NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA TRUNG TÂM VĂN HÓA CẤP HUYỆN TRONG CÔNG TÁC HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ VĂN HÓA CHO CƠ SỞ

10
04
'20

Tác giả: Trịnh Đăng Khoa – Nguyễn Thị Phà ca[1]

1. Đặt vấn đề

“Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp dưới”[2] là một chủ trương quan trọng của Chính phủ, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Thực hiện chủ trương này, những năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành có liên quan, các Trung tâm Văn hóa (TTVH) cấp huyện, thành phố trên cả nước đã có những nỗ lực đáng kể trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không phải TTVH cấp huyện, thành phố nào cũng làm tốt công tác này. Thực tế cho thấy có địa phương “đội ngũ làm công tác văn hóa trên địa bàn hầu hết không được đào tạo bài bản về chuyên ngành văn hóa, xã hội nên chất lượng các hoạt động văn hóa thường phải lặp đi lặp lại qua các năm, khó có sự sáng tạo mới, thường lệ thuộc vào sự chỉ đạo chung của UBND cấp phường”[3], “cán bộ văn hóa ít có điều kiện trang bị kiến thức, rèn luyện nghiệp vụ nên gặp lúng túng trong triển khai, nâng cao chất lượng phong trào”[4] v.v...

 Chính vì vậy, việc phân tích những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn) tại TTVH cấp huyện, thành phố và đề xuất giải pháp nâng cao vai trò của TTVH cấp huyện, thành phố trong công tác này, từ đó giúp cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ để làm việc có năng suất, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của TTVH, thể thao - học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn nói chung, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng là điều rất cần thiết.

2. Những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn)

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay TTVH cấp huyện chưa phát huy được vai trò của mình trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn) là do:

- Kinh phí Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và đào tạo cán bộ cho TTVH chỉ mới đáp ứng một phần chi phí duy trì hoạt động; bên cạnh đó, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao còn ở mức thấp. Điều này gây khó khăn cho cả việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tại chỗ cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn) lẫn việc cử cán bộ của TTVH đi học nâng cao trình độ bên ngoài.

- Đội ngũ cán bộ tại chỗ (Sở VH,TT&DL, Phòng Văn hóa, TTVH huyện, thành phố) có năng lực thực sự để hiện công việc “Lập kế hoạch, tổ chức hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho phương pháp viên hạng dưới”; “Có khả năng tổng hợp, nghiên cứu giáo trình, đào tạo về nghiệp vụ văn hóa cơ sở” đúng theo tiêu chuẩn chức danh Phương pháp viên hạng II chưa nhiều. Do đó, khó có thể khai thác, tận dụng đội ngũ này để làm lực lượng nòng cốt trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn).

  • Công tác nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của các TTVH, thể thao - học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa được tiến hành một cách khoa học, bài bản. Cho nên việc tổ chức các lớp học khó đảm bảo chỉ tiêu về số lượng và chất lượng (do thời gian học tập ngắn, nội dung chưa bám sát thực tiễn, phương pháp truyền đạt một chiều v.v...).
  • Sự liên kết, xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa Sở VH,TT&DL, TTVH và các cơ sở đào tạo có uy tín chưa chặt chẽ. Vì vậy sẽ khó có sự tư vấn đúng đắn về việc xác định mục tiêu, nội dung đào tạo/ bồi dưỡng, đội ngũ giảng dạy, cách thức tiến hành, thời gian và địa điểm cũng như công tác đánh giá hiệu quả sau khi kết thúc khóa đào tạo nhằm rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả cho các khóa đào tạo/ bồi dưỡng tiếp theo.

3. Đề xuất giải pháp

Để giải quyết những nguyên nhân trên, chúng tôi đề xuất 3 giải pháp sau:

- Một là về vấn đề kinh phí hoạt động (trong đó có kinh phí tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng và kinh phí cử cán bộ của TTVH đi học nâng cao trình độ). TTVH huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao gắn với dịch vụ và thị trường theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở VH,TT&DL. Cụ thể là:

“Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội, các tổ chức phi Chính phủ, các đoàn thể, nhân dân và tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài...Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trong các thiết chế văn hóa, thể thao đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật”[1].

- Hai là về vấn đề đội ngũ cán bộ tại chỗ. TTVH cần mời những người có năng lực, chức danh Phương pháp viên hạng II hiện đang công tác tại Sở VH,TT&DL và các TTVH tham gia vào công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn). Đồng thời, kiến nghị Sở VH,TT&DL nghiên cứu xây dựng và thực hiện các dự án về phát triển nguồn nhân lực cho nhóm ngành văn hóa, thể thao, đảm bảo cung cấp một phần lực lượng giảng dạy cho các TTVH huyện.

- Ba là vấn đề nghiên cứu và liên kết với cơ sở đào tạo có uy tín. TTVH huyện cũng như Sở VH,TT&DL cần liên kết với trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Vì trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đào tạo và nghiên cứu khoa học các lĩnh vực: văn hóa, nghệ thuật, thông tin và du lịch[2]. Ở đây có nhiều khoa, nhiều ngành đào tạo, đặc biệt Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật[3] là một trong những khoa trụ cột của trường, là địa chỉ uy tín hàng đầu ở phía Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cán bộ quản lý hoạt động văn hóa; chuyên gia biên tập, dàn dựng, tổ chức, sản xuất các chương trình sự kiện; nghệ sĩ sáng tác, dàn dựng và biểu diễn các chương trình văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và phong trào văn hóa, văn nghệ đại chúng. Hình thức đào tạo của Khoa rất đa dạng, bao gồm: Chính quy; Vừa làm vừa học; Liên thông (giữa trình độ trung cấp và cao đẳng với trình độ đại học); Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn (theo chuyên đề, bồi dưỡng đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ hành nghề hoặc các nội dung khác theo đơn đặt hàng, theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, địa phương).

Đội ngũ giảng viên của Khoa là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, quản lý, truyền thông được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế. Bên cạnh còn, có sự hợp tác truyền dạy kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của những nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, các nhà biên kịch, nhạc sĩ, biên đạo múa, ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên sân khấu – điện ảnh – truyền hình – thời trang; cán bộ lãnh đạo, quản lý các thiết chế văn hóa; các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sự kiện, truyền thông, marketing, quảng cáo, báo chí, truyền hình…với phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp dạy lý thuyết và thực hành thực tiễn. Ngoài ra, đây còn là đội ngũ có năng lực nghiên cứu khoa học, xây dựng và quản lý các dự án văn hóa, nghệ thuật... Tóm lại, trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật hoàn toàn có đủ khả năng hỗ trợ và sẵn sàng liên kết với các tỉnh, thành phía Nam trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thông tin và du lịch.

Gợi ý, một số hình thức hợp tác, hỗ trợ: (1) tập huấn trực tiếp cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở; (2) khảo sát, đánh giá thực trạng từ đó đề ra những hoạt động văn hóa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của cơ sở nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động văn hóa cơ sở; (3) tập huấn gián tiếp, qua truyền đạt lại cho đội ngũ cán bộ văn hóa cấp trên cơ sở về nội dung, phương pháp, kỹ năng xây dựng nội dung và hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cho cơ sở.

4. Kết luận

Tựu trung, hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn) vừa là chức năng vừa là nhiệm vụ quan trọng của TTVH cấp huyện, thành phố. Thời gian qua, mặc dù các TTVH cấp huyện, thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ này, tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do: kinh phí hạn hẹp; số lượng, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ tại chỗ còn thiếu, công tác nghiên cứu nhu cầu mở lớp bồi dưỡng chưa đúng bài bản; mối quan hệ, gắn kết giữa Sở với các trường có uy tín chưa chặt chẽ. Để giải quyết những vấn đề này cần thực hiện các giải pháp: xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; nghiên cứu xây dựng và thực hiện các dự án về phát triển nguồn nhân lực cho nhóm ngành này và liên kết với trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học về văn hóa. Tin rằng, những giải pháp sơ bộ này sẽ giúp TTVH cấp huyện tháo gỡ bớt khó khăn trong việc nâng cao vai trò của mình đối với công tác hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn)./.

TĐK - NTPC

[1] Giảng viên khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM

[2] Quyết định 2164/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 11 năm 2013, của Thủ tướng chính phủ Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030.

[3] Quỳnh Trang (04/03/2018), “Đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở - còn nhiều bất cập”. Nguồn: http://baodanang.vn/channel/5433/201803/doi-ngu-lam-cong-tac-van-hoa-o-co-so-con-nhieu-bat-cap-2591522/index.htm

[4] Trịnh Ngọc (09/10/2017), “Công tác nâng chất cán bộ văn hóa cơ sở: Thiếu cả lượng và chất”. Nguồn: http://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/cong-tac-nang-chat-can-bo-van-hoa-co-so-thieu-ca-luong-va-chat-46804.html

 

Từ khóa: