Quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn từ góc nhìn xã hội học

15
07
'22

Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) là loại hình nghệ thuật sử dụng không gian của các loại hình sân khấu để thể hiện, truyền tải nội dung của các tác phẩm phi vật thể đến với công chúng. Ngày nay, sự tác động của khoa học công nghệ, của quá trình hội nhập đã đưa nghệ thuật biểu diễn không chỉ trở thành lĩnh vực tinh thần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của quần chúng mà còn trở thành một bộ phận của kinh tế thị trường phát triển trong năng động, sáng tạo. Song, vận động trong cơ chế thị trường đó, nếu nghệ thuật biểu diễn thiếu đi sự quản lý đồng bộ, hiệu quả sẽ đẩy nó vào tình trạng lộn xộn, gây tác hại tới nền kinh tế, tác động tiêu cực về chính trị, làm biến đổi và hủy hoại những giá trị đạo đức xã hội truyền thống tốt đẹp. Thực tế trên đang đặt ra yêu cầu cao đối với công tác quản lý nhà nước.

 

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta thử vận dụng thuyết xung đột của xã hội học để tìm hiểu và phân tích hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam.

1. Về thuyết xung đột

          Lý thuyết xung đột được đề xuất bởi Karl Marx, ông cho rằng xã hội đang ở trong tình trạng xung đột liên tục vì cạnh tranh bởi nguồn lực hạn chế. Ông cho rằng trật tự xã hội được duy trì bởi sự thống trị và quyền lực, thay vì sự đồng thuận và phù hợp.

Lý thuyết xung đột được sử dụng để giải thích một loạt các hiện tượng xã hội, bao gồm các cuộc chiến tranh, sự giàu có và nghèo đói, phân biệt đối xử và bạo lực. Lý thuyết này xoay quanh các khái niệm về bất bình đẳng xã hội trong việc phân chia tài nguyên và tập trung vào các xung đột tồn tại giữa các tầng lớp.

Các nhà nghiên cứu về xung đột có chung quan điểm cho rặng: xung đột xã hội là những tranh chấp giữa hau hoặc nhiều cá nhân hay nhóm xã hội. Và nguyên nhân dẫn đến xung đột là do:

Xung đột quyền lợi: đó là những đối thủ tranh giành quyền lực, địa vị…

Xung đột giá trị: là sự không đồng thuận trong xếp hạng thứ tự ưu tiên của các giá trị.

2. Vận dụng lý thuyết xung đột để đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

Các cơ quan quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật là một hệ thống bao gồm những bộ phận khác nhau với những chức năng cụ thể, chúng liên hệ với nhau và cùng vận hành tạo nên sự ổn định của hệ thống. Tuy nhiên trong quá trình vận hành vẫn tồn tại những xung đột trong đó có những xung đột tất yếu, những xung đột phát sinh; có xung đột tích cực đồng thời có những xung đột tiêu cực:

Xung đột tất yếu: giữa cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và các cơ quan quản lý nhà nước ở cơ sở; giữa cơ quan quản lý với các cá nhân/ tổ chức hoạt động trong lĩnh vực NTBD.

Xung đột phát sinh: giữa sự phát triển của lĩnh vực NTBD với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; xung đột quyền lợi và trách nhiệm giữa các bộ phận trong hệ thống cơ quan quản lý.

Xung đột tích cực (tính trồi): sự xung đột giữa chủ thể quản lý với các cá nhân các nghệ sỹ biểu diễn nhưng cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng và phát triển nền NTBD Việt Nam.

Xung đột tiêu cực: ví như sự xung đột do chồng chéo chức năng quản lý, xung đột giữa hiệu quả quản lý với lợi ích kinh tế của các cá nhân/tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật...

2.1. Trong việc xây dựng, triển khai thực hiện các văn bản quản lý

* Tính trồi:

          Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa luôn xác định việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều chính sách, văn bản pháp luật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng một số văn bản quan trọng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền các văn bản để cụ thể hóa công tác thực thi chính sách pháp luật về NTBD.

          Trước những diễn biến phức tạp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Cục NTBD – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản đến các tổ chức, cá nhân có liên quan để hướng dẫn, nhắc nhở qua đó tăng cường việc lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động NTBD. Thường xuyên chỉ đạo các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nâng cao trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Đa số các sai phạm đều do được hệ thống cơ quan quản lý nhà nước phát hiện qua đường dây nóng, dư luận báo chí và chỉ đạo kịp thời các cấp kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật;

* Xung đột:

          Đó là những xung đột giữa cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Cụ thể, trong quá trình triển khai một số văn bản quy phạm pháp luật đã xuất hiện bất cập như: việc áp dụng các biểu mẫu tại nhiều địa phương còn sai quy định; sự phối hợp giữa trung ương với địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến một số công ty, doanh nghiệp dùng giấy phép, công văn giả mạo của cơ quan quản lý nhà nước để trục lợi; hoạt động biểu diễn mang tính chất từ thiện, xã hội hóa đang nở rộ thời gian gần đây nhưng chưa được đề cập trong văn bản quản lý; việc quản lý nội dung các gameshow trên truyền hình còn bị bỏ ngỏ…

2.2. Trong công tác xử lý vi phạm

          Thời gian qua, một số chương trình biểu diễn nghệ thuật còn có những bất cập từ phía những nhà tổ chức và người biểu diễn, như: sử dụng trang phục, hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc, nghệ sĩ biểu diễn có những biểu hiện thiếu văn hóa …, gây những bức xúc trong dư luận xã hội, tác động xấu đến thẩm mỹ nghệ thuật.

* Tính trồi:

          Trước những diễn biến phức tạp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các Sở thiết lập đường dây nóng cũng như tiếp nhận thông tin trên báo chí, tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong hoạt động NTBD.

          Ngoài ra, Bộ và Cục NTBD cũng chủ trì hoặc tham gia nhiều hội nghị, hội thảo về vấn đề xử phạt vi phạm trong lĩnh vực NTBD để lắng nghe các ý kiến từ các bên liên quan.

          Đánh giá chung cho thấy, yêu cầu siết chặt quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật đã được đặt ra từ lâu và những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước về NTBD đã được ghi nhận bằng con số có tính khách quan.

* Xung đột:

          Đó là xung đột giữa xu hướng phát triển ngành công nghiệp biểu diễn với quá trình bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

          Nhìn một cách khách quan, rõ ràng vài năm gần đây, cho dù môi trường biểu diễn đang được các cơ quan nỗ lực làm trong sạch, thì ý thức của những người biểu diễn chưa tiến bộ là bao. Việc quản lý nhà nước về lĩnh vực NTBD vẫn là xử phạt chạy theo "sự đã rồi” chứ chưa nâng cao ý thức của người làm nghề. Nguyên nhân chủ yếu là do việc xử phạt vẫn chỉ là biện pháp hành chính, mới chỉ dừng ở việc nhắc nhở chứ chưa thực sự có tính răn đe. Và thực tế cũng cho thấy: với những ngôi sao "thị trường” thì việc nộp phạt hành chính dăm ba triệu đồng hay chục triệu đồng, để rồi họ tiếp tục được tái phạm được tự do quảng bá hình ảnh và chương trình của mình, xem ra chẳng đáng là bao. Từ ý kiến của công luận cũng có một thực tế đáng phải lưu ý đó là tất cả những trường hợp bị xử phạt đều chỉ mang chung một bản án "tạm thời bị đình chỉ biểu diễn”. Tạm là bao lâu, hay chỉ là giơ cao đánh khẽ, cũng là những câu hỏi cần có trả lời rõ ràng hơn.

Phạm Phương Thùy – Giảng viên Khoa Quản lý VH, NT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Nghệ thuật biểu diễn, Đề án quy hoạch phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, Hà Nội.

2. Nguyễn Văn Hy, Phan Văn Tú (1998), Quản lý hoạt động văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3. Trọng Khôi, Duy Khuê, Chu Thúy Quỳnh (2006), Giải pháp phát triển nghệ thuật biểu diễn, NXB Sân khấu, Hà Nội

4. Website của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn…

 

Từ khóa:

Mạng xã hội