VỐN VĂN HÓA VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN CÔNG CHÚNG CHO NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU TRUYỀN THỐNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

03
11
'18

Tóm tắt

“Vốn văn hóa” là khái niệm do Pierre Bourdieu xây dựng và phát triển, được nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới, nhất là đối với lĩnh vực xã hội học sử dụng. Về mặt lý luận, khái niệm này đã góp phần hoàn thiện hệ thống lý thuyết trong các nghiên cứu về hành vi, thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giải trí của công chúng. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, khái niệm này cũng nhận được sự quan tâm của giới khoa học xã hội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin giới thiệu khái quát nội dung cốt lõi của khái niệm “vốn văn hóa” mà Pierre Bourdieu khởi xướng, đồng thời đặt khái niệm này trong mối tương quan với vấn đề phát triển công chúng cho nghệ thuật sân khấu truyền thống ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: vốn văn hóa, phát triển công chúng, sân khấu truyền thống.

http://quanlyvanhoa.hcmuc.edu.vn/img_data/files/2_VỐN VĂN HÓA-PHONG-2018.doc

1. Khái niệm “vốn văn hóa” (Cultural Capital)

Trên thế giới, có lẽ Pierre Bourdieu[1] - nhà xã hội học người Pháp là học giả đầu tiên sử dụng thuật ngữ “vốn văn hóa” với tư cách là một “từ khóa”, một khái niệm công cụ trong các công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn[2]. Trong cuốn Distinction: A Social Critique of the Judgement of Taste[3], từ ý tưởng “có một nền kinh tế hàng hóa văn hóa” và từ mong muốn tìm kiếm một logic riêng cho nền kinh tế đó, Bourdieu đã hình thành cơ bản khái niệm vốn văn hóa” [5]. Từ đó, “vốn văn hóa” đã trở thành một trong những nền tảng lý luận, là “chìa khóa” để Bourdieu tiến hành các nghiên cứu về nhu cầu, sở thích, hành vi tiêu dùng sản phẩm giải trí, nghệ thuật,…của công chúng.

Trong các nghiên cứu của mình, P.Bourdieu đặt ra câu hỏi “sở thích đối với các hoạt động giải trí khác nhau sẽ như thế nào và cái gì là cơ sở của sự lựa chọn?” [5]. Để trả lời câu hỏi này, Bourdieu cho rằng phải tìm hiểu xem yếu tố nào tác động vào quyết định của công chúng trong việc lựa chọn hoạt động giải trí này, mà không chọn hoạt động giải trí khác. Qua thực tiễn nghiên cứu, P.Bourdieu cho rằng “Thói quen là cơ sở của bất cứ lựa chọn nào. Và vì thế, thông qua hình thành thói quen, cá nhân đạt được “khả năng văn hóa” hoặc “vốn văn hóa”, điều đó giúp cá nhân tiếp cận hoặc thực hiện các hoạt động giải trí một cách dễ dàng hơn hoặc khó khăn hơn” [5]. Theo P.Bourdieu, thói quen của mỗi người được hình thành và nuôi dưỡng “rất sớm từ nhỏ trong gia đình và xã hội xung quanh” [5] thông qua quá trình học tập, trải nghiệm và kinh nghiệm của bản thân.

Từ đó có thể kết luận, môi trường gia đình, xã hội là những yếu tố then chốt quyết định đến quá trình hình thành “vốn văn hóa” của mỗi cá nhân, tác động đến “thói quen” của cá nhân đó đối với việc lựa chọn sản phẩm giải trí văn hóa nghệ thuật.

Ở Việt Nam, Trần Đình Hượu là tác giả đầu tiên đề cập đến thuật ngữ “vốn văn hóa” khi ông bàn “Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc” in trong cuốn Đến hiện đại từ truyền thống. Dù rằng, nội hàm của thuật ngữ “vốn văn hóa” của Trần Đình Hượu không đồng nhất với nội hàm của khái niệm “Bản sắc văn hóa dân tộc”, “nhưng chắc chắn có liên quan gần gũi với nó” [4]. Ông cho rằng, văn hóa dân tộc là bản lĩnh sáng tạo của dân tộc được thể hiện qua khả năng thích ứng, “tìm ra cách chế ngự khắc phục khó khăn, lợi dụng thuận lợi để phát triển” trước những điều kiện sống không mong muốn mà môi trường tự nhiên, xã hội mang lại [4]. Cho nên, “thành tựu trong những cái đó biểu lộ bản lĩnh sáng tạo, bộc lộ chỗ mạnh, chỗ yếu trong sức sáng tạo của dân tộc. Đến thời kì định hình văn hóa của một dân tộc tích lũy được cái “vốn”, về sau thành cái “vốn có” của dân tộc đó [4].

Tuy nhiên, Trần Đình Hượu khẳng định “Không phải chỉ cái “vốn có” mới là đặc sắc văn hóa dân tộc” [4]. Nghĩa là bản sắc văn hóa của dân tộc không chỉ thuần túy do cái “vốn có” được hình thành trong quá khứ. Đồng thời, cái “vốn có” đó cũng không phải luôn tồn tại trong trạng thái “tĩnh”, mà các thành tố của cái “vốn có” hoàn toàn có thể kết hợp với “những yếu tố mới” để tạo nên những “phức hợp” mới, trong đó cái “vốn có” vẫn là xương sống” [4].

Như vậy, có thể hiểu, “vốn văn hóa” của một dân tộc, cộng đồng chính là những thành tựu của quá trình dân tộc, cộng đồng đó tìm cách tồn tại, phát triển trong những điều kiện tự nhiên, xã hội nhất định. Và vì những điều kiện sống đó không phải là cái “bất biến”, nên “vốn văn hóa” của dân tộc, cộng đồng cũng là cái “khả biến” trên cơ sở cái “vốn có” để một cộng đồng, dân tộc tiếp tục tồn tại, phát triển trong bối cảnh mới.

Từ sự phân tích trên cho thấy, điểm gặp nhau trong cách nhìn nhận về “vốn văn hóa” giữa P. Bourdieu và Trần Đình Hượu là cả hai nhà nghiên cứu đều thừa nhận sự tác động của không gian sống, điều kiện sống lên chủ thể sáng tạo văn hóa là con người. Họ đều thừa nhận “Vốn văn hóa” là kết quả của một quá trình lâu dài mà con người phải ứng xử, nhận thức trước môi trường sống của họ.

Tuy nhiên, nội hàm khái niệm “vốn văn hóa” của P. Bourdieu thiên về yếu tố cá nhân. Ông quan tâm nhiều hơn đến sự tác động của môi trường nhăn văn – môi trường xã hội lên quá trình hình thành “vốn văn hóa” của từng cá nhân hơn là môi trường tự nhiên. Trong khi đó, Trần Đình Hượu nhìn “vốn văn hóa” ở phạm vi cộng đồng quốc gia, dân tộc. Ông xem môi trường tự nhiên và nhân văn đều là những yếu tố then chốt tác động lên quá trình hình thành “vốn văn hóa” của con người.

Hơn nữa, nếu P. Bourdieu xem “vốn văn hóa” là yếu tố quan trọng thúc đẩy hành vi của con người dưới góc độ cá nhân, thì Trần Đình Hượu xem “vốn văn hóa” trong mối tương quan chặt chẽ với bản sắc văn hóa, tạo nên động lực để giúp cho sự tồn tại, phát triển, khác biệt của cộng đồng, dân tộc đó.

Bài viết này tiếp cận theo góc độ “vốn văn hóa” của P. Bourdieu để bước đầu tìm hiểu mối quan hệ giữa “vốn văn hóa” và vấn đề phát triển công chúng cho các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam trong bối cảnh xã hội đương đại.

2. Yếu tố gia đình, xã hội và vấn đề hình thành “vốn văn hóa nghệ thuật” của công chúng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

- Yếu tố gia đình

Việt Nam là quốc gia trọng gia đình. Tâm lý phổ biến của người Việt là muốn sống chung, sống gần với ông bà, cha mẹ, và những người trong cùng dòng họ. Điều đó giúp tính cố kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ sâu sắc, chặt chẽ hơn. Với người Việt, gia đình – tình cảm gia đình là điểm tựa tinh thần quan trọng. Vì lẽ đó, trong xã hội truyền thống, mô hình gia đình đa thế hệ, hay hình ảnh những ngôi làng “dòng họ” tồn tại khá phổ biến trong cộng đồng người Việt, nhất là ở vùng nông thôn.[4]

Trong gia đình người Việt, thế hệ trước sẽ trao truyền cho thế hệ sau những kinh nghiệm sống, giáo dục thế hệ sau những giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực của gia đình, dòng họ. Quá trình đó có thể kéo dài suốt cả đời người. Vậy nên có thể nói, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, thường nhật và lâu dài nhất trong đời của mỗi người. Nó góp phần quan trọng vào quá trình hình thành nhân cách, đạo đức, nếp sống, bồi đắp tri thức của mỗi con người Việt Nam.

Từ văn hóa truyền thống gia đình trên của người Việt, nếu dùng khái niệm “vốn văn hóa” của P. Bourdieu làm “hệ quy chiếu” sẽ thấy, gia đình người Việt là môi trường rất lý tưởng để hình thành nên “vốn văn hóa nghệ thuật” trong mỗi cá nhân con người. Ở môi trường đó, việc nuôi dưỡng những “sở thích, nhận thức, khuynh hướng các hoạt động giải trí” và hình thành nên “thói quen” tiêu dùng sản phẩm giải trí, sản phẩm văn hóa nghệ thuật của từng cá nhân sẽ diễn ra thuận lợi, thường nhật hơn [5]. Trong tác phẩm Distinction: A Social Critique of the Judgement of Taste, P. Bourdieu khẳng định “sự nuôi dạy ở gia đình và giai cấp có ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn thời gian rảnh rỗi. Sự lựa chọn này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động, mà còn đối với “phong cách” và “khuynh hướng” được áp dụng khi theo đuổi những hoạt động này” [5].

Tuy nhiên, trong xã hội đương đại ngày nay, những đặc điểm, giá trị trên chưa đóng góp nhiều trong việc hình thành “vốn văn hóa nghệ thuật” cho các thành viên trong gia đình. Có thể nhận thấy ngày nay, không nhiều cha, mẹ, ông, bà trong gia đình người Việt có thói quen thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống; cũng không có nhiều bậc phụ huynh chủ động tạo điều kiện để con em mình có cơ hội tiếp cận - tìm hiểu - hưởng thụ những tác phẩm nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đại chúng, thông tin liên lạc, giao thông vận tải, các sản phẩm giải trí hiện đại đã thâm nhập vào đời sống văn hóa, giải trí của người Việt ở mọi tầng lớp xã hội, mọi không gian, thời gian. Các chương trình giải trí hiện đại nhiều đến mức chúng ta khó có thể thống kê đầy đủ số lượng của chúng trong về mọi phương diện, thể loại. Điều đó đã vô tình làm cho các sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật sân khấu trở nên yếu thế trong việc tiếp cận công chúng của mình. Về phía công chúng, trước sự “khỏa lấp”, “che phủ” của vô vàn chương trình giải trí hiện đại, họ cũng mất đi cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật sân khấu truyền thống. Thực trạng trên đã góp phần làm cho “vốn văn hóa nghệ thuật” của công chúng Việt Nam, nhất là công chúng trẻ ngày càng nghèo nàn, mai một.

Từ quan niệm về sự hình thành “vốn văn hóa” của P. Bourdieu, có thể thấy việc công chúng Việt Nam có “vốn văn hóa nghệ thuật” nghèo nàn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc công chúng không có “thói quen” tiêu dùng các chương trình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Hệ lụy là khán giả của các loại hình nghệ thuật này ở Việt Nam ngày càng suy giảm trong xã hội đương đại ngày nay.

 

- Yếu tố xã hội

Bằng các kết quả nghiên cứu của mình, P. Bourdieu kết luận rằng “sở thích, nhận thức, khuynh hướng các hoạt động giải trí được học và phát triển rất sớm từ nhỏ trong gia đình và xã hội xung quanh” [5]. Điều này có nghĩa P. Bourdieu đã xác lập không chỉ gia đình, mà các yếu tố bên ngoài con người – tức môi trường xã hội cá nhân đó thuộc về cũng tác động đến quá trình hình thành “thói quen” thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Từ góc độ tiếp cận đó, soi rọi vào thực tế ở Việt Nam, bài viết này đề cập đến các nhóm môi trường “xã hội xung quanh” có tác động đến sự hình thành “vốn văn hóa nghệ thuật” của công chúng Việt Nam như: Môi trường làng xã (MTLX), Môi trường học đường (MTHĐ) và Môi trường xã hội ngoài nhà trường (MTXHNNT).

1- Môi trường làng xã (MTLX)

Môi trường làng xã là không gian xã hội tiếp theo mà một cá nhân tiếp xúc sau môi trường gia đình. Trong xã hội truyền thống, môi trường làng xã Việt Nam có nhiều nét đặc thù về không gian quần cư (thường hẹp), nghề nghiệp (tính thuần nhất cao – nhiều nơi trở thành làng ngề), mật độ (thường đông đúc), thành phần dân cư (tính thuần nhất cao – ít có người dân từ nơi khác đến), phong tục tập quán (mỗi làng có phong tục tập quán riêng), và đặc biệt là tính cố kết cộng đồng giữa các thành viên trong làng xã.

Giống như gia đình, làng xã của người Việt cũng đóng vai trò trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống chung của làng cho các thế hệ sau. Đồng thời, làng xã cũng là môi trường góp phần nuôi dưỡng quá trình hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống, nhận thức, xu hướng hành động của mỗi cá nhân thông qua “sức mạnh vô hình” của phong tục, tập quán do cộng đồng làng xã xây dựng nên. Ví dụ điển hình cho sự tác động vô hình đó là cả làng làm cùng một nghề (làng nghề gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp – Ninh Thuận), cả làng cùng thực hành, bảo vệ một loại hình văn hóa nghệ thuật như hát Ả Đào, Quan Họ; Bài chòi, Đờn ca tài tử,… hoặc sự phân biệt đối xử giữa dân chính cư, dân ngụ cư; những quy tắt ứng xử về hôn nhân, lễ tiết trong làng xã. Đó chính là những nền tảng vô cùng quan trọng để hình thành “vốn văn hóa nghệ thuật” của công chúng theo quan niệm của P. Bourdieu.

Song thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhiều thuộc tính, đặc điểm cơ bản của làng xã đã thay đổi. Đó là sự suy giảm tính cố kết cộng đồng giữa các thành viên, các phong tục tập quán cũng không còn sức mạnh “chế tài” như trước, tính thuần nhất về thành phần dân cư, nghề nghiệp cũng giảm, không gian sống của làng được mở rộng hơn rất nhiều (sự mở rộng ranh giới hành chính, hiện tượng người trong làng đi làm ăn xa),… Những thay đổi đó đã làm cho văn hóa làng của người Việt ngày nay trở nên linh hoạt, cơ động hơn; lối sống, cách sống của người làng cũng trở nên phong phú, thoáng mở hơn. Đặc biệt, nhiều làng đã chuyển mình từ “nông thôn lên thành thị”, “từ làng lên phố” trong cơn bão của đô thị hóa. Hệ lụy của những thay đổi trên là khả năng, cơ hội tương tác giữa các thành viên trong làng suy giảm. Dẫn đến quá trình tích lũy “vốn văn hóa” của mỗi cá nhân trong làng từ sự tương tác đó có thể bị đứt gẫy, gián đoạn, hoặc thậm chí đi chệch hướng so với những chuẩn mực chung của xã hội.

Nghệ thuật sân khấu truyền thống, với tư cách là một thành tố trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, sự biến động, thay đổi trên của môi trường làng xã chắc hẳn không có lợi cho quá trình hình thành “vốn văn hóa nghệ thuật” của công chúng, nhất là xu hướng thay đổi thị hiếu thẩm mỹ nghệ thuật của họ hiện nay.

2- Môi trường học đường (MTHĐ)

Khác với môi trường gia đình và làng xã, vai trò giáo dục, định hướng việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống, quá trình trao dồi tri thức của cá nhân mang tính chất “phi chính thống”, “phi chính thức”, thì trường học lại là môi trường chính thức cho quá trình đó. Ở môi trường này, các cá nhân nhận được sự “giáo huấn” một cách có hệ thống, bài bản, “trường quy” để đảm bảo mỗi cá nhân có sự phát triển toàn diện cả về trí, đức, mỹ. Với sự hỗ trợ của đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo, cùng hệ thống cơ sở vật chất, giáo trình, giáo án và trang thiết bị kỹ thuật khác, có thể nói, trong các môi trường xã hội có sự tác động lên quá trình hình thành “vốn văn hóa” của công chúng, môi trường học đường có tác động lớn, tích cực, chuẩn mực, và có thể nói hiệu quả nhất.

Nhận thức rõ vai trò của môi trường học đường đối với việc hình thành “vốn văn hóa nghệ thuật” của công chúng, trong những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp như triển khai chương trình “sân khấu học đường”, tích hợp một số môn nghệ thuật vào chương trình dạy chính thức, ngoại khóa. Thế nhưng, hạn chế là chương trình “sân khấu học đường” chỉ được thực hiện tại một số cơ sở đào tạo ở các thành phố lớn (Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh), tần suất tổ chức không thường xuyên do hạn hẹp về kinh phí. Trong khi đó, việc tích hợp một số môn nghệ thuật vào chương trình đào tạo chưa thật hợp lý về cấu trúc chương trình, tỷ trọng giữa các phần kiến thức nên vô tình làm cho chương trình đào tạo càng thêm nặng. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo lại thiếu nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất phù hợp để hỗ trợ việc học và dạy nghệ thuật tại trường. Điều đó đã làm cho những giải pháp trên chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Tỷ lệ công chúng trẻ của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống chưa có dấu hiệu cải thiện, lợi thế cạnh tranh khán giả trước các loại hình giải trí hiện đại vẫn ở thế yếu. Kết quả đó phần nào chứng minh môi trường học đường chưa có những đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc hình thành “vốn văn hóa nghệ thuật” cho công chúng Việt Nam hiện nay.

3- Môi trường xã hội ngoài nhà trường (MTXHNNT)

Xét ở bình diện rộng nhất, môi trường xã hội ngoài nhà trường có thể được hiểu là tổng thể các môi trường nhân văn ngoài nhà trường, gia đình mà mỗi con người tiếp xúc trong các hoạt động sống của mình.

Điểm khác biệt của môi trường xã hội này so với môi trường gia đình, môi trường học đường là ở chỗ: phạm vi không gian không giới hạn (không ai có thể đo lường được ranh giới tương tác xã hội từng cá nhân trong môi trường đó); đối tượng tương tác xã hội không đồng nhất, đa chiều kích (vì trong môi trường đó có sự hiện diện của nhiều thành phần xã hội từ nghề nghiệp, độ tuổi, giới tính, tộc người, tôn giáo, trình độ học vấn,…); mục đích tương tác đa dạng (mỗi mục đích tương tác của cá nhân trong các mối quan hệ xã hội không giống nhau). Điểm đặc biệt của môi trường xã hội ngoài nhà trường là sự tham gia của nhiều thành tố nhân văn như: thể chế chính trị thành, các hoạt động kinh tế, pháp lý, tín ngưỡng – tôn giáo,…

Với những đặc trưng trên, công chúng Việt Nam ngày nay chịu nhiều sự tác động để hình thành “vốn văn hóa” mới, mà trong “nguồn vốn” đó, yếu tố nghệ thuật truyền thống dễ dàng bị thay thế, hoặc ít ra cũng bị che lắp, bao phủ bởi những yếu tố nghệ thuật mới, hiện đại, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, nhu cầu của chính mình. Nhất là trong nền kinh tế mở hiện nay, không gian sống (cả thực và ảo) của công chúng Việt Nam được mở rộng không giới hạn, vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ quốc gia. Điều đó cho phép họ có cơ hội tiếp cận với nhiều loại hình giải trí mới của thế giới như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thể dục thể thao, chương trình truyền hình,…. Chúng ta không quá khó để nhận thấy sức hấp dẫn mãnh liệt của các loại hình giải trí mới lạ, tiên tiến đó đối với công chúng Việt Nam hiện nay. Hiện tượng “si mê” đến “phát cuồng” của một bộ phận giới trẻ đối với các sản phẩm điện ảnh, thời trang, âm nhạc,… của Hàn Quốc, Hoa Kỳ là những ví dụ điển hình. Những điều đó đặc ra nhiều thách thức cho những nỗ lực để xây dựng, bồi đắp “vốn văn hóa nghệ thuật” nhằm khôi phục, phát triển khán giả cho các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống.

3. Một số vấn đề đặt ra trong việc phát triển công chúng tương lai cho các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống ở Việt Nam hiện nay

Từ những phân tích trên cho thấy, hiện nay, việc phát triển công chúng tương lai cho các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống ở Việt Nam đang đặt ra các vấn đề sau:

- Cần có những nghiên cứu chuyên sâu, quy mô đủ lớn, phương pháp nghiên cứu phù hợp, trong đó có thể sử dụng khái niệm “Vốn văn hóa” của P. Bourdieu như một nền tảng lý luận để tìm ra nguyên nhân suy giảm khán giả của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống ở Việt Nam hiện nay.

- Theo quan điểm của P. Bourdieu, gia đình có những tác động đến quá trình hình thành “vốn văn hóa” đối với cá nhân mỗi người. Quan điểm này của ông đã được chính ông và nhiều nhà khoa học kiểm chứng sự đúng đắn của nó. Vì vậy, Việt Nam có thể hưởng lợi từ những kết quả nghiên cứu này để xây dựng môi trường gia đình sao cho có những tác động tích cực nhất đến quá trình hình thành “vốn văn hóa nghệ thuật” cho công chúng trẻ, từ đó xây dựng nền tảng để hình thành lực lượng khán giả tương lai cho các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam.

- Cũng theo P. Bourdieu, bên cạnh gia đình, môi trường “xã hội xung quanh” cũng góp phần quan trọng trong việc quyết định “thói quen” tiêu dùng sản phẩm văn hóa nghệ thuật của công chúng. Vì vậy, để góp phần tạo ra lực lượng khán giả tương lại cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, Việt Nam có thể tìm cách can thiệp, định hướng những tác động của môi trường làng xã, trường học và xã hội ngoài nhà trường để đảm bảo rằng những tác động từ những môi trường này là hữu ích trong quá trình hình thành “vốn văn hóa nghệ thuật” cho công chúng Việt Nam hiện nay.

Nguyễn Hồ Phong

Tài liệu tham khảo

  1. David Throsby (1999), Cultural Capital. Journal of Cultural Economics 23:  3–12
  2. DiMaggio, P. (1982), Cultural Capital and School Success: The Impact of Status Culture Participation on the Grades of US High School Students. American Sociological Review 47, 2, 189-201.
  3. Pierre Bourdieu (1996), Distinction: A Social Critique of the Judgement of Taste, Harvard University Press; Cambridge Massachusetts.
  4. Trần Đình Hượu (1994), “Nhìn về vốn văn hóa dân tộc- Trích từ phần II tiểu luận “Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc”, in trong cuốn Đến hiện đại từ truyền thống; bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 11/4/2011 - bảng online, cập nhật 28/10/2018.
  5. Bùi Hoài Sơn (biên soạn), “Vốn văn hoá (cultural capital)”, bài viết in trong cuốn 30 Thuật ngữ nghiên cứu văn hóa.
  6. Đào Đình Thưởng (2011), “Khái niệm và đặc trưng cơ bản của vốn văn hóa”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, tr.108-114.

 



[1] Pierre Bourdieu (1930-2002), nhà xã hội học người Pháp có nhiều ảnh hưởng trong nửa sau thế kỷ XX với những lý thuyết về các loại vốn, thuyết sản sinh xã hội, thuyết quyền lực - thực hành và lý thuyết về trường.

[2]Trong các  nghiên cứu của mình, Pierre Bourdieu thường đặc khái niệm “vốn văn hóa” (Cultural Capital) trong mối tương quan với vốn kinh tế (Economic Capital) và vốn xã hội (Social Capital). Ông cho rằng, các loại vốn này có sự tương tác và chuyển hóa cho nhau.

[3] Cuốn Distinction: A Social Critique of the Judgement of Taste được Les E'ditions de Minuit xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Pháp năm 1979 tại Paris; xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu tiên năm 1984 do Richard Nice dịch; xuất bản lần thứ 8 ở Hoa Kỳ năm 1996 (ISBN 0-674-21277-0). Đây là cuốn sách tổng hợp các nghiên cứu của Pierre Bourdieu từ năm 1963 đến năm 1968 về các vấn đề liên quan đến thực trạng xã hội, văn hóa Pháp.

 

[4] Điều này khác với văn hóa phương Tây khi mà tính cố kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ lỏng lẻo, cơ động hơn.

 

Từ khóa:

Mạng xã hội