Thi kết thúc học phần Nghệ thuật diễn xuất: 6 câu chuyện và những gam màu của cuộc sống
Vừa qua, tại Hội trường C, lớp Đại học quản lý văn hóa 11.3 đã tổ chức thi kết thúc học phần “nghệ thuật diễn xuất”. Đây là học phần được học vào học kỳ 2 năm thứ 3, trong chương trình đào tạo sinh viên của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, chuyên ngành “Tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật”. Với 6 câu chuyện, mỗi câu chuyện với một phong cách khác nhau, một gam màu khác nhau trong biểu diễn và dàn dựng, chương trình thi đã thật sự để lại những dấu ấn trong lòng quí thầy cô, các bậc phụ huynh, các bạn sinh viên và khán giả tham dự. Chương trình đã được thu hình và dự kiến sẽ được phát sóng trên kênh HTVC Thuần Việt – Đài truyền hình TP.HCM và một số Đài truyền hình các Tỉnh, Thành.
TS Vũ Thị Phương - phó Trưởng khoa QLVH,NT; Ths Nguyễn Thị Phà Ca phụ trách Tổ nghệ thuật; Ths Trần Hoàng Thái tham gia chấm thi ; Ông Bùi Lê Giang Châu phó giám đốc công ty TNHH Công nghệ quốc tế DHT Miền Nam và các thầy cô, đại biểu tham dự chương trình
- Câu chuyện thứ nhất “NẾU!!!”: (tác giả: Tố Uyên) Nội dung câu chuyện xoay quanh 5 nhân vật là bạn học của nhau thời cấp 3 của Hạ Nhiên, Mộc Lan, Cúc Linh, Thành Danh và Minh Tuấn. Họ gặp lại nhau và tổ chức một chuyến du lịch lên Đà Lạt. Nhưng không ngờ, đó là chuyến đi đầu tiên và cũng là chuyến đi cuối cùng của họ. Tai nạn giao thông đã xãy ra!!!Tất cả còn quá trẻ, họ còn nhiều khát khao và đam mê cháy bỏng chưa thực hiện được. Vậy thì ai sẽ là người giúp họ có phép màu để thực hiện những hoài bão đó? Thần chết sẽ cho họ cơ hội để thực hiện ước mơ để họ không còn phải hối tiếc bất cứ điều gì ở tại thế. Trong vòng 24 giờ được quay trở lại quãng thời gian đẹp nhất đời mình, họ sẽ thỏa sức cháy hết mình với thanh xuân, với khát vọng mà chính họ cũng không ngờ rằng họ sẽ có cơ hội để biến điều đó thành sự thật. Họ nhận ra rằng “hãy mạnh dạn thực hiện những điều mình mong muốn, mình đam mê, hãy sống hết mình khi còn có thể, đừng đợi đến lúc mất mới hối tiếc những gì chưa làm được khi còn trẻ. Đừng để phải nói chữ NẾU trong tuyệt vọng!”. Câu chuyện còn là bài học đẹp về tình bạn khi chính Hạ Nhiên đã chấp nhận “mất” để cho Mộc Lan được “sống” để Mộc Lan được trở về nói lời xin lỗi mẹ vì trước đây mình đã từng có lỗi với mẹ. Kịch có tính chất “xuyên không, viễn tưởng” nhưng những thông điệp lại rất gần với cuộc sống hiện nay. Kết thúc “mở” để mỗi người tự chọn cho mình một hành động đúng, một suy nghĩ chín chắn sau khi xem xong.
Một số hình ảnh của tiểu phẩm
Các diễn viên trong kịch bản "NẾU"
- Câu chuyện thứ hai “HIẾU”: (tác giả: Hoa Lý) Bà Hồng có 2 người con gái là Mai và Lan. Mai là con gái lớn, cô đã lên thành phố làm việc, rất ít về thăm nhà. Lan là con gái út sống chung với mẹ và là người chăm sóc mẹ hàng ngày. Từ lúc Mai đi làm ăn xa, bà Hồng lúc nào cũng thương nhớ con, bà thường điện thoại cho con nhưng thường là Mai không nghe máy, có nghe cũng chỉ nói được vài câu qua loa và thường chỉ hỏi đến câu “hết tiền rồi à, vừa mới gửi xong mà”. Thấy bà hay buồn nên bác Năm hàng xóm thường xuyên qua nhà thăm hỏi và luôn tìm cách làm bà Hồng vui. Ông và Lan cũng không hài lòng khi Mai đối xử với bà Hồng như thế. Khi biết được tin tháng sau Mai về thăm, Lan và ông Năm đã bày ra màn kịch: bà Hồng mất để dạy cho Mai bài học về lòng hiếu thảo. Hiếu với cha mẹ không phải tiền là tất cả. Mai hối hận và nhận ra lỗi lầm của mình. Mai hối hận và nhận ra lỗi lầm của mình và cả gia đình lại sum họp, vui vẻ, cùng nhau ăn bữa cơm ấm cúng của gia đình. Đây là tiểu phẩm kịch nói nhưng được lồng ghép những câu vọng cổ một cách hợp lý đã làm tăng sự phấn khích cho khán giả khi xem.
Một số hình ảnh của tiểu phẩm
Các diễn viên trong kịch bản "HIẾU"
- Câu chuyện thứ ba “DANH”: (tác giả: Phong Linh) Ông Hoàng Lâm là một nhà khoa học nổi tiếng, cũng là một người thích chơi tranh, ông có một đứa con là Hoàng Minh bị câm điếc. Do ông mặc cảm với danh tiếng nên đã nhốt đứa con duy nhất của mình vào phòng tối. Ông nghe được những lời dị nghị và đàm tiếu từ dư luận nhưng ông đã bỏ qua tất cả và tìm mọi cách phản đối chối bỏ sự thật đó, kể cả đối với những người bạn thân nhất của ông. Ngày ông nhận giải thưởng khoa học và được phong hàm giáo sư, ông tổ chức tiệc với thành phần là những người thuộc tầng lớp “tinh hoa” tại nhà mình. Câu chuyện đứa con lại được mọi người bàn tán. Ông nổi giận và đuổi tất cả. Ông nằm mơ thấy đưa con mình đi học bị bạn bè trêu chọc và đánh đập. Ông thấy con mình được đưa vào trong bệnh viện và bị một y tá mỉa mai khi không nghe được, không nói được. Cuối cùng ông thấy con mình đã tự tử chết khi không chịu được sự phân biệt đối sử của người đời. Ông giật mình thức dậy, đúng vào lúc cô em gái (Mai) của ông dẫn theo mọt đứa con nuôi là Bảo An đến thăm. Em gái tặng cho ông bức tranh mà ông yêu thích nhưng chưa sưu tầm được. Nhờ em gái, ông được gặp tác giả đã vẽ bức tranh này, đó chính là bé Bảo An. Ông chưa tin về tác giả đã vẽ bức tranh thì Mai đã tiếp tục khoe con gái mình. Bảo An là một đứa bé bị câm điếc và bị gia đình nhốt giống như ông đã làm với con trai, sau khi Bảo An được đưa vào trung tâm chăm sóc trẻ em đã được học rất nhiều điều bổ ích, cô bé biết đọc biết vẽ và sống yêu đời. “Trẻ em cho dù có khuyết tật thì vẫn phải luôn được yêu thương, chỉ có tình thương mới giúp những đứa trẻ ấy hòa nhập với cuộc sống và biết đâu chúng lại là những thiên tài”. Câu nói ấy của Mai và hình ảnh bé Bảo An vui tươi nhảy múa, hát ca làm cho Hoàng Lâm chợt nhận ra những lỗi lầm mà ông đã gây cho con trai. Ông gào thét đi tìm con, nhưng Mai đã thức tỉnh ông, cho biết là ông đã ngộ nhận con trai mình còn sống nhưng thực ra con ông đã chết rồi. Ông đau đớn gục ngã bên bàn thờ con trai. Danh vọng là gì nếu trong gia đình chúng ta không thực sự có một cuộc sống hạnh phúc, chúng ta đối xử tàn nhẫn với người thân của mình? Tiểu phẩm các diễn viên còn có sử dụng thủ ngữ (ngôn ngữ dành cho người câm, điếc) trong biểu diễn.
Một số hình ảnh của tiểu phẩm
Các diễn viên trong kịch bản "DANH"
- Câu chuyện thứ tư “HẸN”: (tác giả: Linh Linh, Duy Đoan) Bối cảnh câu chuyện là Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước. Hùng là con trai của chủ một tiệm vải lớn ở Sài thành. Cậu đem lòng yêu say đắm cô ca sĩ Đài Trang - một danh ca nổi tiếng của phòng trà Liên Oanh lúc bấy giờ. Trong quãng thời gian yêu nhau, Hùng đã tặng cho Đài Trang một sợi dây chuyền và một bức tranh tự hoạ của bản thân để chứng minh tình yêu mình dành cho cô. Tuy nhiên, việc Hùng và Đài Trang yêu nhau luôn bị gia đình Hùng ngăn cấm quyết liệt vì cho rằng Đài Trang là “xướng ca vô loài- con hát thiên hạ”, chỉ vì tiền mới đeo bám lấy Hùng. Một lần nọ trong buổi tiệc tại nhà Đốc Lý, Hùng bị Mẹ con nhà Đốc Lý chuốc say, gài bẫy, tạo hiện trường giả rằng đã cùng trăng hoa với con gái của Đốc Lý là Ngọc. Mục đích của bà Đốc Lý là muốn dùng Hùng để làm cha cho cái thai chữa hoang của Ngọc, sau những lần ăn chơi sa đoạ của cô ta. Hùng vì gia đình thiếu nợ Đốc Lý và vì nghĩ mình phải có trách nhiệm với cái thai của Ngọc nên chia tay Đài Trang. Hùng không ngờ rằng Đài Trang đang mang trong người giọt máu của cậu. Từ khi về làm rể nhà Đốc Lý, Hùng luôn bị coi thường, chì chiết và phải làm lụng chẳng khác gì một người ở. Cả mẹ của Hùng cũng phải chịu những lời khinh miệt của Mẹ con Đốc Lý trong những lần đến thăm con dâu. Một ngày nọ, Hùng vô tình biết được sự thật mình bị lừa, bị gài bẫy nên uất hận bỏ đi, quyết định đi tìm lại Đài Trang để chuộc lại lỗi lầm. 8 năm sau, trên đường đi tìm Đài Trang, cậu đã vô tình gặp bé Bỉ Ngạn, cô bé có sợi dây chuyền giống Đài Trang. Trong lúc trú mưa ở nhà Bỉ Ngạn, Hùng gặp lại má Liên Oanh - chủ phòng trà ngày xưa nơi Đài Trang từng biểu diễn. Hùng mang niềm hy vọng gặp lại Đài Trang mãnh liệt nhưng bị từ chối, xua đuổi. Khi nghe giọng hát của Đài Trang cất lên, Hùng bất chấp vào nhà để gặp Đài Trang nhưng giờ đây nữ danh ca một thời đã trở thành một người điên, không còn nhận ra cậu là ai, chỉ biết ôm khư khư bức tranh tự hoạ của Hùng và nhìn cậu bằng ánh mắt sợ sệt. Mọi thứ như vỡ oà khi cậu nghe Bỉ Ngạn gọi Đài Trang là “má”. Hùng nhen nhóm sự vui mừng và muốn nhận lại con. Thế nhưng, với những gì Hùng đã gây ra cho Đài Trang, má Liên Oanh rất uất hận, và đuổi cậu ra khỏi nhà vì muốn bảo vệ mẹ con Đài Trang, sợ họ phải chịu đau khổ thêm lần nữa. Đài Trang lúc điên lúc tỉnh, vội chạy đến bên cánh cửa đã đóng chặt, mọi kí ức như trở về trong phút chốc. Hùng và Đài Trang chỉ biết chôn chặt nỗi đau thương, lỡ làng của kiếp này, hẹn nhau một kiếp sau sum vầy, trọn vẹn. Chất Melo của kịch được đẩy lên đến đỉnh điểm khi kết thúc, ánh sáng của phòng trà, câu ca của bài Hẹn Hò (nhạc sĩ Phạm Duy) mà Đài Trang đã làm say đắm Hùng thuở nào giờ đây như những nhát dao chém thẳng vào tim cậu, làm người xem không cầm được nước mắt:
“Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu.
Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào.
Trời thì mưa rơi mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau.
Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu.
Cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau cách một biển sâu…”
Một số hình ảnh của tiểu phẩm
Các diễn viên trong kịch bản "HẸN"
- Câu chuyện thứ năm “NGHIỆP”: (tác giả: Thu Hà, Phương Nhi) Câu chuyện xoay quanh gia đình nhà Huỳnh Gia, một gia đình giàu có bậc nhất, kẻ hầu người hạ và mang đậm tư tưởng hà khắc, trọng nam khinh nữ, luôn muốn có con trai để nối dõi tông đường. Bà Diễm sau khi chồng mất còn người con trai duy nhất là cậu Hai Thành. Thành đến với Tâm vì tình yêu, bất chấp sự ngăn cản của gia đình nhưng Tâm lại không thể có con. Bà Diễm coi Tâm là một tội đồ, một cái gai trong mắt mình, ngày ngày nhiếc móc, rủa xả. Vì với bà “cây độc không trái, gái độc không con” Tâm khép mình, ăn chay niệm phật trong suốt thời gian còn lại. Cậu Hai Thành nhu nhược nghe theo lời mẹ lấy thêm bà hai San về làm vợ, sau bà San cũng chỉ đẻ được cho Huỳnh Gia được một đứa con gái. Bà Diễm lại tiếp tục cưới thêm cho con trai mình người vợ ba là Phúc, may mắn thay cô gái này hạ sinh được một quý tử. Từ ngày Phúc về làm dâu và nhất là sau khi hạ sanh con trai bao nhiêu chuyện liên tiếp xảy ra, tắc sữa, con bệnh đau ốm liên miên, đỉnh điểm là đứa con trai duy nhất của Phúc, cháu đích tôn của gia đình bà Diễm bị giết chết! Mọi người trong gia đình đều lầm tưởng là bà Hai San tìm cách trả thù, bởi bà San là người miệng luôn nói lời cay độc nhưng thực ra trong tâm không có gì. Sau mọi chuyện bị bại lộ, mọi người trong gia đình đều hết sức hoảng loạn, bất ngờ khi kẻ chủ mưu đứng sau tất cả những kế sách tàn ác đó là Tâm - người luôn cam chịu nhún nhường, chỉ biết ăn chay niệm Phật. Tay sai của Tâm chính là Liễu, lợi dụng Liễu đang cần tiền chữa bệnh cho cha, Tâm đã ép Liễu phải làm chuyện thất đức. Sau đó, chính Liễu là người đã nói ra tất cả sự thật. Tâm không giấu được nữa, lên tiếng cho những nỗi đau đè nén, những uất ức trong lòng mình suốt mười mấy năm về làm dâu bị đối xử tàn ác. Phúc vì mất đi đứa con nên hoá điên, không gian u ám, khổ đau, mất mát bao trùm lên cả căn nhà. Mỗi người phụ nữ có một nỗi đau riêng nhưng cũng chung từ một nguyên nhân mà câu nói cuối cùng của Tâm như nói lên tất cả “Từ bao giờ mà hạnh phúc của một người phụ nữ lại được quyết định bởi đứa con mà họ mang trong bụng!”. Kịch kết thúc, cũng là lúc dưới khán phòng có những tiếng thút thít, những giọt nước mắt đồng cảm …bi kịch đã chạm vào tận nơi sâu lắng nhất của phụ nữ bất kể thời đại nào.
Một số hình ảnh của tiểu phẩm
Các diễn viên trong kịch bản "NGHIỆP"
- Câu chuyện thứ sáu “SĨ”: (tác giả: Phong Linh) Quan Tổng Trấn là một kẻ ngu si, đặc biệt rất thích quần áo mới để khoe khoang mỗi khi ra đường. Xung quanh ông là những kẻ nịnh thần, sẵn sàng nói những điều sai sự thật nhưng miễn làm cho ông hài lòng. Ông muốn gì thì sẽ được cung phụng đầy đủ ngay tức thì, phủ của ông thì toàn người quen biết được tuyển vô làm. Quan Huyện Minh tìm cho ông ta một Thầy may nổi tiếng từ xứ Ả Rập, chuyên may những bộ trang phục độc đáo có một không hai mà có những người thông minh mới nhìn thấy chiếc áo ấy. Quan Tổng rất thích thú với việc làm này của huyện Minh và hứa sẽ hậu đãi xứng đáng. Cung cấp những nguyên vật liệu như vàng, bạc, ngọc trai…cho thầy trò ông thợ may xong quan Tổng chờ ngày làm lễ mặc chiếc áo có một không hai này. Khi áo được may xong dù không nhìn thấy gì nhưng tất cả mọi người vẫn cố tỏ ra là mình thông minh nên ai cũng ra sức khoe sự đặc biệt của chiếc áo từ đường kim, mũi chỉ, đến màu sắc, và những bức tranh phượng, rồng được thiêu trên áo. Lễ mặc áo mới được tổ chức hoành tráng, tất cả dân làng tập trung về phủ để xem chiếc áo quan lớn mặc. Trong khi cả đám nịnh thần ra sức ca ngợi chiếc áo thần thánh “có mặc như không” này thì một đứa bé chỉ ra sự thật rằng "quan lớn ở truồng". “Kẻ ngu hay sĩ” và lời nhắc nhở những kẻ làm quan mà quan liêu, thích sống bằng những lời lẽ đường mật của cấp dưới thì cuối cùng chỉ làm “trò hề” cho thiên hạ mà thôi. Tuy là hài kịch dân gian, nhưng tư tưởng của vở diễn không cũ chút nào đối với cuộc sống hiện nay.
Một số hình ảnh của tiểu phẩm
Các diễn viên trong kịch bản "SĨ"
Thầy cô, Đại biểu chụp hình lưu niệm cùng lớp 11.3
Chương trình thi kết thúc học phần “Nghệ thuật diễn xuất” lớp Đại học QLVH 11.3, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đã được thu hình và dự kiến sẽ được phát sóng trên kênh HTVC Thuần Việt - Đài Truyền hình TP.HCM, và các Đài truyền hình tỉnh, thành khác.
Giảng viên hướng dẫn: Thạc sĩ-đạo diễn Hoàng Duẩn (Huỳnh Công Duẩn)
Tài trợ phát sóng: HTVC Thuần Việt-HTV
Tài trợ âm thanh, ánh sáng: Công Ty TNHH Công nghệ quốc tế DHT Miền Nam
Tài trợ, hỗ trợ ghi hình: Công ty TNHH Tổ Chức Biểu diễn Phiêu Linh; Nhóm quay phim Chung Huy;
Bài: Nhóm Truyền thông -Tấn Thành – HCD
Ảnh Hoàng Duẩn - Tấn Thành - CTV
-
06082020
-
23072022
-
04112019
-
27102018
-
26062020
-
31102019
-
08062018
-
02102022
-
22102019
-
13032021
-
02102021
-
13062018