Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 151 năm anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh và những bài học của sinh viên năm 4

01
10
'19

Có bạn bị cháy nắng đen nhẻm cả một vùng da nhưng mà nụ cười vẫn tươi tắn trên môi, cùng nhau chỉnh sửa những gì còn sai sót trên sân khấu. Cái tình cảm này tôi nhìn thấy và cảm nhận được trên từng nụ cười của mỗi người. Thoáng chút tôi lại thấy thương cho những người thầy của tôi, vì chương trình mà thầy ăn vội và thầy cũng không kịp uống nước mà dùng hết tâm sức và kinh nghiệm của mình để làm cho chương trình hoàn hảo hơn và đặc biệt để khán giả có một đêm thưởng thức nghệ thuật mang đầy ý nghĩa và sâu sắc.

 

Một sân khấu hoành tráng, thiết kế đẹp

Vào lúc 20h ngày 24/9/2019 tại quảng trường Trần Quang Khải, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 151 năm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh 1868 – 2019 được truyền hình trực tiếp trên 2 kênh KG và KG1 Đài PTTH Kiên Giang đã thành công hơn mong đợi, ấn tượng, sâu sắc và chạm đến trái tim của nhân dân khi đón xem chương trình. Tôi, một cô sinh viên năm thứ tư của Trường đại học Văn hóa TP.HCM, chuyên ngành Tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đã rất tự hào khi chính bản thân mình cùng với những thành viên trong lớp Đại học quản lý văn hóa 11.3 và các bạn sinh viên của Trường có mặt tại quảng trường Trần Quang Khải hôm ấy, nhưng không phải là khán giả mà với vai trò là những người tham gia biểu diễn trực tiếp trên sân khấu.

Chúng tôi với ca sĩ Thùy Dương

Thăng hoa cùng ca sĩ Thái Bảo cũng là một cựu sinh viên, hiện là học viên cao học của Trường. Chương trình lần này còn có sự tham gia của các bạn, các anh chị đến từ các lớp khác của Khoa QLVH,NT

Nói đến sự thăng hoa của nghệ thuật không chỉ là những hình ảnh hoành tráng, hoàn hảo trên sân khấu mà đó còn là sự thăng hoa của lòng nhiệt huyết sự cống hiến cho nghệ thuật. Để có được một chương trình nghệ thuật thành công như thế ngoài phần biểu diễn của các nghệ sĩ: NSND Trọng Hữu, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Quế Trân, NSƯT Nhơn Hậu, NS Minh Hòa, NS Hoa Lý, NS Bình Trọng, NS Kim Phụng, các nghệ sĩ của Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, ca sĩ Huỳnh Lợi, ca sĩ Thùy Dương ,ca sĩ Thái Bảo với phần phối hợp của nhóm Giai Điệu Việt, 4 SUS, vũ đoàn Ngọc Việt, Mặt Trời Việt, Shy, Art Event (Đại học văn hóa TP.HCM), Nhà thiếu nhi Kiên Giang… thì còn có sự chỉ đạo tận tình của những thầy giáo của chúng tôi Tổng đạo diễn Hoàng Duẩn, đạo diễn Nghi Tuấn, biên đạo múa Võ Nguyễn Thành Nhân đã làm cho chương trình trở nên hấp dẫn và mang đầy ý nghĩa. Chương trình không chỉ cho chúng tôi hiểu thêm về lịch sử, về ANDT Nguyễn Trung Trực, về một giai đoạn lịch sử của đất nước mà còn là những bài học thực tiễn về nghề nghiệp mà chúng tôi đang theo đuổi. Tôi học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các thầy, tôi quan sát và học hỏi từ cách chỉ đạo âm thanh, ánh sáng cho đến thiết kế sân khấu cùng với các diễn viên múa và anh chị em nghệ sĩ. Tổng đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết “Chương trình khai mạc được chia thành 2 phần với chủ đề “Bản hùng ca bất tử” và “Kiên Giang-kết nối vươn khơi” với hai màu sắc khác nhau trong phong cách dàn dựng trong một bố cục tổng thể thống nhất của chương trình: ngợi ca truyền thống, kế thừa và phát triển Kiên Giang trong giai đoạn mới.

Mở màn cho sân khấu hóa...

NSUT Lê Tứ trong hình tượng AHDT Nguyễn Trung Trực, vai diễn của anh giúp chúng tôi học được nhiều về diễn xuất

Với các em của Nhà thiếu nhi Kiên Giang

Với NS Minh Hòa....

cùng bay bổng với đam mê nghệ thuật...

Với một vai trò mới là diễn viên múa tôi mang trong lòng hai dòng cảm xúc, một là tôi rất vinh hạnh và tự hào khi mình có cơ hội để học hỏi và trải nghiệm một vai trò mới, hai là tôi sợ mình không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng nhờ những kinh nghiệm cũng như sự giúp đỡ của tất cả mọi người trong vũ đoàn Ngọc Việt, Mặt Trời Việt, các bạn trong lớp cuối cùng tôi cũng hoàn thành tốt vai trò là diễn viên múa của mình. Ngày tôi đặt chân xuống vùng đất Kiên Giang là ngày nắng gắt, nhưng cả đoàn ai cũng háo hức nhìn về sân khấu. Tôi hoàn toàn bị choáng ngợp bởi sự hoành tráng của sân khấu, từ cảnh trí cho đến cách “người ta” dàn dựng tôi nhìn thấy được sự chuyên nghiệp của một chương trình sự kiện lễ hội lớn và được trực tiếp truyền hình.

Sự chỉn chu trong tập luyện và thái độ làm việc chuyên nghiệp của các anh chị đi trước cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm quí

Dưới cái nắng gắt gần 37 độ nhưng chúng tôi vẫn hăng say chạy chương trình, dù có nắng gắt hay mệt như thế nào nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết mình để cống hiến cho khán giả chương trình nghệ thuật sắp tới. Chúng tôi giúp đỡ nhau trao cho nhau ly nước, cho nhau tiếng cười như khích lệ tinh thần mà phút chốc chúng tôi quên đi cái nắng như rát da. Có bạn bị cháy nắng đen nhẻm cả một vùng da nhưng mà nụ cười vẫn tươi tắn trên môi, cùng nhau chỉnh sửa những gì còn sai sót trên sân khấu. Cái tình cảm này tôi nhìn thấy và cảm nhận được trên từng nụ cười của mỗi người. Thoáng chút tôi lại thấy thương cho những người thầy của tôi, vì chương trình mà thầy ăn vội và thầy cũng không kịp uống nước mà dùng hết tâm sức và kinh nghiệm của mình để làm cho chương trình hoàn hảo hơn và đặc biệt để khán giả có một đêm thưởng thức nghệ thuật mang đầy ý nghĩa và sâu sắc.

Phối hợp cùng nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang...

Cùng NSUT Nhơn Hậu nhập vai vào nhân vật

Diễn viên La Mindu là cựu sinh viên của Khoa QLVH,NT và nhóm Giai điệu Việt

Diễn hoạt cảnh...

Đó là ngày chạy chương trình để lại rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho tôi. Đến ngày diễn ra chương trình tôi mới thật sự xúc động khi nhìn xuống hàng ghế khán giả, tôi thấy được sự trông chờ, kỳ vọng của khán giả và đâu đó tôi thấy nét mặt vô cùng hạnh phúc của người dân nơi đây khi sắp tới là một chương trình kỷ niệm sự hy sinh của người con vùng đất Kiên Giang mang tên Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Cùng với không khí ấy tôi nhìn sang những con người làm công việc thầm lặng như các anh hậu đài hỗ trợ chúng tôi, các anh chạy từ cánh gà bên trái sang cánh gà bên phải, chuẩn bị mọi thứ để phục vụ cho đêm diễn, người vội ăn chiếc bánh mì, người thì chạy chuẩn bị cảnh trí, nhìn chiếc áo của các anh thấm đượm mồ hôi nhưng khi hỏi các anh có mệt không thì các anh vui vẻ cười và nói “Không đâu, nhiệm vụ của tụi em là phải diễn cho tốt, tụi anh sẽ hỗ trợ hết mình”. Câu nói truyền lửa ấy làm chúng tôi có thêm niềm tin trên sân khấu. Mà hậu đài là ai? Cũng là thành viên trong lớp chúng tôi. Lớp chia ra nhiều nhóm: diễn viên múa, hoạt cảnh, hậu đài, kỹ thuật, làm nhạc, thực hiện clip, tổ chức biểu diễn…mỗi người một việc.

Hàng ngàn khán giả đón xem chương trình tại sân khấu

Một khán giả lớn tuối vừa xem vừa quay lại các tiết mục biểu diễn

Trong lúc diễn tôi nhìn xuống phía khán đài với hàng ngàn người đón xem mà trong lòng tràn đầy nhiệt huyết. Nhiều lần khán giả đã vỗ tay tán thưởng cho các nghệ sĩ, trong từng cảnh diễn. Nghe tiếng vỗ tay của khán giả như tiếng pháo ngày xuân, tôi hạnh phúc biết bao nhiêu khi là sinh viên năm tư đã được đứng trên một sân khấu hoành tráng như thế này. Lúc đó tôi lại thêm yêu và quý trọng ngành nghề của mình hơn.

Để có thăng hoa trên sân khấu chúng tôi cùng các thầy của mình trải qua những buổi tập luyện như thế này đây:

Chúng tôi cùng thầy Hoàng Duẩn, thầy Nghi Tuấn

Thầy Thành Nhân và thầy Hoàng Duẩn cùng chúng tôi giữa trưa nắng

tôi và các bạn trong buổi chạy chương trình (Bảo Nghi người cầm cờ)

Với NSUT Lê Tứ và ca sĩ Thái Bảo trước khi lên sân khấu

t

Thành kính, tập trung trước khi lên sân khấu

Chúng tôi diễn thì bạn chúng tôi làm nhạc, chụp hình và...làm hậu đài

Tấm hình thầy trò chụp chung cũng là lúc màn hình sân khấu đã tắt...

Chú Lê Ngọc Em (bìa trái) chỉ đạo nghệ thuật,-giám đốc Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang chụp hình cùng các đại biểu, đạo diễn, ca sĩ của chương trình

Đây thực sự chính là một chương trình mang đầy ý nghĩa và kinh nghiệm cho chúng tôi. Qua đó, chúng tôi học hỏi được cách dàn dựng của một chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và thử sức với nhiều vai trò mới để trải nghiệm thực tế. Bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết của toàn thể lớp Đại học quản lý văn hóa 11.3 đã góp phần cho sự thành công của chương trình truyền hình trực tiếp kỷ niệm 151 năm anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh. Xin chân thành cảm ơn các thầy: đạo diễn Hoàng  Duẩn, đạo diễn Nghi Tuấn, biên đạo múa Võ Nguyễn Thành Nhân đã giúp đỡ và tạo cơ hội cho sinh viên chúng em được trải nghiệm thực tế và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu của các thầy.

Lãnh đạo Tỉnh Kiên Giang tặng hoa các ca sĩ, nghệ sĩ, chúc mừng cho thành công của chương trình

                                                       Bài: Võ Bảo Nghi

Ảnh:  Linh Linh - Nghi Nghi

Sinh viên Đại học QLVH 11.3

 

 

Từ khóa: