Ngược dòng ký ức - Chương trình tuyên truyền cổ động mang dấu ấn của sinh viên Văn hóa

07
04
'18

“Vở diễn đã chạm đến trái tim của nhiều người trong đó có tôi, trong suốt buổi diễn nhiều lần tôi rơi nước mắt. Dù là kịch tuyên truyền nhưng câu chuyện đã đi vào lòng người một cách tự nhiên, không hô hào khô cứng. Câu chuyện có giá trị thực tiễn rất cao trong việc giáo dục lòng yêu nước và trách nhiệm của giới trẻ trong cuộc sống hiện nay. Chương trình đã đi đúng vào trọng tâm môn học đã đưa ra”, Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa, phó Khoa phụ trách Khoa QLVH,NT phát biểu khi xem chương trình “Ngược dòng ký ức”.

 

 

Nhân kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam (09/01/1950 - 09/01/2018) và 73 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2017), sinh viên trường Đại học văn hóa TP.HCM đã tổ chức dàn dựng và biểu diễn kịch bản “Ngược dòng ký ức”, kịch bản do tập thể lớp Quản lý Văn hóa 14 sáng tác, dàn dựng. Kịch bản qui tụ trên 50 diễn viên là sinh viên trường Đại học văn hóa TP.HCM, các giảng viên hướng dẫn: Thạc sĩ thanh nhạc Lê Vương Nguyệt, Thạc sĩ Phạm Phương Thùy, thạc sĩ Nguyễn Hồ Phong, Biên đạo múa: Võ Thành Nhân, cố vấn nội dung Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa, chỉ đạo nghệ thuật Thạc sĩ – đạo diễn Hòang Duẩn.

 

Chuyện xoay quanh Minh là một sinh viên vừa nhận được tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc và cùng lúc nhận được giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Mặc dù bị người yêu phản đối nhưng với một tương lai công việc tốt đẹp và cuộc sống thuận lợi ở phía trước nên Minh đã tìm cách trốn nhằm thoái thác việc đi nghĩa vụ quân sự. Trong khi Tùng là người bạn thân chí cốt của Minh ở quê mong muốn được một lần đứng trong quân ngũ thì sức khỏe lại không cho phép. Minh luôn cho rằng thời bình nên không cần phải đi nghĩa vụ, mình có đi thì cũng không giúp cho quân đội mạnh hơn. Biết được Minh tìm cách trốn nghĩa vụ với những suy nghĩ nông cạn nên Tùng kịch liệt phản đối giữa hai bên đã xãy ra mâu thuẩn kịch liệt vì chính gia đình Minh là gia đình có truyền thống cách mạng. Đúng lúc đó ông nội của Minh xuất hiện ông đã đưa ra một kỷ vật đó chính là cuốn Album với những tấm hình loan lỗ về cuộc chiến Thành Cổ Quảng Trị 1972…ông cất lên câu thơ:

“Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”

…. và câu chuyện trở lại với quá khứ… khi đó ông là một học sinh Miền Bắc xếp bút nghiêng vào Nam kháng chiến và chiến trường khốc liệt Quảng Trị với sông Thạch Hãn đã được tái hiện. Trong một trận đánh với địch ông đã bị thương trên dòng sông Thạch Hãn, được đồng đội dìu lên bờ băng bó. Và trong một lần địch điên cuồng ném bom, đồng đội của ông đã lấy thân mình che cho ông và rồi người đồng đội ấy đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường Thành Cổ. Chuyện càng bất ngờ hơn khi ông cho biết người đồng đội cứu sống ông đó chính là ông nội của Tùng…. Những câu chuyện về hy sinh mất mát trong chiến tranh do ông nội kể lại đã giúp Minh hiểu được giá trị của hòa bình, thêm trân trọng những đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước trong công cuộc đấu tranh dành lại độc lập dân tộc cũng như trách nhiệm của tuổi trẻ đối với việc Bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Tự hào về ông, tự hào về truyền thống và hiểu được những đức tính, kỹ năng được rèn luyện trong quân đội sẽ giúp ích cho mình trở thành người có ích, Minh đã hứa sẽ hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự. Thông qua chương trình để ca ngợi truyền thống quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống yêu nước, tinh thần đồng đội và nhắc nhở sinh viên ghi nhớ những chiến công lịch sử của các anh hùng đã hy sinh vì nền hòa bình dân tộc. Đồng thời tuyên truyền cho sinh viên Luật nghĩa vụ quân sự, là sức trẻ của đất nước, dù sống trong thời bình, nhưng tuổi trẻ phải luôn trong tư thế sẵn sàng phụng sự cho tổ quốc.

 

Vở diễn được dàn dựng theo thể tài chính kịch và được đan xen hợp lý giữa phần biểu diễn văn nghệ tuyên truyền, tuyên truyền miệng và cổ động trực quan. Trong câu chuyện thông tin đã gắn kết nhuần nhuyễn các phần kịch nói và phần âm nhạc đó là những ca khúc như: Miền xa thẳm, Linh thiêng Việt Nam, Hành khúc tuổi trẻ, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Hát mãi khúc quân hành… và các trích đoạn múa: Trận chiến hoa lửa, qua sông…được dàn dựng hoành tráng ấn tượng với sự tương tác của màn hình LED hiện đại khi thì tả ý, khi tả thực giúp cho vở diễn đi vào lòng người một cách tự nhiên và đã chạm đến được cảm xúc của người xem. Dù mang tính chất tuyên truyền nhưng câu chuyện đã không còn khô cứng mà trở nên mềm mại và đi vào lòng người một cách tự nhiên nên đã làm cho khán giả trong khán phòng đã chìm theo cảm xúc mà vở diễn mang lại. Bên cạnh những tràng pháo tay dành tặng cho những nét duyên hài của diễn viên trên sân khấu thì cũng có nhiều đoạn cao trào lắng động đã làm cho khán giả nhiều lần phải rơi nước mắt nhất là những lớp kịch khắc họa những tấm gương hy sinh của chiến sĩ “bộ đội cụ Hồ” trong trận chiến Thành Cổ. Sau khi kết thúc buổi thi Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa phó Khoa, phụ trách Khoa QLVH, NT đã cám ơn các giảng viên bộ môn, cám ơn sinh viên đã có buổi thi thành công và xúc động phát biểu “ Vở diễn đã chạm đến trái tim của nhiều người trong đó có tôi, trong suốt buổi diễn nhiều lần tôi rơi nước mắt. Dù là kịch tuyên truyền nhưng câu chuyện đã đi vào lòng người một cách tự nhiên, không hô hào khô cứng. Câu chuyện có giá trị thực tiễn rất cao trong việc giáo dục lòng yêu nước và trách nhiệm của giới trẻ trong cuộc sống hiện nay…câu chuyện đã đi đúng vào đối tượng cần tuyên truyền đó là giới trẻ và đặc biệt là sinh viên văn hóa. Chương trình đã đi đúng vào trọng tâm môn học đã đưa ra ”. Sinh viên Trương Minh Phước cho biết “Ngược Dòng Ký Ức” là một chương trình mang tính nghệ thuật chuyên nghiệp và tính học thuật cao vì nó mang lại cảm xúc cho người xem, chạm đến trái tim người xem thông qua các loại hình nghệ thuật và cách diễn xuất của người nghệ sĩ. Điều này cho thấy các chương trình thông tin lưu động từ trước đến nay còn bị thiếu sót nhưng hôm nay Ngược dòng ký ức đã phá vỡ rào cản ấy để đem đến cho khán giả một cái nhìn mới về các chương trình thông tin lưu động”. Sinh viên Võ Mộng Huyền tâm sự “Học môn này tôi đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng. Đặc biệt việc kết hợp chặt chẽ giữa biểu diễn nghệ thuật và tuyên truyền, xây dựng chương trình gắn chặt với mục tiêu và nội dung tuyên truyền, phát huy ưu thế và cách biểu hiện đặc trưng văn hóa vùng, miền để chuyển tải sinh động, nhẹ nhàng đến khán giả chính là nét riêng mới lạ của chương trình, cũng là một trong nhiều giải pháp để cải tiến các hình thức tuyên truyền cổ động truyền thống hiện nay.” Để có kết quả như hôm nay, có thể nói việc dành thời gian hợp lý cho môn học, xứng đáng với sự đầu tư của thầy và trò là một phần quan trọng bên cạnh sự am hiểu, nhiều vốn sống thực tiễn và yêu nghề của thầy cô giảng viên. “Đây là môn học mang tính ứng dụng rất cao, phù hợp với thực tiễn công tác sau khi sinh viên ra trường chính vì vậy mà khi biên soạn chương trình chúng tôi đã dành cho môn học với thời lượng là 10 tín chỉ.” Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa – phó Khoa, phụ trách Khoa QLVH, NT cho biết.

Đại diện lớp tặng hoa cho các thầy cô giảng viên bộ môn (từ phải qua: Ths.Đạo diễn Hoàng Duẩn, Ths. Trịnh Đăng Khoa, Ths. Lê Thị Vương Nguyệt, Ths Phạm Phương Thùy, Ths. Nguyễn Hồ Phong, bạn Võ Mộng Huyền - lớp trưởng CĐQLVH 14 )

Có thể nói kế tiếp sự thành công của chương trình Tuyên truyền cổ động “MISS NATURE” do sinh viên lớp QLVH 13 thực hiện thì chương trình “NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC” của lớp QLVH 14 đã tiếp tục khẳng định đi hướng đi đúng của thầy trò Khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật theo hướng dụng, phù hợp với xu thế đào tạo hiện nay đối với môn học “Biên tập và dàn dựng chương trình tuyên truyền cổ động”.

 

Bài: Huỳnh Công Duẩn - Phạm Phương Thùy

Ảnh: Trần Thánh Mỹ - Dương Ngọc Ánh 

nguồn: http://www.hcmuc.edu.vn/nguoc-dong-ky-uc-chuong-trinh-tuyen-truyen-co-dong-mang-dau-an-cua-sinh-vien-van-hoa-3814.html

Từ khóa: