ĐÔI NÉT VỀ ĐIÊU KHẮC, TRANG TRÍ TRONG KIẾN TRÚC CÁC NHÀ THỜ HỌ TIÊN CÔNG Ở YÊN ĐÔNG,

04
04
'18

ĐÔI NÉT VỀ ĐIÊU KHẮC, TRANG TRÍ  TRONG KIẾN TRÚC CÁC NHÀ THỜ HỌ TIÊN CÔNG Ở  YÊN ĐÔNG,

 (XÃ YÊN HẢI, HUYỆN YÊN HƯNG, TỈNH QUẢNG NINH)

                                                                                  Tác giả: Vũ Thị Bích Duyên

 

1. Dẫn nhập

Yên Đông là làng cổ của vùng Hà Nam thuộc huyện Yên Hưng - một huyện nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ninh. Vùng Hà Nam (tổng Hà Nam xưa), một bãi phù sa cổ ở cửa sông, là vùng đất trũng, thấp hơn so với mực nước biển khi triều lên vì vậy còn gọi là vùng đảo. Đây cũng là vùng đất được khai hoang vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn do nhiều nhóm cư dân đến quai đê, ngăn nước mặn, khai phá đất đai và lập nên 10 làng: Vị Dương, Vị Khê, Quỳnh Biểu, An Đông, Hải Yến, Phong Cốc, Cẩm La, Trung Bản, Hưng Học. Trong đó, An Đông (Yên Đông) là một làng thuộc xã Yên Hải - một trong 7 xã hình thành từ 10 làng nhập lại sau hòa bình.

Đến nay, mặc dù trải qua nhiều biến cố của lịch sử nhưng với sự cố gắng nỗ lực, các thế hệ cư dân Yên Đông đã tạo dựng nên một làng quê Việt mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đến với Yên Đông hiện nay không chỉ thấy sự đổi mới, khởi sắc về mặt kinh tế xã hội mà còn thấy sự phong phú trong các sinh hoạt văn hóa nhưng vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn nét văn hoá đặc trưng của làng quê vùng Bắc Bộ thông qua các phong tục, tập quán, lễ hội, các trò chơi dân gian, các món ăn đặc sản, những kinh nghiệm quai đê lấn biển,…cùng hệ thống hàng trăm di tích với hàng ngàn hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cao tiêu biểu là các di tích nhà thờ họ của các dòng họ Tiên Công như: dòng họ Bùi, họ Nguyễn Đại, Nguyễn Thống, Vũ Tam, Vũ Giai...

             Có thể thấy, hấp dẫn và cuốn hút nhất của điêu khắc trang trí trong kiến trúc các nhà thờ họ Tiên Công ở Yên Đông (xã Yên Hải, huyện Yên Đông, tỉnh Quảng Ninh) phải kể đến các mảng chạm khắc trên vì kèo, các bức cốn, đầu dư, đòn bẩy, các chi tiết kiến trúc khác trong khung gỗ - yếu tố cơ bản trong kiên trúc Việt Nam. Những yếu tố trên không những là nguồn tài liệu để nghiên cứu lịch sử mỹ thuật mà còn là nguồn tư liệu để nghiên cứu, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người nông dân Việt Nam trong lịch sử.

             2. Các giá trị trang trí kiến trúc các nhà thờ họ Tiên Công

             Giá trị trang trí kiến trúc các nhà thờ họ Tiên Công thể hiện chủ yếu ở các biểu tượng sau:

             2.1. Các biểu tượng tự nhiên

             - Vân xoắn: Là biểu tượng phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc. “Thực chất đây là những hình tượng đã được nghệ thuật và quy nạp hóa. Hầu như cư dân nông nghiệp nào cũng quan tâm tới lực lượng tự nhiên. Người ta thường mong có sấm chớp vì chúng được coi là tiếng gọi mưa, gọi mùa sinh sôi” [1]

             Mô típ vân xoắn được chạm tại đầu các con rường của vì nóc, đầu quá giang, đầu xà nách. Đó là những vân cuộn lớn chiếm hầu hết mặt bên của kết cấu, kèm theo vân xoắn là chiếc lá cúc cách điệu ôm lấy sống của vân này. Bản thân ô vân được bổ sung nhiều đường cong để tạo thành dạng như cụm mây. Thông thường, các vân xoắn được các nhà mĩ thuật học, khảo cổ học, dân tộc học nhìn thấy nó bắt nguồn từ những hoa văn ở thời kỳ đồ đá mới, đồ đồng và được nghĩ là một dạng nghệ thuật của chớp hoặc nguồn phát sáng. Như thế, ngoài tính chất tạo sự vui mắt mang nét nghệ thuật cho bộ vì, các vân xoắn này còn như chứa đựng các yếu tố vũ trụ để phối hợp với các đề tài khác trên bộ vì. Các lá này vươn ra từ các vân xoắn khiến chúng ta thoáng thấy nó mang tư cách là những tia phát ra từ nguồn sáng vân xoắn hợp lại ở bộ vì nóc, có thể coi như là một biểu tượng của bầu trời mây đang phát ra những tia chớp để tạo sấm, gọi mưa về cho nguồn nước no đủ. Mô típ vân xoắn thể hiện tại đầu của các con rường ít được thể hiện độc lập và nó chỉ được dùng làm các chi tiết phụ, làm nền cho các mảng trang trí. Hình thức của các vân xoắn này là sự kế thừa của những vân xoắn thời Mạc và Lê Trung Hưng.

             - Hoa lá, cây cỏ:

             Hoa sen: Một đặc điểm của điêu khắc, trang trí trong kiến trúc các nhà thờ họ Tiên Công là trang trí hình bông sen nở, cánh sen, búp sen, lá sen, được bố trí đầu các cột trụ, cuốn thư của các nghi môn, đầu hồi các gian thờ, ở các Quán tẩy... phối hợp cùng với các linh vật vũ trụ khiến tất cả như thực trong một không gian chật hẹp nhưng được bố cục chặt chẽ, sinh động, thể hiện nghệ thuật đạt đến trình độ cao của người nghệ nhân.

             : Là mô típ được sử dụng trang trí phổ biến trong điêu khắc. Đa số các lá được xuất phát từ một cụm vân xoắn kết hợp với các hoa văn linh vật tiêu biểu như tứ linh hay hổ phù. Hình thức này như báo hiệu về sự vũ trụ hóa của cả bố cục, trong đó nổi lên vẫn có thể lẽ là hiện tượng thờ các lực lượng tự nhiên và mặt trời - một hình thức gắn với việc cầu phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

             Cây mai: Tượng trưng cho vũ trụ thu nhỏ bởi kết cấu hình tròn của hoa khi nhìn chính diện. Vì vậy, nó có một quyền lực rất lớn tượng trưng cho sức mạnh và diệt trừ ma quỷ. Cây mai vươn nhành khoe hoa tròn trịa (nhìn chính diện) như muốn nói rằng hoa mai là hiện thân của tiểu vũ trụ nhân thân. Nhành mai mang ý nghĩa biểu hiện sự thanh tao của tâm hồn. Từ đài nhị tới hoa đều được gán cho việc mang tư tưởng vũ trụ mênh mông, người ta muốn gắn tiểu ngã nhân thân với đại ngã, nghĩa là tìm về thể uyên ương đồng nhất giữa con người và vũ trụ. Ở các nhà thờ họ Tiên Công, cây mai được chạm nổi khá chau chuốt trên án gian, khám, trướng, cửa võng, sập... nhưng thường xuất hiện trong bộ tứ quý cùng các hoa văn vân xoắn để tạo thành hóa thân của rồng hay để mang ý nghĩa nào đó của sự trường thọ, sức mạnh giàu có hoặc sự sang quý. Đây là mô típ trang trí khá phổ biến vào thời Nguyễn.

             Ngoài ra, điêu khắc, trang trí tại các nhà thờ họ Tiên Công còn sử dụng nhiều đề tài về hoa lá cây cỏ khác, như: hoa cúc được trang trí cùng với rồng tượng trưng cho sức mạnh thiên nhiên đưa lại hạnh phúc cho con người cũng là biểu tượng phát sáng nhiều khi được nghĩ tới mặt trời; cây tùng, cây trúc được chạm nổi cùng với các hoa văn tự nhiên khác... Đặc biệt là họa tiết hoa dây và vân xoắn xuất hiện trên kiến trúc làm cho các mảng điêu khắc trở nên mềm mại.

             - Đao mác: Trong phần lớn các nhà thờ họ Tiên Công ở Yên Đông, trên một số mảng trang trí còn có sự xuất hiện của đao mác và đao đuôi nheo. Các nhà nghiên cứu đã nhìn nhận những đao mác như một biểu tượng của của “chớp” trong ý thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Đây là loại đao phổ biến trong các mảng chạm gắn liền với các linh vật, đặc biệt là rồng. Các đao này nhỏ, mảnh mai, uốn khúc nhẹ, vuốt dài mềm mại và uyển chuyển. Độ vuốt dài của đao nhỏ dần về phía cuối với các uốn khúc mềm. Trong những chi tiết này, đao mác và đao đuôi nheo, rồng xoắn đuôi được phối hợp một cách nhuần nhuyễn. Đao mác được thể hiện trên các con rường, các đầu dư, bẩy hiên của các di tích nhà thờ họ.

             2.2. Hình tượng linh thú

             Linh thú là hình tượng thường được thể hiện cùng với biểu tượng về lực lượng tự nhiên. Hầu hết các hình tượng về linh thú được tập trung ở cửa võng, khám, đầu dư, cốn, đầu bẩy.

             - Hình tượng rồng: Trong nghệ thuật trang trí cổ truyền của người Việt, con rồng là hình ảnh tiêu biểu quen thuộc và có mặt ở khắp mọi nơi. Nó thường được sử dụng như một bộ phận của kiến trúc, như một họa tiết trang trí trên các bộ phận kiến trúc. Với cư dân nông nghiệp, hình tượng rồng như một biểu trưng của thần linh có quyền năng làm ra mưa, đem lại mùa màng bội thu, nhưng khi tức giận cũng có thể gây bão lụt, hạn hán dẫn đến mất mùa đói kém vì vậy con người phải cầu xin, cúng tế, kính trọng.

             Ở các nhà thờ họ Tiên Công, hình tượng rồng được trang trí chủ yếu trên vì kèo, khám, trướng, xà nách, tại đầu của các con rường, trên đầu dư... Nhìn chung, rồng được thể hiện dưới dạng đuôi cuộn lại, khá phổ biến là khúc đuôi xoắn lại để lông đuôi xoắn theo hoặc đuôi duỗi nhưng lông đuôi xoắn. Thân rồng có tỉ lệ nhỏ, mảnh mai, bò với chân cao, vây lưng lớn tạo sự gai góc và cố tạo ra sự hung dữ. (ảnh 3,4)

             Trong điêu khắc tại các nhà thờ họ Tiên Công, rồng xuất hiện nhiều nhất, có thể phân thành nhiều loại rồng khác nhau, mỗi con mỗi kích thước, mỗi dáng vẻ sống động. Thường kết hợp với các con vật trong tứ linh, xuất hiện cùng với hoa văn vân soắn, hoa lá như ở nhà thờ họ Vũ Thượng trên hai bức cốn và đầu bẩy đều được chạm kênh bong rồng mây và hoa lá cách điệu hoặc kết hợp với văn triện cài hoa và các ô hình học để tạo thành phù điêu tứ long, long giáng trong trang trí diềm trán của các cửa võng trong hậu đường của nhà thờ họ Nguyễn Đại. Ngoài ra, rồng còn được thể hiện ở một dạng “lưỡng long chầu nhật” như ở nhà thờ họ Nguyễn Đại và Nguyễn Thống, hoặc “lưỡng long chầu nguyệt” như trên hương án gian thờ chính ở nhà thờ họ Vũ Tam. Một dạng thức khác lấy rồng làm trụ mang tính chất trang trí đó là chiếc Quán tẩy đặt gần bàn thờ, có đổ một ít nước nhằm phục vụ cho các cuộc tế lễ, chủ tế nhúng mấy ngón tay vào để tẩy những uế tạp. Ở chiếc quán tẩy rồng chạy từ trên xuống rồi ngóc đầu nhả nước vào chiếc đĩa hình lá sen, đôi khi rồng cũng hóa thân vào gốc trúc để tạo nên vẻ sù sì đầy chất nghệ thuật và điểm xuyết với rồng là hình tượng phượng, lân, rùa, long mã như Quán tẩy của nhà thờ họ Vũ Tam, Nguyễn Thống (ảnh 2)

             Đặc biệt, rồng được thể hiện phong phú đa dạng về hình dáng, dáng vẻ, kích thước mỗi con mỗi khác. Số lượng các con rồng xuất hiện trên trang trí di tích nhà thờ họ không chỉ là 1, 2, 4 mà còn xuất hiện với số lượng nhiều như 5, 9 được sắp xếp theo những chủ đề ý nghĩa khác nhau. Tiêu biểu là trên bức cốn của nhà thờ họ Vũ Tam, vì nách bên trái chạm khắc 9 con rồng cùng đao mác vân xoắn uốn lượn, mỗi con được thể hiện với dáng vẻ hung dữ khác nhau, tư thế uốn lượn khác nhau nhưng có một chi tiết giống nhau đó là đầu đều hướng vào phía trong hậu cung điều này mang ý nghĩa nhắc nhở con cháu dù đi đâu cũng phải nhớ về cội nguồn tổ tiên; vì nách bên phải cũng được chạm khắc 5 con rồng nhưng thiên về mô tả chi tiết hơn, mỗi con đều được thể hiện đầy đủ đầu thân, chân và kiểu dáng và kích cỡ to nhỏ khác nhau với tư thế uốn lượn mềm mại nhưng cũng ngoảnh đầu nhìn lại phía sau. Qua đó cũng là cách thể hiện về tính chất của gia đình dòng họ Việt Nam là đa thế hệ gồm ông bà, cha mẹ và cháu chắt cùng chung sống và luôn yêu thương hòa thuận giúp đỡ lẫn nhau.

             Trên hai vì nách này là những hình điêu khắc gỗ được chạm lộng kênh bong chau chuốt, tỉ mỉ tạo thành một bức tranh khắc gỗ sống động. Đây là một trong những giá trị vật thể đáng chú ý trong nhà thờ họ Vũ Giai, vì nó mang đậm nét điêu khắc của thời Nguyễn.

             Như vậy, rồng ở các nhà thờ họ Tiên Công được thể hiện trong một bố cục chặt chẽ, đường nét mạnh, dứt khoát, mang nét hung dữ của rồng thời Nguyễn và được sắp xếp bố trí theo những chủ điểm và ý nghĩa khác nhau, tất cả đều tạo ra sự thiêng liêng của các di tích.

             - Hình tượng lân: Đây là một con vật huyền thoại, về hình dáng giống con chó nhưng cái đầu được thể hiện gần giống con hổ. Nằm trong hệ thống tứ linh, lân tượng trưng cho uy quyền, đại diện cho trí tuệ, có tâm hồn trong sáng. Vì vậy, lân là linh vật để kiểm soát tâm hồn của kẻ hành hương.            

             Ở các nhà thờ họ Tiên Công, lân mang hình thức thuần Việt, thuận hòa trong một dáng động và vui. Lân có mũi sư tử lớn gồm các vân xoắn, mắt chồng nhô nhiều lớp, tai thú, miệng mở rộng với vài chiếc răng nhọn lớn. Tóc và lông mang làm bằng hàng đao dấu hỏi, răng cưa. Lân bao giờ cũng cong lưng và hông cao bởi chân sau lên chân trước khuỵu xuống, chân kiểu thú, khuỷu trước có đao bay, móng hổ nhọn. Hình tượng lân được chạm khắc, trang trí trên các cột trụ của các nghi môn ở hầu hết các nhà thờ họ hay trong tiền đường trên đỉnh nóc và diềm trán của gian trung tâm của nhà thờ họ Nguyễn Đại...(ảnh 1)

             - Hình tượng long mã: Là con vật được thể hiện có đầu như đầu rồng với các chi tiết mắt quỷ, miệng lang, sừng nai, tai thú trán lạc đà, cổ rắn, thân thú, chân hươu, móng ngựa, đuôi bò. Nó chính là một dạng của lân song trên thực tế đó là một linh vật mà về tên gọi của nó đã mang nhiều ý nghĩa: long là rồng, rồng bay lên là tung biểu hiện cho kinh tuyến, tương ứng với thời gian, mã là ngựa, chạy ngang là hoành gắn với vĩ tuyến, biểu tượng của không gian. Như vậy, ngoài ý nghĩa trị thuỷ, hình tượng long mã còn biểu hiện cho chí tung hoành của nam nhi mà con người hằng ước vọng, đồng thời nó còn tượng cho không gian và thời gian, đó là linh vật của bầu trời cõng vũ trụ chuyển động. Cũng giống như lân, long mã cũng là linh vật kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương.        Một câu truyện coi như sớm nhất nói đến long mã là sự tích vua Vũ trị thuỷ (theo vết chân của long mã, nhà vua đã đào sông để thoát nước). Hình tượng long mã thường được thể hiện trên sóng nước [2]

             Tại các nhà thờ họ Tiên Công, hình tượng long mã xuất hiện không nhiều chủ yếu được chạm nổi trên hương án, cửa võng hay xuất hiện ở đồ thờ như Quán tẩy trong nhà thờ họ Vũ Tam. Ngoài ra, hình tượng long mã còn được thể hiện rất đặc biệt đặt trên các hương án của các nhà thờ họ vào ngày lễ tế, lễ hội đó là những con long mã được làm bằng hoa quả sản vật của địa phương. Ngoài ra, nó còn xuất hiện ở ban thờ của các gia đình Tiên Công trong lễ mừng thọ của các cụ Thượng.

             Suy cho cùng, lân và nhất là long mã không phải là con vật vũ trụ có sẵn trong nghệ thuật tạo hình của người Việt, nhưng rõ ràng trong cách thể hiện chúng đã là những con vật hoàn chỉnh. Đó là sự kết hợp của sự giao lưu hữu thức với văn minh Trung Hoa và tài năng sẵn có của nghệ nhân Việt.

             - Hình tượng hổ phù: Cùng với rồng, lân thì hổ phù cũng là hình tượng xuất hiện khá phổ biến trong các di tích nhà thờ họ Tiên Công. Hổ phù thường được chạm nổi với mặt giống như sư tử lân, là linh vật bao giờ cũng thiếu thốn thường chỉ thể hiện có đầu và hai tay trước cũng có khi không có tay. Hổ phù thường được nhìn chính diện, có mắt quỷ tròn, mũi sư tử, miệng nhe, răng lớn, tóc xoắn đuôi nheo, sừng nai, tai thú, má bạnh, hàm mở rộng, ngậm mặt trăng hay chữ thọ, chữ hỷ, cũng có khi phun ra bông hoa. Hổ phù được thể hiện các bộ phận hằn khối để biểu hiện cho sự hung dữ và sức mạnh. Trong các di tích nhà thờ họ, hình tượng hổ phù thường xuất hiện ở phần trang trí các hương án, cửa võng, các mâm triện, các bức trướng với hình tượng hổ phù đơn lẻ một con kết hợp cùng các hoa văn khác, cũng có khi là nhiều con như trên án gian ở gian giữa hậu cung của nhà thờ họ Nguyễn Đại có chạm khắc bốn hổ phù, mặt với dáng vẻ khỏe mạnh đang chia vai gánh lấy bàn thờ. Ngoài ra, hổ phù còn xuất hiện với hình tượng hổ phù phun nước (gian giữa tiền đường nhà thờ họ Nguyễn Đại) hay trên hai vì kèo hai bên của nhà thờ họ Vũ Tam hổ phù được chạm khắc với đầu lớn, mắt mở to, mũi phồng, miệng rộng, phun ra những dải mây cuộn, nhưng hình tượng hổ phù xuất hiện nhiều nhất trong các di tích nhà thờ họ Tiên Công là hổ phù ngậm chữ Thọ.

             - Hình tượng chim phượng: Trong di tích của người Việt, phượng hay chim thiêng là một linh vật không có thực, nhưng hội tụ yếu tố sức mạnh và linh thiêng của những vật khác với ý nghĩa: toàn thân phượng là vũ trụ, là hiện thân của thánh nhân, đầu đội công lý và đức hạnh, mắt là mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, đuôi là cây cỏ và chân là đất. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp quý phái. Đây là con vật vũ trụ, chủ của bầu trời mây và là tâm của vũ trụ rộng lớn và về mặt nào đó phượng còn mang ý nghĩa là biểu hiện của tầng trên, biểu hiện cho hạnh phúc lứa đôi. Trong các di tích cổ truyền của người Việt, phượng đứng ở đầu cột của di tích có nghĩa là thông qua cột chuyển sinh lực của trời xuống đất, cầu viện sinh lực của bầu trời, cầu người tài đức, cầu được mùa.

             Phượng hay chim thiêng được diễn ra ở nhiều dạng khác nhau, gần gũi với con công, con gà... Chúng thường được thể hiện trong bộ tứ linh ở tất cả các nhà thờ họ, chạm nổi cùng hoa lá cũng có khi xuất hiện riêng với hình tượng cách điệu như ở nhà thờ họ Nguyễn Thống ở lớp mái trên cùng của nghi môn được đắp nổi hình đầu của bốn con chim phượng cách điệu. Cũng có khi phượng xuất hiện với số lượng nhiều hơn tiêu biểu như trong bức đại tự không ghi lạc khoản dài 2,2m, rộng 0,85m đề 4 chữ lớn Vạn đại trường tồn (muôn đời tồn tại mãi) của nhà thờ họ Nguyễn Đại. Viền khung có gờ chỉ đường biên soi công máng úp, đục nổi hoa văn gấm nhấn chìm 8 ô để chạm phù điêu 8 con chim phượng, mỗi con một dáng vẻ. Ba ô phía dưới chạm sen, cúc, mai. Mỗi cây, mỗi hoa, mỗi ô một dáng vẻ. Đây là một trong những biểu tượng biểu hiện tâm nguyên và lòng tự hào của dòng họ.

             Đặc biệt, tại các nhà thờ họ còn bắt gặp hình tượng “phượng hàm thư” mang ý nghĩa cầu học hành, cầu phúc trên nền tảng trí tuệ. Ở nghi môn của nhà thờ họ Nguyễn Đại, cổng chính được xây thành một bức phong thư gạch đắp gấp ba mảng phong thư cánh gà, cuốn thư và trong lòng cuốn thư được sơn son đắp phượng hàm thư; ở gian trung tâm tiền đường, diềm trán ngoài lưỡng long chầu nhật, lương quy, nghê thần cũng đắp phượng hàm thư. Có thể đây là những hình tượng phượng hàm thư sớm của nghệ thuật tạo hình Việt.

             - Hình tượng rùa: Đối với cư dân phương Nam, con rùa đồng nhất với thần Visnu là nền tảng. Trong tư duy cổ truyền, con rùa gắn với nguồn nước cũng như gắn với bầu trời. Theo quan niệm dịch học, con rùa là sự hợp thể của âm dương trời đất, là biểu tượng của sự tồn tại và phát sinh, phát triển. Trong trang trí kiến trúc của các nhà thờ họ Tiên Công, hình tượng của rùa xuất hiện hầu hết ở các nhà thờ họ nhưng thường không đứng riêng lẻ mà xuất hiện cùng với các con vật trong hệ tứ linh hội tụ.

             Kết luận: Trên đây là những mô típ trang trí chính trong điêu khắc, trang trí của các nhà thờ họ Tiên Công. Điêu khắc, trang trí gắn liền, hài hoà với công trình kiến trúc. Ở đây, các thành phần kiến trúc được chạm khắc, gọt giũa để trở thành những tác phẩm có giá trị thu hút sự quan tâm của mọi người. Giá trị nghệ thuật điêu khắc trang trí của các nhà thờ họ Tiên Công chủ yếu được thể hiện ở các bức cửa võng, khám, trướng, long ngai, án gian, đầu dư, rường, cốn, xà, bẩy,... mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hình tượng tứ linh (rồng, phượng, rùa, lân) đã xuất hiện trong điêu khắc của các nhà thờ họ Tiên Công một cách rõ rệt ổn định hoàn chỉnh mang phong cách thời Nguyễn. Ngoài ra, trang trí trên kiến trúc của các di tích này còn có các con vật khác hổ phù, hạc, long mã, cú mèo... Đặc biệt còn có những họa tiết mang dấu ấn của thời kì các Tiên Công đến khai phá vùng đất đó là hình con ếch trên bức cửa võng của hậu đường của nhà thờ họ Vũ Tam. Đây là hình tượng có ý nghĩa minh chứng cho sự khai khẩn vùng đất của các vị Tiên Công mà dấu tích đầu tiên là tìm ra mạch nước ngọt khi nghe thấy tiếng ếch kêu.

             Nhìn chung, kỹ thuật điêu khắc trang trí trong kiến trúc của nhà thờ họ Tiên Công là chạm nổi, để mộc và không chau chuốt, nhẵn bóng. Nét nông, nét sâu, đường thẳng, đường cong đã tạo cho đề tài đủ sức chứa đựng mọi ý nghĩa cần thiết. Những mảnh trang trí bám theo những mặt nổi vỏ măng khiến cho nó đủ tư cách tạo sự gồ ghề đáng lưu tâm. Các họa tiết, đồ án trang trí các linh vật, hoa lá nổi khối và dường như chúng bật ra khỏi mảng trang trí trên các cấu kiện kiến trúc đưa lại cảm giác như các con rồng, con phượng đang bay bổng trên nền mây, sống động vô cùng. từng mảng chạm đều có bố cục hợp lý, chặt chẽ, đường nếp mạch lạc, dứt khoát để khi xem xét toàn bộ phần trang trí kiến trúc toát lên vẻ sinh động./.

                                                                                                              V.T.B.D

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Lâm Biền chủ biên (2001), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

2. Trần Lâm Biền (2003), Đồ thờ trong di tích của người Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

 3. Trần Lâm Biền chủ biên (2008), Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt vùng châu thổ sông Hồng, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 

4. Lê Đồng Sơn (2008), Văn hóa Yên Hưng di tích văn bia câu đối đại tự, Nxb Chính trị Quốc gia.

Lê Đồng Sơn (2008), Văn hóa Yên Hưng lịch sử hình thành và phát triển, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Bia đình Hải Yến xã Yên Hải (Chính Hòa 24 - 1704), bản dịch lưu tại phòng Văn thể huyện Yên Hưng.

7. Bia đình Trung Bản (Hồng Đức 25 - 1494), bản dịch lưu tại phòng Văn thể huyện Yên Hưng.

8. Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Ninh (1989), Lý lịch di tích đền Thập cửu Tiên Công.

9. Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Ninh (2001), Lý lịch di tích từ đường họ Vũ (Vũ Tam Tỉnh).

10.Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Ninh (2001), Lý lịch di tích từ đường họ Nguyễn.

 

Nguồn: Thông tin Khoa học, Chuyên đề: Di sản Văn hóa, Số 4/2012, Trường Đại học Văn hóa TPHCM (từ trang 59 đến trang 64)

 

 



[1] Trần Lâm Biền chủ biên (2001), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.123.

[2] Trần Lâm Biền chủ biên (2001), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.168.

 

Từ khóa: