Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật tổ chức tọa đàm “Giảng dạy theo định hướng ứng dụng của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật thực trạng và giải pháp”
Để có những đánh giá khách quan, khoa học, đồng thời tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy theo định hướng ứng dụng của tập thể giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, ngày 12/4/2019 Khoa QLVH,NT đã tổ chức tọa đàm “Giảng dạy theo định hướng ứng dụng của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật thực trạng và giải pháp”. Đến dự tọa đàm có PGS-TS Nguyễn Thế Dũng-Hiệu trưởng Nhà trường, PGS-TS Lâm Nhân - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cùng tập thể giảng viên và sinh viên Khoa QLVH,NT.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Giảng dạy theo định hướng ứng dụng là một trong những chủ trương lớn của cả ngành giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua. Định hướng này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, đưa nền giáo dục nước nhà tiệm cận dần với cả nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đây là dịp để các giảng viên cần định vị lại một cách cụ thể: đào tạo theo định hướng ứng dụng là đào tạo như thế nào? Và để giảng dạy theo định hướng ứng dụng thì người giảng viên phải dùng các phương pháp nào? Sinh viên tham gia học theo định hướng ứng dụng là học như thế nào? Đầu ra của các học phần theo định hướng ứng dụng là gì? Khi ra trường thì sinh viên làm được gì và có khởi nghiệp được không? Các học phần đã thực sự được xây dựng theo định hướng ứng dụng chưa?
Tọa đàm tập trung vào các nội dung cơ bản:
- Một số vấn đề lý luận, thực tiễn đối với đối với hoạt động giảng dạy theo định hướng ứng dụng;
- Thực trạng giảng dạy theo định hướng ứng dụng tại Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật;
- Giải pháp để nâng cao hiệu quả giảng dạy theo định hướng ứng dụng của giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật.
PGS-TS Nguyễn Thế Dũng, Bí thư Đảng ủy-Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Bên cạnh ý kiến của PGS-TS Nguyễn Thế Dũng, PGS-TS Lâm Nhân, nhiều ý kiến của các giảng viên và sinh viên đã được Ban lãnh đạo khoa ghi nhận. Trong đó tập trung vào ba nhóm ý kiến: Về lý luận; Về thực trạng; Về giải pháp.
Về lý luận tọa đàm tập trung làm rõ các nội dung: thế nào là đào tạo theo định hướng ứng dụng? theo đó thế giới có 3 hướng đào tạo: (1) Đào tạo theo hướng nghiên cứu tức đào tạo để cho người học trở thành những người chuyên nghiên cứu tạo ra tri thức mới cho xã hội. (2) Đào tạo theo định hướng ứng dụng tức là đào tạo dựa trên lý thuyết mà nhân loại đã nghiên cứu ra người học sẽ vận dụng nó như thế nào vào thực tiễn. Dựa trên các nghiên cứu đã có các mô hình để đưa ra giải pháp và ứng dụng giải pháp đó vào trong thực tiễn để tạo ra các sản phẩm cho xã hội. (3) Đào tạo hướng thực hành dành tức đào tạo theo cách “cầm tay chi việc” dành cho hệ đào tạo Cao đẳng, Trung cấp. Dạy theo định hướng ứng dụng là phải dạy theo mục tiêu chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng. Đảm bảo 3 mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ trong từng học phần theo mục tiêu của chương trình đào tạo. Đào tạo để người học có năng lực chuyên môn, nghề nghiệp, làm việc được (không chỉ cung cấp cho người học hiểu về nội dung). Dạy theo định hướng ứng dụng của các học phần thực hành nghệ thuật ngành Quản lý văn hóa là dạy cái tinh túy, cốt lõi chứ không dạy như các ngành nghệ thuật khác. Dạy theo định hướng ứng dụng, không chỉ chạy theo đáp ứng nhu cầu thực tiễn mà còn dẫn đường, định hướng cho hoạt động thực tiễn. Dạy theo định hướng ứng dụng cần phải thực hành nhiều vì vậy cần đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất cho sinh viên được thực hành từ đó sinh viên ra trường không những chỉ biết thực hành mà cần thực hành giỏi.
Các giảng viên tham gia tọa đàm
Về thực trạng, các ý kiến đã xoay quanh những vấn đề: giảng viên cần nâng cao khả năng chuyên môn (hiểu lý luận, lý thuyết sâu sắc, nắm bắt được thực tiễn, rành thực hành). Liên kết, hợp tác giảng viên cơ hữu, với các chuyên gia giỏi, phù hợp từ bên ngoài xã hội cùng tham gia dạy. Giảng viên phải am hiểu tính hệ thống của các học phần trong cùng một chương trình, phải thống nhất về nội dung, cấu trúc từng học phần và mối liên hệ giữa các học phần trong cùng một khối kiến thức, cùng một chương trình. Hiện nay có giảng viên dạy chưa vững chuyên môn, yêu cầu sinh viên thực hành nhưng bản thân không hướng dẫn được sinh viên thực hành. Vấn đề là giảng viên phải biết cách chỉ cho sinh viên vận dụng, áp dụng kiến thức nào? của học phần nào? vào để giải quyết nhiệm vụ của giảng viên đưa ra.
TS Vũ Thị Phương phát biểu
Ý kiến về các giải pháp với các nội dung chính: Khoa chuyên môn cần xác định rõ định hướng đào tạo của khoa, của ngành, từ đó xác định rõ phương pháp dạy các môn chuyên ngành cho phù hợp. Lưu ý phương pháp dạy các môn nghệ thuật dạy trong mã ngành Quản lý văn hóa. Khoa cần mời chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tiễn, lắng nghe ý kiến người học sau đào tạo để nâng cao chất lượng dạy thực hành. Cần tạo điều kiện cho giảng viên tiếp cận thực tiễn, đi thực tế nhưng phải đi để trải nghiệm, làm việc và học tập kinh nghiệm để nâng cao chất lượng dạy chứ không phải đi đến nơi ghi chép rồi trở về. Giảng viên cần đồng thời dạy giỏi và tốt cả lý luận lẫn thực hành. Chú ý yêu cầu thi hết học phần phải hướng đến mục tiêu lý luận hay thực tiễn. Cần thể chế hóa việc kết hợp nhiều học phần vào việc thi tích hợp khi kết thúc học phần. Cần tăng cường thêm các lớp đào tạo ngắn hạn, dạy các kỹ năng bổ trợ cho sinh viên tại khu nhà học thực hành Văn hóa nghệ thuật để sinh viên nâng cao tay nghề. Thù lao dạy các môn thực hành chỉ bằng ½ thù lao dạy môn lý thuyết là việc cần tính toán thêm sao cho thỏa đáng với công sức dạy thực hành của giảng viên, trong khi đòi hỏi giảng viên phải tăng tính ứng dụng thực tiễn của học phần thì việc thù lao lại không tương xứng là điều cần suy nghĩ.
Sinh viên Trần Xuân Ngọc, lớp Đại học Quản lý văn hóa 12.1 phát biểu
SV Trần Xuân Ngọc, lớp QLVH 12.1 nêu ý kiên “giảng viên cần tìm hiểu thực trạng người học để có phương pháp dạy cho tốt hơn, cụ thể: phải nắm được nhu cầu người học, nói cho sinh viên biết giá trị, lợi ích của học phần, của ngành, tạo hứng thú cho người học, cho sinh biết mối quan hệ của học phần mình dạy trong cả hệ thống chương trình, ứng dụng ra sao trong chương trình và trong thực tế.”
Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa - Phụ trách Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật phát biểu
Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa - Phụ trách Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật đã cám ơn sự quan tâm của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đối với việc giảng dạy theo định hướng ứng dụng của Khoa “chúng tôi rất mong kết quả của tọa đàm, những đóng góp chân thành của Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô và sinh viên của Khoa sẽ lan tỏa góp phần vào sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo chung của nhà trường. Sắp tới Khoa QLVH,NT sẽ tổ chức một tọa đàm với chủ đề “Phương pháp dạy học theo định hướng ứng dụng của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật”. Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa cho biết.
Một số hình ảnh trong tọa đàm
Sinh viên tham gia phát biểu
Giảng viên tham gia tọa đàm chụp hình cùng PGS-TS Lâm Nhân - Phó Hiệu trưởng Nhà trường
Sinh viên cùng các thầy cô tham gia tọa đàm chụp hình lưu niệm
Bài HCD-KT
Ảnh: HCD –Tấn Thành
-
02062022
-
13082022
-
31102018
-
25102021
-
26072024
-
04112019
-
02102022
-
21052019
-
14112018
-
22102019
-
16112020
-
02022024