ĐẠI HỌC VĂN HÓA TPHCM- NGÔI TRƯỜNG CỦA NHỮNG SỰ KIỆN

04
04
'18

ĐẠI HỌC VĂN HÓA TPHCM- NGÔI TRƯỜNG CỦA NHỮNG SỰ KIỆN

Tác giả: Huỳnh Công Duẩn

Vào ngày 01/01/2017 tại khu lưu trú công nhân Sadeco – Khu chế xuất Tân Thuận, sinh viên lớp Quản lý văn hóa 8.1 tổ chức sự kiện vui Tết Vi – Ha – La (Việt Nam, Hàn Quốc, Lào) và tặng quà cho Công nhân. Ngày 9/01/2017 Lớp Đạo diễn sự kiện 3 tổ chức đêm chung kết cuộc thi “Ca khúc phim Việt” chương trình được thu hình phát sóng trên HTVC Thuần Việt…đó là hai trong số những sự kiện đáng chú ý nằm trong chuỗi sự kiện thi kết thúc môn của sinh viên trường Đại học Văn hóa TPHCM.

 

Có một thực tế là các trường Đại học lâu nay thường chỉ chú trọng đến việc đào tạo và cung cấp các kiến thức mang tính “lý thuyết" nên sinh viên khi ra trường không đáp ứng được nhu cầu của xã hội và cơ quan tuyển dụng vì sinh viên quá thiếu khả năng thực hành. Đó cũng chính là lý do vì sao có số lượng sinh viên đại học khi tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm ngày càng tăng. Chính vì thế thời gian gần đây Ban giám hiệu trường Đại học Văn hóa TPHCM đã đẩy mạnh việc chủ trương đào tạo theo hướng ứng dụng, tăng khả năng thực hành cho sinh viên.

Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ Thuật được xem như là đầu tàu trong chủ trương này, chính vì vậy trong tất các môn đòi hỏi giảng viên phải nâng cao tính thực hành cho sinh viên. Chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm nhiều sự kiện nổi bật đã được tổ chức thật sự hoành tráng, ý nghĩa và để lại nhiều ấn tượng như: Ngày hội sống trẻ, Ngọn lửa Raglai, chương trình nghệ thuật Bay Qua Biển Đông, Ấp Ám Đêm Đông …,

Ngày hội sống trẻ - một sự kiện văn hóa nghệ thuật hiện đại mang dấu ấn của tuổi trẻ nhưng vẫn không quên nét đẹp văn hóa “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam, chính trong sự kiện ngoài việc tổ chức các em lớp Quản lý Văn hóa 13 đã xin tài trợ và đã đóng góp kinh phí tặng cho trường Mầm Non Triệu An, tỉnh Quảng Trị để mua lại các vật dụng cho trẻ em sau những ngày bị mưa lũ. Ngoài ra các việc đưa các sinh viên đến các địa phương, các cơ sở, đơn vị để tổ chức thi kết thúc môn nhằm để cho các em đẩy mạnh tính thực tiễn cũng được các thầy cô giáo đặc biệt chú trọng. Chuyến đi thực tế để tổ chức sự kiện giao lưu nghệ thuật và trao học bổng Ngọn lửa Raglai tại huyện Ninh Sơn – tỉnh Ninh Thuận của các em sinh viên lớp Quản lý Văn hóa 8.2 trường Đại học Văn hóa TPHCM chính là một trong những cách làm để các em có những kinh nghiệm thực tế khi tổ chức một sự kiện văn hóa nghệ thuật. Sau khi học lý thuyết các em sẽ tự tổ chức một sự kiện hoàn chỉnh từ khi bắt đầu cho đến kết thúc. "Chính trong môn học này các em đã tự lên ý tưởng tổ chức một sự kiện bắt đầu từ việc Thiết kế sự kiện, viết kịch bản, dàn dựng, âm thanh, ánh sáng, in ấn, công tác truyền thông sự kiện, lên kinh phí, đến công tác khảo sát địa điểm, xin giấy phép, từ khâu an ninh, y tế, phối hợp với các cơ quan ban ngành của địa phương để tổ chức, công tác tổ chức khán giả, điều hành chương trình nghệ thuật... vv... Với cách thức này sẽ giúp sinh viên có những kinh nghiệm thực tiễn, tăng tính ứng dụng trong công tác đào tạo của nhà trường" - đạo diễn Hoàng Duẩn giảng viên của trường chia sẻ. Cùng đi Ninh Thuận trong những ngày qua là chương trình thi kết thúc môn: Đạo diễn chương trình Ca múa Nhạc và Thanh Nhạc của lớp Quản lý Âm nhạc 7 với chủ đề “ Bay qua biển đông” nhằm mục đích kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày quốc phòng toàn dân. Chương trình đã biểu diễn phục vụ cho đối tượng là Bộ đội, Công an, cán bộ công nhân viên chức, người dân tại huyện Ninh Hải tỉnh Ninh Thuận. Chương trình đã giúp cho các sinh viên những kinh nghiệm thực tế bổ ích trong việc dàn dựng chương trình ca múa nhạc và được công diễn trước khán giả "thật" chứ không phải chỉ diễn cho sinh viên nội bộ trường xem như trước đây. Các em sẽ đo được sự yêu thích của khán giả thông qua từng tiết mục thông qua các xử lý về bố cục chương trình, tiết tấu các bài hát, cách sắp xếp chương trình, dàn dựng các tiết mục, từ phục trang, đạo cụ, xử lý âm thanh, ánh sáng, cảnh trí... những bài học này sẽ giúp các em tiếp cận công việc một cách nhanh nhất khi ra trường. Lớp Biên tập và Dẫn chương trình 3 đã kết thúc 4 môn học của mình bằng một đêm thi ấn tượng với chương trình  "Ấm áp đêm đông"” vào dịp Noel với các khách mời nổi tiếng thật như: Ca sĩ Huỳnh Thanh Vinh, diễn viên Ngọc Tưởng, NNƯT Hồng Oanh (nghệ nhân Ví Giặm), bác sĩ Trương Thế Dũng... chư không phải nhờ người khác "đóng vai" như trước đây.

Em Đinh Bá Biết - Sinh viên lớp QLVH 8.2 cho biết “đây là một cách thức thi hết sức có giá trị, nhờ những trải nghiệm thực tế như thế này mà chúng em có thêm những kinh nghiệm quí báu mà nếu chỉ ngồi trong nhà trường thì không bao giờ chúng em có được. Kết thúc những sự kiện như thế này chúng em tự tin hơn khi ra trường rất nhiều…. ”

Sắp tới hai sự kiện lớn cũng sẽ được tổ chức theo phương thức này đó là: Vui Tết Ha – Vi – La (Việt- Hàn - Lào) được tổ chức tại Khu lưu trú Công nhân Khu chế xuất Tân Thuận của Lớp Quản lý Văn Hóa 8.1 vào ngày 01.01.2017 khi kết thúc môn Tổ chức sự kiện và Xây dựng quản lý Dự án Văn hóa nghệ thuật; Lớp đạo diễn Sự kiện 3 với một cuộc thi ấn tượng “Tiếng hát Phim Việt” vào ngày 9.01 (chào mừng ngày Sinh viên Việt Nam) chương trình được thu hình và phát sóng trên truyền hình HTV Thuần Việt...vv...

Nguồn: Tạp chí Sân khấu TPHCM, số 1307, ngày 9/01/2017

 

Từ khóa: