Khoa học công nghệ đối việc nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

11
07
'19

Khoa học công nghệ đối việc nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

Tác giả: Ths. Vũ Văn Nam

 

1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đào tạo

Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong giáo dục, đào tạo được Đảng và Nhà nước Việt Nam rất coi trọng, xem đó là yêu cầu trong công tác đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại. Điều này được thể hiện rất rõ trong nội dung các Văn kiện, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục – Đào tạo. Cụ thể: Luật giáo dục (1998) và Luật giáo dục sửa đổi (2005); Nghị quyết CP của Chính phủ về chương trình quốc gia đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào giáo dục đào tạo (1993); Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII; Nghị quyết 81 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 102/2009/NĐ – CP ngày 6/ 11/ 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Quyết định số 698/QĐ – TTg ngày 1/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Chỉ thị 29 và Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010 của Bộ Giáo dục – Đào tạo; Chỉ thị số 15/CT – TTg ngày 22/5/ 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Chỉ thị số 55/2008/CT – BGDĐT ngày 30/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục giai đoạn 2008 – 2012; Thông tư số 08/2010/TT – BGDĐT ngày 01/03/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục.

Đặc biệt, trong Nghị quyết Trung ương II (khoá VIII), Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khẳng định phải “đổi mới phương pháp giáo dục – đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương pháp hiện đại vào quá trình dạy học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho HS,..”; trong Chỉ thị số 29 của Bộ Giáo dục – Đào tạo ngày 30/7/2001/CT về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục giai đoạn 2001 – 2005 nêu rõ “CNTT là phương tiện để tiến tới một xã hội hóa học tập”, nhưng “giáo dục và đào tạo phải đóng vai trò quan trọng bậc nhất thúc đẩy sự phát triển của CNTT ” và trong “Chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo đến năm 2010” của Bộ Giáo dục – Đào tạo đã yêu cầu ngành giáo dục phải từng bước phát triển giáo dục dựa trên công nghệ thông tin vì “CNTT và đa phương tiện sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong quản lý hệ thống giáo dục, trong chuyển tải nội dung chương trình đến người học, thúc đẩy cuộc cách mạng về phương pháp dạy và học”.

 

2. Mối tương tác giữa người dạy – khoa học công nghệ người học

Việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào công tác giảng dạy lĩnh vực văn hoá nghệ thuật là một yêu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của nền giáo nước nhà trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mở ra triển vọng to lớn trong việc đổi mới các phương pháp, hình thức dạy và học. Từ góc độ nhìn nhận của cá nhân, trong phạm vi bài viết này, tôi xin phép trình bày mô hình tương tác giữa người dạy – khoa học công nghệ – người học như sau:

Giáo sư Hoàng Tụy trong tác phẩm “Người thầy trong nhà trường hiện đại” do Nhà xuất bản giáo dục phát hành năm 2005 đã viết "Vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố có liên quan trực tiếp tới người thầy". Như vậy, giáo sư Tụy đã xác lập rất rõ vai trò trung tâm của người dạy trong quá trình dạy học dù trong bất kỳ hoàn cảnh và thời đại nào. Điều này, mới nghe qua dường như đi ngược lại với lý thuyết “lấy người học làm trung tâm” đang được phổ biến hiện nay trong hệ thống giáo dục Việt Nam và thế giới. Xong trên thực tế, khi nói người dạy là nhân vật trung tâm của quá trình dạy học là muốn đề cấp đến vai trò then chốt của người giảng viên khi đứng trên bục giảng và hướng cái đích của quá trình học là sinh viên – người học. Thật có lý khi nói về phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, R. Batliner lại khẳng định, "Giáo viên là chủ chốt quyết định việc dạy và học có chất lượng".

Như vậy, trong bối cảnh công nghệ hiện đại ngày ngay, vai trò của người giảng viên giảng dạy lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như thế nào? Công tác giảng dạy của họ sẽ được hỗ trợ như thế nào của khoa học công nghệ? Dưới góc độ cá nhân, bản thân tôi xin chia sẻ một số vấn đề sau:

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác giảng dạy lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung cần được hiểu một cách toàn diện hơn. Đó không chỉ đơn thuần là việc chuyển những con chữ từ trang giấy sang màn hình máy tính; hay đơn giản chỉ là việc giảng viên sử dụng tốt phần mềm Powerpoint để trình diễn những con chữ vô hồn mà còn là việc sử dụng thuần thục, có hiệu quả những công cụ hỗ trợ đắc lực khác để phục vụ công tác giảng dạy như hệ thống phần mềm trình diễn đa dạng trong bộ Microsoft office; thiết bị ghi âm, chụp hình, quay phim (Camera), máy quét hình (Scanner), phần mềm Camtasia Studio 6… Bên cạnh đó, giảng viên cũng có thể dùng công nghệ hiện đại để quản lý, lưu trữ và phát triển hệ thống tư liệu giảng dạy mà Internet là một ví dụ điển hình. Với internet, người dạy có thể dễ dàng làm việc trực tuyến với người học, có thể trao đổi tư liệu giảng dạy của mình đến người học và đồng nghiệp thông qua hòm thư điện tử, website cá nhân… Ứng dụng khoa học công nghệ giúp kích thích sự năng động và sáng tạo của người dạy trong việc biên soạn và trình bày bài giảng; giúp tiết kiệm được thời gian, công sức cho người dạy trong việc: sưu tầm tư liệu giảng dạy, việc soạn bài giảng, hạn chế thời gian chết trong quá trình giảng dạy vì không phải tốn nhiều thời gian để viết bản, vì vậy người dạy có thêm thời gian để truyền đạt nội dung, ý tưởng của mình đến người học.

Đối với người học lại là một mối tương quan khác. Bài giảng với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ sẽ dễ dàng tạo được không khí hứng khởi cho người học bởi nó không chỉ là những con chữ vô hồn mà có sự tích hợp cả âm thanh, hình ảnh, từ đó có thể kích thích được sự năng động, sáng tạo của người học, giúp người học có cái nhìn trực quan và sinh động thông qua đó đánh giá vấn đề sâu sắc, toàn diện hơn. Bên cạnh đó, với sự phát triển của xu hướng giáo dục hiện nay là người dạy chỉ gợi ý vấn đề để người học chủ động nghiên cứu, tìm tòi sau đó trình bày vấn đề dưới dạng thuyết trình nhóm thì sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, đặc biệt là hệ thống phần mềm trình diễn đa dạng trong bộ Microsoft office sẽ là một công cụ tối ưu giúp người học dễ dàng trình bày các vấn đề mà người dạy yêu cầu dưới dạng thuyết trình nhóm.

Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là internet với hệ thống các công cụ tìm kiếm dữ liệu sẽ giúp người học hoàn thiện hệ thống tri thức cần thiết ở mọi nơi, mọi lúc, suốt đời và có thể đáp ứng nhu cầu học tập cho mọi người ở những trình độ khác nhau. Bằng công nghệ hiện đại, người học cũng có thể lưu trữ, quản lý, phát triển hệ thống kiến thức và thực hành tương tác tích cực giữa người học với người học một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, có thể xem khoa học công nghệ là chất xúc tác đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định chất lượng đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung. Với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, chúng ta sẽ dần thay thế phương pháp dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều của người dạy và quá trình tiếp nhận kiến thức bị động của người học bằng phương pháp dạy học tích cực thông qua việc đẩy mạnh quá trình tương tác tích cực giữa người học và người dạy. Điều này sẽ thúc đẩy tính chủ động của cả người học trong việc tiếp nhận và phát triển kiến thức; người dạy trong việc truyền đạt tri thức.

3. Vài suy nghĩ thay cho lời kết

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác giảng dạy lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, số lượng giảng viên có khả năng am hiểu và sử dụng hiệu quả các công nghệ hiện đại vào công tác giảng dạy chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn. Đa phần chỉ mới dừng lại ở công việc sơ khai là “sự chuyển hóa những con chữ vô hồn từ trang sách sang những con chữ vô hồn hơn ở màn hình máy vi tính”. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể xuất phát từ nhiều phía, tuy nhiên, bản thân tôi nghĩ có 2 lý do cốt lõi là: 1- giảng viên chưa ý thức được hết vai trò của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giảng dạy; 2- một bộ phận không nhỏ giảng viên tham gia giảng dạy trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là những nghệ sỹ, nghệ nhân hoặc chí ít cũng là những người có “máu nghệ thuật” sâu đậm, vì vậy, lối tư duy trừu tượng đã trở thành bức tường ngăn cách họ với hệ thống các công cụ khoa học công nghệ vốn đòi hỏi nhiều về yếu tố kỹ thuật.

Bên cạnh đó, để tránh hiện tượng lạm dụng công nghệ, chúng ta cần xác định rõ quan điểm việc ứng dụng khoa học công nghệ không đồng nhất và không là điều kiện đủ trong việc đổi mới phương pháp dạy học, không làm thay đổi bản chất cơ bản của quá trình dạy học, nó chỉ là phương tiện tạo thuận lợi cho triển khai phương pháp dạy học tích cực. Hơn nữa, việc ứng dụng khoa học công nghệ để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là một công việc khó khăn, lâu dài, đòi hỏi rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính và năng lực của đội ngũ giảng viên. Do đó, cần có sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất của các cấp, sự chỉ đạo đồng bộ của ngành, của mỗi nhà trường và đặc biệt là sự nỗ lực học hỏi, rút kinh nghiệm của bản thân mỗi giảng viên.

* Tài liệu tham khảo

A. Các văn bản nhà nước

  1. Luật giáo dục (1998) và Luật giáo dục sửa đổi (2005);
  2. Nghị quyết CP của Chính phủ về chương trình quốc gia đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào giáo dục đào tạo (1993);
  3. Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII;
  4. Nghị quyết 81 của Thủ tướng Chính phủ;
  5. Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 6 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
  6. Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 1/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
  7. Chỉ thị 29 và Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010 của Bộ Giáo dục – Đào tạo;
  8. Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
  9. Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT ngày 30/9/2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2012;
  10. Thông tư số 08/2010/TT-BGDĐT ngày 01/03/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục.

B. Tài liệu sách

  1.  R. Batliner, (2002), Sổ tay phương pháp luận dạy học của chương trình hỗ trợ LNXH, Swsscontaet;
  2. Nguyễn Ngọc Bảo (chủ biên), (2005), Lý luận dạy học trường trung học cơ sở, NXB Đại học Sư phạm HN;
  3. Hà Thị Đức, (2006), Lý luận dạy học đại học, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội;
  4. Trần Bá Hoành (chủ biên), (2002), Các phương pháp sư phạm, Song Kha dịch, NXB Thế giới;
  5. Lê Phạm Phương Lan, (07/ 2001), Thực chất của quan điểm giáo dục "lấy người học làm trung tâm", Báo Dạy và Học ngày nay;
  6. Hoàng Tụy, (2005), Người thầy trong nhà trường hiện đại, NXB giáo dục.

 

Từ khóa: