Sân khấu kịch Lệ Ngọc và những dấu ấn với sinh viên Văn hóa
“Các anh giám đốc, các mạnh thường quân các anh có trả 600.000 đồng một vé mà không đi xem thì hãy cho tôi tấm vé ấy để tôi cho sinh viên nhé!”. NSND Lệ Ngọc đã nói như thế trong buổi họp báo tại TP.HCM trước khi chính thức công diễn phục vụ công chúng Thành phố từ ngày 15/10 - 21/10/2018 với 2 vở kịch KIM TỬ và NGŨ BIẾN.
Sinh viên Đại học Văn hóa TP.HCM chụp ảnh giao lưu cùng diễn viên - Ảnh: HCD
Sân khấu kịch Lệ Ngọc là đơn vị xã hội hóa (XHH) đầu tiên của sân khấu kịch nói tại Hà Nội, tiền thân họ là các nghệ sĩ trong nhóm kịch XHH của Nhà hát Kịch Việt Nam dưới thời giám đốc Nguyễn Thế Vinh. Chuyến du Nam lần này chính là giai đoạn thử nghiệm đi tìm khán giả mới của sân khấu kịch Lệ Ngọc đặc biệt là đến với khán giả trẻ mà nhất lá sinh viên các trường Đại học trên địa bàn TP.HCM. Với hai vở diễn “KIM TỬ” là vở bi kịch nổi tiếng của nhà viết kịch Tào Ngu (TQ) - người được ví là “Sheakspear củaTrung Quốc”; vở kịch do đạo diễn, TS Chua Soo Pong (Singapore) dàn dựng; Vở kịch vừa đoạt 4 giải tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN tháng 9/2018 (1 giải vở xuất sắc và 3 giải diễn viên xuất sắc cho NSND Lệ Ngọc, NS Thu Hà và NS Tạ Tuấn Minh). Và “NGŨ BIẾN” là tiết mục trình diễn 5 giá hầu đồng theo phong tục tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt vừa được UNESCO công nhận là di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.Tiết mục do NSND Anh Tú biên tập và đạo diễn theo trình thức sân khấu hoá; trình diễn: NSNDLệ Ngọc và các nghệ sỹ Nhà hát Kịch Việt Nam. Tiết mục NGŨ BIẾN của Sân khấu Lệ Ngọc đã tham dự Liên hoan Sân khấu Quốc tế tại Trung Quốc, Monaco, Singapore, Philipines và Hàn Quốc. Đặc biệt, NGŨ BIẾN đã đoạt 2 giải xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEANnăm 2016 (giải Tiết mục xuất sắc và Nghệ sỹ trình diễn xuất sắc cho NSND Lệ Ngọc). Vì là sân khấu XHH nên thành phần nghệ sĩ tham gia biểu diễn cũng được chắc lọc và chọn lựa để giảm bớt số lượng mà vẫn đảm bảo cho chất lượng các vở, ngoài ra chuyến lưu diễn lần này của sân khấu Lệ Ngọc còn có sự cố vấn nghệ thuật và truyền thông của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, chủ nhiệm chương trình Nguyễn Thế Vinh (nguyên giám đốc nhà hát kịch Việt Nam) một chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn và thực hiện các dự án sân khấu quốc tế.
Tiết mục: Ngũ Biến
Cảnh trong vở Kim Tử - Ảnh Tấn Thành
Các suất diễn khán phòng đều đầy ắp khán giả dù là biểu diễn tại sân khấu Thế Giới Trẻ hay rạp Hưng Đạo (Nhà hát Trần Hữu Trang) đều đó chứng tỏ sức hút của các vở diễn với khán giả thành phố. Tuy nhiên, đọng lại trong người xem nhiều nhất đó chính là sự nhiệt tâm của những người làm nghề, sự say mê sáng tạo nghệ thuật đã vượt lên trên những khó khăn về vật chất, kinh phí. Những lo ngại về sự khác nhau trong giọng nói, phong cách biểu diễn của sân khấu hai miền và khán giả đã biến mất khi hàng đêm những tràng vỗ tay cứ liên tiếp khi kết thúc cảnh hay các lớp diễn của nghệ sĩ trên sân khấu.
Cảnh trong vở Kim Tử - Ảnh Tấn Thành
Sinh viên Lê Hoa Lý lớp ĐHVH 11.3 trường Đại học Văn hóa TP.HCM cho biết cảm xúc của mình “Chúng em thực sự bị cuốn hút và mãn nhãn với vở diễn "Ngũ biến" của sân khấu Lệ Ngọc. Vở diễn đẹp từ trong chính nội dung, ca từ, lối hát văn, trang phục đến âm nhạc, ánh sáng, không gian sân khấu và tài năng biểu diễn của người nghệ sĩ. "Ngũ biến" được đầu tư khá công phu, từng chi tiết của vở diễn được trao chuốt kỹ lưỡng để khắc họa nên một cách chân thực và bài bản nhất về một buổi hầu đồng. Có thể nói, đây không những là vở diễn giàu về giá trị văn hóa mà còn đẹp cả về giá trị nghệ thuật.”
Cảnh trong vở Kim Tử - Ảnh: Tấn Thành
“Kim Tử” là một vở đại bi kịch bởi lẽ các nhân vật trong đó đều mang trong mình một sự tang thương. Một cô gái bị ép phải cưới một người chồng nhu nhược chỉ biết nghe theo lời mẹ mặc dù trong lòng đã có người mình yêu. Một chàng trai bị gia đình bạn thân hãm hại đến mức nhà tan cửa nát, bố thì bị chôn sống, em gái thì bị bán vào lầu xanh, bản thân lại bị đánh đến què chân rồi tống vào tù. Một người mẹ mù luôn muốn bảo vệ con cháu mình, vô cùng cay nghiệt, tàn ác với con dâu và rồi ác giả ác báo, cuối cùng lại vô tình tự tay giết chết đứa cháu của mình. “Những nỗi đau ấy đã được các diễn viên dùng hành động và cảm xúc để truyền tải đến cho người xem một cách chân thật, để cho khán giả có thể cảm nhận được nỗi đau của nhân vật, để hiểu hơn về giá trị của tình yêu, tình bạn và tình mẫu tử. Vở diễn tuy đã kết thúc nhưng vẫn để lại trong lòng người xem một nỗi day dứt khó nói nên lời. Đối với tôi - một sinh viên đang theo học môn kỹ thuật diễn xuất, thông qua vở diễn này, tôi đã học được rất nhiều từ các nghệ sĩ đi trước về đài từ, về cách dùng hành động để “nói lên” nội tâm nhân vật, cách các diễn viên hoá thân và đắm mình vào nhân vật trên sân khấu. Tôi cảm thấy thật vinh dự khi được nhận tấm vé trên tay để đến xem một tác phẩm nghệ thuật độc đáo vầ đầy tâm huyết của các nghệ sĩ của sân khấu kịch Lệ Ngọc. Qua đó, tôi mong rằng sẽ có thật nhiều cơ hội để cho chúng tôi được học hỏi nhiều hơn từ các trưởng bối, tiền bối thông qua các vở diễn của họ. Cuối cùng, xin được cảm ơn những cảm xúc mà các nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả nói chung và bản thân tôi nói riêng”. Sinh viên Vũ Linh Nga – lớp Đại học QLVH 10.3 tâm sự.
Khấn giả luôn đầy ắp khán phòng
Cảnh trong vở Kim Tử - Ảnh: Tấn Thành
Cũng là một vở diễn nhưng cảm nhận của mỗi người khi xem lại khác nhau và đó mới chính là sân khấu “Qua sự sáng tạo của đoàn nghệ sỹ sân khấu Lệ Ngọc thì vở diễn “Kim Tử” đã có tình tiết gần gũi hơn với cuộc sống đời thường của khán giả trong nước. Khán giả nếu tinh ý thì có thể nhận ra nguyên nhân chính của mâu thuẫn ở đây chính là sự cô đơn của một người mẹ già khi chồng chết và con trai có vợ. Nói vậy bởi lẽ, cô con dâu chính là do bà chọn và ép cưới về để lo cho con trai và đứa cháu nội vừa ra đời đã mồ côi mẹ. Duy chỉ có một điều là con trai của bà đã rất yêu vợ mới của mình nên khiến cho người mẹ già cảm thấy thiếu thốn tình cảm và ganh ghét con dâu. Một kết cục bi thảm nhất đã đến với toàn bộ câu chuyện với quan niệm ác giả ác báo. Vòng luẩn quẩn gây tội – trả thù – chịu tội lại xuất hiện. Tiêu Đại Mẫu vô tình hại chết cháu nội và chứng kiến cái chết của con trai, Cửu Hổ trả thù xong cũng bị pháp luật trừng trị. Trong gam màu tối đấy thì tác giả lại chấm phá vào một điểm sáng để trong cơn bi kịch thì người xem vẫn được hy vọng vào tươi lai không còn hận thù, đau khổ. Điểm sáng đấy chính là đứa con của Cửu Hổ mà Kim Tử mang trong bụng. Rồi đây nó sẽ sinh ra với một cuộc đời trong sáng khi mọi thù hằn hai đời trước đã không còn.” Nguyễn Đình Công sinh viên lớp Đại học QLVH 10.3 chia sẻ.
Giảng viên cùng Sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật giao lưu cũng các nghệ sĩ
Chuyến lưu diễn đầu tiên đã thành công, và chúng tôi mong rằng sân khấu kịch Lệ Ngọc sẽ dàn dựng thêm những vở diễn có giá trị và trong đó có những vở diễn kinh điển của sân khấu kịch nói Việt Nam để phục vụ cho khán giả TP.HCM đặc biệt là sinh viên như mong muốn của NSND Lệ Ngọc và ekip của mình.
Sinh viên Khoa QLVH,NT đi xem các vở diễn
Sân khấu Lệ Ngọc họp báo
Bài : H.C.D
Ảnh: Tấn Thành và các lớp Khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật.
-
27102021
-
28012019
-
03072019
-
01102019
-
22062023
-
31102018
-
08122020
-
16122024
-
27042024
-
09112024
-
25122023
-
14102024