A Ngưi-Chàng trai Bahnar có gì đó trong đầu

21
04
'20

Đinh A Ngưi hiện tại đang công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Kbang, tỉnh Gia Lai và là chủ khu du lịch “Homestay A Ngưi”. Năm 2017, tốt nghiệp Đại học ngành Quản lý văn hóa (Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM), A Ngưi trở về với núi rừng, buôn làng của mình và mang theo giấc mơ khởi nghiệp từ chính những di sản mà ông bà để lại. Với phương châm “Lấy di sản, nuôi di sản thông qua du lịch cộng đồng”, A Ngưi đã khẳng định một cách hùng hồn rằng: làm du lịch cần phải hiểu văn hóa sâu sắc hay nói cách khác “dân” quản lý văn hóa làm du lịch thì không không thể tuyệt vời hơn.

 

Nhiều phóng sự trên Đài truyền hình Việt Nam, nhiều bài báo đã giới thiệu về tấm gương chàng trai Bahnar, cựu sinh viên Khoa quản lý, văn hóa làm du lịch homestay là người truyền cảm hứng cho đồng bào ở Gia Lai làm du lịch.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa, nhạc sĩ Linh Nga Niê K’đam đã viết tặng cho A Ngưi bài viết “A Ngưi, có gì đó trong đầu”. Thông qua A Ngưi, được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin được đăng lại toàn bộ bài viết.

Xin chân thành cám ơn!

A Ngưi, có gì đó trong đầu!

 

Tốt nghiệp Đại học văn hóa, về nhận việc tại Trung tâm văn hóa huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), như người ta học xong có việc làm đúng nghề ngay tại quê mình là tốt rồi. Thế nhưng dòng máu Bâhnar Kon Kđeh chảy rần rật trong A Ngưi hình như không để anh yên. Học rồi nên A Ngưi hiểu rõ giá trị và vô cùng trân trọng vốn quý của văn hóa cổ truyền ông bà. Cứ thấy những giai điệu dân ca hơ amon, hơ achoi dần bị lãng quên, khi cần tìm không ra người hát, người chơi đàn gong; các dòng sông con suối cạn khô, những cánh rừng ngày một lùi xa, chẳng còn chỗ lấy cây nứa, buộc dàn cho đàn T’rưng nước đêm ngày rỉ rả cất tiếng; các bài bản ching chêng cũng theo ông bà mà về cõi Mang Lung, mấy ai còn thuộc trọn câu?

Ngày ngày ngước nhìn lên đỉnh núi Kông Lơng Khơng, nhớ truyền thuyết linh hồn tổ tiên người Bâhnar Kon Kđeh từng ngụ trên đó, bị con chuột chù khổng lồ đuổi chạy tan tác, không biết về đâu; trái tim trong lồng ngực A Ngưi dường như bị bóp nghẹt.

Lại nữa, nhìn căn nhà rông tre nứa nhỏ đẹp, với những đường lượn hoa văn như sóng nước ở làng Cây Sung, bỗng bị ngôi nhà xây gạch ngói gọi là nhà sinh hoạt văn hóa theo quy chuẩn, chiếm ngữ hết cả diện tích mặt tiền của sân, những chiếc bẫy săn thú thuở xưa phục dựng ở vườn đổ gãy, A Ngưi chép miệng thấy lòng mình nhói đau.

Theo nhiệm vụ được giao, lặn lội hết làng này đến Kon, Plei khác, cùng bà con mở các lớp trao truyền âm thanh, nhịp điệu ching chêng, hết bài vui đến bài trầm hùng, để đến bây giờ khắp các Plei trong huyện, nơi nào cũng có đội ching, đội múa thiếu nhi, đội cà kheo…sẵn sàng đua tài cùng bạn bè các huyện trong tỉnh trong mọi lễ hội lớn nhỏ.

Nhưng tâm trí A Ngưi vẫn chưa yên. Có cái gì đó cứ cựa quậy đêm ngày trong đầu. Người Bâhnar mình có âm thanh ching chêng, đàn T’rưng…hay thế, giàu có thế. Đẹp cả từ căn nhà rông đến bộ váy áo nữ; ngon và sạch không chỉ món gà nướng, con cá suối , cơm ống nứa, mà còn thơm cả mùi vị cả những trái bí, trái bầu, nắm rau rừng…làm sao để gìn giữ?

Làm sao giới thiệu với mọi người, để không chỉ phát huy mà còn có thêm thu nhập cho nhà mình, cho bà con nữa chứ? Đói bụng thì di sản có quý đến mấy cũng rủ nhau chạy hết lên núi Lơng Khơng theo linh hồn tổ tiên, ông bà, tìm sao thấy?

Thế là A Ngưi về thuyết phục gia đình, gom góp tiền mua gỗ tạp dựng hai căn nhà sàn, thêm mấy cái chòi tranh tre nứa lá trên mặt ao gió núi mát rười rượi, cho khách ngủ tập thể hay ngủ cá nhân đều được (làm xong nhà sàn cũng phải cúng nhà mới theo phong tục nữa đấy chứ). Đã ở trong ngành văn hóa – du lịch nhiều năm, thông thuộc địa bàn như những sợi chỉ trong lòng bàn tay nâu rám nắng, lịch trình dẫn khách tham quan, trải nghiệm được tính đến đầu tiên, thác Hang Dơi, thác Hang Én hay suối Đăk Lôp, thác Kon Lok…đều là những ngọn thác đồ sộ bên cạnh rừng nguyên sinh rậm rạp những cây cổ thụ thẳng tắp, di tích huyền thoại cánh đồng Cô hầu (người vợ Bâhnar) của Vua Tây Sơn, hay làng kháng chiến Stơr của Bác Núp danh tiếng lẫy lừng một thuở bẫy đá, chông thò chống Pháp? Hoặc đưa khách đến làng Chiêng đậm đã bản sắc văn hóa Bâhnar… như thế nào cho thuận đường, thuận ngày?

Tiếp đến sẵn phụ nữ trong nhà còn đang giữ nghề dệt thổ cẩm, chế ra những chiếc túi lớn nhỏ, giải băng quấn đầu, vài bộ trang phục để khách đến thích thì mặc chụp hình, gom góp mấy đồ mây tre đan của các cụ trưng bày. Rồi tập hợp anh chị em trong nhà bàn cách làm những món ăn dân giã từ heo, gà nhà, cá suối, rau vườn.

Quan trọng nhất là làm sao kéo được cả cộng đồng cùng làm. Chưa có nơi nghỉ cho khách thì cùng chung tay với A Ngưi vậy; nên phải tính xem nhà nào nuôi gà, nuôi heo giống cũ, rượu ghè lấy từ nhà ai, vườn nào còn rộng trồng rau gì…để ra thực đơn; bàn cả chương trình hát múa, tấu ching, cũng người trong làng luôn, chẳng thiếu bất cứ một “món” di sản nào nhé.

Nói vậy chứ mọi việc đâu đã thuận lợi ngay, nhất là bà con mình chưa quen với cách nghĩ, cách làm ăn lớn. Ngoài ra còn giao tiếp với khách khi ngôn ngữ bất đồng.

 Lại phải vừa vận động, vừa thuyết phục. Cho đến khi đón lượt khách đầu tiên, những gia đình tham gia phục vụ, từ bán con gà, mớ lá mì, ngọn rau đắng, trái cà gai, ghè rượu, đến mặc trang phục dân tộc diễn tấu ching chêng, đều có thù lao bằng hoặc hơn hẳn một ngày đi làm rẫy thuê.

Thế là yên bụng theo A Ngưi thôi. Đấy, không gian có rồi, người ta bảo làm du lịch chú ý “4 gì”, A Ngưi có tới 3 rồi nhé: xem gì, ăn gì, mua gì. Còn chơi gì thì từ từ tính sau. Cứ thế, homstei A Ngưi Kbang dần dần hiện hình. Thêm trang Facebok quảng bá nữa. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 600 lượt khách xa khách gần từ khắp nơi đến với A Ngưi.

Ừ, làm du lịch cộng đồng phải có tâm, nhưng cũng phải có tầm nữa, sao cho du khách thấy thích, thấy phải đến với mình mới được chứ. Bây giờ người ta ưa cái lạ, nhưng vẫn phải đáp ứng đầy đủ tiện nghi. Sẽ còn nhiều việc phải làm, phải tính đến, như đào thêm giếng để đủ nước giữa mùa khô nắng cháy của cao nguyên, làm tủ đồ cho khách yên tâm đi trải nghiệm, thêm nhà vệ sinh ( thậm chí là lộ thiên như người H’Mông của tráng A Chu trên Sơn La nữa), khách đông phải giảm giá tuor…

Đường quốc lộ 19 từ Quy Nhơn lên rộng thênh thênh, xe chạy chẳng gặp cái ổ gà, ổ trâu nào. 60 km từ ngã ba Phú Tài lên là gặp ngã ba Đông Trường Sơn . Làng Kgiang của A Ngưi chỉ cách đó có 7km thôi (gần hơn là vô trung tâm huyện Kbang đấy). Cứ yên tâm dành trọn mấy ngày cuối tuần mà đến với Homstei A Ngưi để hưởng nắng gió cao nguyên lồng lộng khác hẳn cái ngột ngạt nơi phố thị, nhất là thưởng thức mọi điều từ văn hóa Bâhnar rất độc đáo bạn nhé.
Chúc A Ngưi Kbang tự tin và thành công.

H’Linh Niê

Những lời khuyên của A Ngưi 

Tôi đang công tác bảo tồn văn hoá dân tộc thông qua làm du lịch, mình có lời khuyên cho các bạn: Là phải chủ động học tập tốt và chịu khó; không được bỏ cuộc; phải tự vươn lên và biết nắm bắt cơ hội.

Tuổi trẻ phải có nhiệt huyết và thêm chút máu liều để khởi nghiệp. Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật là nơi mình từng học, và được truyền lửa khởi nghiệp “Lấy di sản nuôi di sản thông qua du lịch cộng đồng” là phương châm của tôi.

Khi cần thực hành nghề nghiệp, tư vấn khởi nghiệp về du lịch cộng đồng…mời các bạn đến đây A Ngưi sẽ sẵn sàng hỗ trợ.

Một số hình ảnh của Homestay A Ngưi

Bạn có muốn đến học tại Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật và Trường Đại học văn hóa TP.HCM? Hãy đọc kỹ thông tin sau và....

"HÃY LƯU LẠI - BẠN SẼ CẦN"

Đọc và xem thêm về A Ngưi

https://www.vietnamplus.vn/nguoi-truyen-cam-hung-cho-dong-bao-bahnar-o-gia-lai-lam-du-lich/608917.vnp

BBT-HCD

Kỹ thuật hình ảnh: BITI ANH ĐÀO - TẤN THÀNH - NHỰT BẰNG

 

Từ khóa: