LỄ HỘI DÂN GIAN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HÓA Ở VIỆT NAM

04
04
'18

LỄ HỘI DÂN GIAN

VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HÓA Ở VIỆT NAM

Tác giả: Lê Thị Vương Nguyệt

Tóm tắt

Để phát triển bền vững ngành kinh tế du lịch, không một quốc gia nào trên tế giới lại không coi trọng sự phát triển của du lịch văn hoá. Thậm chí, nhiều quốc gia còn xem đây là mũi nhọn để thúc đẩy phát triển ngành du lịch nước mình. Bởi du lịch văn hoá có những ưu điểm vượt trội so với các loại hình du lịch khác như: ít có tính mùa vụ, có thể phát triển quanh năm, tạo nguồn thu ổn định, mức tăng trưởng ngày càng lớn, mức đầu tư thấp, và đặc biệt góp phần tạo ra sinh kế cho cộng đồng dân cư - nơi du khách đến.

Việt Nam là một đất nước có tiềm năng phát triển du lịch văn hoá lớn vì sở hữu một nguồn tài nguyên văn hóa rất phong phú, đa dạng, rộng khắp. Trong quá trình tồn tại và phát triển với hơn bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tạo cho mình những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần trên mọi miền đất nước. Trong số đó các lễ hội dân gian là một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng cho phát triển du lịch văn hoá ở Việt Nam.

Từ khóa: lễ hội, lễ hội dân gian, du lịch văn hóa

 

1. Đặc điểm của lễ hội dân gian ở Việt Nam

Lễ hội dân gian ở Việt Nam phần lớn được hình thành từ nền hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó, cây lúa nước là chủ đạo và phổ biến. Do vậy, khi nói đến những lễ hội dân gian Việt Nam, thì thực chất là nói đến các lễ hội nông nghiệp. Và đã là lễ hội nông nghiệp thì trước hết, chúng phải chịu sự chi phối của nhịp điệu hoạt động sản xuất nông nghiệp. Lịch sinh hoạt của các lễ hội dân gian được xác định bởi nông lịch. Các nông lịch lại được hình thành trên cơ sở những đặc điểm của điều kiện khí hậu địa lý tự nhiên, nên các lễ hội dân gian ở Việt nam được diễn ra theo thời tiết. Thường chúng được mở tập trung vào hai mùa quan trọng nhất của một năm sản xuất nông nghiệp là đầu mùa sản xuất (gieo, cấy) và cuối mùa sản xuất (thu hoạch, gặt hái). Cũng vì thực chất là các lễ hội nông nghiệp mà các lễ hội dân gian ở Việt nam không tái hiện cuộc sống nào khác cuộc sống nông nghiệp của chính họ. Chúng phản ánh những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của những người nông dân        Việt Nam. Có thể nói, hầu như mọi mong ước tình cảm được phản ánh ở các lễ hội dân gian đều xoay quanh chủ đề chính là cầu mưa, cầu nắng để cây trồng có đủ điều kiện phát triển, nảy hạt, đâm bông. Thực chất của việc cầu mưa nắng thuận hòa ở mỗi lễ hội dân gian đều xuất phát từ mong ước một vụ lúa bội thu của người dân.

Các lễ hội dân gian ở Việt nam đều được tạo thành bởi một chuỗi các cảnh diễn liên tiếp, theo một kịch bản quy định. Những cảnh diễn, cũng như những quy định của kịch bản, lại xuất phát từ chính cuộc sống sinh hoạt và lao động của những người nông dân, nên chúng có nhiều điểm chung. Mỗi cảnh diễn được tạo thành bởi sự tập trung và tập hợp của nhiều loại hình văn hóa, để diễn tả một hoạt động, một sinh hoạt vật chất nào đó của người nông dân. Đương nhiên, sự diễn tả ấy là nhằm vào một mục đích nhất định: nói lên một nguyện vọng, một mong ước của cộng đồng vào thế giới siêu nhiên. Chính những quy tắc và quy định này đã làm cho các hoạt động lễ hội được cấu tạo theo cơ chế mô hình, nghĩa là chúng bao gồm những yếu tố có tính chất "bộ xương", còn phần "thịt", tức các chi tiết thì do các cá nhân, cộng đồng sáng tạo bồi đắp khi thực hiện. Điều này khiến các lễ hội dân gian nông nghiệp dù giống nhau về bộ khung, nhưng về chi tiết thể hiện thì khác nhau.

Cũng phải nói thêm rằng, chính vì được sản sinh trong những môi trường tự nhiên và xã hội tương đồng, mà các loại hình văn hóa trong lễ hội luôn gắn bó hữu cơ với nhau đến mức: nếu tách một loại hình văn hóa nào đó ra khỏi cảnh diễn, hoặc một cảnh diễn ra khỏi lễ hội thì chúng không còn ý nghĩa như nó vốn có trong cảnh diễn và trong lễ hội nữa. Ở đây, lễ hội đã bộc lộ rõ nét một đặc điểm trong phương thức nhận thức và phản ánh của văn hóa dân gian là phương thức tổng thể nguyên hợp. Vậy mới nói, lễ hội dân gian là một loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu.

Khi nói lễ hội dân gian thực chất là các lễ hội nông nghiệp cũng là muốn nói chúng là sản phẩm văn hóa của những người nông dân. Họ là những người sáng tạo, nhưng đồng cũng là người tiêu dùng, hưởng thụ các lễ hội dân gian. Các hoạt động lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu không phải cho một cá nhân, mà cho cả cộng đồng. Nó là sáng tạo của cả cộng đồng người nông dân. Vì thế mọi tri thức, tư tưởng, tình cảm... cũng như những hành vi, quy ước, ước lệ... trong lễ hội dân gian đều được biểu tượng hóa bằng những hình ảnh, những dấu hiệu quen thuộc của cộng đồng. Mọi thành viên trong cộng đồng đều có thể cảm nhận được chúng. Cũng vì nhằm đáp ứng nhu cầu cho cả cộng đồng người nông dân mà lễ hội được lưu truyền chủ yếu qua trí nhớ chứ không phải qua chữ viết (đa số người nông dân xưa không biết chữ), nên quá trình sáng tạo ra lễ hội, cũng đồng thời là quá trình lễ hội đó được phân phối đến từng người và từng người tiếp nhận tiêu thụ.

Tóm lại, do được cấu thành bởi sự tham gia của nhiều loại hình văn hóa dân gian mà lễ hội dân gian có mọi đặc điểm của văn hóa dân gian. Vì thế, muốn tìm hiểu được văn hóa dân gian Việt Nam, không thể không tìm hiểu các lễ hội dân gian. Và để phát triển loại hình du lịch văn hoá ở Việt Nam, không thể bỏ qua được nguồn tài nguyên văn hóa hết sức quan trọng đó là các lễ hội dân gian.

2. Khái quát về du lịch văn hóa

Có thể hiểu, du lịch văn hoá là một loại du lịch mà mục đích chính là nâng cao hiểu biết cho cá nhân các giá trị văn hóa nhân văn khi họ trải nghiệm ở những vùng đất mới, cộng đồng mới. Đó có thể là những di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuât, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi mà du khách đặt chân đến. Xu thế quốc tế hoá trong sinh hoạt văn hoá giữa cộng đồng và các dân tộc trên thế giới được mở rộng, dẫn tới việc giao lưu văn hoá, tìm kiếm những giá trị về nền văn hoá nhân loại, về những miền đất lạ đã trở thành một nhu cầu cho nhiều tầng lớp dân cư trong xã hội. Du lịch không còn hoàn toàn là nghỉ ngơi giải trí đơn thuần, mà còn là hình thức nghỉ ngơi tích cực có tác dụng bổ sung tri thức, làm phong phú đời sống tinh thần của con người. Đó chính là nội hàm của khái niệm du lịch văn hoá.

Du lịch văn hoá vừa là phương tiện, vừa là mục đích của kinh doanh du lịch. Du lịch văn hoá nhằm chuyển hoá các giá trị văn hoá, các giá trị vật chất cũng như tinh thần cho hoạt động du lịch. Tuỳ theo các tiêu thức khác nhau mà người ta có thể phân chia du lịch văn hoá ra nhiều loại:

- Du lịch tìm hiểu bản sắc văn hoá: khách đi tìm hiểu các nền văn hoá là chủ yếu mục đích chuyến đi mang tính chất khảo cứu, nghiên cứu. Đối tượng khách chủ yếu là các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên - đó là các chương trình du lịch dã ngoại đến các làng dân tộc ít người thuộc các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu,... để khách tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống văn hoá của các dân tộc đó. Khách sẽ đi bộ khi tham quan các bản làng và thường nghỉ qua đêm tại các bản làng đó.

- Du lịch tham quan văn hoá: Đây là loại hình du lịch phổ biến nhất. Du khách thường kết hợp giữa tham quan với nghiên cứu tìm hiểu văn hoá trong một chuyến đi. Đối tượng tham gia vào loại hình du lịch này rất phong phú, bên cạnh những khách vừa kết hợp đi để tham quan, vừa để nghiên cứu còn có những khách chỉ để chiêm ngưỡng để biết, để thoả mãn sự tò mò,... Do vậy, trong một chuyến du lịch, du khách thường đi đến nhiều điểm du lịch, trong đó vừa có những điểm du lịch văn hoá, vừa có những điểm du lịch núi, du lịch biển, du lịch dã ngoại, ... Đối tượng khách là những người ưa mạo hiểm, thích tìm cảm giác mới và chủ yếu là những người trẻ tuổi.

- Du lịch kết hợp giữa tham quan văn hoá với các mục đích khác: mục đích chính của khách là trong chuyến đi nhằm thực hiện công tác hoặc nghề nghiệp nào đó và có kết hợp với tham quan văn hoá. Đối tượng của loại hình này là những người đi tham dự hội nghị, hội thảo, kỷ niệm những ngày lễ lớn, các cuộc triển lãm. Loại khách này đòi hỏi trình độ phục vụ hiện đại, phong phú, có chất lượng cao, qui trình phục vụ đồng bộ, chính xác, họ có khả năng thanh toán cao nhưng nói chung thời gian dành cho du lịch của họ rất ít. Thể loại du lịch cụ thể của loại hình du lịch này là du lịch công vụ.

Tuy nhiên, sự phân loại du lịch văn hoá thành các loại hình trên chỉ là tương đối. Vì trong một chương trình du lịch thường được kết hợp nhiều hoạt động khác nhau như: Kết hợp đi du lịch dã ngoại với du lịch theo chuyên đề văn hoá, hoặc du lịch săn bắn,... trong một chuyến hành trình nhằm tránh gây cho khách cảm giác nhàm chán.

Du lịch văn hoá là loại hình du lịch chịu sự tác động của các yếu tố:

- Yếu tố thời vụ du lịch: so với các loại hình du lịch khác, du lịch văn hoá mang tính đại chúng. Tuy có chịu ảnh hưởng tính thời vụ nhưng không phụ thuộc hoàn toàn. Những đặc điểm này thể hiện rất rõ ở loại hình du lịch lễ hội. Đồng thời mức độ chênh lệch cung cầu của du lịch văn hoá thường không lớn.

- Các yếu tố nhân khẩu học:

+ Yếu tố giới tính: Có tác động đến động cơ đi du lịch và động cơ đi du lịch văn hoá là một trong những nguyên nhân chủ yếu của nam giới vì đối với họ ít chịu sự ràng buộc của gia đình, thường có trình độ học vấn cao, có địa vị xã hội,...

+ Yếu tố độ tuổi: Tham gia vào các chuyến du lịch văn hoá chủ yếu vẫn là những khách du lịch cao tuổi và thanh niên. Đối với khách cao tuổi họ thường có nhiều thời gian rỗi,... thường có kinh nghiệm trong việc đi du lịch, họ thích tìm hiểu về âm nhạc, nghệ thuật quần chúng, các món ăn đậm đà tính dân tộc,... và họ quan tâm nhiều đến chất lượng phục vụ. Ngược lại, đối với khách du lịch thanh niên đây là nhóm có số lượng đông đúc với các đặc trưng của thanh niên như: ưa khám phá, thích tìm tòi, muốn thử sức mình, thích đi xa, thích sự tự do, thích thay đổi điểm du lịch và thường đi thành nhóm lẻ,... Do đó, họ có xu hướng đòi hỏi tính mới mẻ, đa dạng trong dịch vụ du lịch, họ có khả năng thanh toán thấp, ít có kinh nghiệm trong đi du lịch, họ thường quan tâm đến giá cả nhưng ít quan tâm đến yêu cầu về chất lượng dịch vụ. Khách du lịch thanh nhiên thường tham gia vào các chuyến du lịch dã ngoại, săn bắn mạo hiểm, tham quan văn hoá,... Đối với những khách trung niên thường là những người có địa vị xã hội có khả năng thanh toán cao, có sự tự chủ lớn trong khi đi du lịch. Họ quan tâm nhiều đến chất lượng phục vụ,... họ thường kết hợp giữa đi công tác với đi du lịch.

+ Yếu tố trình độ học vấn: Những người có trình độ học vấn cao là loại khách được các nhà kinh doanh du lịch quan tâm nhiều vì những nhà học vấn cao thường thường là những người có địa vị xã hội cao, thu nhập cao, trình độ văn hoá cao nên có nhu cầu mở rộng sự hiểu biết tìm hiểu thế giới xung quanh cao hay có thể nói họ có động cơ văn hoá cao trong nhu cầu đi du lịch.

3. Mối quan hệ giữa lễ hội dân gian và phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam

- Tác động của lễ hội dan giân đến du lịch văn hóa

Trong điều luật 79 của luật du lịch Việt Nam đã xác định rõ, Nhà nước tổ chức hoạt động hướng dẫn du lịch xúc tiến du lịch với các nội dung tuyên truyền giao tiếp rộng rãi về đất nước, con người Việt Nam, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử,… Do đó, lễ hội sẽ làm cho du lịch phát triển hơn, lễ hội làm cho du lịch trở nên hấp dẫn tạo cho số lượng khách đông hơn. Du khách đến lễ hội đông kéo theo những nhu cầu khác nhau, khi đó những mặt hàng ngành du lịch tăng lên.

Thực tiễn phát triển ngành du lịch trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, du lịch Việt Nam muốn phát triển tất yếu phải khai thác sử dụng giá trị văn hoá truyền thống, cách tân và hiện đại hoá sao cho phù hợp hiệu quả, trong đó có kho tàng âm nhạc dân gian, lễ hội dân gian truyền thống. Đây là một thành tố đặc sắc văn hoá Việt Nam cho nên phát triển du lịch lễ hội chính là lễ hội sử dụng ưu thế của du lịch Việt Nam trong việc thu hút và phục vụ  khách du lịch. Mùa lễ hội cũng là mùa du lịch tạo nên hình thức du lịch lễ hội mang bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện qua các sắc thái văn hoá các địa phương, vùng miền phong phú đặc sắc.

- Tác động của du lịch văn hóa đến lễ hội dân gian

Lễ hội dân gian và du lịch văn hóa luôn luôn có sự tác động qua lại với nhau và cùng nhau phát triển làm hoàn thiện hơn ngành du lịch. Trước hết, hoạt động du lịch văn hóa có nhiều tác động tích cực đối với lễ hội. Du lịch văn hóa có những đặc trưng riêng làm cải biến hay làm hấp dẫn hơn lễ hội dân gian truyền thống. Du lịch mang đến nguồn lợi kinh tế và các loại hình sinh kế mới có khả năng tạo ra thu nhập cao cho các địa phương có lễ hội. Du lịch văn hóa nói riêng, du lịch nói chung tạo việc làm cho người dân địa phương thông qua dịch vụ như: Vận chuyển khách, bán hàng hoá, đồ lưu niệm,… Nhân dân vùng có lễ hội vừa quảng bá hình ảnh văn hoá về đời sống mọi mặt của địa phương mình, vừa có dịp giao lưu hoa văn hoá được du khách mang đến.

Bên cạnh những tác động tích cực, du lịch văn hóa còn có những tác động tiêu cực đối với lễ hội dân gian. Với thời gian và không gian hữu hạn của các lễ hội truyền thống vốn chỉ phù hợp với điều kiện riêng của các địa phương, thực tế, khi khách du lịch tới đông sẽ làm thay đổi, đôi khi đảo lộn các hoạt động bình thường của địa phương nơi có lễ hội. Đồng thời, hoạt động du lịch với những đặc thù riêng của nó có khả năng làm biến dạng các lễ hội dân gian truyền thống. Vì lễ hội truyền thống có đặc tính mở thì vẫn còn những hạn chế nhất định về điều kiện kinh tế, văn hoá xã hội cổ truyền. Nay hoạt động du lịch mang tính liên chất, liên ngành, liên vùng, xã hội hoá cao,… sẽ làm mất đi sự cân bằng dẫn đến phá vỡ các khuôn mẫu truyền thống của địa phương trong quá trình diễn ra lễ hội. Hiện tượng thương mại hoá các hoạt động lễ hội như: Lừa đảo, bắt chẹt khách để thu lợi nhuận tạo hình ảnh xấu làm cho du khách có cảm giác hụt hẫng trước một không gian linh thiêng mà tính tôn nghiêm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, làm cho khách đi mà không muốn quay lại lần sau. Du khách đến với lễ hội kéo theo những nhu cầu mất cân đối trong quan hệ cung cầu dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái nhân văn. Bản sắc văn hoá của vùng miền có nguy cơ bị “mờ” do kết quả của sự giao thoa văn hoá thiếu lành mạnh không thể tránh khỏi đem đến từ một bộ phận du khách.

4. Tạm kết

Tóm lại, phát triển du lịch văn hóa là xu hướng phát triển tất yếu và mang tính bền vững trong chiến lược phát triển du lịch của mỗi quốc gia. Phát triển du lịch văn hóa sẽ tạo nên điều kiện sinh kế thuận lợi cho người dân địa phương. Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống qua hàng nghìn năm lịch sử với những giá trị, bản sắc văn hóa riêng. Đó chính là tài sản quan trọng và rất tiềm năng để Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển loại hình du lịch văn hóa. Tuy nhiên, để phát triển du lịch văn hóa thành công, ít để lại những hệ lụy mà do tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch của du khách để lại, Nhà nước Việt Nam cần xây dựng hoàn chính những thể chế chính sách phù hợp. Trong đó, đặc biệt lưu tâm là hệ thống pháp luật và hành lang pháp lý khác.

 

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: “Văn hóa với du lịch trong thế giới hội nhập” tổ chức tại Phú Yên ngày 18- 19/02/2017.

 

Từ khóa: