số còn lại thuộc hội thảo, tọa đàm khoa học cấp trường, cấp khoa (xem thêm ở phần phụ lục).

+ Đặc biệt cuối năm 2024, Khoa đã tổ chức thành công “Hội thảo khoa học sinh viên, học viên ngành Quản lý văn hóa mở rộng-2024” (Hội thảo cấp Trường). Hội thảo đã thu hút khoảng 150 đại biểu là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và đông đảo giảng viên, nghiên cứu viên ngành Quản lý văn hóa đến tham dự. Hội thảo đã nhận được 51 tham luận của 64 tác giả/nhóm tác giả. Trong đó có 41 tham luận được tuyển chọn để xuất bản sách chuyên khảo “Quản lý văn hóa: nghiên cứu và ứng dụng” do NXB Đại học Quốc gia TP. HCM xuất bản với chí số ISBN: 978-604-479-979-7. 

- Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên

 Sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật bên cạnh việc học tập còn tích cực tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học. Tính đến năm 2024, sinh viên thuộc Khoa đã thực hiện thành công 24 đề tài khoa học. Trong đó, 12 đề tài cấp Trường, 12 đề tài cấp Khoa. 100% kết quả nghiệm thu, đánh giá các đề tài đều đạt từ loại khá trở lên. 01 đề tài vào vòng Chung kết giải thưởng nghiên cứu Khoa học EURÉKA (2028). Hiện nay, sinh viên Khoa đang thực hiện 09 đề tài Khoa học cấp Trường và dự kiến nghiệm thu vào tháng 4/2025.

Bên cạnh đó, sinh viên thuộc Khoa cũng tích cực tham gia viết bài cho các hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp. Tính đến năm 2024, sinh viên thuộc Khoa đã công bố khoảng 25 tham luận tại các kỳ hội thảo, tọa đàm khoa học. Trong đó có 03 tham luận được công bố tại các hội thảo cấp quốc gia và tương đương; 04 tham luận được chọn để xuất bản sách chuyên khảo có chỉ số ISBN; 5 bài tham luận của sinh viên được chọn để báo cáo trước các hội thảo. 

Một điểm sáng khác trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật là sự ra đời của CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học thuộc Khoa và năm 2018. Tính đến năm 2024, sau 06 năm hoạt động, CLB đã thu hút được hơn 100 lượt sinh viên ngành Quản lý văn hóa tham gia. Hiện nay, CLB có 50 thành viên đến từ các chuyên ngành thuộc Khoa. Một thành công tiêu biểu của CLB này là năm 2024 đã tổ chức thành công cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học ngành Quản lý văn hóa mở rộng lần thứ 1”. Cuộc thi đã thu hút 250 sinh viên tham gia với 14 sản phẩm dự thi là đề tài khoa học, 24 sản phẩm dự thi là tham luận/ý tưởng đề án khoa học. Kết quả ở nhóm sản phẩm đề tài khoa học: BTC đã chọn ra 8 đề tài vào vòng chung kết và trao các giải thưởng: 01 Nhất, 02 Nhì; 02 Ba và 03 giải Khuyến khích. Đối với nhóm sản phẩm dự thi là bài tham luận/ý tưởng đề án khoa học: BTC đã chọn ra 15 sản phẩm vào vòng chung kết và trao các giải thưởng: 01 Nhất, 01 Nhì, 02 Ba và 02 Khuyến khích. 

Dù hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật chưa thật phát triển mạnh so với nhiều trường đại học khác ở TP. HCM, tuy nhiên, với những thành tựu bước đầu trên cho thấy những cơ hội và khả năng phát triển mạnh mẽ trong phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên trong thời gian tới.

Có thể nói, gần 50 năm thành lập, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật lập được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Đó là những thành quả được đóng góp bằng tâm lực, trí lực của các thế hệ lãnh đạo Nhà trường, các thế hệ thầy cô giáo, sinh viên, học viên của Khoa. Cũng cần phải kể đến, tinh thần đồng lòng, góp sức của các địa phương, các thiết chế văn hóa xã hội, doanh nghiệp, công ty... ở phía Nam, “những địa chỉ uy tín” tiếp sức sự nghiệp đào tạo của Khoa ngay từ những năm đầu thành lập đến nay. Trong quá trình phát triển, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đã nhận được các danh hiệu cao quý: Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2001, 2006, 2011, 2020, 2023 và nhiều bằng khen, giấy khen của các tỉnh thành phía Nam, các danh hiệu cao quý khác dành cho các cá nhân của Khoa. Cụ thể, năm 2024, với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân”, tập thể đảng viên chi bộ và quần chúng đã nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần đoàn kết và chia sẻ để đạt được nhiều thành tích: Một đồng chí đã được Chủ tịch UBND TP.HCM tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2024, một giảng viên của khoa vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Đảng ủy Khối Cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tuyên dương với thành tích “Xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2024. Các thành viên trong khoa cũng đạt được nhiều giải thưởng có giá trị trong lĩnh vực sáng tác và quảng bá. Điển hình là giải B khối chuyên nghiệp về sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (đợt 1, giai đoạn 2021-2025) tại TP.HCM. Bên cạnh đó, khoa còn đạt được một giải quảng bá và một giải A khối không chuyên ở cùng lĩnh vực, cho thấy sự lan tỏa sâu rộng của các hoạt động sáng tạo trong đội ngũ cán bộ và giảng viên. Tổ Công đoàn của khoa cũng để lại dấu ấn trong năm 2024 với những đóng góp tích cực vào phong trào công đoàn toàn trường, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, viên chức.

Những thành tựu đáng tự hào này là minh chứng cho sự đồng lòng và quyết tâm của tập thể, thể hiện tinh thần trách nhiệm của thầy cô hôm nay là phấn đấu xây dựng Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật luôn là Khoa đầu ngành, có môi trường đào tạo thân thiện, khoa học, hiện đại góp phần tích cực vào việc phục vụ sự nghiệp văn hóa của ngành trong thời kỳ mới.

 


[1] Chưa tính các công trình của GS.TS Nguyễn Chí Bền.

 

 

Từ khóa: