VĂN HÓA GIAO TIẾP NGƯỜI DẪN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH

04
04
'18

VĂN HÓA GIAO TIẾP

NGƯỜI DẪN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH

ThS.Trần Hoàng Thái

 

VĂN HÓA GIAO TIẾP

NGƯỜI DẪN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH

ThS.Trần Hoàng Thái

 

1. Khái niệm về người dẫn chương trình truyền hình

Người dẫn chương trình hay còn gọi là MC, là thuật ngữ viết tắt của chữ Master of Ceremonies.

Theo nghĩa thông thường là người hướng dẫn quần chúng trong một sự kiện, đúng nghĩa là “Bậc thầy của nghệ thuật giao tiếp”. Ngày nay, dẫn chương trình là một nghiệp vụ thuộc về lĩnh vực nghệ thuật, vì thế người làm nhiệm vụ này cũng được gọi là nghệ sĩ.

Một số tài liệu nước ngoài định nghĩa người dẫn chương trình là: “Người tổ chức và dẫn một sự kiện hoặc một buổi họp nào đó. Trách nhiệm chủ yếu của người dẫn chương trình là người điều khiển. Người dẫn chương trình lý tưởng là người biết cách cổ vũ, truyền tải và làm cho khán giả quan tâm đến cuộc họp, hội nghị đó”.            

Cũng theo những tài liệu này, người dẫn chương trình là người chịu trách nhiệm để bảo đảm chắc chắn sự kiện, chương trình đó sẽ diễn ra suôn sẻ, đúng giờ và tất cả những người tham gia trong cuộc họp đều được giới thiệu. Là một MC thành công thì yêu cầu phải có sự chuẩn bị, phải có tính cách thân thiện, có khả năng điều chỉnh ngôn ngữ và điệu bộ cần thiết để đảm bảo cho một sự kiện thành công.

Ngày nay, trong lĩnh vực truyền hình ở nhiều nước, thuật ngữ MC cũng được dùng để nói về người điều khiển một chương trình trên đài truyền hình. Đây là cách gọi phổ biến ở nước ta hiện nay, cách gọi này được hiểu là cách gọi chung, gần như không phân biệt người dẫn ở từng thể loại, chương trình.

Người nói trên truyền hình bao gồm hai đối tượng cụ thể, đó là người dẫn chương trình (Master of Ceremonies) và người nói (Spearker). Nói trên truyền hình có thể là các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, bình luận viên. Người dẫn chương trình, có nghĩa là người nói trên truyền hình bao gồm tất cả những người đại diện nhà Đài nói, dẫn dắt, điều khiển trước công chúng.

Phát thanh viên là người đọc nguyên văn một văn bản với độ chính xác của ngôn ngữ nói để thông tin, thông báo một cách đầy đủ, chính xác của một thông điệp. Người dẫn chương trình thực hiện nhiều chức năng như biên tập chương trình, dẫn chương trình, đàm thoại với người tham gia và giao lưu với công chúng tham dự. Trong đó, người dẫn chương trình vừa là người giới thiệu chương trình, vừa là một nhân vật của chương trình.

Có rất nhiều quan niệm về người dẫn chương trình theo các cách tiếp cận khác nhau. Xuất phát từ quy trình công nghệ của người dẫn chương trình, có thể định nghĩa: người dẫn chương trình là người biên tập, điều khiển, dẫn dắt chương trình về một sự kiện theo một kịch bản trong một khoảng không gian và thời gian nhất định.

2. Những thành tố hình thành văn hóa giao tiếp người dẫn chương trình truyền hình

2.1. Văn hóa giao tiếp

Văn hóa giao tiếp là một bộ phận cấu thành của văn hóa dân tộc, là những giá trị của văn hóa trong lĩnh vực giao tiếp. Văn hóa giao tiếp chính là những định chuẩn giao tiếp được tinh tuyển tạo thành “nếp”, hoàn thiện và nâng cả về cách thức, thể hiện ở ngôn ngữ nói và cử chỉ hành vi, cả về phương thức trao đổi và tiếp xúc với nhau trong xã hội…

Từ những nhận định trên, văn hóa giao tiếp có thể hiểu: Văn hóa giao tiếp là những chuẩn mực và những quy tắc chung, được quy định thống nhất trong hoạt động giao tiếp giữa người với người trong tập thể, gia đình, cộng đồng, dân tộc, đảm bảo phù hợp với môi trường sống với những giá trị của nó như đạo đức, thẩm mỹ, văn minh, lịch sự, truyền thống, phù hợp với tự nhiên, xã hội, kinh tế, văn hóa và tiến bộ xã hội.

Cũng như đặc điểm của văn hóa, văn hóa giao tiếp vừa có yếu tố phổ quát vừa có yếu tố riêng biệt; vừa bao gồm những yếu tố thay đổi vừa có những yếu tố không thay đổi. Hoạt động giao tiếp giữa các cộng đồng làm phong phú văn hóa giao tiếp của mỗi dân tộc.

Từ những nội dung cơ bản của văn hóa giao tiếp, có thể xác định một số đặc điểm văn hóa giao tiếp của người dẫn chương trình truyền hình:

- Văn hóa giao tiếp của người dẫn chương trình truyền hình vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật. Khoa học của việc tổ chức, thiết kế, thi công chương trình và nghệ thuật dẫn dắt, điều khiển nhằm hướng tới mục tiêu của chương trình.

- Văn hóa giao tiếp của người dẫn chương trình truyền hình vừa thể hiện cái chung vừa thể hiện cái đặc thù của văn hóa giao tiếp.

- Văn hóa giao tiếp của người dẫn chương trình truyền hình là sự tổng hòa mối quan hệ giữa người dẫn, người tham gia (nghệ sĩ, nhân vật) và người tham dự (công chúng).

Trên cơ sở khái quát những đặc điểm cơ bản quá trình giao tiếp của người dẫn chương trình truyền hình có thể xác lập ba thành tố cơ bản hình thành nên văn hóa giao tiếp của người dẫn chương trình.

2.2. Những thành tố hình thành văn hóa giao tiếp

* Ngôn ngữ nói: ngôn ngữ nói là hệ thống âm thanh, từ ngữ và quy tắc kết cấu chúng trong giao tiếp xã hội, là phương tiện giao tiếp của con người, nó có thể tái hiện toàn bộ sự phức tạp tinh tế của cuộc sống, những hoài bão khát vọng của cá nhân, những nỗi niềm sâu kín trong tâm hồn con người. Do vậy, đối với người dẫn chương trình ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên và cũng là chất liệu của nghệ thuật nói.

* Cận ngôn ngữ: cận có nghĩa là cạnh ngôn ngữ, nó không trực tiếp thể hiện ngữ nghĩa của từ, câu nhưng lại truyền đạt và hướng dẫn người nghe nhận thức một cách đầy đủ nội dung mà từ, câu biểu thị. Cận ngôn ngữ thể hiện ở ba yếu tố sau: Ngữ điệu, tiết tấu và âm sắc. Sự kết hợp giữa ngữ điệu, tiết tấu và âm sắc làm cho ngôn ngữ nói tạo nên sắc thái biểu cảm mà ngôn ngữ viết không thể biểu thị được.

* Phi ngôn ngữ: Giao tiếp phi ngôn ngữ là những hoạt động của cơ thể bao gồm: Đi; đứng; nét mặt, ánh mắt và nụ cười; cử chỉ, điệu bộ và động tác tay.

Có thể xem giao tiếp phi ngôn ngữ như là “ý tại ngôn ngoại” trong văn học. Những biểu hiện của nét mặt, thân thể, động tác… phản ánh tâm lý, thái độ chân thật hơn cả lời nói. Nó được điều khiển bởi phần vô thức, mang tính tự động hóa và nói được tới 55% của giao tiếp, tác động đến tâm trí của người tiếp nhận một cách hết sức lâu bền.

Ngôn ngữ nói, cận ngôn ngữ, phi ngôn ngữ là ba thành tố tạo dựng những chuẩn mực trong văn hóa giao tiếp của người dẫn chương trình truyền hình. Ba thành tố này luôn bện chặt với nhau và đồng hướng trong quá trình giao tiếp, đòi hỏi sự sáng tạo của người dẫn chương trình theo một quy trình công nghệ, chính là tổ chức và kiểm soát quá trình từ văn bản viết trên giấy thành văn bản nói của chương trình, tương tác với nhân vật và công chúng trong một hoàn cảnh, điều kiện cụ thể.

3. Những yêu cầu về văn hóa giao tiếp của người dẫn chương trình

3.1. Xu hướng phát triển của hoạt động giao tiếp trong công tác truyền thông

Trong xã hội hiện đại, sự giao lưu và hội nhập giữa các dân tộc, quốc gia là một tất yếu. Sự phát triển và tăng tốc của khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tác động vào hoạt động truyền thông một cách mạnh mẽ. Hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng đang đổi mới cả về nội dung và hình thức thể hiện để thích nghi với nhiều nhu cầu, cơ tầng tâm lý của con người trong xã hội. Trình độ dân trí được nâng lên cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội… Con người trong xã hội hiện đại một mặt muốn thỏa mãn nhu cầu thông tin của mình theo các kênh truyền thống. Song, mặt khác họ cũng muốn tương tác trực tiếp với các sự kiện để tự nhận thức, tự đánh giá, tự thể hiện. Do đó, có thể nhận thức vai trò của người dẫn chương trình có một ý nghĩa quan trọng trong việc dẵn dắt, điều khiển các sự kiện. Người dẫn chương trình là một cá nhân nhưng cũng là đại diện cho một đơn vị, một tổ chức, nhưng khi xuất hiện trước công chúng, người dẫn chương trình là người của công chúng.

3.2. Yêu cầu đối với người dẫn chương trình

Người dẫn chương trình là người thể hiện nhiều chức năng của công tác truyền thông: nhận thức, thông tin, giải trí… bằng hành vi nói năng, thuyết phục, cảm hóa, hình thành niềm tin và cổ vũ cho hành động của công chúng, dẫn tới yêu cầu nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của người dẫn chương trình trên hai phương diện cơ bản là phẩm chất và năng lực.

- Phẩm chất: phẩm chất của người dẫn chương trình thể hiện ở hai yêu cầu cơ bản:

+ Phẩm chất chính trị: phẩm chất của người dẫn chương trình được định hướng, tầm nhìn, quan điểm gắn liền với quy luật vận động phát triển của đời sống chính trị, kiến tạo khả năng thích nghi, ứng xử trong quá trình dẫn dắt, điều khiển chương trình, thực hiện vai trò của hoạt động truyền thông.

+ Phẩm chất đạo đức: đạo đức nghề nghiệp của người dẫn chương trình là biểu thị một cách trung thực, có chính kiến riêng thông qua thái độ chân thành vừa phản ánh cái khách quan vừa bộc lộ cái chủ quan trong hành vi nói năng. Sự kính trọng trong hành ngôn, lịch sự trong trang phục, đúng mực trong ứng xử sẽ gây được thiện cảm tạo ấn tượng, cảm xúc tốt đẹp về người dẫn. Đâu đó “người của công chúng” cố tình, chủ định tạo nên “một phút huy hoàng” thì đó chính là “nỗi buồn trăm năm” của đạo đức nghề nghiệp. Hãy kính trọng người nghe, sự kính trọng người nghe dẫn tới hành vi của người nói trong toàn bộ nghĩ suy và hành động về cái điều cần làm.

 - Năng lực: là đặc điểm tâm lý ổn định, hoạt động có hiệu quả trong sáng tạo, biên tập chương trình và nghệ thuật nói để dẫn đắt, điều khiển chương trình. Do vậy, yêu cầu người dẫn chương trình cần phấn đấu rèn luyện trên các phương diện sau:

+ Về kiến thức: cần phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ hiểu biết về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội làm cơ sở cho việc sáng tạo trong quá trình tổ chức và kiểm soát nội dung chương trình.

+ Về ngôn ngữ nói: hành động nói – nghe là một quá trình quản lý, quản lý nói – nghe là quản lý theo mục đích của chương trình, chế định bởi thời gian và hoàn cảnh giao tiếp. Đòi hỏi nghệ thuật nói của người dẫn chương trình, nói chính xác, đúng đắn, có tính thẩm mỹ. Sự vận dụng ngôn ngữ trong cách chọn từ, đặt câu phù hợp với đối tượng thể hiện, chú ý giữ âm làm cho cách nói biến hóa có sự âm vang, rèn luyện ngôn ngữ nói trở thành kỹ xảo có tính chất tự động hóa là yêu cầu quan trọng của người dẫn chương trình.

+ Xây dựng phong cách: phong cách của người dẫn chương trình là cái độc đáo, kết quả từ lao động “nói”, một loại lao động luôn gắn với trình độ, tài năng và các thủ pháp nói của người dẫn tương tác có tính chất đa “kênh” trong một chương trình. Nghe phải hay, nhìn phải đẹp là hai yếu tố cần rèn luyện của người dẫn chương trình.

KẾT LUẬN

Ngày nay, dẫn chương trình là một phương tiện quan trọng để hành nghề trong hoạt động truyền thông nói chung và là một nghề. Dẫn chương trình là một nghề mới, hình thành và phát triển những năm gần đây. Vì còn non trẻ nên những cơ sở lý luận còn đang được tiếp cận nghiên cứu. Những người dẫn chương trình hành nghề chủ yếu bằng sự say mê và kinh nghiệm qua thực hành các chương trình. Phương pháp dẫn chương trình mới được chú trọng, quan tâm tới việc diễn đạt lưu loát văn bản viết hoặc hoạt náo trong các trò chơi giải trí. Sự phát triển của khoa học – công nghệ, sự tiếp nhận những hình thức do công nghệ thông tin tác động, sự thích nghi một cách sáng tạo của những người xử lý, chế tác thông tin trong thể loại và phương thức truyền đạt đã tạo nên một thị trường mới đa dạng và hấp dẫn.

Vai trò của văn hóa giao tiếp đối với người dẫn chương trình truyền hình được hình thành từ ba thành tố cơ bản ngôn ngữ nói, cận ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Chính ba thành tố này giúp người dẫn vừa phiên dịch theo kiểu phóng tác, vừa thủ vai một nhân vật, vừa thể hiện vai trò đạo diễn. Có thể thấy từ chủ đề tư tưởng kịch bản viết và ý đồ chương trình đến vở diễn trực tiếp do không được dàn dựng là một “khoảng cách” thì người dẫn chương trình là người thực hiện lắp đầy “khoảng cách” đó bằng nghệ thuật sử dụng ngôn từ dẫn và điều khiển trong khoảng không gian và thời gian được quy định từ lúc bấm máy ghi hình cho đến kết thúc. Những thành tố về văn hóa giao tiếp là những kỹ năng được rèn luyện trở thành những kỹ xảo mang tính chất tự động hóa là những sáng tạo cần phải có của người dẫn chương trình truyền hình.

Để tạo nên uy tín của người dẫn chương trình những phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực của người dẫn chương trình là một quá trình lao động nghiêm túc, miệt mài và sáng tạo… hình thành phong cách của người dẫn chương trình./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chu Sĩ Chiêu (2009), Nghệ thuật giao tiếp, Nxb Tổng hợp Tp. HCM, Tp. HCM.

2. Phạm Vũ Dũng (1996), Văn hóa giao tiếp, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3. Hữu Đạt (2000), Văn hóa và ngôn ngữ giao tiếp của người Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Đồng (2009), Tâm lý học giao tiếp, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội.

5. Fec-đi-năng-đơ Xốt-Xuya (1973), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (2003), Từ điển Bách khoa Việt Nam (Tập 1, 3), Nxb Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội.

7. Lê Thị Phong Lan (2006), Ngôn ngữ của người dẫn chương trình truyền hình (Dựa trên tư liệu các chương trình giao lưu, gặp gỡ truyền hình),   Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, luận văn Thạc sĩ khoa học báo chí.

8. Nguyễn Văn Lê (2005), Văn hóa đạo đức trong giao tiếp ứng xử xã hội, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

9. Nguyễn Hiến Lê (2009), Nghệ thuật nói trước công chúng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

10. Marc Lequence (1996), Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng, Nxb Trẻ, Tp. HCM.

11. Lê Thị Như Quỳnh (2011),  Lời dẫn và câu hỏi của người dẫn chương trình truyền hình (Khảo sát trên các chương trình tọa đàm của Đài Truyền hình Tp. HCM), Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, luận văn Thạc sĩ ngôn ngữ học.

12. Stephen E. Lucas (2011), Nghệ thuật nói trước công chúng (Người dịch: Trương Thị Huệ - Nguyễn Mạnh Quang), Nxb Tổng hợp Tp. HCM, Tp. HCM.

 

 

Từ khóa: