“Gọi tên ngày mới”- Gọi yêu thương quay về

25
08
'18

“Gọi tên ngày mới” là một chương trình giao lưu nghệ thuật mang tính nhân văn sâu sắc của lớp Đại học Quản lý văn hóa khóa 2 – tại Tiền Giang phối hợp với cán bộ quản giáo trại giam Phước Hòa, xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thực hiện. Vượt qua khỏi khuôn khổ của một buổi thi kết thúc học phần “Tổ chức sự kiện”, chương trình đã để lại trong lòng của những ai tham dự sự kiện từ người tổ chức đến khách tham dự, không kể phạm nhân hay cán bộ, bất kể sinh viên hay thầy cô giáo tất cả điều đã thực sự rung động với tính nhân bản của “gọi tên ngày mới” mang lại.

Ảnh chụp từ màn hình (Ảnh: Lớp  ĐHQLVH K2 cung cấp )

Đông đảo cán bộ, chiến sĩ của Trại giam và Thầy cô đến từ trường Đại học văn hóa và Sở VH,TT,& DL Tiền Giang tham dự

Ảnh Tấn Thành 

Chương trình được diễn ra vào lúc 13 giờ 30 phút, ngày 21/8/2018 tại trại giam Phước Hòa. Ngay trong những lúc chương trình sắp diễn ra, điều mà làm chúng tôi - êkip chương trình không khỏi xúc động khi những phạm nhân được đến xem chương trình, ở họ có một sự vui mừng, phấn khởi, gương mặt ai cũng hiện lên điều gì đó “không tưởng” vì có cả băng-rôn, Banner, có cả các bạn áo dài đón khách… chắc có lẽ đã lâu lắm rồi ở đây mới có một chương trình như vậy. Già có, trẻ có, nhưng tất thảy trên gương mặt, ánh mắt của họ điều thể hiện sự vui mừng và chờ đợi một điều đặc biệt ở chương trình.

Chương trình với các tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng

Trên 800 phạm nhân được đón xem chương trình (Ảnh: Tấn Thành)

Chương trình giao lưu văn nghệ diễn ra với những tiết mục mở màn thật sôi nổi và hoành tráng như: Liên khúc: Vinh quang Việt Nam – Niềm tin ngày mới; Giai điệu tự hào…. Thì bổng giọng của MC trở nên trầm buồn, nghe như nghẹn với những dòng thư mà phạm nhân viết gởi về cho gia đình mình “Ba mẹ kính yêu! Hôm nay con viết thư này để nói lên điều mà bấy lâu nay con chưa kịp nói đó là: con xin lỗi ba mẹ nhiều! Con đã khiến cho ba mẹ buồn và thất vọng nhiều, là đứa con út trong nhà nhưng con không giúp gì được cho ba mẹ, ngược lại con còn làm ba mẹ phải tổn thương vì con. Đối với ba mẹ con cảm thấy có lỗi thật nhiều, từ ngày con đi đến nay đã 15 năm rồi. Thời gian trôi qua dường như chậm chạp, con chỉ muốn nó trôi qua thật nhanh để con có thể trở về bên ba mẹ và gia đình để con có cơ hội làm lại cuộc đời và đền đáp công ơn của ba mẹ đã dành cho con”. Sau lá thư thứ nhất là bài ca cổ “Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành” với tiếng hát ngọt ngào của Việt Sử, tiếp sau lá thư thứ hai là ca khúc “Bài hát mẹ” do bạn Việt Luân thể hiện với phần múa minh họa của Bạch Tuyết được đưa vào không thể “ngọt” hơn và hai tiết mục đã đưa người xem đến những cung bậc cảm xúc thăng hoa với những nổi nhớ về sự hy sinh cao cả về Mẹ. 

Những ánh mắt tò mò .... ( Ảnh : Tấn Thành) 

Có những nụ cười... 

 Không dừng lại ở những dòng thư viết gởi người thân, chúng tôi được xem một đoạn clip được êkip chương trình quay lại tại nhà cô Nguyễn Thị Sáu ở ấp Chợ, xã Trung An, Thành phồ Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang có con là anh Trung đang chấp hành án tại trại giam Phước Hòa.

Và nước mắt đã rơi...( Ảnh: Tấn Thành) 

Chúng tôi nhìn thấy có những giọt nước mắt không phải chỉ của phạm nhân mà còn là của những người đang thực hiện chương trình, của cả khách mời và những cán bộ trại giam, những người hàng ngày tưởng chừng như chỉ có sự cứng rắn, khô ráp. Và điều bất ngờ khi cô Sáu – mẹ anh Trung (phạm nhân) xuất hiện trên sân khấu. Cô Sáu ôm con vào lòng - cái ôm của người mẹ đã 15 năm chưa được ôm con dù tháng nào cô cũng vào thăm. Dù đã 35 tuổi, anh Trung đã bật khóc trong vòng tay mẹ như đứa trẻ lên ba. Chúng tôi thật sự xúc động, không gian như lắng xuống, tim tôi như ngưng thở, trong phút giây này tôi không biết bày tỏ cảm xúc của tôi như thế nào. Mẹ là người luôn tha thứ cho những lỗi lầm của con, mẹ là ánh đuốc sôi sáng lối con về, giây phút ấy tôi bổng nhớ về mẹ tôi, người mà tần tảo nuôi tôi khôn lớn như hôm nay, cảm ơn mẹ đã sinh con ra và cảm ơn mẹ đã cho con tất cả, tình yêu của mẹ vô bờ bến không gì có thể sánh được.

Phút giây gặp mặt trên sân khấu của mẹ con cô Sáu

Nước mắt ngày gặp mẹ của phạm nhân Trung

Và cả nước mắt của người dẫn chương trình

Chương trình rồi cũng kết thúc, nhưng trong mỗi chúng tôi có nhiều nổi niềm khó tả, có bạn tiếc sao không học môn Tổ chức sự kiện sớm hơn, có bạn thì nuối tiếc muốn học nữa, có bạn khi lên xe trở về đã năn nỉ “thầy cho em 3,5đ thôi để em được học lại”… Nhiều cảm xúc đong đầy, chương trình đã khép lại nhưng mở ra một lối đi mới, mong rằng sau chương trình này giúp các phạm nhân có thêm nhiều động lực để cải tạo thật tốt sớm quay về sum họp với gia đình, lòng nhân ái, sự bao dung và vị tha của cộng đồng xã hội sẽ tiếp thêm sức mạnh để họ quay về như thông điệp mà chương trình đã đưa ra “Giông bão đi qua, ngày mai trời lại sáng”.

Lãnh đạo và chiến sĩ Trại giam, Lãnh đạo Sở VH, TT, DL Tiền Giang, Thầy cô giáo trường Đại học Văn hóa TP.HCM chụp hình chúc mừng sự kiện thành công cùng lớp

Bài : Huỳnh Thị Thanh Phương (Học viên lớp Liên Thông Đại học Quản lý Văn hóa, khóa 2 - tại Tiền Giang)

Ảnh: Nguyễn Tấn Thành (Sinh viên lớp ĐH.QLVH 11.3) và Lớp ĐH QLVH K2  cung cấp

Biên tập: HCD

Từ khóa: