Thầy ơi con muốn học lại!

02
05
'18

Chúng tôi đã đồng thanh như thế khi hết thúc môn Tổ chức biểu diễn của thầy Huỳnh Công Duẩn (Ths-đạo diễn Hoàng Duẩn). Chuyến đi Ninh Thuận, vỏn vẹn chỉ hơn 2 ngày nhưng biết bao tình nghĩa giữa miền gió biển và nắng rát.

 

Dĩ nhiên, hành trình của mấy mươi con người cũng bắt đầu từ tranh cãi, thậm chí đôi lúc “cay nghiệt” với nhau. Nhưng đi thì vẫn đi, và chúng tôi đã xuất phát vì chuyến đi thực tiễn “cuối cùng” cùng nhau của thời sinh viên.

Xe chở đoàn lưu diễn đến Ninh Thuận vào sáng sớm

Thời gian không bao giờ là đủ, ngày 24/4, tôi và Bích Ni, lớp trưởng chạy đôn chạy đáo với tờ kế hoạch, những giấy tờ phải lo, những cuộc gọi điện thoại cho biết bao nhiêu chuyện. Tổ thiết kế và tổ truyền thông thông thì còn áp lực hơn. Banner, backdrop,… phải điều chỉnh lại từ chương trình kết thúc môn Đạo diễn chương trình ca múa nhạc (vừa hoàn thành buổi thi vào ngày 23/4). Nhóm những cô gái như Mai Chi, Thu Hà, Ngọc Hiếu,… cứ miệt mài cho công việc của ban tổ chức. Còn bên tổ setup sân khấu và hậu cần, các chàng trai Trần Vũ, Anh Tài,… cũng tất bật tháo từng chiếc khung rồi cột, bó đưa vào gầm xe, mặt dù đã tính trước nhưng nguyên cả khung thiết kế sân khấu đưa vào gầm xe khách không đơn giản như chúng tôi tưởng, tổ phục trang và đạo cụ của Việt Anh thì xếp mấy chục bộ trang phục diễn cho kịp chuyến xe trong đêm... Dù đã tính trước nhưng khi va chạm vào thực tế chúng tôi vẫn lúng túng vì chưa một lần được lưu diễn kiểu này, lớp cũng chưa một lần được đi xa trong suốt 4 năm học tập.

Cứ thế, chúng tôi vội vàng, lóng ngóng như sắp thi đại học lần nữa. Chỉ khác rằng, chúng tôi đang thi vào trường đời. Xe lăn bánh, chúng tôi bên nhau với bao nỗi niềm. Có kịp không, có được không, sẽ còn gian truân nào nữa trên chuyến đi cuối cùng, thử thách cuối cùng!. Bài học tiếp theo trên xe vào lúc gần 1h00 sáng đó là khi thầy hỏi danh sách đoàn đi trên xe gồm những ai, điểm danh, ban tổ chức đưa ra danh sách dài ngoằn của cả hai xe, thầy không vui vì đã dặn trước là mỗi xe cần phải có danh sách riêng để kiểm soát số lượng người đi, đó còn là danh sách để khách sạn trình địa phương khi cần, còn là danh sách để nhận phòng khu lưu trú..vv. (chuyến xe thứ 2 đi ra vào đêm sau) và tiếp theo là những lợi căn dặn trong sinh hoạt, giao tiếp khi đến làm việc với địa phương.

Ngày đầu tiên, 25/4, tất cả chúng tôi mệt đừ. Có mấy đứa còn than thở khi làn da bị khô lại vì nắng và gió miền biển. Chúng tôi làm quen Trung tâm Văn hóa – Thế thao huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận bằng những giờ phơi nắng giữa trưa để làm sân khấu. Sân khấu lớn quá, khiến cho Cao Ngân cứ lo lắng làm sao để chạy đội hình múa cho cân đối. Hai bên không có phòng thay đồ, không có cánh gà. Vậy là Minh Đạt, Quang Thuận,… cứ loay hoay tìm giải pháp. Còn tổ truyền thông thì bị rơi vào tình trạng không thể khó hơn khi đi in ấn vào ngày nghỉ lễ Giỗ Tỗ Hùng Vương. Thầy đặt câu hỏi cho tổ kỹ thuật “tấm màn đỏ” treo làm sao? Cả nhóm thậm chí cả lớp “đứng hình”. Nhiều suy nghĩ bàn ra vì quá khó, thầy nói “phải làm, vì đó là điểm nhấn của đạo diễn dàn dựng chương trình mà khi Tổ chức biểu diễn cắt bỏ hết thì còn gì là hiệu quả, ảnh hưởng đến nội dung và ý tưởng dàn dựng”. Dù đã được một lần thực hiện ở trường nhưng nhìn cái sân khấu hoành tráng chúng tôi thú thật không thể và không tưởng sẽ làm được. Thầy nói, “mua kẽm cứng, ròng rọc, dây về đây...tôi chỉ cho mà làm”. Sau một tiếng đồng hồ thầy trò phơi nắng, trời nhá nhem tối, rồi tấm màn đỏ được kéo ra kéo vô “trơn tru’ các bạn nữ vỗ tay vì cuối cùng cũng đã làm được. Không thể nào quên được cái thân “mỏng dánh” của Tài cứ nằm dính chặt vào dàn khung sắt để treo ròng rọc (cũng đúng thôi, bạn ấy chơi Guitare mà).Trời tối, cả lớp vẫn phải “thắp 3” cái điện thoại để lấy ánh sáng chạy sân khấu vì đã quá giờ dự kiến mà chương trình chưa xong theo kế hoạch.

Đêm làm nghệ sĩ, ngày làm kỹ thuật...

Sáng ngày 26/4, chúng tôi đón các bạn đi chuyến xe sau  rồi cả lớp hối thúc nhau với 12 tiếng trước chương trình. Hoàn thành sân khấu, chạy đội hình múa hoàn chỉnh, chuốt lại từng tiết mục biểu diễn. Nắng Phan Rang không tha cho chúng tôi nhưng không thể không chạy chương trình với âm thanh, thầy ngồi dưới hàng ghế giao nhiệm vụ “tổng đạo diễn” cho Cao Ngân, lâu lâu muốn chỉnh sửa gì thầy lại kêu Cao Ngân nói nhỏ để “đạo diễn” chỉnh cho các bạn…cứ từng chút từng chút cho xong, có đứa còn chẳng kịp ăn cơm chiều mà cứ thế tất bật với quần áo diễn, son phấn, đạo cụ,…

Sân khấu sắp mở màn, chúng tôi không khỏi hồi hộp khi 500 chiến sĩ bộ đội Đặc công nước 5 cùng đông đảo bà con đến xem chương trình. Trước giờ mở màn thầy gọi cả lớp vào dặn “Buổi thi thực hành cuối cùng đúng không? Chuyến đi thực tiễn mà cả lớp đi chung đúng không? Dạ? Hãy diễn hết mình, như chưa bao giờ được diễn. Không phải thi!”. Nắm chặt tay nhau, nghe lời dặn của thầy, chúng tôi cứ thế bước lên sân khấu để diễn cho chính mình, diễn cho 4 năm học đã đến chặng đường cuối.

Để có chương trình thành công....

Vẫn có những lạc nhịp, vẫn có chênh phô trong lời hát dưới ánh đèn, nhưng chúng tôi vẫn bên nhau, dìu nhau trong từng tiết mục. Đã có những tràng pháo tay không ngớt, có những bông hoa từ các anh bộ đội. Thậm chí, trong trời đêm, tôi còn thấy vài anh chiến sĩ xúc động ngấn nước mắt khi chúng tôi diễn tiết mục Kỷ niệm, màu áo trắngmàu hoa đỏ, cứ thể chương trình cứ đong đầy cảm xúc trong chúng tôi.

Không tính phần giao lưu của Trung tâm văn hóa Ninh Hải và Lữ đoàn Đặc công nước 5, 11 tiết mục của lớp chúng tôi cũng xong, vỏn vẹn hơn 1 giờ, vậy rồi cũng đến phút cuối. Sau những phút tạo không khí tưng bừng với các anh bộ đội, chúng tôi ôm nhau, hít hà mùi mồ hôi trên áo nhau rồi khóc. Đêm đó, đã có đứa gào lên: “Thầy ơi, con muốn học lại”. Rồi cả đám cùng nhau khóc. Thầy Duẩn ôm chúng tôi, vỗ đầu vài đứa và bảo: “Thôi, ra trường đi nha”. Vậy mà tôi biết thầy nặng lòng lắm. Hình ảnh người thầy ngồi giữa sân, nhìn đám học trò tháo dở sân khấu sau đêm diễn, người thầy ngồi chìm trong bóng tối sẽ mãi là ký ức khó phai trong mỗi chúng tôi.

....mua kẽm về  thầy chỉ cho làm

Đi rồi về, gặp gỡ rồi lại chia xa, chuyến xe rời Ninh Thuận, rời bỏ khoảng trời kỷ niệm cuối cùng vẫn phải khởi hành. Trên chuyến xe đấy, có đứa khóc cho thỏa nỗi lòng, có đứa len lén lau nước mắt, có đứa ngẩn ngơ nhìn bạn mình khóc. Và, lời ca lại vang lên. Trong niềm vui có bao điều tiếc nuối khi chúng tôi cùng hát bài Cây đàn sinh viên. Thời sinh viên đang khép lại. Chúng tôi sẵn sàng để lớn khôn chưa?. Tôi cũng không biết nữa.

Và khi đọc những lời chia sẻ của Khả Hân, tôi biết, chúng tôi đã sẵn sàng. “Chuyến đi này khép lại thanh xuân của tuổi trẻ nhưng mở ra một chặng đường tương lai cho từng đứa trong ngôi nhà QLVH 9/3. Trưởng thành, sống tốt và thành công nha các bạn của tôi ơi. Đừng quên những ngày vừa qua mà hãy lưu giữ tất cả trong trái tim của mình nhé”. Và chúng tôi biết trên đường đời nếu chúng tôi cần “học lại” thì thầy và thầy cô trong Khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật sẽ giúp chúng tôi đúng không thầy?

Một số hình ảnh chuẩn bị cho đêm diễn

Muốn diễn phải lăn lên sân khấu.... 

Không chỉ nam giới mà các bạn nữ cũng ra tay

...tranh thủ thử MIC

....trời nắng, không sao đọc kịch bản thôi

Ngày leo.... 

.....đêm "phiêu"

...Và căng thẳng

..tình đồng đội...

và thầy.... 

Thầy Trịnh Đăng Khoa và Thầy Hoàng Duẩn trong ngày "bàn giao" giữa hai môn Đạo diễn chương trình ca múa nhạc và Tổ chức biểu diễn

THÀNH NHÂN lớp QLVH9.3

Ảnh : Minh Quân và Lớp QLVH 9.3 

 

Từ khóa: