TRỊNH ĐĂNG KHOA-NGƯỜI THẦY BA TRONG MỘT

04
04
'18

Tốt nghiệp cử nhân Văn hóa quần chúng (Đại học Văn hóa Hà Nội). Được trường Đại học Văn hóa TPHCM cử đi học tại Nga và đã nhận bằng Thạc sĩ “Hoạt động văn hóa xã hội” của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Văn hóa và Nghệ thuật Matxcơva. Th.s Trịnh Đăng Khoa hiện là phó Khoa, phụ trách Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật của trường Đại học Văn hóa TPHCM và đang làm nghiên cứu sinh ngành “Văn hóa học” tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

 

 

 

Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa làm giám khảo tại vòng chung kết cuộc thi "Ca khúc phim việt"

Nhà quản lý và Thầy giáo cầu toàn

Sinh ra tại vùng đất Nam Bộ (Châu Đốc – An Giang) trong gia đình có truyền thống hoạt động trong ngành văn hóa, cha là một họa sĩ. Khi còn là sinh viên được học với các thầy đạo Lê Văn Tĩnh, NSƯT Văn Thành, NSƯT Trần Minh Ngọc, thầy Nam Anh…  các môn chuyên kỹ thuật biểu diễn, vốn có năng khiếu nên được các thầy định hướng nên theo con đường nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp nhưng vì yêu thích công tác Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật cho đông đảo quần chúng nhân dân nên anh quyết đi theo con đường mà mình đã chọn. Tốt nghiệp cử nhân Văn hóa Quần chúng (Đại học Văn hóa Hà Nội). Được trường Đại học Văn hóa TPHCM cử đi học tại Nga và đã nhận bằng Thạc sĩ Hoạt động văn hóa xã hội của trường đại học Tổng hợp Quốc gia Văn hóa và Nghệ thuật Matxcơva. Với vốn kiến thức mới được học tập từ nước ngoài về cùng với tâm huyết và kinh nghiệm thực tiễn anh đã cùng đồng nghiệp trong và ngoài trường bắt tay vào xây dựng một số chuyên ngành đào tạo mới như Đạo diễn sự kiện, Biên tập và Dẫn chương trình đưa vào đào tạo trong mã ngành Quản lý văn hóa tại trường Đại học Văn hóa TPHCM.

Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa (bìa phải) cùng ca sĩ Trương Quỳnh Anh trao giải cho sinh viên trong cuộc thi "Ca khúc phim Việt"

Sống hết mình với nghề, tâm huyết với công tác giảng dạy, vì thế cho dù vừa đảm nhận công tác quản lý một trong những khoa có số lượng sinh viên và giảng viên đông nhất của trường hiện nay nhưng anh cũng không quên gắn bó với bục giảng. Luôn đau đáu với việc sinh viên ra trường làm sao phải làm được nghề ? Làm sao để sinh viên có thể nhanh chóng tiếp cận với thực tế xã hội sau khi tốt nhiệp ? Vì thế bản thân anh vừa trực tiếp tìm cách tiếp cận thực tiễn vừa chỉ đạo cho các cán bộ trong Khoa phải đi tìm thêm những giảng viên có nhiều thực tiễn để giảng dạy cho sinh viên. Chính vì thế Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật giờ đây đã có thêm nhiều những nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả, biên đạo múa, người dẫn chương trình… giỏi thực tiễn về cộng tác, đó là điều ai cũng có thể nhận thấy, trong đó có một phần công sức của anh. Anh cũng chính là giảng viên giảng dạy các môn: Quản lý sự kiện và lễ hội; Tổ chức và Dàn dựng sự kiện; Biên tập và Dàn dựng chương trình nghệ thuật; Biên tập và Dẫn chương trình; Đạo diễn Sự kiện văn hóa nghệ thuật… Là một người nóng tính, cầu toàn, muốn sinh viên phải lĩnh hội tốt nhất những kiến thức mà thầy cô giáo mang lại, cũng đã có những lần sinh viên đã phải rơi nước mắt sau khi thầy Trịnh Đăng Khoa “nổi nóng”. Người ngoài nhìn vào có lẽ sẽ hiểu lầm anh quá khó khăn với sinh viên nhưng có đến dự một buổi lên lớp của anh, nhìn cách anh đứng trên sân khấu, thị phạm cho sinh viên mới thấy tâm huyết của một người thầy.

Một đạo diễn cầu tiến

Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa - NSND Bạch Tuyết và Thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn trong một sự kiện

Những bài học và những kinh nghiệm được học từ một đất nước có nền nghệ thuật, giải trí hiện đại, cộng với những thực tiễn làm nghề trong nhiều năm qua anh luôn mong muốn mang lại những hiệu quả tốt nhất trong đào tạo. Không chỉ là một thầy giáo tâm huyết anh còn là một đạo diễn yêu nghề và cầu tiến. Khi còn học tại Nga chính anh là người làm đạo diễn các chương trình như: Khai mạc Tuần Văn hóa Việt Nam tại Moscow (LB Nga, 2008); Chương trình nghệ thuật “Xuân yêu thương” cho cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga (Moscow, 2008, 2009, 2010); Chương trình đêm khai mạc cuộc thi “Hoa hậu người Việt tại các nước SNG” (Moscow, 2010); Khai mạc và bế mạc cuộc thi “Tiếng hát người Việt Nam tại LB Nga” (Moscow, 2010);  “Mình đi làm đạo diễn các chương trình không phải để nổi tiếng như những nghệ sĩ, mình làm nghề để có kinh nghiệm thực tế giảng dạy cho sinh viên, giáo dục theo hướng ứng dụng thực hành phải bắt đầu từ người thầy” Th.s Trịnh Đăng Khoa cho biết. Có lẽ chính vì thế mà cho dù bận rộn với công việc quản lý và giảng dạy nhưng người ta vẫn thấy anh xuất hiện trong vai trò đạo diễn của các chương trình như: Chương trình sân khấu hóa “Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa xứ núi Sam” (An Giang, 2001); Lễ khai mạc Tuần lễ hội Quốc gia Vía Bà Chúa xứ núi Sam (An Giang, các năm 2002, 2003, 2004, 2005); Giới thiệu tác giả tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Triều Dâng “Sóng nhạc Triều Dâng” (Tp. HCM, 2004); Hội quân Chiến dịch Mùa hè xanh Bến Tre (Bến Tre, 2004); Đêm hội Văn hóa nghệ thuật Liên hoan Thanh niên tiên tiến toàn quốc ngành Văn hóa – Thông tin (Tp. HCM, 2004); Ngày Hội Kỷ lục gia Việt Nam (Tp. HCM, 2005); Lễ đón nhận Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Trường Quân sự Quân khu 7” (Tp. HCM, 2005); Gala Diner Hoa hậu Hoàn vũ 2010 tại Tp. HCM (Tp. HCM, 2010); Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 30 năm, 35 năm, 40 năm thành lập trường ĐH. Văn hóa Tp. HCM (Tp. HCM, 2006, 2011, 2016); Khai mạc Lễ kỷ niệm 333 năm Đô thị Mỹ Tho (2012), Khai mạc Lễ hội Trái cây ngon – an toàn Chợ Lách,  Bến Tre (2015)... và gần đây nhất là những sự kiện tầm cỡ quốc gia mà anh đã tham gia cũng ê kíp của đạo diễn Hoàng Duẩn như: Chương trình Lễ giỗ tổ ngành Tóc Việt nam (2015, 2017); Lễ trao giải Qủa bóng vàng Việt Nam của Báo SGGP (2015, 2016);… và nhiều chương trình khác. Trịnh Đăng Khoa hiện là tác giả của rất nhiều những chương trình văn hóa nghệ thuật, các chương trình lễ hội khác.

Thạc sĩ Trinh Đăng Khoa và Thạc sĩ  đạo diễn Hoàng Duẩn trong một giờ lên lớp

Cảm nghĩ về đồng nhiệp của mình Th.S - đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết “Trịnh Đăng Khoa là một thầy giáo có tình, một nhà quản lý có tầm, một đạo diễn có tâm. Nhưng Trịnh Đăng Khoa là người không thích nói về mình…”. Điều đó có lẽ thật đúng, vì người viết bài này sau gần 2 năm gặp gỡ và thuyết phục mới có được những dòng chữ ngày hôm nay. Cám ơn Trịnh Đăng Khoa, chúc anh luôn khỏe và đóng góp cho trường Đại học Văn hóa TP.HCM, cho sinh viên và cho cuộc sống này.

Bài viết về Ths Trịnh Đăng Khoa trên báo Sân khấu TP.HCM

Theo Báo Sân Khấu TP.HCM

Số (1313)  ngày 6/3/2017

Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa - Đạo diễn Hoàng Duẩn - Ths Huỳnh Công Khôi Nguyên trong sự kiện "Xuân về trên đất biển Hà Tiên" 2018

Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa- Ths Trần Hoàng Thái trong sự kiện "Xuân về trên đất biển Hà Tiên" 2018

Đọc thêm về thầy Trịnh Đăng Khoa

https://thegioikhoinghiep.net/van-hoa-2/46291-viet-kich-ban-va-dao-dien-chuong-trinh-van-hoa-nghe-thuat-tac-pham-dau-tay-thanh-cong-cua-ts-trinh-dang-khoa.html

 

Bài Phong Linh

Ảnh Tấn Thành

Từ khóa:

Mạng xã hội