Chào mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản: Thêm hoạt động ý nghĩa của sinh viên Đại học Văn hóa TP.HCM
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/2073-21/9/2018), đặc biệt kỷ niệm 10 năm thành lập Hội hữu nghị Việt Nam – Hiroshima (HVPF), được phân công của Đảng ủy – Ban Giám hiệu, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đã chọn những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, phù hợp với nội dung chương trình để tiếp tục tham gia sự kiện thứ hai diễn ra tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Sinh viên Khoa Quản lý VHNT trong trang phục áo dài tại sự kiện
Hội Hữu nghị hòa bình Việt Nam – Hiroshima đã kết hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản TPHCM và Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tổ chức chương trình vào chiều ngày 19/10/2018. Tham gia Ngày hội, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đã lựa chọn ba tiết mục để giao lưu. Ba tiết mục với ý nghĩa thiết thực chào mừng Ngày hội, mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trong việc thể hiện quốc phục (áo dài) và quốc hoa (hoa sen). Sau màn biểu diễn trống Jiromaru Taiko, độc tấu đàn tranh và sáo trúc Nhật Bản, ba tiết mục nghệ thuật của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật được biểu diễn giao lưu trong không khí trang trọng và ấm cúng của buổi lễ.
Đầu tiên là hai tiết mục của nhóm nhạc Đắng (band Đắng) là những sinh viên trong Câu lạc bộ Âm nhạc của Khoa với tiết mục hòa tấu “Về quê” và ca khúc “Con cò”. Nếu như trên sân khấu Ngày hội Việt – Nhật, hình ảnh quen thuộc của làng quê Nam bộ trong tiết mục múa “Đất phương Nam” do các em Tân sinh viên lớp ĐH. QLVH 13.3 (chuyên ngành Tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật) biểu diễn với những cô gái trang phục áo bà ba e ấp bên chiếc nón lá và hình ảnh con cò trắng cùng những động tác uyển chuyển đã thu hút sự chú ý của người xem. Thì đến với sân khấu lần này, “Về quê” (sáng tác NS Phó Đức Phương) khán giả lại được thưởng thức những âm điệu khác biệt, rất du dương và đậm chất làng quê Bắc Bộ. Theo đó, từ lối chơi nhạc theo phong cách đương đại, Band Đắng cùng Minh Trí (lớp ĐH. QLVH 12.1,2 – chuyên ngành Quản lý hoạt động văn hóa xã hội) đã sáng tạo trong việc phối bài, thay đổi tiết tấu ca khúc “Con cò” (sáng tác Lưu Hà An) với ba lần chuyển điệu càng giúp Band có ấn tượng với khán giả hơn nữa. Hình ảnh con cò là biểu tượng của sự thanh bình, yên ả và là một trong những loài chim đi vào đời sống của người Việt Nam một cách sâu đậm nhất.
Band Đắng biểu diễn tiết mục hòa tấu
Minh Trí trong tiết mục “Con cò”
Tiết mục thứ ba trình diễn thời trang áo dài mang tên “Hương sắc Việt Nam” của 7 sinh viên top 10 hội thi Sinh viên Thanh lịch trường ĐH. Văn hóa TP.HCM lần 1 năm 2018, trong đó có sự góp mặt Hoa khôi Đặng Thị Kiều Trinh (lớp ĐH. QLVH 12.3 – chuyên ngành Tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật). Không nổi bật như áo dài truyền thống cung đình, lần này, các sinh viên thanh lịch nữ với những bộ áo dài hoa Sen hồn Việt, trang nhã, dịu dàng và đầm thắm. Trong khi đó, các sinh viên nam với bộ áo dài có họa tiết hình Rồng thể hiện được sự mạnh mẽ, phong thái của thanh niên Việt Nam. Thêm một lần nữa, những bộ áo dài được trình diễn đã làm tôn thêm nét đẹp của văn hóa trang phục, trong đó trang phục áo dài càng ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè thế giới.
Trang phục áo dài dân tộc của Sinh viên khoa Quản lý VHNT
Các tiết mục đặc sắc của sinh viên trong hai chương trình trên đã góp phần quảng bá được thương hiệu của Nhà trường, đồng thời thể hiện sự đóng góp nhỏ bé mà quý báu của Nhà trường đối với mối quan hệ giao lưu giữa Việt Nam – Nhật Bản nhằm đạt được sứ mạng: “Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học chuẩn mực và là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ về các lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, thông tin và du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và mục tiêu “Cung cấp nguồn nhân lực văn hóa – nghệ thuật, thông tin và du lịch có kiến thức, kỹ năng, chất và thái độ góp phần “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Sinh viên Đặng Thị Kiều Trinh chia sẻ: “Được tham gia biểu diễn giao lưu trong chương trình Ngày hội Việt Nhật và chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập Hội hữu nghị Hòa bình Việt Nam – Hiroshima, em cảm thấy rất hãnh diện và tự hào khi được đại diện cho Sinh viên Việt Nam, cụ thể là sinh viên của trường Đại học Văn hóa TP.HCM tham gia biểu diễn, giao lưu với các nghệ sĩ Nhật Bản. Trong thời gian tới, em rất mong được Ban Giám hiệu, Thầy Cô Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật tạo điều kiện cho em và các bạn được tham gia nhiều hơn nữa những chương trình ý nghĩa như thế này để được giao lưu, học hỏi có thêm hiểu biết về văn hóa của các nước trên thế giới. Điều này sẽ giúp em có thêm trải nghiệm trong khi ngồi trên ghế Nhà trường, vững tin hơn với vai trò là người cán bộ quản lý văn hóa tương lai”.
Cô Nguyễn Thị Phà Ca cùng các sinh viên tại sự kiện
Được biết đây là một trong những hoạt động đầu tiên nhằm hướng đến việc giao lưu con người – văn hóa giữa Việt Nam và đất nước Nhật Bản. Đồng thời, mở ra mối quan hệ hợp tác “trong việc trao đổi sinh viên, giảng viên, các tài liệu, thông tin khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, truyền thông và văn hóa với Trường Đại học Nagasaki, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy giữa hai trường cũng như tạo cơ hội cho sinh viên có cơ hội du học, tìm hiểu văn hóa, con người cũng như nền khoa học giữa Việt Nam và Nhật Bản” (theo tinh thần làm việc ngày 18/6/2018: http://qlkhhtqt.hcmuc.edu.vn/gap-go-va-lam-viec-voi-truong-dai-hoc-nagasaki-nhat-ban.html).
Tác giả: Hoàng Nhung – Giảng viên
Hình ảnh: Lee Do và các sinh viên
Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật
-
02102022
-
27102018
-
02102021
-
21052019
-
26122018
-
03072019
-
08022021
-
02062022
-
04112019
-
31102018
-
25102021
-
14042019