Chữ “Phúc” trên chiếc quạt và câu chuyện 17 năm không được gặp người thân!

26
08
'18

 “Ở đâu sống thiện. Ở đó sống bình an.

Giông bão đi qua, ngày mai trời lại sáng”.

“Đất trại giam ươm mầm tu nhân đức.

Mái ấm hoàn lương thiện nảy mầm...”

Tôi đang chụp hình, một anh Phạm nhân gọi lại:

Anh: “Mệt không? Lại đây ngồi chung với tui, tui quạt cho mát nè”

Tôi: “Dạ hì hì. Ủa mà anh, trên quạt anh có chữ, chữ gì vậy anh?

Anh: “Chữ Phúc đó em, mỗi lần nhìn nó lại tiếc cho “cái Phúc” của mình đáng lẽ phải được nhận”

Tôi (ngập ngừng): “Mà anh vào đây khi nào?”

Anh: “17 năm rồi em”

Chiếc quạt với chữ "phúc" của người tự cho mình là người "vô phúc"

Tôi ngạc nhiên không nói được gì thì anh lại nói tiếp “còn 13 năm nữa anh mới xong. Mà lúc trước là chung thân đó chứ!”

Tôi: “Anh vào đây lúc anh mấy tuổi?”

Anh: “Năm 21 tuổi em”

Tôi: “Vậy anh có được người thân thăm thường xuyên không?”

Anh: “Từ đó giờ không có ai vào thăm anh hết, nhà anh xa lắm.”

Tôi bất ngờ, rồi hỏi tiếp “Nhà anh ở đâu lận?”

Anh: “Ở Nha Trang lận em”

Tôi định hỏi thêm thì anh nói tiếp: “Nhưng ở riết cũng quen rồi em, mặc dù cũng nhớ nhà lắm. À ở đây tụi anh khéo tay lắm em, làm nhiều thứ lắm, làm chiếc thuyền từ bọc nilon nè, làm vỏ hộp quẹt từ gỗ mà tỉ mỉ sơn bóng lên. Đẹp lắm em”

Tôi: “Anh có mang theo cái nào không cho em xem thử với.”

Anh: “Anh để ở nhà hết rồi”

Tôi: “Nhà… là phòng ở đây anh đang ở đó hả?”

Anh: “Hông… ở quê á. Anh nhờ mấy cán bộ chuyển về hết rồi”

Tôi ngập ngừng, không biết phải làm gì hay hỏi gì thêm. Tôi ngồi đó một lúc rồi cảm ơn anh, và chào anh để tiếp tục công việc. Mà các bạn biết không, anh liên tục quạt cho tôi mát trong suốt thời gian tôi ngồi đó.

Những phạm nhân lần đầu tiên được thưởng thức một sự kiện hoành tráng với nhiều cung bậc cảm xúc

Sự kiện Gọi tên ngày mới là một chương trình kết thúc học phẩn Tổ chức sự kiện của lớp Đại học Liên thông Quản lý văn hóa K2 – Tiền Giang, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Đây là một chương trình nghệ thuật hết sức đặc biệt khi nơi tổ chức là Trại giam Phước Hòa thuộc tỉnh Tiền Giang, và khán giả là những phạm nhân. Sự kiện đã tạo được sự quan tâm vô cùng lớn đến từ các cơ quan ban ngành, người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Những nụ cười ....

...không chỉ của các phạm nhân

Đâu rồi khoảng cách của phóng viên và phạm nhân???

Có những giây phút suy nghĩ lại chính mình...

có những khoảng lặng...

Với hy vọng chương trình “Gọi tên ngày mới” sẽ giúp các phạm nhân vững tin vào cuộc sống, chuyên tâm cải tạo tốt và xã hội sẽ luôn dang rộng vòng tay chào đón các anh trở về. Quả thật như thế, chương trình đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc từ những giọt nước mắt khi nghĩ về bản thân, những giọt nước mắt rơi vì đồng cảm cho đến những nụ cười hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm to lớn ngoài xã hội. Chương trình có sự tham dự của các thầy cô đến từ Khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa TP. HCM, lãnh đạo Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, các cán bộ chiến sĩ công an tại Trại giam Phước Hòa.

Giọt nước mắt cho mẹ...

Bờ vai của mẹ...con hãy gục vào đi!

nước mắt không chỉ trên khóe mắt các phạm nhân... 

yêu lắm nha... thả tim

Chương trình tạo sự bất ngờ vô cùng lớn khi làm nên một cuộc gặp gỡ giữa phạm nhân và mẹ sau hơn 15 năm thụ án. Cả hội trường như lắng động chỉ để dõi theo khoảnh khắc hiếm có ngay trong trại giam. Bên cạnh đó, những tiết mục văn nghệ rất đa dạng đến từ trường Đại học Văn hóa TP.HCM, ca sĩ, vũ đoàn đến từ Trung tâm văn hóa tỉnh Tiền Giang giúp chương trình trở nên sôi động, náo nhiệt.

Giọt nước mắt, những nụ cười, những phút trầm ngâm, những tràn pháo tay nồng nhiệt. Đó là những gì mà “Gọi tên ngày mới” đã mang lại. Ban Giám thị trại giam đã cảm ơn trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã đem đến một chương trình hết sức ý nghĩa, giúp các phạm nhân có động lực để cải tạo tốt và để họ luôn hiểu rằng khi thụ án xong và tái hòa nhập cộng đồng vẫn luôn được xã hội nhiệt tình chào đón. Như thông điệp của chương trình mà những người tổ chức sự kiện đã cố ý đưa lên sân khấu trong phần trang trí của mình:

 “Ở đâu sống thiện. Ở đó sống bình an.

Giông bão đi qua, ngày mai trời lại sáng”.

“Đất trại giam ươm mầm tu nhân đức.

Mái ấm hoàn lương thiện nảy mầm...”

Cất tiếng ca cho đời thêm vui... khoảnh khắc được là chính mình

Thầy cô, đại biểu, giám thị, cán bộ trại giam cùng theo giỏi chương trình...

Tin: Nguyên Thanh

Ảnh: Tấn Thành

Biên tập : Hoàng Trịnh

 

Từ khóa: