Ly cà phê Ban Mê – Ly cà phê của chính chúng tôi!

21
03
'19

Kết thúc hai sự kiện lớn trong một chuyến đi trải nghiệm và hôm nay tôi tại vu vơ vài dòng cho những xúc cảm đong đầy khi mà miệng đang khẽ hát “Trời cao nguyên đêm sao lấp lánh, soi mặt em thơ rạng ngời...”. Như vậy, sau “Khi tôi 18” tại Tây Ninh, “Đẹp lắm Cần Thơ” tại Cần Thơ, một chuyến đi nữa đã khép lại, mặc nhiên, nó luôn để lại trong chúng tôi - những cô cậu sinh viên năm 3 (chuyên ngành Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật) những dư vị riêng!

Người ta nói Tây Nguyên nổi tiếng với cà phê. Và có thể nói rằng, vị của cà phê trên đầu lưỡi, cái vị mà vị giác chúng ta cảm nhận khi nhâm nhi một tách cà phê Ban Mê là những gì chúng tôi có được sau “Tây Nguyên vẫy gọi”! À không, phải nói rằng quá trình thưởng thức cà phê cũng giống như hành trình đến Đắk Lắk lần này của chúng tôi! Thưởng thức cà phê là thưởng thức từ hương, đến vị, đến hậu vị. Cả một tập thể chúng tôi cũng thế đấy. Cái “hương” nồng nàn, mỹ miều nhưng đậm chất hoang dã của phố núi Tây Nguyên đã khơi gợi trong chúng tôi một khát khao cháy bỏng được đặt chân đến nơi đây. Ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi đã vẽ nên một mảng màu hồng với những mong muốn, những hy vọng cho một “Tây Nguyên vẫy gọi” thật hoành tráng. Nhưng như một ly cà phê, uống vào rồi mới thấy “đắng”! “Đắng” vì suốt quá trình làm việc chúng tôi đã trải qua bao biến cố, sự cố gắng nào cũng thắm đẫm mồ hôi, có đâu có nước mắt và những giọt máu hồng. Còn nhớ những ngày - đêm dày mòn mỏi đến tận khuya để lên ý tưởng, thiết kế từng hình ảnh cho chương trình rồi thay đi sửa lại đến hoa cả mắt.

Trước khi làm nghệ sĩ thì phải làm...đạo cụ biểu diễn

Ngọn lửa hy vọng...

Cả những đêm tối căn phòng C12 luôn sáng đèn, với bấy nhiêu con người cùng lọ mọ đo đếm, gọt tỉa, cắt dán, sơn phết để làm từng cái chiêng, cái cồng, từng cây nêu, nhà dài! Mỗi một ngón màu dính trên mặt, là một “ngón kỷ niệm” khắc vào trong tâm trí từng con người. Chúng tôi từng rất mệt mỏi, từng mâu thuẫn, thậm chí đã có lúc từng muốn buông bỏ, chừng ấy giận làm thấy hờn nhau đến lạ! Nhưng cái ngọn lửa hy vọng, ngọn lửa đam mê trong chúng tôi chưa bao giờ tắt! Ngọn lửa ấy có lúc không cháy bùng mạnh mẽ như ban đầu, nhưng lại như than hồng âm ỉ, mãi không lụi tàn! Để rồi lần nữa ngọn lửa ấy cháy bùng lên như cái cách mà vị ngọt kín kẽ, huyền bí trong cà phê quyện chặt lên đầu lưỡi, len lỏi với cái đắng thơm ngon lôi cuốn đến lạ.

Chúng tôi đặt chân đến Krông Pắc sau 6 tiếng ngồi xe dài đằng đẳng đến rã rời thân người, rồi lại bắt tay nhau dựng đạo cụ, tập luyện cho đêm diễn dưới cái nắng của đất núi. Chúng tôi lập một bàn thờ Tổ sau sân khấu, ai cũng thắp một nén nhang, thành tâm khấn nguyện, cầu mong một chương trình trót lọt. Nghe ai đó nói với tôi rằng, ban đầu ly đèn trên bàn thờ bị vỡ, cô bạn trong đoàn vừa lái xe đi tìm mua đèn mới vừa khóc cả đoạn đường vì sợ chương trình không êm xuôi, sợ phí phạm công sức của mọi người...Nghe mà thấy đau lòng! Nhưng may mắn thay, chương trình đã thành công hơn mong đợi với sự giúp đỡ, ủng hộ, tán dương của mọi người và hơn hết chắc là nhờ vào cái tâm của mỗi con người chúng tôi từ diễn viên, đến hậu cần!

Khán giả đến chờ xem chương trình từ rất sớm

Đoàn viên thanh niên của Huyện là những người đến sớm nhất

Lực lượng Phòng cháy chữa cháy cũng sẵn sàng cho sự kiện

Nụ cười hồn hậu của người lớn

Trẻ em ngêu ngao hát theo những câu ca quen thuộc...

Say xưa với các tiết mục...

Và hòa theo không khí của chương trình

Những khoảnh khắc tỏa sáng của các "nghệ sĩ" ...năm thứ 3...

Chính thời khắc chương trình khép lại thành công tốt đẹp, cũng giống như lúc chúng tôi cảm nhận sâu đậm cái hậu vị tuyệt vời của ly cà phê Ban Mê đem đến. Quay quần bên ngọn lửa hồng, cả đoàn cùng cùng những anh chị em của Huyện Đoàn ca hát, nhảy múa và uống cạn bình rượu cần. Người Krông Pắc nhiệt tình làm sao, khán giả ở lại vui cùng chúng tôi đến tận khuya! Thế nhưng như ta đã nói, hậu vị của cà phê có ngọt, cũng vẫn vươn vấn chút đắng! Câu nói của một đứa bạn trong đoàn khi cậu ta trân trân nhìn đoàn chúng tôi dọn dẹp sân khấu sau chương trình cứ loanh quanh mãi trong đầu tôi: “Mày ơi, tụi nó sắp tháo bỏ Tây Nguyên vẫy gọi rồi kìa”. Chỉ biết là thời khắc ấy tim hẫng đi một nhịp, nước mắt cũng chực trào ra! Dồn tất cả tâm huyết, từ lâu,

Trên sân khấu có những nghệ sĩ tỏa sáng...

Bên dưới có nhân viên "truyền thông" rất căng thẳng...

Các hậu đài còn...căng hơn... vì sân khấu lớn quá...

Hỗ trợ nhau kiểm tra trang phục trước khi lên sân khấu...

“Tây Nguyên vẫy gọi” không chỉ là một chương trình biểu diễn, mà đã trở thành một cái túi to khổng lồ chứa mọi tình cảm, tâm huyết của chúng tôi! Chỉ mong thời khắc ấy dừng lại mãi thôi... Sau một chuyến đi, Tây Nguyên không chỉ cho chúng tôi được “thưởng thức trọn vẹn một ly cà phê” mà còn đem đến cho chúng tôi một loạt trải nghiệm cũng như hình dung khó quên về con người và cảnh đẹp của vùng đất này!

Tiết mục giao lưu cùng đồng bào địa phương

Tình cảm khán giả dành cho chương trình 

Sự đồng hành của Thầy cô trong Khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật luôn là động lực cho chúng tôi hoàn thành công việc

Chụp hình lưu niệm cùng thầy cô

Thạc sĩ -đạo diễn Hoàng Duẩn và Thạc sĩ Lê Thị Vương Nguyệt 

Thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn (Tổng đạo diễn Bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 7, 2019) và Thạc sĩ Vũ Thị Bích Duyên (nghệ nhân biểu diễn Quan Họ trong chương trình)

Nhớ lúc chúng tôi trở thành một trong những diễn viên, ca sĩ của Lễ bế mạc “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2019”, một sự kiện lớn có tầm quốc gia được truyền hình trực tiếp trên VTV, dù chỉ góp một ít sức nhỏ nhưng lại thấy thật thú vị và cảm thấy bản thân phải cố gắng hơn nhiều vì nhìn thấy sự công phu, đầu tư và chuyên nghiệp của chương trình.

Nhớ lúc pháo hoa bắn lên nền trời, có đứa giật mình rồi ôm nhau cười, nhớ lúc trời tối phải soi đèn flash từ điện thoại cho nhau để trang điểm, nhớ lúc nhìn khuôn mặt chưa trang điểm hoàn chỉnh của nhỏ bạn rồi cả đám bật cười. Nhớ hoài những nụ cười ấy, nhiều khi thấy thương nhau đến lạ!

Người ta hay nói “khi trải qua rồi mới biết trân trọng”, thật vậy, đến khi quay trở lại guồng quay hối hả của Sài Gòn, ta lại thèm cái mộc vị của Tây Nguyên, ta mới thấy nhớ nhung màu xanh đại ngàn, ta chợt nhận ra những bài hát về nơi đây cứ âm vang mãi trong đầu! Chúng tôi hạnh phúc khi thấy tên nhóm Tài tử Lục Huyền- Đại học Văn hóa TP.HCM chạy trên màn hình chương trình của VTV, chúng tôi vui và hãnh diện khi nghe các đạo diễn gọi tên trên sân khấu quảng trường 10.3 Thành phố Buôn Ma Thuột rằng: “nhóm Đại học Văn hóa TP.HCM đâu, ra sân tập”… trước rất nhiều khán giả đến xem buổi tập…

Nhớ lắm một chuyến đi. Hẹn một ngày không xa trong đời sẽ gặp lại vùng đất chân phương nơi đại ngàn đầy huyền thoại này!

Cảm ơn Đắk Lắk! sẽ không quên!

                                                                                                                                                                                            Bài: Dạ Lynn

                                                                                                                                                                                          Ảnh: Art Event

 

Từ khóa: