CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC NGÀNH VĂN HÓA – KẾT QUẢ KHẢO SÁT KHÁCH HÀNG VỀ NĂNG LỰC SINH VIÊN TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

04
04
'18

CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC NGÀNH VĂN HÓA – KẾT QUẢ KHẢO SÁT KHÁCH HÀNG VỀ NĂNG LỰC SINH VIÊN TỐT NGHIỆP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thị Phà Ca

Tóm tắt

Bài báo này trình bày kết quả khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng về năng lực của sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Số liệu khảo sát được thu thập vào năm 2014, dựa trên 15 câu hỏi, với tổng số phiếu thu thập được là 346. Nội dung khảo sát tập trung vào khách hàng đối với năng lực của sinh viên đã tốt nghiệp (Cử nhân). Kết quả phân tích cho thấy, chất lượng đào tạo các ngành văn hóa của trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh thời gian vừa qua. Kết quả số liệu góp phần cho việc đánh giá thực trạng và công tác kiểm định chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Từ khóa: Đào tạo, văn hóa, nguồn nhân lực, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.

 

Dẫn luận

Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo (CLĐT) nói chung, các ngành văn hóa nói riêng, đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội là một chủ trương lớn của chính phủ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Do đó các trường, trong đó có trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHVH TP.HCM) coi đây là nhiệm vụ sống còn.

Trường ĐHVH TP.HCM là một trong hai cơ sở đào tạo nguồn nhân lực (NNL) ngành văn hóa lớn nhất Việt Nam. Thành lập vào năm 1976, với nhiệm vụ là bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa theo yêu cầu. Đến năm 2005 trường được nâng cấp thành trường đại học. Trường có 2 cơ sở đào tạo: cơ sở chính có diện tích 7000 m2, cơ sở 2 có khuôn viên 22000m2. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên (LĐ, QL, GV, NV) của trường hiện nay là 163 người, trong đó có 05 phó giáo sư, tiến sĩ, 20 tiến sĩ, 73 thạc sĩ, 49 cử nhân đại học. Trường đã và đang đào tạo: cao học 02 ngành: Quản lý văn hóa và Văn hóa học. Đại học 07 ngành gồm: 1.Quản lý Văn hóa (QLVH); 2.Khoa học thư viện (KHTV); 3.Bảo tàng học (BTH); 4.Việt Nam học (VNH); 5.Kinh doanh xuất bản phẩm (KDXBP); 6.Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (VHCDTTSVN); 7.Văn hóa học (VHH). Cao đẳng 05 ngành (gồm các ngành 1,2,3,4,5 của bậc đại học) và một số khóa đào tạo ngắn hạn; và đang trình hồ sơ xin mở ngành đào tạo tiến sĩ QLVH vào năm 2016.

Trường có sứ mạng là “đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, truyền thông và du lịch đạt chuẩn, tiên tiến, phù hợp nhu cầu xã hội”. Tầm nhìn đến 2020: “Trở thành trường đại học có uy tín so với các trường trong nước và khu vực, phấn đấu đạt chất lượng cao trên mọi lĩnh vực hoạt động.  Mục tiêu chiến lược đến năm 2030  là “Trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và Châu Á".

Từ năm 2009 trường đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao CLĐT như: Khảo sát lấy ý kiến phản hồi của sinh viên (SV) về hoạt động giảng dạy của giảng viên (GV); Khảo sát SV tốt nghiệp về chương trình đào tạo (CTĐT); Tự đánh giá theo quy định của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, về việc khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng về năng lực của sinh viên tốt nghiệp (SVTN) trường ĐHVH TP.HCM trong tất cả 7 ngành: QLVH, KHTV, BTH, VNH, KDXBP, VHCDTTSVN và VHH thì chưa có một nghiên cứu nào được thực hiện.

  1. Khái niệm về chất lượng đào tạo

“Chất lượng” là một khái niệm đa nghĩa. Nghiên cứu của Harvey và Green (1992) cho thấy có 5 nhóm quan niệm về chất lượng: Chất lượng là sự vượt trội; Chất lượng là sự hoàn hảo; Chất lượng là phù hợp với mục tiêu: đáp ứng yêu cầu của khách hàng và sứ mạng của tổ chức; Chất lượng là đáng giá đồng tiền; Chất lượng là sự chuyển đổi. Theo Sallis (2002), chất lượng được hiểu theo hai nghĩa “tuyệt đối” và “tương đối”. Oakland (2003), cho rằng chất lượng là “tính đáng tin cậy”. Theo Nguyễn Kim Dung, Huỳnh Xuân Nhựt thì khái niệm chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu được nhiều nhà GD Việt Nam đồng tình. Về phần mình, các tác giả cho rằng “chất lượng là sự đáp ứng với mục tiêu, và mục tiêu đó phải phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội”. Theo Bộ GDĐT, “Chất lượng giáo dục trường đại học là sự đáp ứng mục tiêu do nhà trường đề ra, đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục đại học của Luật giáo dục, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước”.

Do khái niệm chất lượng có vô số nghĩa như vậy nên theo chúng tôi, cần phải có một cách lý giải mà nó bao trùm mọi nghĩa khác nhau nhưng cái đích cuối cùng vẫn là nhằm thỏa mãn cho mọi yêu cầu và lợi ích của khách hàng. Vì vậy, chúng tôi chọn cách tiếp cận khái niệm chất lượng theo quản lý chất lượng tổng thể (Total Quality Management – TQM).

TQM bao gồm cả hai khái niệm chất lượng là sự nhất quán và chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu. TQM cũng cố gắng kết hợp khái niệm chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu (trong bối cảnh văn hóa chất lượng, VHCL) với chất lượng là sự hoàn hảo. Nó cũng ngụ ý chất lượng là sự chuyển đổi – một điểm trọng tâm của triết lý TQM. TQM cung cấp một khái niệm đơn giản, dễ hiểu và một giải pháp hết sức rõ ràng về chất lượng đó là sự phù hợp với mục tiêu và đảm bảo chất lượng (Harvey và Green, 1992).

Chất lượng đào tạo (CLĐT) cũng bao hàm nhiều nghĩa. Nó có thể được định nghĩa theo góc độ đơn vị đào tạo và người học. Dưới góc độ đơn vị đào tạo thì CLĐT gồm các yếu tố: sứ mệnh, mục tiêu; có một tổ chức quản lý (cơ cấu, hệ thống văn bản, quy định); chương trình; giáo trình, đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất; công tác ĐBCL và sự phát triển quy mô đào tạo (số lượng ngành nghề, loại hình đào tạo, số lượng người học, đội ngũ GV, cơ sở vật chất). Dưới góc độ người học, CLĐT là các yếu tố: kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Hoặc được định nghĩa là sự đạt được mức độ, mục tiêu của CTĐT; kết quả của quá trình đào tạo; thỏa mãn yêu cầu của tất cả khách hàng bên trong và bên ngoài (Trần Ngọc Trình, 2013). Tuy các cách tiếp cận trên có khác nhau, song tựu trung thì CLĐT là sự đạt được mục tiêu đào tạo đáp ứng theo nhu cầu của mọi khách hàng.

Trong giáo dục, khách hàng bên trong được hiểu là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, nhân viên. Khách hàng bên ngoài bao gồm người học, phụ huynh, nhà tuyển dụng, nhà nước, thị trường lao động (Sallis, 2002, p.22).

Đánh giá sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ là một trong nhiều hình thức đánh giá chất lượng (ĐGCL). Mục đích của nó là tìm hiểu thái độ của khách hàng về những dịch vụ do trường cung cấp. Khách hàng là người sử dụng dịch vụ của nhà trường nên họ biết rõ tác dụng của các chương trình đó. Vì vậy, sự đánh giá, mức độ hài lòng của họ sẽ cho phép nói lên CLĐT của nhà trường.

Mục đích của nghiên cứu này là thu thập sự đánh giá của khách hàng về năng lực của SVTN để trả lời cho câu hỏi: CLĐT của trường ĐHVH TP.HCM đang ở mức nào. Trên cơ sở dữ liệu này, lãnh đạo trường sẽ có căn cứ thực tế để ra quyết định cải tiến, nâng cao CLĐT trong tương lai.

2. Dữ liệu và phương pháp

Căn cứ vào mục tiêu đào tạo (MTĐT) các chuyên ngành văn hóa của trường ĐHVH TP.HCM, chúng tôi thiết kế 1 bảng hỏi về mức độ hài lòng của khách hàng về năng lực của SVTN với 15 câu hỏi. Các câu hỏi về năng lực của SVTN bao gồm: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Cụ thể như sau:

  • Phần kiến thức có 2 câu: 1- Khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, 15- Kiến thức và kỹ năng của SVTN đáp ứng được yêu cầu của Nhà tuyển dụng (NTD).
  • Phần kỹ năng có 9 câu: 2- Khả năng giải quyết vấn đề; 3- Khả năng quản lý, tổ chức, thực hiện công việc; 4- Khả năng thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi của môi trường làm việc; 5- Giao tiếp hiệu quả; 6- Chủ động, sáng tạo trong công việc; 7- Hợp tác hiệu quả với đồng nghiệp; 8- Khả năng làm việc độc lập; 13- Khả năng Tin học; 14- Khả năng Ngoại ngữ.
  • Phần thái độ có 4 câu: 9- Đạo đức và trách nhiệm đối với nghề nghiệp; 10- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; 11- Khả năng học tập và phát triển nghề nghiệp; 12- Tinh thần cầu tiến.

Mức độ hài lòng của khách hàng được thể hiện theo thang bậc từ 1 (hoàn toàn không hài lòng) đến 5 (hoàn toàn hài lòng).

Do hạn chế về các nguồn lực, nghiên cứu này chỉ giới hạn khảo sát 4 nhóm đối tượng: 1- Cựu sinh viên (CSV, là những người đã tốt nghiệp trong khoảng thời gian 5 năm). 2- SVTN là đại diện của SV vừa tốt nghiệp khóa học 2010-2014, gồm 10 chuyên ngành: KHTV, BTH, VNH (Du lịch), KDXBP, VHH, VHCDTTSVN, Quản lý hoạt động mỹ thuật (QLHĐMT), Quản lý hoạt động sân khấu (QLHĐSK), Quản lý hoạt động âm nhạc (QLHĐSK), Quản lý văn hóa xã hội (QLVHXH)). 3- Nhà tuyển dụng (NTD, là những người đại diện của các công ty, tổ chức thuộc lĩnh vực văn hóa ở các tỉnh thành phía Nam), và 4- Đội ngũ LĐ, QL, GV, NV của trường (gọi tắt là ĐHVH TP.HCM). Hình thức phát, thu phiếu: phát trực tiếp, email và facebook.

Tổng số phiếu thu thập được từ 4 nhóm khách hàng là 346 phiếu. Trong đó, CSV là 32, SVTN là 191, NTD là 46 và ĐHVH TP.HCM là 77 phiếu.

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp định lượng để tính trung bình mức độ hài lòng của mỗi nhóm và trung bình chung của 4 nhóm. Phân tích này được thực hiện bằng phần mềm R Statistical Environment (R version 3.2.3).

3. Kết quả phân tích

Trung bình mức độ hài lòng của mỗi nhóm khách hàng về năng lực của SVTN được thể hiện ở bảng 1. Đối với nhóm CSV, trung bình mức độ hài lòng về năng lực của SVTN cao nhất là khoảng từ 3 đến 3.3 (bao gồm các câu 8- Khả năng làm việc độc lập, 9- Đạo đức và trách nhiệm đối với nghề nghiệp, 10- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và 12- Tinh thần cầu tiến); mức thấp nhất là khoảng từ 2.0 đến 2.5 (bao gồm các câu 1- Khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn và 14- Khả năng Ngoại ngữ); và mức ở giữa là từ khoảng 2.7 đến 2.8 (gồm các câu 2- Khả năng giải quyết vấn đề; 3- Khả năng quản lý, tổ chức, thực hiện công việc; 4- Khả năng thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi của môi trường làm việc; 5- Giao tiếp hiệu quả; 6- Chủ động, sáng tạo trong công việc; 7- Hợp tác hiệu quả với đồng nghiệp; 11- Khả năng học tập và phát triển nghề nghiệp; 13- Khả năng Tin học; 15- Kiến thức và kỹ năng của SVTN đáp ứng được yêu cầu của NTD).

Trường ĐHVH TP.HCM đánh giá năng lực của SVTN ở mức cao nhất là khoảng từ 3.0 đến 3.4 (gồm các câu 9,10,12); mức thấp nhất là khoảng là khoảng từ 1.7 đến 2.5 (gồm các câu 1,2,3,6,7,8,13,14,15) và mức giữa là từ khoảng 2.6 đến 2.8 (gồm các câu 4,5,11).

Nhóm các NTD có mức hài lòng về năng lực của sinh viên tốt nghiệp cao nhất là khoảng từ 3.6 đến 4.10 (gồm các câu 9,10,11,12), thấp nhất là 2.5 đến 2.9 (gồm các câu 2,3,8,13,14), và mức giữa là từ khoảng 3 đến 3.2 (gồm các câu 1,4,5,6,7,15).

Chỉ số hài lòng của nhóm sinh viên tốt nghiệp có mức trung bình cao nhất là từ khoảng 2.9 đến 3.3 (gồm các câu 9,10,11,12), mức giữa là từ khoảng 2.6 đến 2.8 (gồm các câu 4,5,6,7,8) và mức thấp nhất là từ khoảng 2.3 đến 2.5 (gồm các câu 1,2,3,13,14).

So sánh sự đánh giá của 4 nhóm về năng lực của SVTN cho thấy có điểm khá tương đồng. Đó là sự đánh giá khá cao SVTN về: đạo đức và trách nhiệm đối với nghề nghiệp; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; học tập và phát triển nghề nghiệp; tinh thần cầu tiến, còn về ngoại ngữ tiếng anh thì được đánh giá thấp. Tuy nhiên, cũng có một khác biệt đáng kể đó là trong 4 nhóm, đánh giá của NTD về năng lực của SVTN ở hầu hết ở các câu hỏi đều ở mức cao hơn hẳn so với các nhóm còn lại.

Bảng 1: Trung bình mức độ hài lòng về năng lực của SVTN theo từng nhóm

Đánh giá năng lực của SVTN

CSV

ĐHVH

NTD

SVTN

1- Khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn

2.47

2.47

3.09

2.49

2- Khả năng giải quyết vấn đề          

2.75

2.44

2.89

2.50

3- Khả năng quản lý, tổ chức, thực hiện công việc

2.69

2.39

2.93

2.58

4- Khả năng thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi của môi trường làm việc

2.81

2.61

3.28

2.66

5- Giao tiếp hiệu quả

2.75

2.61

3.15

2.72

6- Chủ động, sáng tạo trong công việc

2.84

2.43

3.04

2.64

7- Hợp tác hiệu quả với đồng nghiệp

2.75

2.47

3.24

2.73

8- Khả năng làm việc độc lập

3.06

2.47

2.89

2.78

9- Đạo đức và trách nhiệm đối với nghề nghiệp

3.12

3.43

3.65

3.01

10- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật

3.34

3.43

4.11

3.35

11- Khả năng học tập và phát triển nghề nghiệp

2.78

2.83

3.57

2.85

12- Tinh thần cầu tiến

3.19

2.92

3.65

3.10

13- Khả năng Tin học

2.72

2.25

2.96

2.56

14- Khả năng Ngoại ngữ

2.00

1.71

2.54

2.32

15- Kiến thức và kỹ năng của SVTN đáp ứng được yêu cầu của NTD

2.75

2.39

3.11

2.62

 

Kết quả phân tích trung bình chung mức độ hài lòng về năng lực của SVTN của tất cả các nhóm được tóm tắt trong hình 1 theo 3 mức.

        Mức cao nhất thuộc về phần thái độ với chỉ số trung bình trong khoảng 3.5. Gồm các câu: 9- Đạo đức và trách nhiệm đối với nghề nghiệp; 10- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; 11- Khả năng học tập và phát triển nghề nghiệp; 12- Tinh thần cầu tiến.

Mức thứ hai thuộc về phần kiến thức và kỹ năng, với chỉ số trung bình trong khoảng 2.5. Gồm các câu: 1- Khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; 2- Khả năng giải quyết vấn đề; 3- Khả năng quản lý, tổ chức, thực hiện công việc; 4- Khả năng thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi của môi trường làm việc; 5- Giao tiếp hiệu quả; 6- Chủ động, sáng tạo trong công việc; 7- Hợp tác hiệu quả với đồng nghiệp; 8- Khả năng làm việc độc lập; 13- Khả năng Tin học; 15- Kiến thức và kỹ năng của SVTN đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

        Mức thấp nhất là câu 14- Khả năng Ngoại ngữ với mức trung bình 2.0.

Hình 1:  Trung bình mức độ hài lòng về năng lực của SVTN chung của 4 nhóm

 

 

 

Khách hàng có một vai trò quan trọng trong việc ĐGCL nói chung và CLĐT đại học nói riêng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự hài lòng của họ cho phép kết luận về CLĐT. Tuy nhiên, từ trước đến nay ở trường ĐHVH TP.HCM chưa có nghiên cứu nào khảo sát sự hài lòng của khách hàng về năng lực của SVTN từ tất cả các chuyên ngành của trường. Nghiên cứu này đã thực hiện để khảo sát vấn đề trên. Nghiên cứu đã khám phá ra rằng sự hài lòng của khách hàng tập trung ở mức cao nhất là khoảng 3.5 gồm các câu hỏi có liên quan đến thái độ của SVTN. Mức thứ hai là khoảng 2.5 gồm các câu hỏi liên quan đến kiến thức và kỹ năng, trong số đó kỹ năng ngoại ngữ được đánh giá ở mức thấp nhất là 2.0. Mặc dù có sự khác biệt trong việc đánh giá năng lực của SVTN giữa nhóm NTD và các nhóm trường ĐHVH TP.HCM, CSV, SVTN. Tuy nhiên, nhìn chung mức trung bình các câu hỏi là từ 2.5 trở lên. Điều này phản ánh rằng chất lượng đào tạo của trường đang ở mức khá.

Câu hỏi đặt ra là vì sao phần kiến thức và kỹ năng chưa được đánh giá cao? Có nhiều lý do để giải thích về kết quả này. Thứ nhất là CTĐT của tất cả các ngành chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Thứ hai, phương pháp đào tạo và cách đánh giá năng lực SV hiện nay còn chậm đổi mới. Thứ ba, cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ chưa sẵn sàng cho phương pháp dạy và học hiện đại. Thứ tư, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa NTD và nhà trường trong việc tạo ra môi trường cho SV thực hành tác nghiệp. Và điều quan trọng nhất là chưa định kỳ thực hiện việc thu thập ý kiến khách hàng bên trong và bên ngoài. Có lẽ vì vậy mà mức độ hài lòng của khách hàng chưa đạt đến mức hoàn toàn hài lòng.

Khác với các nghiên cứu trước đây của trường là khảo sát kết quả đào tạo của một ngành cụ thể, nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng về năng lực của SVTN đối với tất cả các ngành đào tạo của trường. Kết quả nghiên cứu này đã chỉ ra những ưu điểm và hạn chế nhất định về năng lực của SVTN. Đây là một dữ liệu quan trọng giúp cho nhà trường có cơ sở cho việc ra quyết định tăng cường các giải pháp về NCCLĐT. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng có những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, các câu hỏi chỉ xét ở khía cạnh sự hài lòng về một số năng lực của SV. Nó không thể hiện trực tiếp chất lượng tổng thể của trường ĐHVH TP.HCM, ví dụ như dịch vụ khách hàng; lãnh đạo; môi trường cơ sở vật chất và các nguồn lực; hiệu quả giảng dạy và học tập; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên, Tổ chức v.v... Ngoài ra, việc thu thập dữ liệu được tiến hành vào năm 2014 nên có thể thực tế hiện nay đã khác.

4. Kết luận

Bài báo đã thực hiện một thống kê mô tả về mức độ hài lòng của khách hàng về năng lực của SVTN từ trường ĐHVH TP.HCM. Kết quả phân tích cho thấy sự hài lòng của các bên được khảo sát trung bình ở mức 2.5 đến 3.5.  Với mức hài lòng này, có thể kết luận chất lượng đào tạo các ngành văn hóa của trường ĐHVH TP.HCM đang ở mức khá.

Dựa vào kết quả này, chúng tôi có những đề nghị sau:

Một mặt, nhà trường cần: lập kế hoạch rà soát bổ sung, điều chỉnh CTĐT các chuyên ngành, đảm bảo sự phù hợp giữa mục tiêu và chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ cho người học với sự tham khảo ý kiến của khách hàng bên trong và bên ngoài; đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá sinh viên nhằm phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, tổ chức công việc, giao tiếp, hợp tác nhóm, làm việc độc lập v.v…Đặc

 

biệt là cần có phương thức học ngoại ngữ thích hợp và hiệu quả hơn; tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập của sinh viên; đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và NTD đưa sinh viên đi thực tế, thực tập; duy trì mối quan hệ với tốt với khách hàng, nhất là khách hàng bên ngoài.

Mặt khác, cần đổi mới công tác quản lý chất lượng. Bởi vì “chất lượng không tự sinh ra, mà cần phải có kế hoạch” mà việc lập kế hoạch chính là một chức năng của quản lý. Theo Juran, nhà tiên phong của phong trào chất lượng  thì “chất lượng kém thường là kết quả của việc quản lý kém”,“80% những vấn đề về chất lượng là do lỗi từ việc quản lý”. Vì vậy, muốn NCCLĐT nói riêng cũng như chất lượng của trường nói chung, tất yếu phải tăng cường giải pháp quản lý chất lượng. Để đạt được thành công trong vấn đề này, thiết nghĩ mô hình TQM là một lựa chọn thích hợp nhất cho trường ĐHVH TP.HCM. Bởi vì trước đây trường ĐHVH TP.HCM đã từng ứng dụng khái niệm TQM trong quản lý đào tạo nhưng hiện nay chưa được nghiên cứu phát triển thành một mô hình chính thức.

Tóm lại, chất lượng đào tạo các ngành văn hóa của trường ĐHVH TP.HCM thông qua khảo sát sự hài lòng của khách hàng được chứng minh đang ở mức khá. Do vậy, nhà trường cần tăng cường các giải pháp nâng cao CLĐT, đặc biệt là giải pháp về quản lý chất lượng với việc nghiên cứu phát triển mô hình quản lý chất lượng theo tiếp cận tổng thể - TQM. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được mục tiêu phát triển và thỏa mãn nhu cầu của mọi khách hàng./.

(*) Thực hiện khảo sát này, tác giả chân thành cảm ơn Đội ngũ LĐ, QL, GV, NV trường ĐHVH TP.HCM, SVTN năm học 2014; CSV và các NTD đã nhiệt tình trả lời khảo sát, giúp hoàn thành nghiên cứu này. Ts Phạm Thi Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá giáo dục Đại học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã góp ý nhận xét bài báo.

Chú thích:

 



[i] ,3 Danh sách cán bộ tính đến 30.6.2015. Nguồn: Phòng Tổ chức cán bộ, trường ĐHVH TP.HCM.

[ii] Đề án phát triển trường đại học văn hóa thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2014- 2020 (tr. 40).

 

[iv] Chiến lược phát triển Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Tr.30).

[v]  Harvey, L., and Green, D. “Defining Quality”, Assessmentand Evaluation in Higher Education 18 1 (1992). tr.42.

[vi] Sallis,E. (2002), Total Quality Management in Education (Third edition ) London: Kogan Page, tr. 12-13.

[vii] Nguyễn Kim Dung, Huỳnh Xuân Nhựt. “Các khái niệm chất lượng, văn hóa chất lượng, đánh giá, đảm bảo và kiểm định chất lượng trong giáo dục”, http://ceea.ier.edu.vn/danh-gia-kiem-dinh/danh-gia/126-cac-khai-niem-chat-luong-van-hoa-chat-luong-danh-gia-dam-bao-va-kiem-dinh-cl-trong-giao-duc.

[viii] Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGDĐT ngày 04/3/2014 của Bộ GDĐT, Quyết định Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học.

[ix] Nguyễn Thị Thu Hà, Đặng Thị Minh Ngọc (2013), Nâng cao chất lượng đào tạo hệ chất lượng cao bằng tiếng anh tại trường đại học ngoại thương, http://tapchiktdn.ftu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=166:nang-cao-cht-lng-ao-to-h-cht-lng-cao-bng-ting-anh-ti-trng-i-hc-ngoi-thng&catid=75:tin-nckh&Itemid=136.

 

[xi] Dẫn theo Sallis, E. (2002), Total Quality Management in Education, London: Kogan Page. Tr.42.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chương trình đào tạo các chuyên ngành của Trường ĐHVH TP.HCM.
  2. Chiến lược phát triển Trường ĐHVH TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nguồn: Tạp chí văn hoá và nguồn lực, Số 7 (3)/2016. Tr 65-72.

 

 

 

 

 

Từ khóa: