Thị hiếu âm nhạc truyền thống Việt Nam của giới trẻ hiện nay: Kết quả khảo sát từ sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật

24
07
'22

Giới thiệu

Nghiên cứu này trình bày kết quả khảo sát về Thị hiếu âm nhạc truyền thống Việt Nam của giới trẻ hiện nay nhằm cải tiến việc dạy và học - học phần Đại cương Nghệ thuật học, thuộc chương trình dạy học Ngành Quản lý văn hóa, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như tôn trọng sự khác biệt, đa dạng về văn hóa.

Số liệu khảo sát được thu thập vào tháng 12 năm 2021. Bảng hỏi được tạo và quản lý trực tuyến bằng Google Biểu mẫu, gồm 5 câu hỏi chính. Đối tượng khảo sát là: Sinh viên năm thứ nhất các chuyên ngành: Quản lý hoạt động văn hóa xã hội, Tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và Tổ chức dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật. Tổng số câu trả lời là 163.

 

Kết quả khảo sát

1. Bạn có yêu thích âm nhạc truyền thống (ANTT) Việt Nam không?

Biểu đồ 1 cho thấy, số SV có yêu thích âm nhạc truyền thống Việt Nam là 137 SV (84.0%), không thích: 24 SV (14.7%) và bình thường 02 SV (1.2%).

Biểu đồ 1: Số SV yêu thích âm nhạc truyền thống Việt Nam

2. Bạn đang yêu thích loại nhạc nào?

Các thể loại nhạc SV hiện đang yêu thích khá đa dạng. Hầu hết SV đều có sở thích yêu nhiều thể loại (Ballad, Pop; Bolero, nhạc tài tử; hoặc Kpop, USUK...), ngoại trừ vài trường hợp chỉ yêu thích 1 thể loại (Ballad: 14 SV; Dân ca:12 SV...). Biểu đồ 2.

Biểu đồ 2: Các thể loại nhạc SV đang yêu thích

3. Theo bạn, tại sao ANTT Việt Nam không thu hút giới trẻ?

Lý do âm nhạc truyền thống Việt Nam không thu hút giới trẻ, phần lớn liên quan đến các yếu tố: thời đại, tâm lý lứa tuổi, truyền thông, giáo dục...cho đến yếu tố quản lý. Có thể nhận thấy điều này qua một số câu trả lời đại diện sau:

-“Trong thời đại 4.0 này, mọi mặt đều có sự phát triển vượt bậc so với ngày trước. Trong thể loại âm nhạc cũng có nhiều loại ra đời ví dụ như nhạc kpop, nhạc sàn, hay remix... giới trẻ hiện nay sống trong thời đại này thì sẽ có ý nghĩ theo các xu hướng mới. Và cứ dần dần như thế thì âm nhạc truyền thống lại không có ấn tượng nhiều đối với thế hệ giới trẻ”(MS03).

- “Âm nhạc truyền thống Việt Nam không thu hút được giới trẻ một phần là do giá trị nghệ thuật của nó cao và khó cảm nhận được, các bạn trẻ sẽ dễ bị thu hút bởi những yếu tố âm nhạc dễ nghe và cuốn hút họ sẽ ít để ý đến các giá trị nghệ thuật sâu bên trong một tác phẩm. Mặt khác âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng đang thiếu sự linh hoạt, sáng tạo để có thể phù hợp với các giai đoạn mới mà vẫn giữ được những giá trị cốt lõi riêng biệt” (MS39).

-“Theo em, xu hướng âm nhạc của giới trẻ ngày nay thường là loại nhạc sôi động, cá tính vì trong lời ca, giai điệu của nó luôn chứa đựng các cảm xúc, suy nghĩ của giới trẻ. Những dòng nhạc phổ biến hiện nay như pop, R&B, USUK...thường được các bạn trẻ yêu thích vì nó bắt tai và thu hút. Còn đối với ANTT nó không phổ biến rộng rãi và dễ tiếp cận như dòng nhạc trên, thời lượng nó xuất hiện trên truyền hình, Internet rất là ít. Dòng nhạc này chưa được lòng người trẻ vì giai điệu nó khác với giai điệu đang trendy hiện nay mà các bạn trẻ đang thích thú và theo đuổi. Cách truyền tải giá trị ANTT chưa được hiệu quả qua hệ thống truyền thông và những điều trên làm cho ANTT không thu hút được giới trẻ” (MS127).

-“Do ANTT chưa được chú trọng đầu tư và phát triển, giới trẻ bị thu hút bởi văn hóa phương Tây và các thể loại nhạc sôi động như jazz, pop, rock ...do không tạo được điều kiện để giới trẻ được tiếp cận từ sớm” (MS145).

4. Bạn có nghĩ rằng sự quay lưng lại với ANTT Việt Nam sẽ dẫn đến sự mai một của ANTT và có tác động tiêu cực đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa?

Kết quả trả lời Có: 156/163 SV, Không: 05 SV và Có thể: 02 SV. Dưới đây là một số trường hợp giải thích cụ thể:

- “Điều đó là tất nhiên, bởi lẽ ngày nay giới trẻ đang hội nhập những nền văn hóa ngoại quốc rất nhanh thông qua internet và việc âm nhạc truyền thống vẫn còn nhiều thiếu sót và kén người nghe như hiện nay là một điều hết sức lo ngại. Dần dần họ sẽ quên đi bản sắc văn hóa của nước nhà” (MS12).

- “Em nghĩ rằng là có nếu phỏng vấn 10 bạn trẻ thì có lẽ chỉ có 1 đến 2 bạn lắng nghe và biết được ANTT giới trẻ đang nghe nhạc hiện đại và không thích giai điệu hay lời bài hát ANTT nếu tình trạng này còn diễn ra thì có lẽ nguy cơ mai một là rất lớn và có tác động sâu sắc đến bản sắc dân tộc”(MS52).

- “Mình nghĩ sự quay lưng với ANTT Việt Nam sẽ dẫn đến sự mai một của ANTT và có tác động tiêu cực đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa  do sự lạm dụng nhạc trẻ của một số cá nhân đã làm xấu đi vẻ đẹp vốn có của nó. Ta dễ dàng bắt gặp nhiều trường hợp như: những người mẹ trẻ hiện nay không còn phải hát ru con bằng những câu hò, câu ca dao đầy tràn tâm tư, đầy sự giáo dục. Thay vào đó, họ cho con nghe những thể loại mà chính bản thân người mẹ cảm thấy thích thú như: Rock, Pop, Dance remix,...Chắc hẳn nhiều đứa trẻ sau này lớn lên sẽ không được nghe những câu hò, ca dao – những câu hát trĩu nặng tình thương ấy. Giống như câu “uống nước nhớ nguồn”, ta phải biết trân trọng những gì tốt đẹp nhất mà ông cha ta đã để lại. Âm nhạc cũng vậy, ta phải biết chắt lọc những gì tinh túy nhất, đừng vì lạm dụng mà đánh mất đi hình ảnh đẹp của nó. Thực tế cho thấy, lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà với các dòng nhạc dân ca, các câu hò, điệu lý,... thay vào đó là các bản hiphop, pop, ballad, V-pop... Phải chăng họ đã đánh mất đi cội nguồn của mình? Họ đã vô tình hay cố ý quên đi dòng nhạc mang đậm bản sắc quê hương”(MS47).

5. Để giữ gìn, phát huy ANTT Việt Nam theo bạn cần phải làm gì?

Các câu trả lời của SV thể hiện tập trung vào những giải pháp về thời đại, tâm lý lứa tuổi, truyền thông, giáo dục, quản lý (gắn với câu hỏi số 3). Điển hình:

- “Theo em để giữ gìn và phát huy ANTT ta có thể hành động thông qua nghiên cứu, giới thiệu, giảng giải để có nhiều người hiểu, đào tạo người nghe để có người theo học nghề và làm nghề,… Một trong những giải pháp được đánh giá cao là, đưa âm nhạc vào môi trường giáo dục, khi học sinh, sinh viên hiểu được cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc, sẽ không bao giờ có chuyện lãng quên. (MS08).

- “Phải nghiên cứu xu hướng và sáng tạo thêm các bài hát mới phản ánh hơi thở thời đại trên nền nhạc truyền thống” (MS99).

“Phổ biến rộng rãi hơn trên các mạng xã hội như facebook, tiktok, youtube..., làm mới các bài nhạc truyền thống tuy nhiên vẫn phải giữ lại nét truyền thống của nó” (MS69).

- “Cần phải có chính sách, kế hoạch, chiến dịch đầu tư cho âm nhạc truyền thống. Tạo ra nhiều sân chơi, đất diễn để bồi dưỡng cho những tài năng trẻ. Chúng ta cần phải có sân khấu biểu diễn cho các nhạc công, các nghệ sĩ trẻ và cần quảng bá nhạc cụ truyền thống rộng rãi hơn. Và cũng có thể tổ chức các cuộc thi về nhạc cụ truyền thống để tìm kiếm được những gương mặt nhạc công trẻ triển vọng để họ có động lực duy trì và phát triển tài năng. Bên cạnh đó, rất cần sự tham gia của các đài truyền hình, hằng ngày, hằng  tuần có những chương trình hòa tấu, độc tấu quảng bá đến công chúng. Nhằm lan tỏa âm nhạc truyền thống đến với những người có hứng thú cũng như truyền cảm hứng cho những người muốn theo đuổi con đường âm nhạc truyền thống” (MS81).

- “Cần phải cải cách để có thể đi theo tâm lý của mọi người, đừng bảo thủ trong việc phải giữ gìn một cách quá thụ động để chính vì đó làm cho ANTT càng ngày càng bị lạc hậu và dần dần biến mất khỏi thị trường âm nhạc Việt Nam” (MS101).

Kết luận

Tóm lại, kết quả khảo sát sinh viên năm nhất, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật về Thị hiếu âm nhạc truyền thống Việt Nam của giới trẻ hiện nay cho thấy: 1-Hầu hết SV của khoa đều yêu thích ANTT; 2- Sở thích âm nhạc hiện nay của SV đa dạng và nhiều thể loại cùng một lúc; 3- ANTT Việt Nam không thu hút giới trẻ, do nhiều yếu tố: thời đại, tâm lý lứa tuổi, truyền thông, giáo dục,... quản lý; 4 - Phần lớn SV đều có suy nghĩ về hậu quả của sự quay lưng lại với ANTT; và 5- Đưa ra những giải pháp giữ gìn, phát huy ANTT Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu này sẽ được sử dụng để cải tiến hoạt động giảng dạy của giảng viên và hoạt động học tập của SV trong năm học tới./.

Ths Nguyễn Thị Phà Ca

Giảng viên Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật

 Lời Cảm ơn

Sinh viên lớp Đại học: QLHĐ VHXH 16.1, TCSK VH,TT,DL 16.2 và TCDD CTVHNT 16.3 đã nhiệt tình trả lời khảo sát, giúp hoàn thành nghiên cứu này.

 

Từ khóa: