Trong những lúc khủng hoảng, con người cần đến văn hóa

10
04
'20

Ernesto Ottone, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về văn hóa

Dịch COVID-19 đã làm nổi bật lên sự cần thiết của văn hóa đối với mọi người và cộng đồng khi khủng hoảng xảy ra.

Trong bối cảnh hàng tỷ người đang bị tách biệt thì văn hóa đã đưa chúng ta đến gần nhau. Văn hóa đem đến sự an ủi, niềm cảm hứng và hy vọng vào thời điểm mọi người rất lo lắng và sợ hãi. Tuy nhiên, ngay khi chúng ta dựa vào văn hóa để giúp chúng ta vượt qua cơn khủng hoảng này, thì văn hóa cũng đau khổ. Nhiều nghệ sĩ và nhà sáng tác, đặc biệt là những người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức hoặc công việc trình diễn hiện tại không thể hoàn thành, hoặc sáng tác ít hơn các tác phẩm nghệ thuật mới. Các tổ chức văn hóa, dù lớn hay nhỏ, đang mất doanh thu đến hàng triệu mỗi ngày. Trong khi thế giới đang hành động để giải quyết mối nguy hiểm hiện nay của dịch COVID-19, chúng ta cũng cần đưa ra các biện pháp hỗ trợ các nghệ sĩ và phương thức tiếp cận văn hóa, về tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn.

Văn hóa, điều cần thiết cho một xã hội kiên cường

Hiện nay chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu khác với bất cứ những gì chúng ta đã từng thấy trong thế kỷ này. Hàng ngàn người đã tử vong vì COVID-19 và số người bị lây nhiễm càng gia tăng nhiều hơn. Trên khắp thế giới vào lúc này, hàng tỷ người được yêu cầu ở trong nhà của mình.

Những người không thể làm việc ở nhà – đó là những bác sĩ, y tá, nhân viên cấp cứu, người làm việc trong các dịch vụ thiết yếu như siêu thị, nhà thuốc, và nhân viên vệ sinh, một vài công việc được liệt kê ở đây để cho thấy – mỗi ngày họ đang đặt mạng sống của mình vào chỗ nguy hiểm để bảo vệ chúng ta được an toàn và khỏe mạnh. Thậm chí các hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia giàu có nhất cũng đang căng thẳng dưới áp lực của đại dịch toàn cầu. Về phương diện kinh tế, xã hội và tâm lý, ảnh hưởng của COVID-19 sẽ có thể kéo dài sau khi cuộc khủng hoảng về vấn đề bảo vệ sức khỏe này kết thúc.

COVID-19 đã làm nổi bật lên sự cần thiết của văn hóa đối với mọi người và cộng đồng khi khủng hoảng xảy ra. Trên phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta đã thấy những video truyền cảm hứng của nghệ sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng thế giới biểu diễn miễn phí cho những người láng giềng của họ xem, cũng như hàng triệu người xem trực tuyến. Các nghệ sĩ dùng tài năng của mình để lan tỏa những thông tin quan trọng về COVID-19, chẳng hạn như rửa tay đúng cách và sự cần thiết phải giữ khoảng cách xã hội. Chúng ta thấy cộng đồng, bị cô lập trong nhà và những căn hộ, cùng nhau ca hát, chơi nhạc, nhảy thậm chí là chiếu phim từ cửa sổ và ban công của họ. Các bảo tàng, nhà hát opera, phòng hòa nhạc và các tổ chức văn hóa khác tuy đã đóng cửa, nhưng sẵn lòng mở cửa trực tuyến, cung cấp các chuyến tham quan ảo miễn phí về các bộ sưu tập và chương trình biểu diễn trực tiếp miễn phí. Các thư viện, bao gồm cả thư viện về phim ảnh, cũng đã mở cửa nguồn tài liệu cho công chúng. UNESCO đang khuyến khích những địa điểm di sản thế giới làm theo một cách phù hợp, và nhiều diễn đàn của UNESCO như Hành trình di sản thế giới ở châu Âu (World Heritage Journeys in Europe) sẵn sàng đề xuất phương án để mọi người khám phá di sản thế giới tại nhà của họ.

Văn hóa cũng trong cơn khủng hoảng

Ngay cả khi dựa vào văn hóa để giúp chúng ta vượt qua cơn khủng hoảng này, chúng ta nên nhớ rằng văn hóa cũng chịu nhiều đau khổ. Nhiều nghệ sĩ và nhà sáng tác, đặc biệt là những người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức hoặc công việc trình diễn hiện tại không thể hoàn thành, hoặc sáng tác ít hơn các tác phẩm nghệ thuật mới. Các tổ chức văn hóa, dù lớn hay nhỏ, đang mất doanh thu đến hàng triệu mỗi ngày trôi qua. Nhiều Di sản Thế giới hiện nay đã bị đóng cửa, điều này cũng sẽ có tác động xã hội và kinh tế đối với các cộng đồng sống trong và xung quanh các địa điểm này. Dịch COVID-19 đã đặt nhiều tập tục di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm những lễ nghi, nghi lễ, cả tôn giáo và phi tôn giáo, vào tình thế phải dừng lại, dẫn đến những hậu quả hệ trọng đối với đời sống văn hóa và xã hội của cộng đồng ở khắp mọi nơi. Ví dụ như trận động đất gần đây ở Zagreb đã cho thấy, di sản văn hóa vẫn dễ bị tổn thương trước thiên tai và các mối đe dọa khác, và dịch COVID-19 làm phức tạp thêm các nỗ lực ứng phó khẩn cấp.

Hơn nữa, việc hàng triệu người trên thế giới tiếp cận văn hóa thông qua các phương tiện số (digital) vẫn nằm ngoài tầm với. Theo Ủy ban Viễn thông Quốc tế của Liên Hợp Quốc (UN’s International Telecommunications Union), ITU), 86% dân số của các nước phát triển sử dụng Internet, so với chỉ 47% dân số của các nước đang phát triển. Ủy ban Băng thông rộng vì Phát triển bền vững (Broadband Commission for Sustainable Development), được thành lập bởi ITU và UNESCO, nêu rõ trong báo cáo State of Broadband 2019  rằng tổng cộng 43,5% số người được khảo sát ở các nước thu nhập thấp đã chỉ rõ việc kết nối kém như một rào cản khi họ cố gắng sử dụng internet, so với con số 34,6% của người có thu nhập trung bình cao và 25% thu nhập cao…

Phải hành động để hỗ trợ các nghệ sĩ và tăng cường việc tiếp cận văn hóa

Trong khi thế giới đang hành động để giải quyết mối nguy hiểm hiện nay của dịch COVID-19, thì chúng ta cũng cần đưa ra các biện pháp hỗ trợ các nghệ sĩ và phương thức tiếp cận văn hóa, về tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn.

Chúng ta cần phải hành động để đảm bảo văn hóa có thể đến với tất cả mọi người, và sự phong phú đa dạng về biểu hiện của văn hóa nhân loại có thể phát triển rực rỡ, cả trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline). Việc đảm bảo văn hóa có thể đến với tất cả các cộng đồng không có truy cập Internet, bao gồm những người địa phương, đòi hỏi chúng ta phải có những công cụ tương tự vậy, chẳng hạn như thông tin liên lạc qua đài phát thanh cộng đồng. Chúng ta cần khuyến khích các quốc gia đảm bảo nghệ sĩ có thể tiếp cận thị trường toàn cầu và họ được trả công xứng đáng với công việc của họ. Với 1/5 số lao động làm thuê trong các nghề nghiệp liên quan đến văn hóa làm việc bán thời gian, và thường dựa trên một hợp đồng làm việc, làm nghề tự do hay thời vụ, chúng ta cần suy nghĩ lại sức lao động và khung bảo trợ xã hội cho các nghệ sĩ, để tính đến cách thức làm việc chuyên biệt của các nghệ sĩ. Trong mọi lúc, bao gồm sự khủng hoảng như lúc này, chúng ta cần phải đảm bảo rằng vấn đề kinh tế, xã hội và nhân quyền của các nghệ sĩ, nhà sáng tác phải được tôn trọng.

UNESCO đã thực hiện sứ mạng của mình để thúc đẩy tiếp cận văn hóa trong suốt thời gian hạn chế và tự cách ly. Chúng tôi bắt đầu giới thiệu chiến dịch truyền thông xã hội Chia sẻ văn hóa (#ShareCulture) và khuyến khích mọi người trên khắp thế giới chia sẻ văn hóa và sáng tạo của họ với một người khác theo hình thức trực tuyến. Chúng tôi cũng tăng cường các nỗ lực liên tục nhằm gia tăng khả năng tiếp cận văn hóa và hỗ trợ bảo vệ cho các nghệ sĩ, để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng văn hóa đang phải đối mặt hiện nay.

Bây giờ hơn bao giờ hết, mọi người cần văn hóa. Văn hóa làm cho chúng ta kiên cường. Văn hóa mang niềm hy vọng đến chúng ta. Văn hóa nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không đơn độc. Đó chính là lý do tại sao UNESCO sẽ làm tất cả để hỗ trợ văn hóa, bảo vệ di sản của chúng ta và trao quyền cho những nghệ sĩ, nhà sáng tác, bây giờ và sau này khi khủng hoảng đi qua. Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi trong nỗ lực này, bằng cách hỗ trợ văn hóa trong cộng đồng của các bạn, bằng bất cứ cách nào có thể.

Người dịch: Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Phà Ca

(Nguồn: https://en.unesco.org/news/moments-crisis-people-need-culture)

 

Từ khóa: