Thực trạng chương trình đào tạo quản lý văn hóa, nghệ thuật

26
04
'23

VHO - Hôm nay 24.4, tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã diễn ra tọa đàm “Thực trạng chương trình đào tạo ngành Quản lý văn hóa so với Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT”, do Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật tổ chức. Bên cạnh các ý kiến xây dựng cho đề cương chương trình đào tạo, các đại biểu cũng thẳng thắn đánh giá, góp ý về chất lượng sinh viên.

Tọa đàm nhằm trưng cầu ý kiến các bên liên quan cùng tham gia cải tiến, xây dựng chương trình đào tạo

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các bên liên quan là đối tác, đơn vị sử dụng sản phẩm đào tạo của nhà trường và các chuyên gia văn hóa - nghệ thuật, văn nghệ sĩ. 

Một chuyên viên văn hóa cấp phòng là “tích hợp” cả hai Bộ VHTTDL và Bộ TTTT

TS Vũ Thị Phương, Phó Trưởng Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết, chương trình đào tạo ngành Quản lý văn hóa được ban hành đầu tiên vào năm 2006, sau đó cập nhật bổ sung qua các năm cho phù hợp với tình hình và các quy định mới của Bộ GD&ĐT và văn bản gần đây nhất là Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT. Thông qua tọa đàm để cảm nhận thông tin về hoạt động chuyên môn của giảng viên trong khoa, trưng cầu ý kiến của các bên liên quan cùng tham gia cải tiến, xây dựng chương trình đào tạo ngành Quản lý văn hóa theo quy định tại Thông tư 17 năm 2021 của Bộ GD&ĐT, huy động nguồn lực thực hiện công tác phục vụ cộng đồng. Tọa đàm còn là cơ hội để tiếp cận, quảng bá hoạt động chuyên môn gắn với các hoạt động tư vấn, quảng bá, truyền thông tuyển sinh.

Được biết, hiện Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật có 5 chuyên ngành đào tạo bậc đại học, gồm Quản lý hoạt động xã hội; Tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa nghệ thuật; Biểu diễn âm nhạc; Quản lý di sản và phát triển du lịch. Trong đó, chuyên ngành Biểu diễn âm nhạc đã dừng tuyển sinh 2 năm. Chương trình đào tạo ngành Quản lý Văn hóa là 131 tín chỉ, không kể kiến thức Giáo dục quốc phòng và an ninh là 8 tín chỉ. Trong đó, khối kiến thức giáo dục đại cương là 41 tín chỉ và khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp là 90 tín chỉ. 

Các đại biểu là đơn vị đối tác, đơn vị liên quan đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm góp phần nâng cao chất lượng chương trình đào tạo

Vị trí làm việc sau tốt nghiệp ngành Quản lý văn hóa: Trở thành cán bộ quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa, xã hội, nghệ thuật, làm việc tại các thiết chế văn hóa thuộc khu vực nhà nước; chuyên gia biên tập, tổ chức và sản xuất các chương trình, sự kiện; nghệ sĩ sáng tác, dàn dựng và biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và phong trào văn hóa, văn nghệ đại chúng; cán bộ, nhân viên tại các bảo tàng, nhà truyền thống, khu di tích lịch sử - văn hóa, các ban quản lý di tích, các công ty du lịch… 

Bà Nguyễn Thị Trường Giang, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 8, cho rằng chương trình đề cương đã đưa môn học Chính sách văn hóa, xã hội vào học phần bắt buộc, tuy nhiên chỉ có 3 tín chỉ thì còn ít, nếu được có thể tăng gấp đôi. Ở học phần này có thể đưa vào đó các luật, nghị định của Chính phủ về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. 

“Sinh viên ra trường nếu công tác ngành Quản lý văn hóa, thì đòi hỏi kiến thức, kỹ năng vận dụng, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý nhà nước rất quan trọng. Nếu như các em không có kinh nghiệm, lại không đủ kiến thức pháp luật thì khi gặp tình huống thực tế bên ngoài rất dễ bị hiểu nhầm. Cạnh đó, các học phần Quản lý nhà nước về lễ hội - sự kiện, về thể dục thể thao và về du lịch, tôi cho rằng không nên đưa thành môn tự chọn mà cần bắt buộc, nếu không các em sẽ bị khuyết kiến thức”, bà Trường Giang nói.

Cũng theo vị này, yêu cầu đối với chuyên viên của một phòng văn hóa - thông tin là phải làm tất tần tật, từ văn hóa, thể thao đến du lịch; ngay cả thông tin và truyền thông cũng phải nắm, rồi kể cả thư viện, di sản văn hóa và phát hành xuất bản phẩm cũng phải hiểu… Do vậy mà yêu cầu của một chuyên viên văn hóa cấp phòng là tích hợp cả hai Bộ VHTTDL và Bộ TTTT. 

TS, đạo diễn Phạm Ngọc Hiền, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM 

Ông Nguyễn Trường Chinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Dĩ An, Bình Dương đồng quan điểm, “Cán bộ văn hóa cấp phòng quản lý luôn VHTTDL và thông tin, nên cán bộ đảm nhiệm công việc thuộc hai ngành VHTTDL và cả thông tin, truyền thông”. Ông Chinh cũng cho rằng tầm nhìn trong chương trình đào tạo cần gắn nội dung chuyển đổi số. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin cho người học để khi ra trường, các bạn có thể làm việc trong lĩnh vực quản lý văn hóa ngành VHTTDL và ngành công nghệ thông tin. Chuyển đổi số đòi hỏi phải rành về công nghệ thông tin, còn về lĩnh vực văn hóa thì nhận diện những sự kiện hoạt động văn hóa. 

TS Vũ Thị Phương cho hay, khi xây dựng chương trình đào tạo, cái khó nhất là cần bằng giữa yêu cầu thực tế và với những quy định của Luật và quy chế chung của trường, buộc hội đồng khoa học rất cân nhắc trong việc đưa ra thời lượng các học phần cho phù hợp với từng chuyên ngành. Theo quy định của chương trình đào tạo, một học phần chỉ có tối đa 5 tín chỉ, cho nên muốn tăng lên cũng rất khó. Số môn học có tín chỉ cao thường sẽ rơi vào môn chuyên ngành, còn môn Chính sách văn hóa, xã hội trước đây là 2 môn, nếu cộng lại là 6 tín chỉ. Tuy nhiên, khi xây dựng chương trình, theo quy định chung thì tổng số tín chỉ các khoa bị giới hạn, đó là lý do có những môn bị khống chế số tín chỉ. 

“Chúng tôi chấp nhận câu chuyện tiếp tục đào tạo khi các bạn ra trường”

Tại tọa đàm, các đại biểu cho hay qua thực tế tiếp nhận sinh viên đến thực tập cũng như trong quá trình tuyển dụng, các bên liên quan nhận thấy sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật giỏi về chuyên môn, có kỹ năng ứng xử, biết chia sẻ, phối hợp và tiếp thu tốt, tuy nhiên, các bạn lại yếu về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, soạn thảo văn bản. Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng sinh viên cần được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật trong lĩnh vực ngành, có khả năng am hiểu rộng để phù hợp với đặc thù công việc hiện nay của một chuyên viên làm công quản lý nhà nước ngành văn hóa, nghệ thuật, thông tin, du lịch… 

Sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thi nghệ thuật diễn xuất kết thúc học phần môn học

Nêu quan điểm về việc một số sinh viên còn khuyết các kiến thức so với nhu cầu thực tế công tác, ông Huỳnh Công Khôi Nguyên, Giám đốc Nhà văn hóa Điện ảnh TP.HCM cho rằng, “Nhà trường không thể dạy hết các bạn từ “A tới Z”, nhà trường chỉ trang bị cho các bạn nền tảng cơ bản nhất và phương pháp để các bạn tìm hiểu. Tuy nhiên, theo tôi thì phần tự học này có lẽ chưa cao, cần kiểm soát hơn trong câu chuyện tự học, thái độ các bạn thực tế đối với các bộ môn. Tôi nghĩ rằng thời gian tới nhà trường trăn trở cải thiện câu chuyện này. Và tôi cũng chia sẻ với nhà trường, chúng tôi không đặt nặng vấn đề các bạn phải là bách khoa toàn thư, ra trường cầm tấm bằng đại học là biết hết mọi cái. Chúng tôi chấp nhận câu chuyện tiếp tục đào tạo khi các bạn ra trường, còn nhanh hay mau tùy bản thân từng người. Nhưng trong tuyển dụng, cái quan trọng nhất mà tôi đánh giá là tính trung thực và chịu học. Cho nên tôi muốn chia sẻ một thông điệp, ngoài việc học ở trường thì tư duy và thái độ tự học là cực kỳ quan trọng”. 

Theo TS, đạo diễn Phạm Ngọc Hiền, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, quá trình hướng dẫn sinh viên thấy có một rào cản là vấn đề ngoại ngữ. Giao tiếp ngoại ngữ yếu nên các bạn khó để có mức lương cao. Không chỉ thế, tôi đánh giá cao tính chăm chỉ, chịu học hỏi của các sinh viên nhưng các bạn cần quan tâm đến tính kỷ luật, xây dựng hình ảnh bản thân nhiều hơn. Nhạc sĩ Nguyễn Phi Hải, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi quận Bình Thạnh bổ sung, chuyển đổi số và công nghiệp văn hóa là hai nội dung ần cập nhật nhanh cho sinh viên để khi ra trường các bạn không bỡ ngỡ. Nhạc sĩ Phi Hải cũng mong muốn nhà trường cần đào tạo thêm chuyên ngành tổ chức sự kiện, phong trào văn hóa nghệ thuật dành cho thiếu nhi.

Tập thể giảng viên và sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật sau buổi thi kết thúc học phần

TS, đạo diễn Hoàng Duẩn, giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật nói thêm, “Trong đề án tuyển sinh của trường, tôi nhận thấy còn thiếu, ví dụ đối với phần tuyển sinh đầu vào chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hóa, nghệ thuật, chỉ quy định thí sinh thể hiện một trong các hình thức: ca, múa, nhảy, thuyết trình, diễn kịch, biểu diễn nhạc cụ, mặc dù rất nhiều thể loại rồi nhưng tôi thấy chưa đủ. Theo đó khi ra trường nếu các em làm công tác quản lý hoặc chuyên gia về tổ chức sự kiện, thì phải am hiểu cả về hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh,… Như vậy thì vấn đề thi năng khiếu dành cho người biết vẽ, biết chụp ảnh, biết làm phim thì sao…? Vì thế tôi cho rằng vấn đề này phải được quy định rõ trong tuyển sinh năm nay”.

Ngoài ra, cũng theo đạo diễn Hoàng Duẩn, trong các thí sinh đạt giải cao cấp tỉnh mà được miễn thi năng khiếu đầu vào như quy định hiện nay, hầu hết chỉ thấy thuộc hai lĩnh vực ca và múa, trong khi chúng ta có thể mở rộng thêm lĩnh vực văn học chẳng hạn, nếu các em đạt giải cao văn học cấp tỉnh, thì có lẽ cũng cần phải xem môn đó cũng đủ điều kiện miễn thi năng khiếu đầu vào. Vì lĩnh vực này cũng rất quan trọng, nếu như có tài năng về văn học, các bạn có thể trở thành nhà biên kịch, viết truyện, thuyết trình,… hoặc nếu đạt giải cao cuộc thi làm phim ngắn, mỹ thuật… cũng cần được đưa vào để tạo điều kiện và không bỏ sót tài năng. 

Theo THÙY TRANG

http://vanhoaonline.vn/đoi-song/giao-duc/artmid/583/articleid/63681/thuc-trang-chuong-trinh-dao-tao-quan-ly-van-hoa-nghe-thuat

THÔNG TIN TUYỂN SINH NĂM HỌC 2023-2024

Năm học 2023-2024 Ngành Quản lý văn hoá, Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật, tổ chức tuyển sinh 3 chuyên ngành: 

Quản lý hoạt động văn hoá xã hội (80 chỉ tiêu)

Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hoá nghệ thuật (80 chỉ tiêu)

- Tổ chức sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch (80 chỉ tiêu)

Xem chi tiết:

http://quanlyvanhoa.hcmuc.edu.vn/thong-tin-tuyen-sinh-03-chuyen-nganh-cua-khoa-quan-ly-van-hoa-nghe-thuat-nam-hoc-2023-2024.html

THÔNG TIN LIÊN LẠC:

Địa chỉ trang thông tin điện tử:

https://www.hcmuc.edu.vn/

http://quanlyvanhoa.hcmuc.edu.vn

Địa chỉ trang mạng xã hội (có thông tin tuyển sinh)

https://www.facebook.com/daihocvanhoahcm

https://www.facebook.com/profile.php?id=100064860061528&mibextid=LQQJ4d

Kênh youtube:

https://youtu.be/x8JRrRS6DbU

https://www.youtube.com/@KhoaQuanlyvanhoanghethuat

Điện thoại liên hệ tuyển sinh:

028.38992901 (Phòng Đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế)

0817081180 (cô Vũ Thị Phương)

0908798085 - 0902575067(thầy Hoàng Duẩn)

Email: qlvhnt@hcmuc.edu.vn

Tham khảo thông tin tuyển sinh từ các năm gần đây: 

https://youtu.be/-SXjfHArXgQ

https://youtu.be/HgO1mLS2yyU

https://youtu.be/DqWh0nd91JM

http://quanlyvanhoa.hcmuc.edu.vn//tuyen-sinh-nang-khieu-2022-tai-dai-hoc-van-hoa-tp-hcm-nhung-trai-tim-hon-nhien.html

http://quanlyvanhoa.hcmuc.edu.vn//tan-sinh-vien-chuyen-nganh-to-chuc-su-kien-van-hoa-the-thao-du-lich-suy-nghi-gi-ve-vhs.html

Từ khóa: