TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG NGHỆ THUẬT TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

08
06
'18

TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG

NGHỆ THUẬT TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Thạc sĩ Lê Thị Vương Nguyệt

Truyền hình thực tế (THTT) đang là hướng đi rất phổ biến trên toàn thế giới, Việt Nam cũng nằm một trong số đó. Tuy nhiên, ở Việt Nam, THTT chủ yếu phát triển trong lĩnh vực giải trí, đặc biệt là các cuộc thi có liên quan đến ca hát. Sự phát triển của thể loại chương trình truyền hình này góp phần cho đời sống tinh thần thêm phong phú; đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới cho đời sống văn hóa trong xã hội hiện nay.

Trăm hoa đua nở

Quá nhiều chương trình THTT về ca hát đang được tổ chức hiện nay theo định kỳ 1 hoặc 2 năm một lần. Sớm nhất phải kể tới cuộc thi “Sao Mai – Điểm hẹn” được tổ chức lần đầu cách nay đã 14 năm,  bắt đầu từ năm 2004. Có thể nói chương trình này được tổ chức như một cách để Đài Truyền hình Việt Nam tạo thêm sân chơi, cũng như cơ hội cho các giọng hát trẻ thiên về dòng nhạc nhẹ vốn không có nhiều cơ hội tỏa sáng trong cuộc thi Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc bắt đầu vào năm 1997 và từ mùa giải 2001 được gọi tắt là giải  “Sao Mai” . Cuộc thi này tăng cường sự gắn kết giữa thí sinh với ban giám khảo và khán giả thông qua việc thí sinh phải chinh phục nhiều dòng nhạc khác nhau, có một ban giám khảo nhận xét đồng thời có sự tham gia bình chọn qua tin nhắn của khán giả. Và như thế, sự thắng hay thua không chỉ phụ thuộc vào quyết định của ban giám khảo như những cuộc thi âm nhạc truyền thống, mà giờ đây một phần rất quan trọng đó chính là sự hưởng ứng từ khán giả. Chương trình được truyền hình liên tiếp trong nhiều tuần, đề cao những yếu tố khác ngoài giọng hát như đạo cụ, trang phục, cách thể hiện, vũ đạo… Đồng thời, mỗi thí sinh còn phải có một lượng fan nhất định tham gia trực tiếp trong các tuần thi và lượng fan này được duy trì liên tục cho đến khi cuộc thi kết thúc.

Thực chất, mô hình THTT có liên quan đến ca hát vốn rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ. Nhưng phải thừa nhận rằng, nó là một trong những chương trình THTT được “Việt Nam hóa” nhiều nhất so với các cuộc thi ra đời sau này gần như lệ thuộc hoàn toàn vào format của chương trình gốc.

Sau hai “mùa” của “Sao Mai - Điểm hẹn”, năm 2007 xuất hiện chương trình THTT “Vietnam Idol” (tên tiếng Việt là: “Thần tượng âm nhạc Việt Nam”). Chương trình coppy gần như nguyên mẫu với tính tương tác cao hơn, chia ra làm nhiều giai đoạn hơn, trong một vài vòng thi có tính quyết định nhà tổ chức đã lồng thêm phần thi đối đầu trực tiếp giữa các thí sinh. Đặc biệt, với quan điểm thu hút càng nhiều người tham gia thi ở vòng loại càng tốt đã giúp cho khán giả bị choáng ngợp ngay từ giây phút đầu tiên khi xem chương trình bởi một số lượng người tham gia lên tới hàng vạn.

Đến năm 2013, chương trình THTT “Giọng hát Việt” mùa đầu tiên được tổ chức thì gần như khán giả bị cuốn trôi theo chương trình bởi tính hấp dẫn luôn được đẩy căng lên, các thí sinh tựa như các đấu sĩ âm nhạc phải dự thi với các thể loại âm nhạc khác nhau, các hình thức trình diễn khác nhau (đơn, đôi, hòa bè…). Đồng thời, trong  chương trình, những chi tiết từ trên sâu khấu cho tới hậu trường, cả những yếu tố ngoài lề của cuộc thi và người chơi đều được khai thác và truyền tới khán giả một cách hấp dẫn nhất.

Sau khi chương trình “Học viện ngôi sao” với mô hình tựa như một trường âm nhạc chuyên đào tạo nhạc nhẹ vừa kết thúc thì chương trình khác cũng về ca hát tuyển lựa các giọng hát mang tên “Ngôi sao Việt” vẫn đang được tổ chức. Ngoài ra, chương trình “Nhân tố bí ẩn” đang diễn ra thu hút được sự chú ý từ khán giả.

Bên cạnh, một số chương trình như “Gương mặt thân quen” với tiêu chí là các nghệ sĩ chuyên nghiệp làm thí sinh song không được hát theo phong cách của họ mà phải bắt chước phần trình diễn của một ca sĩ trong nước hoặc quốc tế khác. Hay như chương trình “Cặp đôi hoàn hảo” với thành phần tham gia dự thi cũng là các nghệ sĩ chuyên nghiệp, một là ca sĩ và một là nghệ sĩ thuộc lĩnh vực khác, cả hai sẽ là một cặp đôi cùng đồng hành với nhau và “chiến đấu” với những cặp đôi còn lại. Gần đây nhất là chương trình “Tuyệt đỉnh tranh tài” lấy thành phần là các ca sĩ chuyên nghiệp, có tên tuổi trong sự nghiệp ca hát cùng nhau bước vào một cuộc thi để chọn ra người chiến thắng xứng đáng nhất. Đặc biệt hiện nay, chương trình Sing My Song đang gây sự chú ý không chỉ hấp dẫn bởi sự độc đáo mà mục đích của chương trình là tìm kiếm, bồi dưỡng và phát triển các thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ (nghệ sĩ ) đa tài.

Có những cuộc thi dù có vi mô nhỏ hơn nhưng cũng thu hút được sự quan tâm của một bộ phận công chúng như: “Tiếng hát mãi xanh” của Đài Truyền hình TP.HCM dành cho những người lớn tuổi yêu thích ca hát có cơ hội thỏa sức với niềm đam mê của mình; hay chương trình “Tuổi 20 hát” của VTV6 dành cho đối tượng là sinh viên các trường đại học trên cả nước tham gia. Điểm đặc biệt của chương trình này là các bài hát tham gia phải là những ca khúc thuộc dòng nhạc nhạc Cách mạng, ra đời từ hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Ngoài ra, các cuộc thi dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng cũng không kém phần hấp dẫn thu hút khán giả như: “Đồ Rê Mi” của Truyền hình VN dành cho lứa tuổi các cháu nhi đồng, hay “Giọng hát Việt nhí” dành cho lứa tuổi thiếu niên và năm 2014 này ra mắt “Gương mặt thân quen” phiên bản dành cho lứa tuổi nhỏ.

Những đóng góp tích cực

Sự có mặt của các chương trình THTT trong lĩnh vực âm nhạc đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc đáp ứng nhu cầu giải trí về văn hóa nghệ thuật của khán giả truyền hình trong cả nước. Điều quan trọng hơn, nó đã kéo khán giả trở lại ngồi trước tivi, góp phần tạo cho ngành công nghiệp truyền hình nói chung, giải trí trên truyền hình nói riêng thực sự có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Mặt khác, thông qua các chương trình THTT về âm nhạc, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự thay đổi cơ bản trong quan điểm cũng như khuynh hướng nghệ thuật của những người hoạt động nghệ thuật giải trí chuyên nghiệp. Ở đó, tất cả các yếu tố khác ngoài âm nhạc được đề cao, thậm chí tương đương với giọng hát. Điều lẽ ra đương nhiên phải như vậy nhưng dường như nó lại bị lãng quên đối với giới hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam từ nhiều thập niên trước đó, khiến khán giả khi nhắc tới nghệ thuật âm nhạc chuyên nghiệp thường nghĩ tớ sự khuôn mẫu, mực thước mà thiếu đi tính hấp dẫn, trẻ trung tạo nên sự sối động cho một chương trình THTT.

Bên cạnh đó, các chương trình THTT về âm nhạc đã góp phần phát hiện, bồi dưỡng và cung cấp cho thị trường âm nhạc những nhân tố mới, có chất lượng, từ đó góp phần giúp cho đơi sống âm nhạc ngày càng sôi động, hấp dẫn hơn. Ví dụ điển hình là chương trình “Sao Mai - Điểm hẹn” năm 2004 đã phát hiện ra những tên tuổi mà hiện nay đã rất vững vàng trong sự nghiệp ca hát như Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Ngọc Khuê, Thái Thùy Linh, Phương Anh, Cao Thái Sơn, Mỹ Dung, Lưu Hương Giang…; năm 2006 với những gương mặt: Phương Linh, Hà Anh Tuấn, Hoàng Hải, Phạm Anh Khoa, Mai Trang, Nguyễn Ngọc Anh, Minh Thư; năm 2008 với: Duy Khoa, Phạm Hà Linh, Dương Hoàng Yến; Minh Chuyên, Đinh Mạnh Ninh (của năm 2010)… Trong khi đó “Vietnam Idol” góp phần phát hiện những cái tên như: Phương Vy của lần đầu tiên tổ chức năm 2007, Quốc Thiên của lần thứ 2 năm 2008-2009, đặc biệt là Uyên Linh và Văn Mai Hương của năm 2010; Còn “Giọng hát Việt” mùa thứ nhất (năm 2012) góp phần phát hiện Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Trúc Nhân… trong khi mùa thứ 2 (năm 2013) được coi là ít thành công hơn so với mùa đầu tiên cũng góp phần tìm ra những giọng hát mới như Vũ Cát Tường, Hoàng Tôn, Dương Hoàng Yến cho đến mùa 5 năm 2017 có thêm những giọng ca “ hút” thị trường như Ali Hoàng Dương, Anh Đạt …

Vẫn còn nhiều hạn chế

Những đóng góp tích cực của các chương trình THTT về âm nhạc cho đời sống âm nhạc, thỏa mãn nhu cầu giải trí nghệ thuật của công chúng là điều không cần phải bàn cải. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ khác, chính sự phát triển của các chương trình THTT đã bộc lộ những hạn chế trong sự phát triển mang tính bền vững của nền nghệ thuật nước nhà. Chẳng hạn:

Thứ nhất, sự bùng nổ các chương trình THTT về âm nhạc đã thu hút gần hết sự quan tâm và tham gia của các bạn trẻ yêu ca hát. Việc những yêu thích ca hát quá dễ dàng tham gia một chương trình THTT, được công chúng biết đến và có cơ hội để biến giấc mơ trở thành ca sĩ thành hiện thực trong thời gian ngắn nhất. Sự rút ngắn đó đã bỏ qua quá trình khổ luyện trong đào tạo và tự đào tạo của các ca sỹ trẻ đã làm cho tính chuyên môn nghệ thuật thanh nhạc, biểu diễn của ca sỹ ngày càng suy giảm. Việc “đi tắt” đó của các ca sỹ trẻ còn góp phần làm cho các trường nghệ thuật chuyên nghiệp gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, cũng như chất lượng đầu vào.

Thứ hai, nhiều thí sinh không qua các trường lớp đào tạo nghệ thuật mà tiến thẳng tới các cuộc thi đã khiến cho chất lượng nghệ thuật từ chính các cuộc thi có nhiều vấn đề. Nếu như trước đây, khi các chương trình THTT về âm nhạc chưa phát triển, thì các cuộc thi ca hát dù mang vi mô nào cũng thu hút được những thí sinh đã vững vàng về kỹ thuật thanh nhạc, vì thế mà chất lượng nghệ thuật của các cuộc thi này luôn được đánh giá cao. Chẳng hạn như “Giọng hát hay Hà Nội” từng với sự góp mặt của Hồng Nhung, Tấn Minh, Mỹ Linh, Đăng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh… Trong khi đó, những cuộc thi gần đây, ngoài một số hữu hạn là sinh viên các trường nghệ thuật chuyên nghiệp tham dự, thì phần lớn thí sinh vẫn là những bạn trẻ yêu ca hát, chưa qua đào tạo trường lớp, nhưng được sự hỗ trợ rất lớn từ công nghệ âm nhạc, trong khi nội lực giọng hát còn khá nhiều hạn chế. Đó là một phần quan trọng của lý do vì sao rất nhiều ca sỹ “tối nở sớm tàn” và công chúng nhanh chóng lãng quên.

Thứ ba, việc đề cao vai trò truyền thông nhằm thu hút khán giả theo dõi chương trình nhiều khi đã tạo ra những tác động ngược tới đời sống văn nghệ và cho chính bản thân chương trình. Nhất là không ít chương trình THTT về ca nhạc đã tận dụng khai thác những chuyện ngoài chuyên môn để tạo scandal như chuyện thí sinh nói xấu nhau, chuyện phản ứng với giám khảo, chuyện cảnh đời và đời sống cá nhân của thí sinh,… Thậm chí, không ít chương trình lấy ban giám khảo là “chất liệu” cho chiến dịch truyền thông khi xây dựng thành phần giám khảo là những ngôi sao ca nhạc “mới lớn”, hay một số nghệ sỹ có tiếng những chuyên môn lại ít liên quan đến âm nhạc.

Thứ tư, ở góc độ quản lý, gần như chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật, những nhà giáo dục với nhà đài và các đối tác thực hiện chương trình. Thậm chí, ngay trong chính mối quan hệ giữa nhà đài với ê kíp thực hiện chương trình cũng chưa có sự phối hợp tốt. Chẳng hạn, hầu hết các chương trình THTT đang thu hút khán giả hiện nay đều do các công ty truyền thông thực hiện. Nhà đài cũng chỉ là đối tác cung cấp sóng cho chương trình, còn chuyện can thiệp, quản lý vào nội dung của chương trình là không thể. Trong khi nhà tổ chức buộc phải tạo những sự thu hút từ mọi yếu tố, kể cả gây “sốc” nhằm thu hút và làm vừa lòng nhà quảng cáo. Dẫn đến nhiều trường hợp bị dư luận phản ứng dữ dội.

Tạm kết

Sự phát triển của chương trình THTT trong giai đoạn hiện nay ở Việt nam là xu hướng tất yếu, cần thiết cho quá trình tồn tại và phát triển của ngành truyền hình. Vấn đề quan trọng ở đây không phải là loại bỏ mà phải nhìn nhận một cách khách quan, thậm chí cần có những nghiên cứu chuyên sâu của các nhà xã hội học, văn hóa học, nghệ thuật học, những nhà lý luận phê bình nghệ thuật,… để từ đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất. Ở góc độ cá nhân, đồng thời cũng là để khép lại bài viết này, chúng tôi mạn phép đưa ra một vài đề xuất với mong muốn khắc phục được phần nào những hạn chế của các chương trình THTT về âm nhạc, để từ đó góp phần nâng cao đời sống âm nhạc, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của công chúng như sau:

- Không nên quá lệ thuộc vào format kịch bản của nước ngoài cho dù đã mua bản quyền của các chương trình đó. Cần tăng cường khả năng sáng tạo và giảm bớt hoặc bổ sung thêm những yếu tố phù hợp với văn hóa Việt Nam.

- Để chương trình THTT phát triển bền vững, đồng thời tạo chỗ đứng của công nghệ truyền hình Việt Nam với khu vực, cũng như thế giới, truyền hình Việt Nam cần sáng tạo và sản xuất những format chương trình mang thương hiệu Việt.

- Cần tăng cường truyền thông, quảng bá để các bạn trẻ yêu nghệ thuật âm nhạc nhận thức được rằng quá trình học tập trau dồi kiến thức nghệ thuật, bao gồm quá trình tự đào tạo và việc học tại các trường đào tạo chuyên nghiệp là hết sức quan trọng, nó góp phần tạo nên tính chuyên nghiệp và bản lĩnh vực vàng cho người nghệ sĩ.

- Mặt khác, các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật cũng cần nghiên cứu đưa ra mô hình đào tạo phù hợp với xu hướng của thị trường âm nhạc Việt hiện nay để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người học.

-  Cần có cơ chế giám sát, quản lý nhà nước đối với những đơn vị tham gia sản xuất chương trình THTT hiện nay, nâng cao hơn nữa vai trò của các Đài truyền hình để giảm thiểu ở mức thấp nhất những chương trình THTT “rác”, hoặc những “hạt sạn” khi chương trình đến với công chúng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Dương Viết Á (2009), Mấy vấn đề văn hoá âm nhạc Việt Nam, Nxb Văn hoá dân.

2. Thế Bảo (2013), Cảm nhận mỹ học âm nhạc, Nxb Thanh niên.

3. Ca Lê Thuần, Những bài giảng Mỹ học âm nhạc tại Nhạc viện Tp Hồ Chí Minh.

4. Tô Vũ (2001), Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Âm nhạc.

 

Từ khóa:

Mạng xã hội