“Kỳ tích” của sinh viên năm thứ 1 và năm thứ 2, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật trong Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca Điện Biên”

21
05
'24

Bạn có bao giờ tự hỏi làm thế nào mà sinh viên năm thứ 1 và năm thứ 2 – những người chưa được học sâu về chuyên môn, có thể tổ chức thành công một chương trình biểu diễn nghệ thuật với quy mô lớn, có tầm vóc thời đại và giá trị lịch sử đặc biệt như Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chưa? 

Chúng tôi, những sinh viên của lớp Đại học Quản lý văn hóa 17.1A, 17.1B, 17.2, 17.3 và 18.3 thực hiện chương trình này đã từng tự hỏi mình như thế. 

Ý tưởng tổ chức Chương trình “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” với chủ đề “Bản hùng ca Điện Biên” đến từ nội dung đi thực tế học phần Quản lý nhà nước về văn hóa 2 và Giáo dục nghệ thuật. Nhằm giúp sinh viên nhận thức đúng đắn về ngành nghề qua phương pháp học tập trải nghiệm trong một chương trình nghệ thuật cụ thể, các cô giáo của chúng tôi đã liên hệ, kết nối với Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Củ Chi (thông qua anh Lâm Tuấn Anh, cựu sinh viên của khoa) và nhận được lời đề nghị cùng phối hợp tổ chức chương trình này. 

Tính từ khi bắt tay vào công việc (04/3/2024) cho đến ngày chính thức biểu diễn (04/5/2025) vừa tròn 2 tháng. Chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được Khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật tín nhiệm trao cho cơ hội thực hiện chương trình. Áp lực về thời gian hoàn thành chương trình đối với chúng tôi khá nặng: Lên kế hoạch, phân tích công việc, hình thành bộ máy tổ chức, đội ngũ quản lý,các bộ phận chuyên môn (Tài chính, Nhân sự, Hành chính, Sản xuất, Biểu diễn, Biên tập, Thiết kế, Truyền thông, Hậu cần, Hậu đài), bố trí, tuyển dụng nguồn nhân lực, xây dựng nội quy hoạt động,... rất nhiều công việc để chuẩn bị cho một chương trình biểu diễn nghệ thuật mà lần đầu tiên chúng tôi được biết và trải nghiệm. Ngoài ra, còn rất nhiều những thách thức khác như sự khác biệt về tính cách của 185 con người đến từ các lớp khác nhau, chuyên ngành khác nhau (Quản lý hoạt động văn hóa xã hội; Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật; Tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch), thiếu nguồn kinh phí, điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài liên tục (có khi lên đến 40C°) và đến ngày diễn ra chương trình thì trời mưa…đã khiến chúng tôi không ít hoang mang, lo sợ!

Nhưng nhờ sự quan tâm của Ban Giám hiệu Nhà trường, Phòng Hành chính, Tổng hợp…; sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình về vật chất và tinh thần của Quý Thầy, Cô, Anh, Chị, Em và bạn bè khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đứng đầu là TS. Vũ Thị Phương. Đặc biệt, nhờ có sự ân cần chỉ dạy của TS. Đạo diễn Hoàng Duẩn, sự tận tụy không mệt mỏi của ThS. Biên đạo múa Võ Nguyễn Thành Nhân, sự theo dõi sát sao của ThS. Lê Thị Vương Nguyệt, sự gắn bó, giúp đỡ mọi mặt trong quá trình làm chương trình của anh Nguyễn Tấn Thành… Mặt khác, về phía Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Củ Chi, được sự nồng nhiệt đón tiếp của Chú Trần Trung Nghĩa – Giám đốc Trung tâm, Cô Nguyễn Nhật Tiến – Phó Giám đốc và các Cô, Chú, Anh, Chị của Trung tâm luôn tạo những điều kiện thuận lợi cho sinh viên…đã tạo nên động lực mạnh mẽ cho chúng tôi làm việc với quyết tâm cao nhất.

Cuối cùng, chúng tôi đã vượt qua tất cả mọi khó khăn, trở ngại và đạt được mục tiêu đúng kế hoạch. Vào lúc 19h00, ngày 04/5/2024 tại Công viên Văn hóa huyện Củ Chi, Chương trình nghệ thuật “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” - “Bản hùng ca Điện Biên” đã diễn ra thành công tốt đẹp. 

Chương trình đã nhận được sự chào đón, hưởng ứng nhiệt liệt của người dân địa phương. Kết thúc mỗi tiết mục, chúng tôi đều nhận được những tràng vỗ tay từ phía khán giả. Giây phút đó, không khí náo nhiệt, hào hứng của mọi người khiến cho chúng tôi cảm nhận được tình yêu dành cho nghệ thuật nói riêng và đất nước nói chung của các bạn, các em năm 1 cháy bỏng và nhiệt huyết như thế nào.

Đông đảo bà con đón xem chương trình nghệ thuật

Ảnh: Lớp ĐH.QLVH 17

Trong hơn hai giờ đồng hồ theo dõi chương trình, được hòa vào lời ca tiếng hát, điệu múa của các bạn lớp 17.1, 1.2, 17.3 và các em lớp 18.3 chúng tôi nhận ra rằng tinh thần yêu nước luôn cháy âm ỉ trong mỗi người chúng ta, khi đến thời điểm thích hợp, ngọn lửa ấy sẽ bùng lên thiêu rụi tất cả những nỗi lo sợ, nó khiến ta sẵn sàng đứng lên vì Tổ quốc. Chúng tôi càng xúc động hơn nữa khi thấy niềm vui sướng trong ánh mắt của các bạn, các em sau khi hoàn thành mỗi tiết mục, những giọt nước mắt lăn dài trên má của bà con, cô bác khán giả pha lẫn sự tự hào ánh lên trên gương mặt của tất cả mọi người.

Các cấp lãnh đạo đón xem và đánh giá rất cao về chương trình của sinh viên Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật

Ảnh: AT. Team

Trong suốt quá trình diễn ra sự kiện, chúng tôi đã có cơ hội được tham gia nhiều hoạt động khác nhau: Làm đơn mượn cơ sở vật chất, viết kịch bản sự kiện, làm đạo cụ biểu diễn,... Những buổi tập luyện, hội họp…giúp tôi học tập được rất nhiều kinh nghiệm từ thầy, cô và gần gũi hơn là bạn bè. Bên cạnh đó, việc rèn luyện những kỹ năng mềm cũng vô cùng quan trọng: giao tiếp, lãnh đạo, quản lý thời gian, tư duy giải quyết vấn đề… theo chúng tôi, rất cần thiết cho suốt hành trình học tập và làm việc sau khi ra trường. Ngoài ra, từ chương trình này các mối quan hệ hợp tác trong lớp, giữa các lớp trong khoa và ngoài xã hội cũng được mở rộng; việc phối hợp tổ chức chương trình càng giúp chúng tôi trở nên thân tình, đoàn kết hơn. Không dừng lại ở đó, thông qua chương trình, chúng tôi còn có thêm nhiều kiến thức, tư liệu quý giá về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – những người đã trọn đời vì nước vì dân; về đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương đất nước. 

Lãnh đạo Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thông huyện Củ Chi tặng quà lưu niệm và hoa cho Lãnh đạo Khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật

Hôm nay một thời gian ngắn sau khi kết thúc sự kiện, nhìn lại những gì đã qua, chúng tôi rất biết ơn sự định hướng đào tạo đúng đắn của Nhà trường, sự lãnh chỉ đạo sáng suốt của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật và Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Củ Chi, sự cố vấn tài tình của Thầy cô Ban Cố vấn, sự đóng góp quý báu của Quý cơ quan, Đơn vị, Doanh nghiệp, các Mạnh thường quân, Nhà hảo tâm, Quý Thầy, Cô, Anh Chị sinh viên, cựu sinh viên, sự góp mặt của bà con, cô bác khán giả đến xem chương trình cũng như sự nỗ lực của 185 sinh viênđến từ lớp ĐH Quản lý văn hóa 15, 16, 17 và 18. 

Trách nhiệm của chúng tôi – Sinh viên khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh khi thực hiện chương trình về lịch sử nước nhà nói chung, chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, mong muốn truyền tải sự nhiệt huyết của tuổi trẻ sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc thông qua nghệ thuật; tri ân các chiến sĩ, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc, cho thế giới hòa bình – Chúng tôi đã thành công. Chúng tôi đã làm nên “Kỳ tích”!

Thầy Cô Khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật luôn đồng hành cùng chúng tôi

Cuối cùng, xin mượn lời cảm nhận của một số bạn tham gia chương trình để kết thúc bài viết:

"Đây là chương trình lớn đầu tiên mà mình tham gia, may mắn vào dịp nước ta chuẩn bị lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - một trong những chiến thắng hào hùng nhất của lịch sử dân tộc. Đó cũng là một động lực lớn cho chúng mình cố gắng và hoàn thành chương trình này cũng như những chương trình khác trong tương lai thật tốt." (Phan Thị Kiều Linh, lớp 17.2)

Những trải nghiệm phía sau sân khấu là những bài học quí giá cho chúng tôi sau này

"Mình cảm thấy thật sự hạnh phúc, mãn nhãn và đắm chìm vào các tiết mục nghệ thuật đầy hoành tráng, chỉn chu và chứa đựng rất nhiều ý nghĩa lịch sử. Đây là chương trình có quy mô lớn mà chúng mình vinh dự được thực hiện. Tuy còn nhiều thiếu sót song chúng mình đã cùng nhau cố gắng, đoàn kết và cuối cùng chúng mình đã gặt được thành công rực rỡ." (Phan Thanh Vũ, lớp 17.2)

"Em cảm thấy rất vui vì được là một phần trong chương trình, khi tập thì có đôi khi mệt nhưng đến lúc diễn ra chương trình thì mọi công sức bỏ ra đã được đền đáp, được thấy khán giả hò reo, vỗ tay và thấy sự thành công của chương trình được bà con cô bác đón nhận thì em cảm thấy rất hạnh phúc " (Dương Thái Lâm, lớp 18.3)

 

"Sau khi thực hiện chương trình Bản hùng ca Điện Biên em cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Đây là một trong những chương trình lớn nhất mà em từng được tham gia. Sau khi xem lại những hình ảnh và thước phim đã được quay, chụp lại thì em lại càng xúc động hơn. Những giọt mồ hôi  của cả tập thể đã được đền bù xứng đáng bằng những giây phút tỏa sáng trên sân khấu. Em xin được dành một lời tri ân sâu sắc đến Ban Cố vấn của chương trình là những thầy cô của Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật đã luôn chỉ dạy, chăm lo cho các em. Cảm ơn các Cô, Chú, anh, Chị của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông đã tạo điều kiện để chương trình được thành công tốt đẹp. Và cảm ơn các anh chị lớp Đại học Quản lý Văn hóa khóa 17 đã đồng ý để lớp 18.3 cùng được tham gia thực hiện chương trình này. (Lê Công Danh, lớp 18.3)./.

Chúng tôi chụp ảnh lưu niệm cùng Thầy cô Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật và các cấp lãnh đạo

Ảnh: AT. Team

Bài: Trần Bảo Ngọc, Nguyễn Ngọc Yến Nhi, Trương Thị Cẩm Tiên

Đọc thêm về chương trình

https://toquoc.vn/ban-hung-ca-dien-bien-ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-20240505105325969.htm

https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/chuong-trinh-bieu-dien-nghe-thuat-ban-hung-ca-dien-bien-1491922160

THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC CHÍNH QUY CỦA KHOA QUẢN LÝ VĂN HOÁ, NGHỆ THUẬT NĂM 2024

Năm 2024 Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật, Trường Đại học Văn hoá TP.HCM tuyển sinh 03 Chuyên ngành Cụ thể các chuyên ngành được chia như sau:

Quản lý hoạt động văn hoá xã hội (60 chỉ tiêu);
Tổ chức sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch (90 chỉ tiêu);
Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hoá nghệ thuật (60 chỉ tiêu)

Đọc thêm thông tin chi tiết tại đây: 

http://quanlyvanhoa.hcmuc.edu.vn/hot-thong-tin-tuyen-sinh-nganh-quan-ly-van-hoa-nam-2024-voi-210-chi-tieu.html

 

Từ khóa: