Giá trị thực tiễn của học phần Đại cương nghệ thuật học với chuyến tham quan bảo tàng Mỹ thuật

29
04
'21

Vào một ngày cuối tháng tư lớp Tổ chức sự kiện Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã tổ chức một buổi tham quan tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City Fine Arts Museum) tọa lạc tại số 97 Phó Đức Chính, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa nhà bao gồm 3 tầng, trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc, cổ vật có giá trị mỹ thuật cao. Nơi này không chỉ là một điểm dừng chân lí tưởng cho những tâm hồn yêu văn hóa và đam mê nghệ thuật, mà còn phục vụ các bạn tìm hiểu tư liệu, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật có giá trị nghệ thuật cao.

 

Đồng hành với lớp trong buổi tham quan ngày hôm nay là cô Phà Ca – giảng viên môn Đại cương Nghệ thuật học. Cô đã nhiệt tình hướng dẫn lớp đi tham quan, thu thập thêm tư liệu để viết bài thu hoạch cho buổi tham quan thực tế ngày hôm nay.

Tập thể lớp 15.2 và cô Phà Ca

Tầng 1 của bảo tàng được dành để triển lãm trưng bày, kinh doanh và tổ chức nghệ thuật. Lên đến tầng 2 chúng ta như được hòa mình vào thế giới đương đại với các tác phẩm điêu khắc, tác phẩm mỹ thuật đa dạng, phong phú. Và tầng trên cùng là để trưng bày các bộ sưu tập mỹ thuật cổ đại, mỹ thuật cận đại và mỹ thuật thủ công truyền thống Việt Nam.

Hình ảnh chi tiết trang trí gỗ Phú Sơn và gỗ Cần Óc  của Việt Nam đầu thế kỉ XX

Không đề - Tác giả: Huỳnh Quốc Trọng (kích thước: 29.4 x 55.9 cm)

Sau gần 2 tiếng tham quan, bạn Công Đoàn chia sẻ: “Sau khi tham quan Bảo tàng, tôi cảm thấy rất thú vị vì được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đầy sự tinh tế của các nghệ sĩ. Buổi tham quan này giúp tôi biết thêm nhiều về các loại hình nghệ thuật cổ điển và hiện đại.”

Công Đoàn và các bạn sinh viên lớp 15.2

Kết thúc chuyến đi thực tế đến Bảo tàng Mỹ thuật hôm nay, các thành viên lớp 15.2 đã được mở mang tầm mắt, được chiêm ngưỡng và thu thập nhiều tư liệu về hiện vật lịch sử.

Học phần Đại cương Nghệ thuật học là học phần bắt buộc nằm trong khối kiến thức cơ sở ngành của ngành Quản lý văn hóa, được học trong học kỳ 1, năm thứ nhất. Học phần trang bị cho người học:

- Những kiến thức chung về nghệ thuật và đặc trưng cơ bản của một số loại hình nghệ thuật như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Múa, Sân khấu, Điện ảnh; và những kiến thức cơ bản về mối quan hệ giữa nghệ thuật với công tác Quản lý văn hóa.

- Kỹ năng vận dụng các kiến thức về Nghệ thuật học vào công tác quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật.

- Thái độ tích cực, chủ động phát huy chức năng, vai trò của nghệ thuật trong thực hành, thực tiễn công tác quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Phà Ca cho biết “Mục đích của việc đi thực tế nhằm giúp sinh viên nhận diện được loại hình Mỹ thuật (nghệ thuật thị giác): Hội họa, Điêu khắc, Kiến trúc, Mỹ thuật ứng dụng… thông qua các sản phẩm cụ thể trong khuôn viên của 1 bảo tàng. Đây là một trong số những địa điểm kết nối với hoạt động tổ chức sự kiện, lễ hội (giai đoạn tiền sản xuất) mà sinh viên sẽ được học trong những học kỳ tiếp theo ở các học phần Viết đề án và kịch bản sự kiện, Tổ chức sản xuất và đạo diễn sự kiện. Từ kiến thức cơ bản về các loại hình nghệ thuật của học phần này, sinh viên có thể đi sâu và phát huy năng lực vào các lĩnh vực tiềm năng khác của ngành Công nghiệp văn hóa – một ngành gắn bó mật thiết với Chuyên ngành Tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mà sinh viên đang theo học”.

Bài: Lệ Giang

Ảnh : Lớp Đại học QLVH 15.2

 

Từ khóa: