“Bản trường ca hoà bình” – Khi thầy cô và sinh viên Trường Đại học Văn TP. HCM hướng đến 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

24
06
'25

Hoà trong không khí những ngày cả nước Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thầy cô và các bạn sinh viên thuộc Trường Đại học Văn hóa TP. HCM (VHS) đã có thật nhiều đóng góp cho chuỗi sự kiện này. Một trong số đó có thể kể đến đó chương trình cầu truyền hình quốc gia “Bản trường ca hòa bình”. 

Có thể nói đây là lần đầu tiên những giảng viên, sinh viên Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật hân hạnh được tham gia một chương trình tầm cỡ quốc gia, được biểu diễn trực tiếp tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất trước hàng ngàn khán giả xem trực tiếp và hàng triệu khán giả trên sóng truyền hình.

“Bản trường ca hoà bình” là chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt, do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp cùng Thành ủy, UBND TPHCM và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Chương trình diễn ra vào tối ngày 06/4/2025 đồng thời tại ba điểm cầu: Hà Nội (Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội), TPHCM (Hội trường Thống Nhất) và Đắk Lắk (Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột).

Tham dự chương trình tại ba điểm cầu gồm có các Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí: Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước; Thượng tướng Trần Đơn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Cùng dự có đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, các cựu chiến binh, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân. Thầy cô và các bạn sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. HCM trực tiếp tham gia tại điểm cầu này.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương - Trưởng Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật (Thứ 5 từ phải qua), TS.NSƯT đạo diễn Hoàng Duẩn - Tổng đạo diễn đầu cầu TP.HCM (Phó trưởng Khoa QLVH,NT), Th.S Lê Thị Vương Nguyệt, Th.S Lê Xuân Khánh - Phó Trưởng phòng Hành chính tổng hợp hoà cùng niềm vui của sinh viên sau khi kết thúc chương trình "Bản trường ca hoà bình"

Để đóng góp một phần công sức nhỏ bé tạo nên một chương trình thành công rực rỡ, trong suốt một tháng chuẩn bị, thầy cô thuộc Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TP. HCM đã triển khai thực hiện các công tác liên quan như tiền trạm sân khấu, quản lý nhân sự biểu diễn, dàn dựng sân khấu, đạo diễn sân khấu… Nhiệm vụ chính của các bạn sinh viên trong “Bản trường ca hòa bình” được phân công rất rõ ràng, bao gồm: nhóm biểu diễn; nhóm hậu cần, hậu đài; nhóm trang phục, đạo cụ; nhóm nhân sự và nhóm hỗ trợ biên đạo. Tạo điều kiện cho các bạn vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành về cách tổ chức sự kiện, dàn dựng chương trình. Những tiết mục và phân cảnh được lên sóng tại điểm cầu miền Nam do thầy cô và các bạn sinh viên VHS thực hiện bao gồm: “Trăng sáng đôi miền”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Lá xanh - Nổi lửa lên em”, “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”, “Lời ca dâng Bác”, “Tiến về Sài Gòn”, “Hoạt cảnh mùa xuân toàn thắng”, “Liên khúc: Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Đất nước trọn niềm vui” và “Liên khúc: Viết tiếp câu chuyện hòa bình, Tiến bước dưới quân kỳ, Khát vọng là người Việt”.

Sinh viên Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật trong tiết mục "Trăng sáng đôi miền" với Ca sĩ - NSƯT Phạm Thế Vĩ

Những ngày cận kề thời điểm “lên sóng”, các nhóm phải tăng cường hoạt động, cũng như tập luyện từ sáng tinh mơ đến 11h tối, hay thầy cô phải thức xuyên đêm để chuẩn bị và điều chỉnh cho chương trình được xem là “chuyện thường nhật”. Trong quá trình thực hiện, ít ai biết rằng có vô vàn những khó khăn và áp lực đang đè nặng trên đôi vai thầy cô và các bạn sinh viên. Vì quy mô lớn nên yêu cầu về số lượng diễn viên đông đảo, gây khó khăn trong việc tìm kiếm trang phục, đạo cụ, quản lý thời gian tập bài,…Các tiết mục, phân đoạn cũng đòi hỏi các diễn viên phải luôn trong trạng thái tập trung cao độ vì cường độ tập luyện cao, động tác nhiều và đòi hỏi chuyên môn sâu. Chưa kể đến, nắng tháng tư tại Thành phố Hồ Chí Minh như một cô nàng đỏng đảnh, nóng tính, không cách gì để xoa dịu đi sự “oi ả” khi “cô nàng” đã muốn thế! Tuy nhiên, khó khăn không khiến những bàn chân chùn bước mà chỉ khiến những bước chân trở nên mạnh mẽ hơn. Các bạn sinh viên VHS còn đảm đương thêm nhiệm vụ hỗ trợ công tác biên đạo và giúp đỡ các anh bộ đội trong việc tái hiện lại cảnh hành quân như bước ra từ trang sử năm xưa. Dưới những điều kiện khắc nghiệt, thầy cô và các bạn sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. HCM vẫn cố gắng hết sức mình, bỏ qua những cơn đói bất chợt hay sự mệt mỏi thường trực. Tất cả đều vì một mục đích chung, mang đến cho khán giả những gì trọn vẹn nhất được diễn ra trong chương trình. 

Khán giả đón xem trực tiếp chương trình tại Hội trường Thống Nhất

Để đem đến những hình ảnh chân thật và sống động nhất cho chương trình. Nhóm sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. HCM đã cố gắng rất nhiều để làm tốt công tác hậu cần. Từ việc kiểm lại đạo cụ, các bạn cũng đã hỗ trợ các bên thi công để đảm bảo đúng tiến độ hoàn thiện, cũng như chất lượng đạo cụ. Từ những sự đóng góp đó, chúng ta đã thấy được những hình ảnh những người chiến sĩ với cây gậy trường sơn băng núi, băng đèo, những cây đèn bão lập loè trong đêm tối. Hay bếp Hoàng Cầm như trái tim dân tộc, không hừng hực lộ liễu nhưng âm ỷ cháy mãi một niềm tin. Tất cả đều “sống lại”, khơi gợi lên trong lòng người xem một tâm hồn yêu thương quê hương đất nước, yêu thương những vất vả của dân ta trong thời kì bom đạn. Và khi cờ giải phóng một lần nữa tung bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập, cảm xúc của người xem như vỡ oà, có người đã rơi lệ. Giọt khóc tri ân cho những người đã hi sinh; khóc mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; khóc vì tựa “như có Bác Hồ trong ngày vui” của dân tộc.

Các bạn sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. HCM trong phần giao lưu xúc động với các Anh hùng LLVHND

Nhưng xúc động nhất, là khi chương trình đã mang đến phần giao lưu của các nhân chứng lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 như: Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4; nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Đại tá Từ Đễ, phi công Phi đội Quyết thắng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... cùng nhiều cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Và vinh dự hơn nữa khi những người “đón và dẫn” các vị anh hùng ấy lên sân khấu “Bản trường ca hòa bình” chính là các bạn sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. HCM. Các bậc cha ông đã mang tới cho khán giả nhiều câu chuyện, hồi ức bi tráng, giàu cảm xúc khó quên trong chương trình. 

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hân – leader nhóm quản lý nhân sự, thành viên nhóm hỗ trợ biên đạo khi nhắc đến chương trình đã có những chia sẻ chân thật: “Là một sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. HCM mang nhiều tình yêu với đất nước, em vinh dự khi được tham gia chương trình “Bản trường ca hòa bình”, ngoài việc được bổ sung thêm nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức, điều phối sự kiện, em còn được biết thêm nhiều kiến thức về lịch sử, cũng như là về những gian khổ của cha ông ta trong thời kỳ kháng chiến cứu nước. Khi nhìn thấy những năm tháng giải phòng được tái hiện trên sân khấu, tinh thần yêu nước trong em thêm phần dồi dào và sục sôi hơn trước rất nhiều”.

Không chủ quan khi đánh giá “Bản trường ca hòa bình” là một trong những “cú hích” truyền thông rực rỡ nhất của tháng 4/2025. Nhận được lượt xem cao kỉ lục, những video đăng trên facebook, youtube hay tiktok đều nhận được lượt tương tác cao. Đặc biệt, phân cảnh lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập ngay lập tức trở nên “viral”, đồng thời khơi gợi lên tinh thần yêu nước quật cường của một dân tộc tưởng chừng giấu kín. Đã có những giọt nước mắt, những giọt mồ hôi rơi trên sân khấu, nhưng sau tất cả, chương trình được đông đảo khán giả đón nhận, thành công rực rỡ. Đó là món quà quý giá nhất mà thầy cô và các bạn sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. HCM đều mong muốn đón nhận. 

Một trong những khoảnh khắc tạo “viral” của chương trình

Cầu truyền hình “Bản trường ca hòa bình” là thanh âm của miền Bắc, Trung, Nam khi hoà cùng một nhịp thở. Thầy cô và các bạn sinh viên VHS đã là một phần trong nhịp thở đó. Với niềm tự hào khi những sinh viên Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật đảm nhận vai trò diễn viên, trợ lý đạo diễn, trợ lý biên đạo, kỹ thuật hậu đài bên cạnh vai trò thầy cô giảng viên của Trường, các anh chị cựu sinh viên, học viên cao học đảm nhận những vai trò quan trọng trong sự kiện, như: NSƯT.TS.Đạo diễn Hoàng Duẩn - Phó trưởng Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật đảm nhận Tổng đạo diễn 2 điểm cầu tại: Hội trường Thống Nhất TP. HCM và Đắk Lắk; đạo diễn sân khấu phụ trách tổ chức biểu diễn tại hai điểm cầu là đạo diễn Ngô Minh Trọng, đạo diễn Nguyễn Tấn Thành, đạo diễn Trần Nhựt Bằng - là học viên cao học của Khoa; tổng biên đạo múa tại TP.HCM là Th.S.Biên đạo múa Nguyễn Hữu Vĩnh Khương - Giảng viên của Khoa QLVH,NT, ….cùng các anh chị cựu sinh viên trong nhiều vai trò quan trọng khác. 

Tổng đạo diễn NSƯT. TS. Hoàng Duẩn, Tổng biên đạo múa -ThS Nguyễn Hữu Vĩnh Khương, cùng MC Mạnh Cường và tổ đạo diễn là những cựu sinh viên, sinh viên Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật

Ngoài “Bản trường ca hoà bình”, thầy cô và sinh viên Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật còn tham gia các chương trình như “Sao vàng trên đất thép” tại TTVH&TT huyện Củ Chi (Chương trình nhằm chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng huyện Củ Chi (29/4/1975-29/4/2025) và 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)); “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Bến bờ thống nhất tại công viên Bến Tre, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre (Chương trình nhằm Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) đều được các thầy cô, các bạn sinh viên VHS phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức.

Bài: Hương Thanh Xuân

Từ khóa:

Mạng xã hội