Hoạt động nghiên cứu thực tế tại An Giang của sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật

20
07
'20

Nhằm phát huy năng lực học tập, nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên “có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết sâu, rộng trong phạm vi của ngành đào tạo”; Thông qua học phần Quản lý nhà nước về văn hóa 2, giúp sinh viên đi sâu tìm hiểu công tác quản  nhà nước về văn hóa nói chung, các hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói riêng tại địa phương. Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật (QLVH,NT), Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực tế cho sinh viên ngành Quản lý văn hóa tại tỉnh An Giang.

Chuyến đi nghiên cứu thực tế diễn ra trong 2 ngày 17-18/7/2020, tại Bảo tàng tỉnh An Giang và chùa Soài So, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Nội dung nghiên cứu gồm có:

1- Tìm hiểu các hoạt động của Bảo tàng và Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh; Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, di sản văn hoá phi vật thể của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang;

2- Tìm hiểu di sản văn hóa phi vật thể Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer tại Chùa Soài So, huyện Tri Tôn (đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017).

Tham gia chuyến đi có 113 sinh viên 3 lớp Đại học Quản lý văn hóa, chuyên ngành Quản lý hoạt động văn hóa xã hội 13.1, Biểu diễn âm nhạc 2, Tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật 13.3 (khóa 2018 – 2022) và các giảng viên:

  • TS. Vũ Thị Phương, Phó Trưởng Khoa QLVH,NT
  • ThS. Nguyễn Thị Phà Ca, Giảng viên khoa QLVH,NT –  cố vấn chuyên môn
  • ThS. Lê Thị Vương Nguyệt, Giảng viên khoa QLVH,NT – cố vấn học tập.

Hoạt động thứ 1, sáng ngày 17/7/2020, tại Bảo tàng tỉnh An Giang. Sau khi tham quan các phòng trưng bày, đoàn giảng viên và sinh viên của khoa đã hân hạnh nhận được sự đón tiếp từ phía tỉnh An Giang:

- Bà Ngô Thị Mai, Trưởng phòng Tổ chức Pháp chế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang

- Ông Tôn Thiện Tâm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh An Giang

- Bà Hồ Thị Hồng Chi, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh An Giang

- Ông Trần Đăng Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh An Giang.

Từ trái sang phải: Ông Trần Đăng Trung, TS. Vũ Thị Phương, Ông Tôn Thiện Tâm và Bà Ngô Thị Mai

Trong buổi gặp gỡ, đoàn đã được nghe đại diện Bảo tàng, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật và Sở giới thiệu, chia sẻ một số hoạt động và kinh nghiệm về công tác quản lý và công tác chuyên môn của Bảo tàng, Trung Tâm Văn hóa Nghệ thuật và công tác quản lý nhà nước về văn hóa của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang. Bên canh đó, các bạn sinh viên cũng đã đặt câu hỏi và góp ý cho bảo tàng về công tác trưng bày, triển lãm cũng như biện pháp đưa các hình thức biểu diễn nghệ thuật gắn với việc phát huy giá trị văn hóa, di sản tại An Giang…

Thay mặt cán bộ, lãnh đạo các đơn vị đón tiếp, Bà Ngô Thị Mai, Trưởng phòng Tổ chức Pháp chế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang nhận định: “Các bạn sinh viên có mặt trong buổi làm việc này đã chọn đúng môi trường học tập. Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh là một trường đại học năng động, đào tạo có tính ứng dụng cao;Tất cả đóng góp của các bạn đều chính xác, ý nghĩa, thể hiện tâm huyết của sinh viên trong nội dung mà các bạn đang học tập và nghiên cứu…Bà cho rằng: Hoạt động thực tế này rất bổ ích cho cả sinh viên lẫn các đơn vị nhà nước của tỉnh An Giang; và đề xuất với quý thầy cô của khoa nghiên cứu, có một chương trình phối hợp chính thức với Sở để thường xuyên, định kỳ có những hoạt động phối hợp với An Giang trong công tác đào tạo. Ví dụ như đưa sinh viên đi thực tế hoặc những hoạt động phát huy giá trị di sản và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác…

“Kết thúc buổi làm việc, TS. Vũ Thị Phương đã đại diện khoa QLVH,NT phát biểu cảm ơn và trao tặng hoa lưu niệm cho đại diện Sở, Bảo tàng và Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh.

Sinh viên vào tham quan Bảo tàng An Giang

Hoạt động thứ 2, sáng ngày 18/7/2020, tại Chùa Soài So, huyện Tri Tôn. Sinh viên đã được tiếp cận với Kinh lá Buông và nghe Hòa thượng Chau Ty, Ủy viên Thường trực Hội đồng chứng minh Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, chứng minh Ban trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang, Cả sư chùa Soài So giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể này. Qua lời Hòa thượng, sinh viên được biết về quy trình chế tác và lưu giữ, bảo quản Kinh lá Buông (với những bộ kinh còn lại đến ngày nay có tuổi đời trên dưới 120 năm): từ việc chọn lọc nguyên liệu để viết kinh là lá cây Buông, cho đến loại bút viết, mực viết, cách viết, cách bôi mực...đều rất kỳ công.  Quan trọng nhất là nội dung, tư tưởng nằm sâu dưới hình thức cũ kỹ, bình dân của những tờ lá Buông ẩn chứa một kho tàng vô giá của tri thức nhân loại là Kinh Phật, được viết cô đọng và súc tích bằng chữ Khmer cổ.

Sau phần giới thiệu của Hòa thượng, sinh viên đã có những câu hỏi về cách phơi lá Buông, chữ viết trên lá Buông, thời gian viết xong một bộ kinh lá và đưa vào sử dụng, về việc giới trẻ có thể được học viết chữ trên lá Buông không?...Tất cả lời giới thiệu, hỏi - đáp giữa Hòa thượng và đoàn đều được làm sáng tỏ thông qua phần phiên dịch của bạn Kim Loan và Băng Châu, sinh viên trường Đại học An Giang.

Kết thúc chuyến đi, sinh viên đã gặt hái được nhiều kiến thức quý giá, không chỉ củng cố về mặt lý thuyết, mà qua đó còn hình thành và phát triển các kỹ năng hành xử mới, tư duy mới với phương pháp học trải nghiệm. Dưới đây là một số hình ảnh của chuyến đi nghiên cứu thức tế.

Nghe thuyết minh tại Phòng trưng bày những di vật, khảo cổ của nền văn hóa Óc Eo

Đại diện hai bên chụp ảnh lưu niệm

Hai bên chụp ảnh lưu niệm kết thúc chương trình làm việc tại Bảo tàng

Hòa Thượng Chau Ty, truyền nhân đời thứ 9, người duy nhất còn biết viết Kinh Phật trên lá Buông bằng chữ Khmer cổ

Kinh lá Buông

Bạn Kim Loan, sinh viên trường Đại học An Giang phiên dịch tiếng Khmer

Sinh viên nghe Hòa Thượng giới thiệu Kinh Lá Buông

Tin:  Sinh viên 3 lớp Đại học Quản lý văn hóa (khóa 2018 – 2022)

Ảnh: Nguyễn Đạt Phúc, Phạm Huỳnh Hải Vân.

 

Từ khóa: