‘Nắng về trên Bon’ - Đêm cao nguyên vang vọng thanh âm nghĩa tình

04
01
'21

Tôi bất thần ngã người lên chiếc bàn đá sần sùi vệt xước thời gian, cuốn theo đó là đôi dòng nước mắt mãn nguyện trầm mình buông ướt lạnh vai áo. Ở ngoài kia, các bạn của tôi vẫn miệt mài ca hát, nhảy múa cùng bà con đồng bào theo nhịp chiêng trống dập dồn. Ánh lửa Đắk Nông uốn mình như cô thiếu nữ độ xuân thì trổ mã, như muốn chung vui với đại gia đình bên ché rượu cần ngan ngát tình thân.

 

Một tiết mục trong chương trình

Tập thể lớp Đại học Quản lý văn hóa 12.1 và giảng viên hướng dẫn sau khi kết thúc chương trình

Chúng tôi đã say, say ngất men rượu đượm đà, say vì chập chùng gió thốc làm chúng tôi rùng mình lảo đảo, nhưng trên hết, chúng tôi say đắm lòng người mênh mông giữa đại ngàn mến thương. Chúng tôi, những cô cậu sinh viên lớp ĐH.QLVH 12.1, Khoa QLVH,NT, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã tổ chức thành công rực rỡ chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, mang “Nắng về trên Bon” đến với đồng bào Nhân dân xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vào đêm Tết Dương lịch 2021 lồng lộng sương gió.

Dù trời rất lạnh nhưng công tác lễ tân và phòng dịch COVID vẫn được chúng tôi đặc biệt chú trọng. Tất cả khán giá vào xem được phát khẩu trang miễn phí

Nhìn lại chặng đường mang Nắng về trên Bon

Chẳng biết bắt nguồn từ đâu, tập thể lớp QLVH 12.1 chúng tôi đã nhen nhóm ý tưởng cho một chương trình thực tế hướng về người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Lứa sinh viên “hừng hực sức trẻ” chúng tôi thèm lắm những chuyến đi điền dã sau khoảng thời gian dài đằng đẵng bên bút mòn sách vở. May mắn thay, năm học cuối khóa chúng tôi được tiếp cận với môn học hoàn toàn khác biệt sau 3 năm mòn mỏi: Học phần “Tổ chức sự kiện” được hướng dẫn bởi người thầy, đạo diễn của rất nhiều chương trình nghệ thuật được khán giả trên toàn quốc yêu mến, Thạc sĩ, Đạo diễn, Nhà biên kịch Hoàng Duẩn. “Nắng về trên Bon” có cơ hội chính thức ra đời từ ấy!

Chương trình được chúng tôi dày công chuẩn bị gần 3 tháng với tổng kinh phí trên 130 triệu đồng. Đó là những suất học bổng, những phần quà ý nghĩa được cẩn thận gói ghém trong từng chiếc hộp nhỏ xinh; là những bao gạo nghĩa tình gửi đến bà con đồng bào đang gặp khó khăn sau thiên tai, dịch bệnh; là những chiếc áo dày sưởi ấm tương lai các em học sinh đêm ngày vượt nắng gió, vượt những cung đường gập ghềnh sỏi đá lần tìm lối tương lai. Đó còn là những tiết mục văn nghệ được đầu tư kĩ lưỡng, nhằm mang đến đồng bào vùng cao một đêm rộn rã thăng hoa, đậm hồn dân tộc.

Quá trình chuẩn bị chương trình, Ban tổ chức chúng tôi vấp phải nhiều rủi ro ở từng giai đoạn, từ việc thiếu nguồn lực, khó khăn trong việc di chuyển, đặc biệt là chương trình bị hoãn những hai lần do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Chúng tôi không phủ nhận cũng có lúc ý nghĩ hủy bỏ chương trình đã len lỏi trong tâm tưởng. Nhưng những lúc như thế, chúng tôi bất giác nhớ về ánh mắt trăn trở của các cô chú đồng bào dân tộc mình từng gặp trong chuyến đi tiền trạm, về những lời tâm sự, những đêm mất ngủ vì lo cho tương lai con trẻ. So với những đêm thao thức vì khó khăn của đồng bào dân tộc nơi cao nguyên, thì thi thoảng vài lần mất ngủ vì chương trình của chúng tôi nào có sá gì. Nghĩ đến đó, tập thể chúng tôi lại càng quyết tâm thực hiện thành công chương trình “Nắng về trên Bon” với sự chỉn chu, hoàn thiện cao nhất.

Đêm đại ngàn nức nở thanh âm nghĩa tình

Khi lên kế hoạch cho chương trình, thời tiết là một trong những yếu tố được chúng tôi chú trọng nhất. Một chương trình được tổ chức ngoài trời, thì ngoài việc sợ mất điện, sợ nắng, sợ mưa, thì “Nắng về trên Bon” chúng tôi lại vấp vào một nỗi sợ hi hữu: sợ… gió! Như chia sẻ của thầy Hoàng Duẩn: “Đây là chương trình lạnh nhất trong 5 năm gần đây do sinh viên của trường Đại học Văn hóa TP.HCM từng thực hiện”. Gió lạnh thốc vào mắt, vào mặt, vào tay chân mạnh và buốt tới nỗi đủ làm nghiêng ngả và bần bật run những cô cậu sinh viên đang ở tuổi tráng kiệt nhất. Nhưng có lạnh lẽo thế mới biết lòng người ở đây ấm áp nhường nào.

Theo dự kiến, chương trình sẽ bắt đầu vào 17h30p chiều. Nhưng từ trước đó những 3 tiếng đồng hồ, người dân xã Đắk Ha- bao gồm những hộ gia đình chính sách và người dân là khán giả- đã đến khỏa kín một vùng sân UBND xã- nơi tổ chức sự kiện, mặc cho gió vẫn se sắt cắt vào da thịt.

Trời buông, đêm xuống. Chúng tôi thầm xin phép cao nguyên thầm lặng cho mượn một đêm nức nở thanh âm. Chương trình “Nắng về trên Bon” chính thức bắt đầu!

Mặc dù cái lạnh cắt da thịt nhưng đông đảo khán giả là bà con đồng bào dân tộc và các em thiếu nhi đã đến tham dự chương trinh

Đại biểu tham dự chương trình

Đến dự chương trình, chúng tôi vinh dự được đón tiếp anh Trương Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Đắk Nông; ông Lê Khắc Hải, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha; ThS. Đạo diễn, Nhà biên kịch Hoàng Duẩn; ThS. Hoàng Nhung, ThS. Lê Hồng Khanh, giảng viên Khoa QLVH,NT; cô Hồ Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An; thầy Phạm Nam Định, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi; thầy Đỗ Ngọc Sơn, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Và đặc biệt, chương trình sẽ không thể thành công nếu không có sự chung tay, đồng lòng của quí Mạnh Thường Quân, Nhà tài trợ: ông Nguyễn Văn Thành Công - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Thiết bị điện Lioa Đồng Nai; bà Nguyễn Cẩm Linh - Giám đốc Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Phiêu Linh.

Ông Lê Khắc Hải, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha phát biểu

Hơn mười tiết mục được dàn dựng công phu, sắp xếp ý tứ với nhiều hoạt cảnh sinh động và các loại hình nhảy hiện đại, múa tập thể, đơn ca, song ca, tốp ca… đan xen, nhằm tái hiện cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân, đồng bào vùng cao một cách chân thực và đậm đà bản sắc nhất. Đáp lại những tiết mục ấy, không món quà tri ân nào quý giá hơn những tràng pháo tay cổ vũ và ánh mắt hạnh phúc của các bà, các mẹ, các anh chị, các em học sinh khi được cầm trên tay những hiện vật, hiện kim thiết thực, ý nghĩa- một phần động lực hướng đến tương lai tươi sáng từ chương trình. Tựu trung lại, chương trình đã trao 30 suất học bổng cho các em học sinh có thành tích tốt trong học tập với trị giá 500.000 đồng/suất; 25 phần quà cho các em học sinh khó khăn (gồm đèn học của công ty Lioa tài trợ cùng tập sách); 50 suất quà cho các gia đình khó khăn xã Đắk Ha; 300 chiếc áo khoác cho các em học sinh và 100 chiếc mền cho các hộ gia đình và các phần quà tự sự đóng góp của các công ty: Taget, các các nhân, các mạnh thường quân,…

Thầy Hoàng Duẩn phát biểu

Đến dự và phát biểu tại chương trình, ông Lê Khắc Hải, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha xúc động chia sẻ: “Những tấm lòng vàng của các bạn sinh viên đã tiếp thêm động lực to lớn cho các hộ gia đình, các em nhỏ khó khăn; giúp Đảng bộ và Nhân dân xã Đắk Ha quyết tâm hơn trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững”.

ThS. Đạo diễn Hoàng Duẩn cũng hân hoan chia sẻ: “Các bạn sinh viên đã tích cực chuẩn bị sự kiện này suốt 3 tháng. Mặc dù vấp phải nhiều khó khăn do dịch bệnh, thậm chí hôm nay đến đây mà trời vẫn trở gió lạnh, nhưng chương trình vẫn diễn ra khá thuận lợi. Xin chân thành cảm ơn Tỉnh Đoàn Đắk Nông, lãnh đạo địa phương, quí Nhà tài trợ đã tạo điều kiện cho sinh viên tổ chức một sự kiện đầy ý nghĩa trong thời khắc đất trời chuyển giao năm mới; cảm ơn quí thầy cô Khoa QLVH,NT đã luôn sâu sát, đồng hành với các em sinh viên xuyên suốt quá trình thực hiện sự kiện”.

Thạc sĩ Lê Hồng Khanh và đại diện lãnh đạo địa phương trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Chương trình khép lại với không khi ấm áp của ánh lửa bập bùng, lấp đi cái tiêu điều ảm đạm của hoang vu đại ngàn. Sum vầy quanh ánh lửa uốn lượn, bà con đồng bào đã thiết đãi chúng tôi bằng những đặc sản không thể thiếu của cao nguyên: vũ điệu cồng chiêng và thịt dê rừng bên ché rượu cần ngây ngất. Đêm cứ thế càng thêm phần gợi cảm thăng hoa, lấp đi khoảng cách giữa người với người. Chúng tôi xem nhau như người một nhà, vai kề vai cất tiếng hát vang vọng núi rừng mà cứ ngỡ đêm nồng nàn này chỉ có trong những trang sách từng được học thời phổ thông. Thế mới thấy nền văn hóa Việt Nam thật giàu đẹp, ý nghĩa!

Bạn Khánh Duy-trưởng BTC và đại diện lãnh đạo địa phương trao học bổng và quà cho các em học sinh

Ông Nguyễn Văn Thành Công đại diện công ty LIOA (trái) và Thầy Hoàng Duẩn trao quà cho các em học sinh. Công ty LIOA đã tài trợ 25 bóng đèn bàn giúp cho các em thuận tiện hơn khi học bài vào ban đêm và những ngày mưa gió.

Lời cảm ơn và tạm biệt…

Sáng hôm sau mở mắt ra, chúng tôi đã ở trên chuyến xe trở về miền xuôi. Không biết là quãng đường ngoằn ngoèo quanh co, hay sâu trong đáy mắt chúng tôi còn chưa lắng cơn say đại ngàn, mà chặng về, chiếc xe di chuyển chậm chạp và nặng nề đến lạ lùng. Hẳn là trong lòng chúng tôi còn nặng trĩu dư âm của một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm.

Thầy Hoàng Duẩn và bà Nguyễn Cẩm Linh đại diện công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Phiêu Linh tặng gạo cho bà con. Công ty Phiêu Linh đã tài trợ 200kg gạo cho đồng bào nhân sự kiện Nắng về trên Bon

Ths Hoàng Nhung và lãnh đạo địa phương trao gạo, sữa cho bà con

BTC Trao biểu trưng trao tặng 300 áo ấm và 100 mền cho lãnh đạo xã

Trao tặng áo lạnh và mền cho trẻ em và đồng bào. Công ty Truyền thông Lan Tóa đã tài trợ 300 chiếc áo lạnh và 100 cái mền.

Ông Lê Khắc Hải, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha tặng hoa và trao thư cám ơn cho ThS-đạo diễn Hoàng Duẩn

BTC trao hoa cám ơn cho Thầy Cô giáo và các đơn vị hỗ trợ cho chương trình

Một lần nữa, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến ThS. Đạo diễn Hoàng Duẩn, ThS. Lê Hồng Khanh, hai giảng viên đã tận tình hướng dẫn, đưa “Nắng về trên Bon” vượt ngoài mong đợi của một chương trình thi kết thúc học phần; cảm ơn ThS. Hoàng Nhung, giảng viên chủ nhiệm của lớp QLVH 12.1 vẫn luôn đồng hành cùng tập thể lớp trong mọi hoạt động; cảm ơn quí Nhà tài trợ đã tiếp thêm một phần động lực để chương trình diễn ra thành công tốt đẹp; cảm ơn anh Tấn Thành - Trung tâm Tổ chức sự kiện Art Event và các Biên đạo Linh Đan, Như Ý, Xuân Ngọc, anh Ngọc Thạch và các anh chị phóng viên của Đài phát thanh Truyền hình Đak Nông, báo Đak Nông cùng các bạn cộng tác viên đã góp phần làm nên linh hồn của chương trình; cảm ơn quí thầy cô, giảng viên Khoa QLVH,NT; và đặc biệt cảm ơn tất cả các bạn là một phần không thể thiếu của tập thể lớp QLVH 12.1 đã sát cánh, cùng nhau tạo nên một dấu ấn ý nghĩa trong quãng đời sinh viên Đại học Văn hóa Thành Phố Hồ Chí Minh. Cảm ơn và hẹn một ngày không xa sẽ về lại Đắk Nông với nghĩa tình mãi còn nguyên vẹn!

Một số hình ảnh của sự kiện

"Bạn đường".... của chúng tôi

Mốt số hình ảnh trao áo ấm và mền cho đồng bào 

Và nụ cười ...

Bài cảm nhận: Lê Phan Hiếu Anh

Ảnh: Ngọc Thạch, Tấn Thành, Đức Chiến, 

Xem thêm clip chương trình

Từ khóa: