Mang ân tình đến mảnh đất Thiêng!

27
12
'18

Ngày 14/12/2018, có lẽ là ngày bình thường trong năm đối với nhiều người khác nhưng với chúng tôi – lớp Đại học Quản lý Văn hóa 10.1 là cả một bầu trời kỷ niệm...

Cắt băng khánh thành bồn nước sạch tặng cho người dân thôn 3, xã Phước Cát 2

Thực hiện được Chương trình “Đại Ngàn – Khơi dòng yêu thương”, chúng tôi phải đấu tranh rất nhiều để bảo vệ ý tưởng sự kiện, cũng có ý kiến trái chiều làm cho buổi học trở nên gay gắt, nảy lửa. Chính vì những tranh luận đó đã giúp chúng tôi có những cái nhìn sâu rộng hơn về Event khi theo học phần “Tổ chức sự kiện”. Do lần đầu bước chân vào lĩnh vực tổ chức một sự kiện có tầm, chúng tôi như một tờ giấy trắng nhưng nhờ sự chỉ dạy tận tình của GVHD: Ths – Đạo diễn. Hoàng Duẩn không chỉ được trao dồi về kiến thức mà còn được tiếp cận những bài học từ thực tiễn. Để thực hiện sự kiện này, chúng tôi đã phải thực hiện 2 chuyến đi tiền trạm, sau mỗi giờ học phải dành thời gian họp nhóm và luyện tập văn nghệ với mong muốn sự kiện diễn ra được trọn vẹn và ý nghĩa nhất. Chúng tôi đã không ít lần tranh luận, cãi vã, không ít những giọt nước mắt lăn dài vì bất đồng ý kiến, không tìm ra được phương án chung. Khó khăn về kinh phí, xin tài trợ, thời gian, đi lại, cũng phần nào làm chúng tôi có thêm nhiều áp lực...Với sự tâm huyết của giảng viên, sự nghiêm túc của ban tổ chức, tinh thần trách nhiệm và đương đầu của trưởng các nhóm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm và tất cả sự cố gắng của tập thể lớp. Cuối cùng chúng tôi đã tìm ra một phương án chung, tốt nhất cho sự kiện.

Trước đêm diễn

Trước ngày sự kiện diễn ra, lớp QLVH 10.1 bỏ mọi công việc cá nhân vì một mục đích chung với mong muốn có một đêm biểu diễn Nghệ thuật làm tăng giá trị đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nơi đây. Các buổi tập văn nghệ không phải ở phòng tập sang trọng, lộng lẫy mà là những nơi có khoảng trống: sân trường, hàng lang, tầng trệt… bất cứ đâu mà chúng tôi có thể luyện tập. Chắc chưa ai hiểu hết được tình cảm mà chúng tôi giành cho nhau, tuy đơn sơ nhưng lại ấm áp đến lạ. Những bữa “cơm hộp” san sẻ từng miếng thịt, tìm giúp nhau từng trái ớt, chia nhau từng ngụm nước, truyền nhau từng chiếc khăn giấy…Chúng tôi vô tình tạo nên một ngôi nhà chung giữa những giọt máu khác nhau.

Sinh viên Dương Quốc Hoàng chia sẻ “Để tổ chức một chương trình sự kiện cần rất nhiều công đoạn pháp lý, thủ tục về hành chính, truyền thông, thiết kế mỹ thuật, viết kịch bản, xin tài trợ, hậu cần, dàn dựng sự kiện… và tất cả công đoạn này phải mắt xích, xuyên suốt với nhau tạo nên sự chuyện nghiệp trong tổ chức”.

Và sinh viên Huỳnh Lê Lan Như còn chia sẻ thêm “Các bạn đã bỏ cái tôi cá nhân để hòa nhập vì cái chung, cùng nhau tổ chức chương trình mang tính nhân văn đem những phần quà đến với trẻ em và người dân Phước Cát 2, không chỉ vậy tập thể lớp đã cố gắng thực hiện một đêm diễn Nghệ thuật đặc sắc cho bà con nơi đây”.

Ngày Kỷ niệm

Chiếc xe lăn bánh vào 1 giờ sáng khi trời còn chưa ửng hồng. Chúng tôi không phân biệt nam hay nữ cùng nhau khiêng vác những cảnh trí, backgroud, backdrop, phục trang... nâng niu những phần quà để cùng một mục đích: hướng đến mảnh đất Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng còn nhiều khó khăn này.

Xe tải đưa chúng tôi vào thôn 3

Xe tải đóng kín thùng; Ảnh: HD

Đến mảnh đất “Thiêng”, chúng tôi bắt tay vào công việc: chuẩn bị sân khấu, cảnh trí... mà quên đi vất vả, cực nhọc. Tháng 12, đại ngàn đón chúng tôi với cái nắng gay gắt và cái gió hanh khô và chúng tôi được chở đến thôn 3 bằng chiếc xe tải con, tất cả thành viên không kể nam nữ phải đứng để vượt qua quãng đường dài, quanh co mang đến bồn chứa nước cho người dân nơi đây. Sáng ngày 14/12/2018, “Lễ khánh thành bồn nước ” được diễn ra trong sự mong đợi và phấn khởi của chính quyền và bà con dân bản. Dãy băng khánh thành được cắt, đồng nghĩa với việc buổi lễ khánh thành hoàn tất, bồn chứa nước được chính thức trao đến cho người dân ở thôn 3, giúp họ phần nào có cuộc sống ổn định hơn.

Sinh viên lớp Đại học Quản lý Văn hóa 10.1 chuẩn bị sân khấu, âm thanh ánh sáng; Ảnh: Lee Do

Cố vấn – Ths. Trần Hoàng Thái giúp sinh viên chuẩn bị chương trình

Trong quá trình chuẩn bị đêm sự kiện “Đại ngàn – Khơi dòng yêu thương”, bất cứ một Công ty Event chuyên nghiệp nào cũng không tránh khỏi rủi ro, thì chúng tôi sẽ không ngoại lệ. Tổ chức sự kiện ngoài trời, ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết việc chuẩn bị không gian, sân khấu, âm thanh ánh sáng đòi hỏi chúng tôi phải luôn căng mình ra để tính toán những phương án cho những rủi ro đó.

Hai giảng viên hỗ trợ sinh viên, chuẩn bị cho Lễ khánh thành bồn nước

Thế nhưng chỉ còn vài tiếng là chương trình được diễn ra, thì trời bắt đầu đổ mưa. Mọi đạo cụ, thiết bị được dọn nhanh chóng vào nơi trú an toàn trong sự lo lắng của tất cả chúng tôi - những người thực hiện chương trình. Những phương án dự phòng cho tình huống thời tiết xấu chuẩn bị được thực hiện, thì may mắn thay, cơn mưa cũng qua đi. Chúng tôi lại tiếp tục tập dợt chương trình lần cuối, trước khi trình diễn cho toàn thể bà con xã Phước Cát 2. Trong đêm diễn vẫn xảy ra những tình huống bất ngờ nhưng với những gì mà chúng tôi học được từ thầy Hoàng Duẩn, những lời thầy căn dặn, những kinh nghiệm thầy truyền đạt, cùng với sự đồng hành của thầy Trần Hoàng Thái đã phần nào giúp chúng tôi bình tĩnh và xử lý tốt hơn.

Từ rất sớm, đội ngũ những người thực hiện chương trình “Đại ngàn - Khơi dòng yêu thương” đã có mặt rất sớm để chuẩn bị từ khâu ánh sáng, kỹ thuật, âm thanh, sân khấu, trang phục, livestream, chụp ảnh. Người dân ngồi kín sân vận động, ai ai cũng háo hức, nụ cười rạng rỡ khiến bầu không khí càng trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết. Chúng tôi đã thực sự xúc động khi nhìn thấy bà con đứng xem kín cả sân vận động. Những cái ghế chúng tôi chuẩn bị sẵn, đã không còn đủ chỗ, vì số lượng người dân đến xem nằm ngoài dự kiện. Đặc biệt, đường từ thôn 3, thôn 4 đến với trung tâm xã khá xa, nhưng bà con ở đó, vẫn đến ủng hộ chúng tôi. Một người dân ở thôn 4 chia sẻ: “Cô phải đi từ 3h chiều để đến đây coi tụi con diễn, cô sợ tối quá không đi được”. Vâng, họ đến sớm hơn thời gian mà chúng tôi thông báo, bởi vì, họ đến với chúng tôi bằng tất cả tình thương như chính tình thương mà chúng tôi đã “trót” dành cho vùng đất và con người đại ngàn.

Sinh viên lớp Đại học Quản lý Văn hóa 10.1 chuẩn bị quà cho trẻ em và người dân Phước Cát 2. Ảnh : Lee Do

Sau hơn 3 tháng, cuối cùng, Chương trình Giao lưu Nghệ thuật và Trao học bổng “Đại ngàn – Khơi dòng yêu thương” đã được diễn ra vào tối ngày 14/12/2018, với 34 phần quà và 7 suất học bổng cho các em nhỏ, hơn 100 suất cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 20 suất quà giành cho 20 nhân khẩu đặc biệt khó khăn; trong buổi tối hôm đó, những món quà đã được trao tận tay người nhận trong niềm vui hân hoan.

Ths – Đạo diễn. Hoàng Duẩn trao những phần quà cho người dân Phước Cát 2; Nguồn: Lee Do

Sự đáp trả từ những tấm lòng, “Tôi chưa hết xúc động khi cầm bức tranh hình trái tim méo mó đó. Tôi cảm nhận được tình cảm của một cô bé vùng cao đã giành tặng cho mình. Chắc có lẽ, tôi không thể quên được ánh mắt của em, một ánh mắt trìu mến và muốn nói: Em cảm ơn anh chị đã đến đây, đem những phần quà cho chúng em.... Tôi thật sự cảm ơn Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật; trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã tạo điều kiện cho chúng tôi được trao dồi kiến thức và trải nghiệm, nếu có cơ hội, tôi sẽ quay lại làm một chương trình hơn thế”; sinh viên Huỳnh Thị Huế An cho biết.

Bức tranh của cô bé vùng cao giành tặng cho bạn sinh viên; Ảnh: Huế An

Ngoài mang đến đây chương trình thiện nguyện, chúng tôi đã dốc sức về phần biểu diễn và thu được thành quả hơn mong đợi. Một bác khán giả ở độ tuổi trung niên chia sẻ “Chương trình hay quá, từ đó đến giờ chưa có chương trình nào như vậy để coi... Nào mấy đứa về làm nữa nghen...”. Qua lời sẻ chia của bác đã chứng tỏ những công sức mà chúng tôi bỏ ra là xứng đáng! Với sự đóng góp của các mạnh thường quân, tình yêu thương của bà con dân bản, cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quan tâm sâu sát của thầy cô trường đại học Văn Hóa TP.HCM, đã giúp cho chúng tôi có thêm nhiều động lực, góp phần vào sự thành công của sự kiện.

Sinh viên lớp Đại học Quản lý Văn hóa 10.1 biểu diễn văn nghệ trong đêm chương trình; Ảnh: Lee Do

Các bé trường Mầm non Phước Cát 2 biểu biểu diễn văn nghệ giao lưu ; Ảnh: Lee Do

Giá trị nằm ở sự tích lũy

Gặt hái được nhiều thành quả, thì bên cạnh đó, chúng tôi cũng không ít sai sót trong công tác tổ chức. Những sai sót khách quan lẫn chủ quan, chúng tôi chưa thật sự quản lý và phân công đúng, phù hợp với năng lực của từng người. Một trong những khâu quan trọng là khâu tổ chức mà chúng tôi lại bỏ lỡ nó và đó là điều đáng tiếc!

Chương trình “Đại ngàn – Khơi dòng yêu thương” của lớp Đại học Quản lý Văn hóa 10.1  khép lại với không ít hoài bão mong muốn có nhiều chương trình ý nghĩa hơn nữa cho cộng đồng vì “Cho đi là nhận lại”. Anh Dáp nhân viên kỹ thuật của trung tâm văn hóa Cát Tiên (đơn vị hỗ trợ âm thanh cho sự kiện) cũng là một cựu sinh viên của trường ĐHVH cho biết “lần đầu tiên tại đây có một sự kiện mà thu hút hàng ngàn người xem như vậy, bà con ai cũng thích, xem đến cuối chương trình”

Sinh viên lớp Đại học Quản lý Văn hóa 10.1  cùng GVHD: Ths – Đạo diễn. Hoàng Duẩn chụp hình lưu niệm; Ảnh: Lee Do

Đông đảo khán giả đón xem chương trình ; Ảnh: HD Tuy sự kiện đã khép lại nhưng chúng tôi vẫn có chút gì đó tiếc nuối vì không đủ thời gian để có thể học hỏi thêm nữa. Chúng tôi biết đây là một trong những cách thức mà Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật - Trường ĐH Văn hóa TP.HCM định hướng cho sinh viên thực hiện để kết thúc học phần. Thông qua đây, nhà trường muốn sinh viên có sự đầu tư nghiêm túc vào việc học, để các em trải nghiệm và có sự cọ sát, làm quen với một dự án, tổ chức được sự kiện để các em thuần thục công việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Định hướng đào tạo của nhà trường trong những năm qua là gắn lý thuyết với thực tiễn, đẩy mạnh kỹ năng cho sinh viên, vì thế mà ngay khi tốt nghiệp các sinh viên có thể làm được việc ngay.

Những phần quà được trao cho các em học sinh; Ảnh: HD

Những tràng vỗ tay vui mừng vì từ hôm nay đã có được nước sạch sử dụng, những nụ cười sung sướng của các bé khi nhận được học bổng và dụng cụ học tập mới, những ánh mắt hiện rõ niềm hạnh phúc khi các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà từ chương trình,...tất cả những hình ảnh đó khiến chúng tôi mãi mãi không thể quên. Sau những giọt mồ hôi, nước mắt, công sức và tất cả tâm huyết mà chúng tôi đã dành trọn cho sự kiện này thực sự được đền đáp xứng đáng. Tiếng cười, tiếng vỗ tay là tất cả những ân tình, sự đón nhận và khích lệ của bà con dành cho chúng tôi. Nó chính là câu trả lời thỏa đáng và thuyết phục nhất cho sự thành bại của sự kiện này. Với chúng tôi như vậy là đã thành công lắm rồi...!

Trẻ em tranh thủ chụp hình lưu niệm trước khi lên sân khấu biểu diễn

Bài: Ái Hương - Thảo Nguyên

Ảnh : Lee Do - HD

Từ khóa: