“Nghệ thuật trong Tôi”- nơi chúng tôi bắt đầu

08
11
'22

Sau mọi cố gắng, nỗ lực và dưới sự hướng dẫn của TS. Phạm Phương Thùy, chương trình “Nghệ Thuật Trong Tôi” cũng đã nở hoa, kết trái vào lúc 8:00 sáng, ngày 29/10/2022 (thứ bảy) vừa qua, tại hội trường D1, trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 1). Dù chưa thực sự hoàn hảo như những gì chúng mình trông đợi nhưng “đứa con đầu lòng” này luôn được lớp ĐH. QLVH16.3 hết sức trân trọng và nâng niu.

 

Hoàng Nam và Tuyết Anh – 2 MC dễ thương của chương trình

“Nghệ Thuật Trong Tôi” được lớp ĐH. QLVH 16.3 – Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật gieo những hạt giống đầu tiên khi chúng mình quyết định cùng nhau tổ chức và dàn dựng chương trình thi giữa học phần Quản lý nhà nước về văn hóa 1 với đề bài: “Tuyên truyền, phổ biến Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn”. “Nghệ Thuật Trong Tôi” có lẽ đã đem đến những góc nhìn mới lạ về nghệ thuật biểu diễn. Trên cái cây đậm chất “nghề” ấy, có loại quả ngọt mang tên “Tâm - Nghề”, chúng mình cùng nhau “ăn” để hiểu “có tâm mới làm được nghề, làm nghề phải có tâm”.

Tiểu phẩm “Tâm – Nghề”

Với hương vị vừa lạ vừa quen, vừa có tính giáo dục lại vừa mang chất nghệ thuật đó là bài rap tuyên truyền Nghị định 144/2020/NĐ-CP được sáng tác bởi bạn Tùng Sơn, một thành viên của ĐH. QLVH 16.3.

Rap tuyên truyền Nghị định 144/2020/NĐ-CP

Một trái ngọt nữa mang đậm sắc hương núi rừng Tây Bắc nhưng sâu bên trong là cái vị của sự thấu hiểu những mặt tích cực và tiêu cực trong lĩnh vực NTBD Việt Nam hiện nay. Tất cả được thể hiện qua sự kết hợp hình thức hát, múa với tuyên truyền viên, cổ động trực quan đến từ nhóm 2 và nhóm 7.

Phần thi của nhóm 2 và nhóm 7

Không dừng lại ở đó, “Nghệ Thuật Trong Tôi” còn mang đến cho khán giả những giây phút “mặn, đắng” khi tìm hiểu về NĐ 144 thông qua các câu đố vui trong phần minigame hay từ phần talkshow giao lưu giữa “MC Triệu Long” với “Hoa hậu ANNA LAN LÊ”

Minigame, Talkshow, Phim tuyên truyền được thực hiện bởi nhóm 1, 4 và 5

Và cuối cùng, để chứng minh cho sự đa dạng và phong phú của NTBD Việt Nam, chúng mình đã kết hợp những thanh âm đương đại với dân gian qua 2 nhạc phẩm “Đêm gành hào” và “Chờ người nơi ấy”. Phần trình diễn đầy xúc cảm này chính là món quà tạm biệt mà “Nghệ Thuật Trong Tôi” muốn gửi tới khán giả thân thương.

Nhóm 6 với tiết mục kết hợp “Đêm gành hào” và “Chờ người nơi ấy”.

Có thể nói, để có được “Nghệ Thuật Trong Tôi” như thế, chúng mình không thể không nhắc đến một vòng tay vững chãi, luôn theo sát lớp, đó là giảng viên chủ nhiệm – ThS. Hoàng Thị Nhung. Và chắc chắn, chúng mình cũng sẽ không bao giờ quên sự tư vấn, hướng dẫn của quý thầy cô Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật và TS. Phạm Phương Thùy - Giảng viên học phần Quản lý nhà nước về văn hóa 1.

Song, điều mà lớp ĐH. QLVH 16.3 cảm thấy đặc biệt và trân trọng nhất chính là sự ủng hộ nhiệt thành của quý khán giả trong và ngoài trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Chân thành cảm ơn quý vị đã tham dự từ đầu đến cuối chương trình. Đó chính là động lực to lớn giúp chúng mình hoàn thành buổi biểu diễn và cũng là bài kiểm tra quan trọng của học phần.

Các bạn khán giả đã đến rất sớm và ở lại đến cuối chương trình

“Nghệ thuật trong tôi”, nhưng thật ra không có cái “tôi” nào riêng rẽ mà là “cái tôi rất chung” của tập thể lớp ĐH. QLVH 16.3. Cái tôi mang tên 16.3 đó được làm nên từ những cá nhân hãy còn non nớt; bằng những lời dạy dỗ, nỗ lực và nhận lại những giọt nước mắt hạnh phúc, sự biết ơn, tri ân sâu sắc. “Nghệ Thuật Trong Tôi” không chỉ mang lại cho chúng mình những kiến thức bổ ích về nghệ thuật biểu diễn, về công tác quản lý văn hóa mà còn là hành trang “kinh nghiệm” quý giá trên con đường “làm nghề” sau này.

Sau cùng, tất cả chúng ta đều sẽ chắp cánh bay đi. Chỉ có kỉ niệm này là ở lại mãi!

Bài viết: Hương Thanh Xuân, Phạm Phương Thùy

Nguồn ảnh: Đinh Chí Hiếu, Linh Nguyễn, Ân Đinh

 

Từ khóa: