KỊCH SINH VIÊN NGÀY CÀNG KHỞI SẮC

07
04
'18

Chỉ là những diễn viên tay ngang nhưng nhiều vở kịch của SV các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM đã tạo được dấu ấn sâu đậm.

 

Hinh 4

Một cảnh trong vở diễn “Ngược dòng ký ức”

Chỉn chu và đầy tâm huyết

Thời gian qua, nhiều vở kịch của SV đã tiếp tục bước ra sân khấu lớn, hứa hẹn sẽ có thêm những luồng gió thanh xuân thổi vào làng kịch nói. Đầu năm 2018, SV Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã tổ chức dàn dựng và biểu diễn vở kịch “Ngược dòng ký ức” (kịch bản và dàn dựng do tập thể lớp quản lý văn hóa 14 thực hiện, chỉ đạo nghệ thuật là thạc sĩ, đạo diễn Hoàng Duẩn).

Theo dõi “Ngược dòng ký ức”, nhiều khán giả vẫn say sưa, bất ngờ và vỗ tay liên tục. Không bất ngờ sao được, vì chẳng ai được học một ngày nào về sân khấu nhưng diễn khá ngọt ngào. Khán giả ấn tượng với một kịch bản đầy đặn và khả năng diễn xuất của SV hay đến nỗi khán giả phải lau nước mắt.

Tuy là kịch tuyên truyền, thông tin lưu động, nhưng chất lượng nghệ thuật, sức lay động và kịch tính đã khiến người xem có nhiều rung cảm sâu sắc. Đặc biệt, vở kịch được các bạn SV dàn dựng khéo léo, có chiều sâu, có sự kết hợp hợp lý giữa nội dung và âm nhạc, gây xúc động với khán giả. Sau buổi công diễn tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, vở kịch “Ngược dòng ký ức” đã được chỉnh sửa để hoàn thiện hơn, sau đó được tổ chức biểu diễn giao lưu tại các đơn vị quân đội, các trung tâm văn hóa, các quận, huyện đoàn trên địa bàn thành phố, thiết thực chào mừng ngày hội tòng quân đầu năm 2018. Trong năm nay, vở kịch tiếp tục nhận được nhiều lời mời từ một số đơn vị nhà văn hóa quận, huyện. Chính sự chỉn chu, đầy tâm huyết của những diễn viên kịch tay ngang này đã đem đến cho người xem sự mới mẻ, niềm hứng khởi.

Sau khi thi kết thúc môn tại trường, tác phẩm “Ngược dòng ký ức” đã được Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa Q.8 mời biểu diễn và được chi trả toàn bộ chi phí. Điều này cho thấy “sản phẩm” của chính các SV trong trường ĐH đã được xã hội công nhận và đánh giá cao. Đó cũng chính là việc đào tạo văn hóa nghệ thuật theo định hướng ứng dụng đã đi đúng hướng và đạt được kết quả.

Mong những dự án dài hơi

Tại một số trường ĐH trên địa bàn TP.HCM hiện nay, sân chơi văn hóa nghệ thuật cho SV đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nhóm kịch SV vẫn là tài chính. Để có được những vở kịch chất lượng cho khán giả, SV phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để đầu tư nội dung, trang phục… Vượt qua những trở ngại đó, nhiều vở kịch của SV đã góp thêm làn gió vào sân khấu kịch TP.

Tại một số trường ĐH trên địa bàn TP.HCM hiện nay, sân chơi văn hóa nghệ thuật cho SV đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nhóm kịch SV vẫn là tài chính. Để có được những vở kịch chất lượng cho khán giả, SV phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để đầu tư nội dung, trang phục… Vượt qua những trở ngại đó, nhiều vở kịch của SV đã góp thêm làn gió vào sân khấu kịch TP.

Cách đây không lâu, từ phục vụ SV trong trường, các bạn SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã được Sân khấu kịch Hồng Hạc (Q.3, TP.HCM) mời biểu diễn vở “Tấm và Hoàng hậu”. Phát triển kịch trong SV là điều rất khó, nhưng đáng trân trọng, cần thiết và nên làm càng sớm càng tốt. Năm 2014, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã tổ chức cuộc thi GALA SV cười, lúc đó diễn viên/ SV Nguyễn Thị Phương Lan đã đạt giải nhất cá nhân. Hiện nay, Phương Lan trở thành một trong những diễn viên duyên dáng được yêu thích tại Sân khấu Kịch Thế Giới Trẻ và đang là cái tên xuất hiện rất nhiều trên các chương trình truyền hình. Tổ chức sân khấu kịch trong SV sẽ giúp chúng ta tìm ra các tài năng sân khấu kịch nói cho tương lai.

Khán giả còn yêu sự diễn xuất của SV bởi sự thanh xuân, trong trẻo, khác hẳn với các diễn viên chuyên nghiệp trường lớp đang mải mê chạy theo kịch thị trường. Thế nên, một số vở diễn của SV cần được diễn rộng rãi hơn. Nắm bắt điều này, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM sẽ thành lập trung tâm văn hóa nghệ thuật và một trong những hoạt động trong đó sẽ là việc tổ chức dàn dựng và biểu diễn các vở kịch SV. Theo thạc sĩ, đạo diễn Hoàng Duẩn, “ưu điểm của các vở kịch của SV lại là việc chính các SV đam mê, có trách nhiệm đã tự tổ chức một vở kịch phản ánh đúng tâm lý, tình cảm và những vấn đề mà các bạn SV quan tâm. Việc “chạm đúng” tâm lý của bạn bè cùng trang lứa sẽ thu hút các SV đến xem chương trình. Không ai hiểu tâm lý SV bằng chính các bạn SV. Nếu hiểu đúng bản chất của sân khấu kịch (kịch nói, nhạc kịch) thì khó có hình thức nghệ thuật nào phản ánh hiện thực xã hội một cách nhanh chóng, sâu sắc và toàn diện như loại hình này, đây cũng là lý do vì sao kịch có vai trò quan trọng trong cuộc sống”.

Kịch trong SV đã từng có nhưng một thời gian dài nó không còn duy trì nữa vì nhiều lý do. Một thực tế dễ nhìn thấy là sân khấu kịch chuyên nghiệp còn khó khăn trong việc tìm khán giả thì kịch SV sẽ càng khó khăn hơn. Chính tâm lý đó đã làm cho các SV đam mê sân khấu kịch dễ nản lòng. Tuy nhiên, sân khấu kịch SV đã và sẽ luôn có giá trị cho chính cuộc sống của những người trẻ. Việc xuất hiện các vở diễn SV hiện nay là tín hiệu vui cho mảng sân khấu dành cho HS-SV nói chung và kịch SV nói riêng.

Yên Hà

Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn/kich-sinh-vien-ngay-cang-khoi-sac.htm

 

Từ khóa: