ĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO NGHỆ THUẬT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA TPHCM

04
04
'18

ĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO NGHỆ THUẬT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA TPHCM

Ths. Huỳnh Công Duẩn

Hiện nay, khi đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về hưởng thụ văn hóa của xã hội cũng được chú trọng. Từ thực tế cho thấy việc đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành về văn hóa ngành nghệ thuật đang là một nhu cầu rất lớn của xã hội. Trong thời gian, trường Đại học Văn hóa TPHCM là một trong những cánh chim đầu đàn trong đào tạo cán bộ Quản lý văn hóa nghệ thuật, cung cấp nguồn nhân lực đáng kể cho các địa phương khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

 

Đào tạo nghệ thuật là hướng đi mới của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM. Đây vừa là thời cơ vừa là thách thức lớn đối với những người làm công tác quản lý và đào tạo của trường nói chung và khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật nói riêng. Bởi lẽ truyền thống trước đây của khoa là đào tạo cán bộ ngành Quản lý văn hóa với các chuyên ngành: Quản lý hoạt động âm nhạc, Quản lý hoạt động sân khấu, Quản lý hoạt động mỹ thuật, gần đây là hai chuyên ngành Tổ chức và dàn dựng sự kiện và Biên tập và dẫn chương trình, mục đích chủ yếu ra trường phục vụ công tác quản lý văn hóa và tổ chức các hoạt động văn nghệ không chuyên.

Bên cạnh những ngành nghề đào tạo truyền thống của trường lâu nay thì trong xu thế đổi mới và phát triển giáo dục đào tạo theo nhu cầu của xã hội, trường Đại học Văn hóa TP.HCM giao khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật thành lập ngành đào tạo nghệ thuật và tiến tới thành lập khoa Nghệ thuật trên cơ sở tách khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật ra thành hai khoa: khoa Nghệ thuật và khoa Quản lý văn hóa.

Tọa đàm: “Định hướng đào tạo nghệ thuật tại trường Đại học Văn hóa TP.HCM” do khoa khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật tổ chức vừa qua đã thu hút các nhà nghiên cứu, nhà giáo, các nhà chuyên môn, nhà quản lý, đạo diễn, nghệ sĩ…tham gia. Tọa đàm đã làm rõ thực tế rằng hiện nay bên cạnh các trường đào tạo chuyên nghiệp như ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, ĐH Mỹ Thuật TP.HCM, Nhạc viện, Trường Múa TP.HCM,… chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm tại các cơ sở này không đủ đáp ứng nhu cầu thi vào và học nghệ thuật của thí sinh. Trong khi nhu cầu thực tiễn của xã hội về nguồn lực đội ngũ làm nghề sáng tác, dàn dựng, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ngày càng nhiều hơn và luôn thiếu ở phía Nam nhất là khu vực TP.HCM; mặt khác điều này cũng cho thấy khả năng đáp ứng nhu cầu của các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp tại TP.HCM chưa cao.

Một số ngành mới (dự kiến) được đưa ra thảo luận đó là: Chuyên ngành thiết kế phục trang, bối cảnh, đạo cụ ..(Mã ngành: Thiết kế mỹ thuật sân khấu điện ảnh); Chuyên ngành Đạo diện sự kiện – lễ hội (mã ngành: Đạo diễn sân khấu);  Chuyên ngành Sáng tác ca khúc (Mã ngành: Sáng tác âm nhạc); Chuyên ngành Thanh nhạc (Mã ngành: Thanh nhạc); Sư phạm Sân khấu – chuyên ngành Sư phạm sân khấu Cải lương …

Tham gia tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Văn Dương cho rằng “Thành lập khoa chuyên về nghệ thuật tại trường Đại học Văn hóa là điều cấp thiết vì nếu không đào tạo chuyên sâu sẽ thua các trường khác, Việc đặt tên của Khoa thì sẽ tính sau. Thực tế cho thấy hiện nay ở mỗi địa phương cấp phường, xã còn thiếu đội ngũ Đạo diễn sự kiện, thông tin quảng cáo, nghệ sĩ biểu diễn phục vụ. Do đó nếu đào tạo thì sau khi ra trường sinh viên sẽ dễ có việc làm, đáp ứng nhu cầu của xã hội”. PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên (hiệu phó trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM)  đóng góp: “Để mở ngành về nghệ thuật cần quan tâm đến 3 tiêu chí: Nhu cầu xã hội, năng lực cơ sở đào tạo (nguồn nhân lực và cơ sở vật chất), cạnh tranh phát triển bền vững (nếu đào tạo đặc thù riêng, nhưng nhu cầu xã hội không có thì không thể bền vững). TS Nguyễn Thế Dũng (Phó hiệu trưởng trường Đại học Văn Hóa) cho biết cũng đồng quan điểm khi cho rằng “việc đào tạo nghệ thuật hiện nay phải gắn liền với nhu cầu xã hội, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của nhà trường”. Ông cũng nhấn mạnh việc đào tạo cần phải gắn với thực tế vì vậy rất cần những người có kinh nghiệm để giảng dạy nghệ thuật. Đạo diễn Huy Thục (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu và Điện Ảnh TPHCM) cho biết “Ngành Sư phạm Sân khấu chưa có một đơn vị nào đào tạo, không có chứng chỉ sư phạm để đứng lớp. ĐHSK&ĐA đào tạo diễn viên, đạo diễn là đào tạo “làm thợ”. Trường Đại Học Văn Hóa phải là nơi đi đầu trong việc đào tạo những người làm thầy.”  NSƯT Đồng Thị Quế Anh thì cho rằng nên chăng mở ngành Sư phạm Sân Khấu Cải lương hoặc Sư Phạm Sân Khấu Kịch hát dân tộc vì ngành này đang thiếu người được đào tạo bài bản để đi dạy mà chủ yếu là truyền đạt bằng kinh nghiệm. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết “việc Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ Thuật tổ chức Tọa đàm là một điều cần thiết và kịp thời. Hiện nay cần phải mạnh dạn mở các ngành có cạnh tranh để phát triển…”. PGS.TS Trần Văn Ánh (nguyên hiệu trưởng trường Đại học Văn Hóa TPHCM) thì cho rằng “mở ngành Đạo diễn sự kiện là cần thiết, thứ hai là ngành Thanh nhạc (cổ điển, hiện đại). Sư phạm Sân khấu là là khó đào tạo. Nếu mở thì nên liên thông hoặc còn có thể đào tạo văn bằng 2. Chọn đào tạo nghệ thuật là đúng, tuy có khó khăn lúc đầu nhưng có quyết tâm sẽ làm được.” Đạo diễn Hoàng Duẩn, người đã làm đạo diễn nhiều chương trình sự kiện, lễ hội trong thời gian gần đây đã tỏ ra tâm huyết với việc trường mở ngành đạo diễn sự kiện và đề nghị việc đào tạo cần kết hợp học và hành, trình độ thực tế của giáo viên dạy nghệ thuật cần được chú trọng, để sinh viên sau khi ra trường sẽ tiếp cận thực tiễn một cách thuận lợi hơn và cho rằng “nên mở ngành đạo diễn sự kiện càng sớm càng tốt, vì hiện nay cả khu vực Nam Bộ chưa có trường nào đào tạo ngành này”. PGS.TS Đỗ Ngọc Anh (hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TPHCM) tham gia tọa đàm với những kiến chia sẻ về việc mở ngành mới nhưng nếu ngành đó đã có trong danh mục của Bộ Giáo dục Đào tạo thì sẽ thuận lợi hơn, nếu mở ngành mới hoàn toàn thì sẽ cần nhiều thời gian và cần chứng minh tính cần thiết, nhu cầu xã hội cũng như khả năng cạnh tranh nếu mở các ngành mà trường khác đã có. Nhiều ý kiến của đạo diễn Thanh Hạp, thầy giáo Lê Hồng Phúc, thầy giáo Bùi Ngọc Lâm, thầy giáo Trương Đức Cường … cũng đề cập đến việc cần thiết trường Đại học Văn hóa nên mở chuyên ngành: sư phạm âm nhạc, sáng tác ca khúc, tạp kỹ, huấn luyện múa, …

Buổi tọa đàm đã diễn ra đúng thời điểm, thu thập được nhiều ý kiến bổ ích, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Sau buổi tọa đàm, Th.s Trịnh Đăng Khoa (phụ trách khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật) cho biết sẽ cùng tập thể cán bộ, giảng viên của Khoa hoàn thành các bước tiếp theo để tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường để chọn ra những ngành nào cần thiết để mở trước và sau đó sẽ tiếp tục mở các ngành còn lại khi đủ điều kiện.

Theo Báo Sân Khấu số 1242 ( 15/6/2015)

 

Từ khóa: