Tuyển sinh năng khiếu nghệ thuật tại Đại học văn hóa TP.HCM 2021: ấn tượng khó quên với lần đầu tuyển sinh trực tuyến
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để tạo thuận lợi cho thí sinh trường Đại học văn hóa Tp.HCM đã tổ chức thi năng khiếu bằng hình thức trực tuyến và nộp sản phẩm dự thi thay cho hình thức thi trực tiếp như những năm trước. Đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức hình thức thi này, ngày thi thứ nhất đã diễn ra thành công và để lại nhiều ấn tượng khó quên với thí sinh lẫn Hội đồng chấm thi.
Em bị “mất hình”, thầy “mất tiếng” và… một cuộc thi chưa bao giờ có
Ngày 27/7/2021, Hội đồng tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Kỳ thi tuyển sinh Năng khiếu nghệ thuật cho các thí sinh dự tuyển vào ngành Quản lý văn hóa. Cuộc thi dành cho những thí sinh thi tuyển vào chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa, nghệ thuật của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật. Đến dự khai mạc buổi thi có PGS.TS Nguyễn Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM - Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh, ThS Nguyễn Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý NCKH, HTQT - Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh.
Hội đồng chấm thi năng khiếu
Hội đồng chấm thi năng khiếu gồm có TS Trịnh Đăng Khoa - Trưởng Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật - Trưởng ban và các thành viên ThS-Đạo diễn Hoàng Duẩn, ThS Lê Thị Vương Nguyệt là các giảng viên của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật.
Buổi thi bắt đầu bằng việc check (kiểm tra) hình ảnh và âm thanh của các thí sinh. Dù đã được chuẩn bị từ rất sớm, các thí sinh đã sẵn sàng trong tinh thần tập trung cao nhất cho cuộc thi, tuy nhiên đến lúc kiểm tra vẫn còn thí sinh báo “thầy ơi em bị mất hình” và giọng đã tỏ ra mất bình tĩnh. Ban chấm thi đã phải động viên “thi cả ngày nên em cứ từ từ bình tĩnh, thi sau cũng được, không sao cả”… Thỉnh thoảng Ban chấm thi lại hỏi “A lô bạn.….số báo danh… có nghe rõ không em?” Đầu dây bên kia “dạ em nghe rõ ạ!!!”, “Thầy ơi thầy nói lại lần nữa cho em nghe rõ hơn ạ,… thầy bị mất tiếng rồi ạ!”.
Một tiết mục dự thi của thí sinh
Cứ thế buổi thi đã diễn ra trong không khí nghiêm túc nhưng rất chân tình, đậm chất “thi năng khiếu nghệ thuật tại trường văn hóa”. Dù đã được chuẩn bị chu đáo, Trường và Khoa Quản lý văn hóa, nghê thuật cũng đã tổ chức buổi tư vấn online (ngày 23/7/2021) để giúp thí sinh nắm kỹ qui trình thi năng khiếu bằng hình thức online nhưng tình trạng các thí sinh “mất hình”, ban giám khảo “mất tiếng”, ánh sáng lóe vào màn hình không nhìn rõ mặt thí sinh… là những tình huống hoàn toàn khách quan do bị “mất sóng”, “mất 3G” mà BGK và thí sinh đã cùng nhau trải qua, cùng nhau cảm thông và chia sẻ để ngày thi diễn ra thành công tốt đẹp.
Chọn bối cảnh cho giống nội dung tác phẩm, em đang trực tiếp từ “khu cách ly” và người “nhắc bài…bất ngờ.
Khi thí sinh đầu tiên kết thúc phần thi của mình, ngoài đánh giá về giọng hát, kỹ thuật, biểu cảm, trang phục biểu diễn Ban chấm thi cũng đã khen thí sinh “…em biết chọn cảnh đẹp, sau lưng có cái background đẹp, chỉn chu, phù hợp với tiết mục, em rất có ý tứ về việc tổ chức biểu diễn”.
Dù dự thi online nhưng các thí sinh đã chuẩn bị rất chu đáo cho phần dự thi của mình
Tiết mục dự thi độc tấu Piano
Dù là được “truyền hình trực tiếp” từ nhà của thí sinh nhưng các thí sinh cũng đã chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng từ phục trang tới đạo cụ, thậm chí là bối cảnh sân khấu theo đúng nội dung và yêu cầu của tiết mục và của cuộc thi đặt ra. Những bộ trang phục áo dài, đầm,… và cả những trang phục dân tộc đều đã được các thí sinh đặc biệt chú ý cho phần ngoại hình của mình sao cho phù hợp nhất với tiết mục.
Một thí sinh dự thi với trang phục dân tộc Khmer
Cuộc thi tuyển sinh năm nay chứng kiến kỷ lục về sự sáng tạo và có những “sáng tạo” mang lại những giây phút làm cho không khí buổi thi bớt phần căng thẳng. Có lẽ đây cũng là một cuộc thi mà Ban chấm thi đã được xem rất nhiều “khung cảnh” trong một buổi thi Đại học hệ chính qui. Bao nhiêu tiết mục là bấy nhiêu bối cảnh, có khi đó là phòng khách, phòng học tập, sân nhà và có cả …vườn chuối sau nhà.
Thi với bối cảnh thật...
Đó là trường hợp của một thí sinh ở tỉnh Bến Tre chuẩn bị rất kỹ cho phần thi của mình có loa, có mic và cả nhạc beat để hát (khổ nỗi nhạc phát trong laptop, loa chỉ dành cho Mic hát…) khi biểu diễn thí sinh đứng hát cho thấy toàn cảnh khu vườn chuối sau nhà mình. Kết quả, Ban chấm thi nhìn được toàn cảnh bình yên của khu vườn chuối, các động tác hình thể…và thỉnh thoảng tiếng hát “xa xa du dương” của em. BGK vẫn để thí sinh kết thúc xong bài thi và mời em “ngồi sát vào màn hình laptop” và đề nghị hát không cần nhạc, không cần động tác. Hội đồng chấm thi bất ngờ với giọng hát rất ngọt ngào của em và hỏi thêm vì sao lại chọn bối cảnh vườn chuối? thí sinh hồn nhiên trả lời “em chọn bối cảnh vườn sau nhà của em dưới quê cho giống nội dung tác phẩm ạ”. Có thí sinh chọn thi ca nhưng lúng túng với phần xử lý nhạc, thì ra người giúp lo phần âm nhạc đang bị cách ly, cũng có thí sinh dự kiến có bạn thi phụ dùm nhưng do “em đang thi từ khu cách ly, …nhà của em đang bị cách ly rồi nên bạn em không thể vào giúp em được, nên em tự thi ạ!”
Trả lời câu hỏi của Hội đồng chấm thi
Một tiết mục dự thi của thí sinh
TS Trịnh Đăng Khoa - Trưởng Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, trưởng Ban chấm thi năng khiếu
TS Trịnh Đăng Khoa - Trưởng Khoa QLVH,NT trưởng Ban chấm thi cho biết dù thi trực tuyến nhưng chất lượng thí sinh năm nay khá cao, cả về năng khiếu và sắc vóc điều đó chứng tỏ đầu vào của thí sinh ngày càng được nâng cao.
Ths Lê Thị Vương Nguyệt - Thành viên Ban chấm thi năng khiếu
ThS-Đạo diễn Hoàng Duẩn -Thành viên Ban chấm thi năng khiếu
Được biết, sắp tới Hội đồng chấm thi năng khiếu sẽ còn 2 ngày chấm các phần dự thi năng khiếu của thí sinh qua hình thức nộp bài thi theo yêu cầu của trường, các thí sinh gửi tác phẩm dự thi của minh về Trường thông qua Email và gửi trực tiếp đến địa chỉ 51 Quốc Hương, phường Thảo Điền, Tp.Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh.
Bài: Hoàng Trịnh
Hình: Tấn Thành
-
16042020
-
28072020
-
12072020
-
01092021
-
06072020
-
01052020
-
05072022
-
16082020
-
12082018
-
27062019
-
22052020
-
12082018