CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TIẾN SĨ VÀ BÀI BÁO KHOA HỌC ĐĂNG TRÊN TẬP SAN KHOA HỌC QUỐC TẾ

06
04
'18

(Tham luận Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học cho các ngành Văn hóa - Nghệ thuật phía Nam”, tổ chức ngày 24-10-2011 tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP.HCM)

                                                                                 Nguyễn Thị Phà Ca

                                                                  Trường Đại học Văn hóa TP.HCM

Bài viết này trình bày vài nét về mô hình đào tạo tiến sĩ của Mỹ và Úc, qua đó nhấn mạnh đến một tiêu chuẩn quan trọng trong chương trình đào tạo tiến sĩ, đó là bài báo khoa học đăng trên tập san khoa học quốc tế có hệ thống bình duyệt. Thông qua tiêu chuẩn này bài viết kết luận, chất lượng đào tạo tiến sĩ và bài báo khoa học có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy muốn nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ phải nâng cao năng lực của đội ngũ nghiên cứu qua việc công bố bài báo khoa học trên tập san khoa học quốc tế. Kết luận này sẽ là một gợi ý tiếp theo cho giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học cho các ngành Văn hóa – Nghệ thuật nói chung, ở phía Nam nói riêng.

Trong chương trình đào tạo tiến sĩ, bài báo khoa học (BBKH) đăng trên tập san khoa học quốc tế (peer-review) có một vai trò quan trọng. Đây là một quy định được nhiều đại học trên thế giới đưa ra nhằm “tiêu chuẩn hóa chất lượng”[i] đào tạo tiến sĩ. Đối với các đại học châu Âu, Mỹ và Úc thì “công bố quốc tế là một điều gần như tất yếu trong quá trình học tiến sĩ”[ii]. Ở những nơi đó, người ta khuyến khích (thậm chí có nơi bắt buộc) nghiên cứu sinh phải có bài báo khoa học đăng trên tập san khoa học quốc tế (TSKHQT) trước khi làm luận án. Còn ở những nước Bắc Âu, thì luận án tiến sĩ chính là tập hợp những bài báo khoa học đã được xuất bản trên các tập san khoa học quốc tế. Những qui định như thế giờ đây cũng được áp dụng tại những đại học lớn của Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân,…Do bài báo khoa học có một vai trò đáng kể trong đào tạo tiến sĩ như vậy nên ngày nay hầu như các nước có đào tạo tiến sĩ đều quan tâm đến vấn đề này.

Riêng đối với Việt Nam, tiêu chuẩn về bài báo khoa học đăng trên tập san khoa học quốc tế trong chương trình tiến sĩ đã được đề cập từ lâu. Nhưng nhìn chung vấn đề này chỉ được biết đến với các ngành khoa học như y sinh học, kỹ thuật, nông nghiệp…còn đối với ngành Văn hóa – Nghệ thuật thì dường như rất ít khi được nhắc đến. Vì vậy, việc tham khảo mô hình đào tạo tiến sĩ của các nước, điển hình như  Mỹ, Úc và tìm hiểu thế nào là một bài báo khoa học đăng trên tập san khoa học quốc tế thiển nghĩ sẽ là điều có ích cho giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học nói chung, ngành Văn hóa – Nghệ thuật phía Nam nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

1. Vài nét về mô hình đào tạo tiến sĩ của Mỹ và Úc

Trên thế giới, nói về thành công trong giáo dục đại học (GDĐH), đặc biệt là đào tạo tiến sĩ (ĐTTS) thì không thể không nhắc đến 2 mô hình Mỹ và Úc. Trước hết, Mỹ được coi là một “khuôn mẫu thành công nhất trên thế giới về đào tạo tiến sĩ”[iii]. Nơi đây đã thu hút đông đảo sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu. Theo ước tính, có khoảng 400.000 nghiên cứu sinh (NCS) đang theo đuổi chương trình học tiến sĩ ở tất cả các lĩnh vực. Gần như một nửa NCS trên toàn thế giới đang theo học tại Mỹ[iv]. Bên cạnh mô hình Mỹ, Úc là một nước có nền khoa học được ví như “Một kim tự tháp vững chắc”. Đất nước này đã sản sinh ra “một đội ngũ hùng hậu các trí thức hàng đầu thế giới, với 10 nhân vật đoạt Giải Nobel và 1 nhân vật đoạt Giải Fields”[v]. Bên cạnh đó, “bầu trời khoa học Úc còn có rất nhiều ngôi sao sáng khác, tạo nên một môi trường khoa học hùng mạnh. Môi trường này nẩy nở từ một nền giáo dục tiên tiến – cái nôi đào tạo ra một lực lượng trí thức thành thục về chuyên môn, vững vàng về văn hoá, làm nòng cốt xây dựng Australia thành một cường quốc kinh tế, khoa học và công nghệ, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia hàng đầu trên thế giới”[vi].Với những lý do như vậy, kinh nghiệm đào tạo tiến sĩ ở Mỹ và Úc đã được nhiều nước học tập.

Tất nhiên không phải tất cả mọi vấn đề trong hoạt động đào tạo tiến sĩ ở Mỹ và Úc đều hoàn hảo. Chẳng hạn như chất lượng CTĐT thì không phải chương trình nào cũng giống như nhau. Ví dụ như ở Mỹ, trong tổng số 406 trường đại học đào tạo tiến sĩ thì chỉ có 50 trường là đứng ở vị trí hàng đầu (Philip G.Altbach). Do đó cần lưu ý là ở đây chỉ đề cập đến những chương trình có chất lượng cao.

Ở Mỹ, đào tạo tiến sĩ (ĐTTS) theo khuôn mẫu truyền thống diễn ra theo trình tự: cử nhân – thạc sĩ – tiến sĩ [vii]. Bậc cử nhân gồm 4 năm học, bậc thạc sĩ từ 1-2 năm và sau đó là bậc tiến sĩ. Quá trình học tiến sĩ tùy thuộc vào từng ngành sẽ có những quy định khác nhau về thời gian. Chẳng hạn nếu là lĩnh vực ứng dụng (như Quản lý Trường học) thì tính luôn cả thời gian viết luận án là 3 năm, lĩnh vực khoa học là 6 năm và các ngành khoa học nhân văn thì kéo dài đến 9 năm. Trong một số trường hợp và lĩnh vực nó đòi hỏi ứng viên phải có bằng thạc sĩ nhưng cũng có trường chỉ yêu cầu sinh viên có bằng cử nhân.

Việc tuyển sinh ở bậc tiến sĩ có sự chọn lọc rất kỹ. Không giống như bậc đại học là luôn rộng cửa đón sinh viên, tuyển NCS là một sự chọn lọc rất nghiêm ngặt. Trường càng có uy tín thì tiêu chuẩn chọn lọc càng cao và chỉ những ứng viên hàng đầu mới trúng tuyển.

Văn bằng tiến sĩ truyền thống “là một bằng cấp nghiên cứu có tính chất tinh hoa, nhằm chuẩn bị cho người học theo nghề nghiên cứu, hoặc, trong một số lãnh vực, nghiên cứu ứng dụng”[viii]. Tuy nhiên hiện nay điều đó đã có ít nhiều thay đổi. Bởi vì những người tốt nghiệp tiến sĩ thời gian gần đây rất ít làm nghiên cứu, mà chủ yếu là tham gia giảng dạy đại học. Cho nên nó đã bị phê phán là làm tăng khoảng cách giữa mục đích đào tạo với thực tế sử dụng.

Về chương trình ĐTTS thì tất cả các đại học ở Mỹ đều có chung một điểm là học coursework, thi và làm luận án[ix]. Trong khoảng 2 năm đầu, sinh viên phải học những môn có liên quan đến chuyên môn và phương pháp cho nghiên cứu và viết luận án, sau đó là thi. Sinh viên nào thi không đạt (nếu thi lại vẫn rớt) sẽ bị loại và chỉ được nhận bằng cao học. Những sinh viên thi đạt thì trở thành nghiên cứu sinh (Ph.D. candidate) và chuẩn bị làm luận án. Bắt đầu từ đó trở đi họ sẽ gắn với việc nghiên cứu và sẽ công bố kết quả nghiên cứu trên các TSKHQT để được bảo vệ luận án và tốt nghiệp.

Với một số ngành khoa học, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, đa số người nhận bằng tiếp tục làm nghiên cứu “hậu tiến sĩ” (“postdoc”). Giai đoạn này thường mất khoảng 1-2 năm. Kinh nghiệm tích lũy trong khoảng thời gian này là điều kiện tiên quyết giúp NCS tìm được chỗ đứng trong môi trường học thuật chính quy sau khi tốt nghiệp.

Còn ở Úc, mô hình đào tạo đại học và sau đại học của nó có khác với mô hình Mỹ[x]. Đầu tiên, ở bậc cử nhân (bachelor) thời gian thường là 3 năm đối với ngành khoa học cơ bản, nhân văn, văn chương; 4 - 5 năm đối với kỹ sư điện, dược và luật; và ngành y khoa thì thường là 6 năm cộng thêm 1-2 năm làm tập sự ở bệnh viện (sinh viên được nhận 2 văn bằng: Bachelor of Medicine và Bachelor of Surgery với danh xưng bác sĩ “doctor”). Giai đoạn sau đại học có 3 CTĐT (đối với đa số là các ngành khoa học, kỹ thuật) là Graduate Diploma, Masters và Doctorate. Chương trình Graduate Diploma và Masters có mục tiêu là đào tạo chuyên viên kỹ thuật, với thời gian khoảng 1-2 năm. Riêng CTĐT tiến sĩ (Doctorate) “là nhằm đào tạo những khoa học gia chuyên nghiệp (professional scientists), những chuyên viên nghiên cứu cao cấp cho các công ty kỹ nghệ và các cơ quan nghiên cứu thuộc chính phủ. Những người này đóng vai trò then chốt cho nền khoa học của Úc và là nguồn cung cấp giảng day cho các trường đại học”[xi].

Theo mục tiêu đào tạo đó, có 3 dạng tiến sĩ khác nhau mà ở đây chỉ nêu một dạng chung nhất cho tất cả các ngành khoa học (gồm cả khoa học cơ bản và nhân văn) là Ph.D. (doctor of philisophy). Trong CTĐT Ph.D., sinh viên tiến sĩ chỉ làm nghiên cứu chứ không học coursework. Nhưng đổi lại, họ phải dự những buổi thảo luận khoa học trong trường hàng tuần, tham dự những hội nghị chuyên ngành trong nước và phải dự ít nhất là một hội nghị quốc tế chuyên ngành… Đối tượng được nhận vào học Ph.D. là người có bằng thạc sĩ (masters) hay có kinh nghiệm nghiên cứu; cử nhân danh dự (honours); cử nhân thường nhưng đã làm nghiên cứu không dưới một năm. Thời gian học tiến sĩ khoảng 3-6 năm. Muốn bảo vệ luận án, NCS phải công bố ít nhất 2 hay 3 BBKH trên các TSKH. Và luận án thì thường được 3 nhà khoa học có uy tín (2 người trong nước và 1 ở nước ngoài) xét duyệt và phê chuẩn (trong khoảng 6 tháng đến 1 năm).

Cũng như ở Mỹ, tốt nghiệp tiến sĩ xong nhiều NCS tiến sĩ của Úc còn phải làm việc và nghiên cứu “hậu tiến sĩ”. Trong khoảng thời gian từ 1- 3 năm của giai đoạn này, họ phải tích cực làm việc để công bố cho được các công trình mà mình chưa có điều kiện công bố khi còn đang học tiến sĩ. Giai đoạn này được một số nhà khoa học coi là có tính chất quyết định cho sự phát triển về nghiên cứu khoa học của mình.

Nhìn chung, quy trình ĐTTS của Mỹ và Úc có sự khác biệt về mặt này, mặt khác, nhưng giữa chúng có một điểm chung nhất là vấn đề công bố BBKH trên các TSKHQT. Vì sao người ta lại coi trọng BBKH đến như vậy? Không riêng gì Mỹ, Úc mà đối với nhiều nước phương Tây khác, học tiến sĩ – với bản chất là nghiên cứu – không phải chỉ có hoàn tất luận án. Mặc dù luận án có thể là một phần quan trọng trong CTĐT, nhưng nếu luận án hoàn tất rồi chỉ để trong thư viện thì ít ai biết đến. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có ít ai biết được luận án có gì mới hoặc xứng đáng với bậc tiến sĩ không. Cho nên, người ta đòi hỏi nghiên cứu sinh (NCS) phải công bố một số BBKH trên các TSKHQT trước khi làm luận án. Cách làm đó “là một hình thức “thử lửa” tốt nhất cho nghiên cứu sinh, bởi vì qua đó mà đồng nghiệp khắp thế giới có thể thẩm định chất lượng của công trình nghiên cứu và luận án của nghiên cứu sinh”[xii].

2. Bài báo khoa học

Vậy “Thế nào là một bài báo khoa học?”[xiii]. Trả lời cho câu hỏi này, GS.Nguyễn Văn Tuấn[xiv] đã có một bài viết rất chi tiết, ở đây xin tóm lược như sau: 

Bài báo khoa học (“scientific paper” viết ngắn là “paper”) là một bài báo có nội dung khoa học được công bố trên một tập san khoa học (scientific journal) đã qua hệ thống bình duyệt (peer-review) của tập san.

  • Về nội dung khoa học của bài báo, có các mức độ từ cao xuống thấp, đó là:
  1. Những bài báo mang tính cống hiến nguyên thủy (original contributions). Đây là những BBKH nhằm báo cáo kết quả một công trình nghiên cứu, hay đề ra một phương pháp mới, một ý tưởng mới, hay một cách diễn dịch mới. Có khi một công trình nghiên cứu có thể có nhiều phát hiện mới, và cần phải có nhiều bài báo nguyên thủy để truyền đạt những phát hiện này…Loại bài báo này phải qua hệ thống bình duyệt trước khi được công bố. 
  2. Những bài báo nghiên cứu ngắn (“short communications”,hay“research letters”, hay “short papers”). Đây là những bài báo rất ngắn (chỉ khoảng 600 đến 1000 chữ, tùy qui định của tập san), nội dung chủ yếu tập trung giải quyết một vấn đề rất hẹp hay báo cáo một phát hiện nhỏ nhưng quan trọng.  So với những bài báo mang tính cống hiến nguyên thủy, loại bài báo này cũng phải qua hệ thống bình duyệt, nhưng mức độ thấp hơn.
  3. Riêng trong ngành y khoa có Những báo cáo trường hợp (case reports).  Đó là loại bài báo mà trong đó nội dung xoay quanh chỉ một (hay một số rất ít) bệnh nhân đặc biệt. Họ là người mắc những bệnh rất hiếm (có thể 1 trên hàng triệu người) và những thông tin như thế cũng thể hiện một sự cống hiến tri thức cho y học. Mức độ bình duyệt đối với loại này cũng không cao bằng những bài báo nguyên thủy. 
  4. Những bài điểm báo (reviews)(hay còn gọi là perspective papers). Đó là loại những bài báo được viết bởi các tác giả có uy tín trong chuyên môn. Bài điểm báo thường tập trung vào một chủ đề hẹp nào đó mà tác giả phải đọc tất cả những bài báo liên quan, tóm lược lại, và bàn qua về những điểm chính cũng như đề ra một số đường hướng nghiên cứu cho chuyên ngành. Thường thường chúng không qua bình duyệt, hoặc nếu có thì cũng không khó như loại bài báo nguyên thủy.
  5. Những bài xã luận (editorials). Đôi khi tập san công bố một bài báo nguyên thủy quan trọng với một phát hiện có ý nghĩa lớn, ban biên tập có thể mời một chuyên gia viết bình luận về phát hiện đó. Loại bài này không cần bình duyệt mà chỉ cần ban biên tập đọc và góp một số ý nhỏ trước lúc xuất bản. 
  6. Những thư cho tòa soạn (letters to the editor), nằm trong chuyên mục “bạn đọc phản hồi” của một số tập san. Bài viết dạng này rất ngắn (tùy tập san qui định là 300 - 500 chữ hoặc một trang), thường phê bình hay chỉ ra một sai lầm nào đó của bài báo đã công bố. Những thư loại này không cần qua bình duyệt và được chuyển đến tác giả của bài báo để họ phúc đáp. Tuy nhiên, nếu thư trình bày vấn đề không súc tích và có ý nghĩa thì cũng không được đăng. 
  7. Những bài báo trong các kỷ yếu hội nghị, là loại bài viết mà những nhà nghiên cứu gửi cho ban tổ chức hội nghị chuyên ngành với mong muốn được trình bày kết quả nghiên cứu của họ trước hội nghị hoặc đăng tải trong kỉ yếu hội nghị. Có thể chia chúng thành hai nhóm: nhóm những bài báo ngắn (proceedings papers), và nhóm những bản tóm lược (abstracts).   

+  Nhóm những bài báo ngắn (thường là 5-10 trang) chủ yếu báo cáo sơ bộ những phát hiện hay phương pháp nghiên cứu mới. Phần lớn những bài thuộc nhóm này không phải qua bình duyệt, hoặc nếu có cũng không quá nghiêm ngặt. Đây không phải là những BBKH bởi vì chúng chưa xuất hiện trên các tập san khoa học và qua bình duyệt nghiêm chỉnh.

+  Nhóm những bản tóm lược, đúng ra là những bản tin khoa học ngắn (khoảng 250-500 chữ), trình bày tóm tắt một công trình nghiên cứu. Trong các hội nghị, hầu hết (gần như 100%) các bài tóm lược đều được chấp nhận mà không cần bình duyệt. Vì nhiều lý do, như số lượng bài gửi đến hội nghị quá nhiều (có hội nghị nhận đến 5000 bài) mà ban tổ chức thì không đủ người để bình duyệt một cách kĩ lưỡng và hệ thống, do đó đa số bài viết đều được nhận và cho in vào kỉ yếu. Mặt khác, hội nghị càng nhiều người tham dự thì ban tổ chức càng có lợi (tăng thu nhập cho ban tổ chức) vì thế họ không muốn từ chối một bài nào…

·Tập san khoa học:

Đây là những tờ báo xuất bản định kì, có thể là 1 tuần/ một lần, 1 tháng, 3 tháng, thậm chí 6 tháng/ một lần. Mục tiêu chính của các tập san khoa học là chuyển tải thông tin đến giới nghiên cứu khoa học nhằm từng bước phát triển khoa học.  Ngoài ra nơi đó còn là những diễn đàn khoa học để giới khoa học có cùng chuyên môn trao đổi và học hỏi với nhau. 

Mỗi một tập san đều có uy tín và giá trị riêng của nó. Điều này thường được đánh giá qua hệ số ảnh hưởng (Impact Factor hay IF) – nó được tính toán dựa vào số lượng bài báo công bố và tổng số lần những bài báo đó được tham khảo hay trích dẫn (citations). Thực tế đã chứng minh “những công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao cũng có thể đồng nghĩa với chất lượng cao của công trình nghiên cứu[xv]

  • Hệ thống bình duyệt

Một BBKH khi gửi đến TSKH quốc tế phải trải qua các bước như sau:

Đầu tiên là tổng biên tập (Editor-in-Chief) hay phó tổng biên tập (Associate Editors) của tập san sẽ xem lướt qua bản thảo bài báo và quyết định có hay không nên gửi đi bình duyệt. Nếu bài báo không xứng đáng, tổng biên tập sẽ báo cho tác giả biết (trong khoảng 1 tháng), và ngược lại, tổng biên tập sẽ gửi bản thảo cho 3 hoặc 4 người bình duyệt. 

Sau đó, những người bình duyệt[xvi] sẽ đọc và đánh giá bài báo theo tiêu chí:

+ Mục tiêu nghiên cứu có đem lại cái gì mới không;

+ Phương pháp nghiên cứu có thỏa đáng hay không;

+ Kết quả đã được phân tích bằng các phương pháp thích hợp hay không;

+ Trình bày dữ kiện có gọn gàng và dễ hiểu hay không;

+ Phần thảo luận có diễn dịch “quá đà” hay không;

+ Phần tham khảo có đầy đủ hay không;

+ Ngôn ngữ bài báo và văn chương có chuẩn hay không, v.v. và v.v. 

Khi đã xem xét toàn bộ bài báo, những người bình duyệt sẽ viết báo cáo cho tổng biên tập. Họ có quyền đề nghị tổng biên tập nên chấp nhận hay từ chối đăng bài báo. Mặc dù tổng biên tập là người ra quyết định cuối cùng, nhưng thường chỉ cần một người bình duyệt đề nghị từ chối bài báo thì mọi việc sẽ kết thúc ở đó.

Tiếp đến tổng biên tập sẽ chuyển báo cáo của người bình duyệt đến tác giả bài báo. Theo đề nghị của những người bình duyệt, tổng biên tập có thể từ chối đăng bài hoặc cho tác giả thêm một cơ hội phản hồi báo cáo bình duyệt. Nếu có cơ hội này, tác giả phải viết một báo cáo trả lời theo từng điểm phê bình của từng người bình duyệt. Trong đó, mọi thay đổi tác giả đều phải báo cho tập san biết.

Cuối cùng, trên cơ sở báo cáo phản hồi của tác giả, tổng biên tập và ban biên tập sẽ quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo. Nếu bài phản hồi không trả lời tất cả phê bình, hay trả lời không thỏa đáng, tổng biên tập có thể từ chối đăng bài ngay mà không cần gửi cho người bình duyệt xem lại. Trường hợp ngược lại, tổng biên tập sẽ gửi báo cáo phản hồi cho những người bình duyệt xem 1 lần nữa và đôi khi tác giả phải phản hồi thêm lần cuối. 

Thời gian trung bình để bình duyệt bài báo từ khi nộp đến lúc xuất bản (nếu được) thường mất khoảng 9 đến 12 tháng. 

Tất cả những điều vừa nêu trên về một BBKH cho thấy, nếu một bài báo mà chưa hoặc không qua hệ thống bình duyệt trước khi công bố thì chưa thể gọi đó là một “bài báo khoa học”. Để có được một BBKH đúng nghĩa là một việc làm không hề đơn giản, như một nhà khoa học đã từng nói: “Báo cáo khoa học: khổ hạnh”[xvii]. Nhưng bù lại, khi được xuất bản trên các TSKHQT thì nó được coi “là một đơn vị tiền tệ (currency), là những viên gạch xây dựng sự nghiệp của giới khoa bảng”. Đó cũng chính là “tiêu chuẩn số 1 trong việc xét đề bạt lên chức giảng sư hay giáo sư…Vì thế công bố báo cáo khoa học, đối với giới khoa bảng Tây phương, là một việc làm ưu tiên hàng đầu của họ”[xviii]

3. Kết luận:

Hiển nhiên là giữa chất lượng ĐTTS và BBKH có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. ĐTTS “có bản chất là nghiên cứu”[xix], “học tiến sĩ thực chất là làm nghiên cứu khoa học. Không có nghiên cứu khoa học thì không thể là tiến sĩ được”[xx]; một BBKH khi xuất hiện trên TSKHQT có rất nhiều ý nghĩa mà điển hình là “nâng cao sự hiện diện”,“nâng cao năng suất khoa học của một nước trên trường quốc tế” chính là minh chứng cụ thể cho chất lượng ĐTTS. Chính vì vậy, muốn nâng cao chất lượng ĐTTS phải tìm cách nâng cao năng lực của đội ngũ nghiên cứu qua việc công bố BBKH trên TSKHQT.

Ở nước ta từ lâu vấn đề công bố BBKH đã được nói đến rất nhiều và gần đây nó đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào “Quy chế đào tạo tiến sĩ”. Điều đó cho thấy công bố quốc tế không phải chỉ là việc của các đại học quốc tế mà nó đang và sẽ trở thành xu hướng tất yếu ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, có lẽ không một cơ sở đào tạo tiến sĩ nào có thể làm ngơ và xem nhẹ việc này.

Tất nhiên ai cũng biết đó là một thách thức và cần phải có giải pháp đồng bộ thì mới đạt được hiệu quả. Vì vậy, liên quan tới ngành Văn hóa – Nghệ thuật, chúng tôi xin có mấy ý kiến sau:

Cách trình bày BBKH là một kỹ năng, đòi hỏi phải có tương tác giữa người dạy và người học, cho nên người học không thể tự mày mò viết được. Chính vì vậy theo thiển ý của chúng tôi là Ban lãnh đạo của Viện nên cử đội ngũ giảng viên và lực lượng NCS tham dự các workshop về “Cách trình bày và viết báo cáo khoa học”[xxi], hoặc mời các chuyên gia bình duyệt của những tập san quốc tế dày dạn kinh nghiệm đến tập huấn cho họ. Từ các đợt tập huấn đó, người học sẽ được trang bị những kỹ năng về cấu trúc và cách viết một BBKH đúng chuẩn quốc tế, cách tránh “đạo văn”, cách soạn powerpoint và trình bày báo cáo khoa học trong các hội nghị quốc tế v.v…Những điều này rất có ý nghĩa đối với nghiên cứu sinh đặc biệt là những người có ý định sẽ học tập ở nước ngoài.

Mặt khác, Viện cũng cần hỗ trợ NCS qua việc cung cấp tên và danh sách tập san chuyên ngành cho giảng viên và NCS để họ có thể cập nhật thông tin chuyên ngành trên toàn thế giới. Hiện nay, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương “Khuyến khích nghiên cứu sinh đăng bài trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, các tạp chí do Viện Thông tin khoa học quốc tế ISI liệt kê tại địa chỉ http://scientific.thomson.com/isi/[xxii] nhưng những người nghiên cứu thiếu kinh nghiệm sẽ gặp rất nhiều khó khăn mới có thể tìm được tên của những tạp chí chuyên ngành. Chẳng hạn, để có được thông tin về những tập san chuyên ngành Văn hóa – Nghệ thuật như: Journal of Vietnam Studies (ĐH California),Theater Journal,Theater Topics (của John Hopkin), Theater Survey (của Cambridge), Modern Drama (hiện giờ Đại học Toronto chịu trách nhiệm ấn hành) thì chúng tôi phải nhờ sự giúp đỡ của một chuyên gia[xxiii] mới biết được là chúng đều nổi tiếng và có hệ thống peer-review.

         Đồng thời, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho đội ngũ nghiên cứu, Viện cũng nên mua quyền truy cập vào các nguồn cơ sở dữ liệu, tạp chí điện tử của các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới. Điều đó giúp họ có thể tham khảo tài liệu và tìm hiểu về văn hóa của từng tập san – một điều rất cần thiết để sau này gửi BBKH.

Tóm lại, nâng cao CLĐT tiến sĩ thông qua BBKH đăng trên TSKHQT là một vấn đề khó. Muốn đạt được điều này đòi hỏi chúng ta phải vượt qua rất nhiều rào cản. Và chỉ với mấy ý kiến nêu trên hẳn chưa phải đầy đủ, nhưng ít nhất nó sẽ có tác dụng trong việc đưa đội ngũ tiến sĩ ngành Văn hóa – Nghệ thuật tới chỗ có các công bố quốc tế./. 

                                                                                                   N.T.P.C     

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. GS. Nguyễn Văn Tuấn, Bài giảng và Tư liệu tham khảo “Cách trình bày và viết Báo cáo khoa học”, Trung tâm Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực – ĐHQG. HCM, 2011.
  2. “Quy chế đào tạo tiến sĩ” (Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
  3. TS. Hoàng Anh Tuấn Kiệt, “Một số hướng dẫn về tiêu chuẩn tuyển sinh và tốt nghiệp của các chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài”, web: http://chrd.edu.vn


[i] Hồ Tú Bảo, “Một số ý kiến về nghiên cứu khoa học và giáo dục cao học ở Việt Nam”, Tạp chí Thời Đại Mới, Số 13 (tháng 03/2008)

[ii] Nguyễn Văn Tuấn, “Tiến sĩ là gì?”, Nguồn, http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/968-tien-si-la-gi-

[iii] Philip G.Altbach, “Đào tạo tiến sĩ: thực tế hiện nay và xu hướng tương lai”,  Nguồn: http://lypham.net/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=90&Itemid=2

[iv] Philip G.Altbach, “Đào tạo tiến sĩ…”,  đã đẫn.

[v] Phạm Việt Hưng, (14/04/2011), “Nền khoa học Australia - Một kim tự tháp vững chắc!”, Nguồn: http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org

[vi] Phạm Việt Hưng, đã dẫn.

[vii] Philip G.Altbach, “Đào tạo tiến sĩ…”,  đã đẫn.

[viii] Philip G.Altbach, “Đào tạo tiến sĩ…”,  đã đẫn.

[ix] TS. Hoàng Anh Tuấn Kiệt,“Một số hướng dẫn về tiêu chuẩn tuyển sinh và tốt nghiệp của các chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài”, web: http://chrd.edu.vn

[x] Nguyễn Văn Tuấn, “Ý kiến về đào tạo sau đại học ở Việt Nam”, Nguồn: http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org

[xi] Nguyễn Văn Tuấn,“Ý kiến về đào tạo sau đại học…”, đã dẫn.

[xii] Nguyễn Văn Tuấn, “Tiến sĩ là gì?”, đã dẫn

[xiii] GS. Nguyễn Văn Tuấn, “Thế nào là một Bài báo khoa học?”, Tư liệu tham khảo “Cách trình bày và viết Báo cáo khoa học”, Trung tâm Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực – ĐHQG. HCM, tr. 3. Bài này đã đăng trên tạp chí Tia Sáng số 12/2005 nhưng không đầy đủ nội dung.

và đăng lại trên http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org

[xiv] GS. Nguyễn Văn Tuấn hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu Y khoa Garvan - Trường Đại học New South Wales, Sydney, Australia.

[xv] Nguyễn Văn Tuấn - Nguyễn Đình Nguyên (18/10/2008), “Chất lượng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam qua chỉ số trích dẫn”, Nguồn: http://vietsciences.orghttp://vietsciences.free.fr

[xvi] Họ là những chuyên gia, giáo sư cùng chuyên môn với tác giả và am hiểu về vấn đề mà bài báo quan tâm. Tác giả sẽ không biết ai là những người bình duyệt, nhưng những người bình duyệt thì biết tác giả (vì họ có toàn bộ bản thảo). 

[xvii] Nguyễn Văn Tuấn (28/07/2005), “Cách viết báo cáo khoa học cho các tập san khoa học quốc tế”, Nguồn: http://vietsciences.net   và  http://vietsciences.free.fr

[xviii] Nguyễn Văn Tuấn (28/07/2005), “Cách viết…”, đã dẫn.

[xx] Nguyễn Văn Tuấn, “Tiến sĩ là gì?”, đã dẫn.

[xxi] Những lớp học kiểu này đã được tổ chức nhiều lần, lần gần đây nhất do Trung tâm Đào tạo và Phát triển Nguồn Nhân lực – ĐHQG HCM tổ chức vào ngày 15 -18/8/2011

[xxii] “Quy chế đào tạo tiến sĩ” (Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

[xxiii] Thông tin về những tạp chí này do TS. Nguyễn Đình Nguyên (Viện nghiên cứu Y khoa Garvan - Trường Đại học New South Wales, Sydney, Australia) cung cấp.

 

Từ khóa: