HỒ SƠ THỰC TẬP GIỮA KHÓA VÀ CUỐI KHÓA - KHOA QLVH,NT
QUI ĐỊNH THỰC TẬP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA TP.HCM KKHOA QUẢN LÝ VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT
Số: /QĐ- KQLVH,NT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tp. Hồ Chí Minh, ngày tháng năm 2018
|
QUY ĐỊNH
(Về việc thực tập giữa khóa và thực tập cuối khóa)
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
- Phạm vi áp dụng
Quy định này áp dụng cho việc tổ chức thực tập giữa khóa và thực tập cuối khóa đối với khối đại học, cao đẳng hệ chính quy, hệ vừa làm vừa học, hệ liên thông trình độ đại học từ trình độ cao đẳng và từ trình độ trung cấp các ngành đào tạo của khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật.
2. Đối tượng áp dụng
- Sinh viên – học viên (SV-HV) ngành Quản lý văn hóa.
- Phụ trách hướng dẫn, gồm: giảng viên của khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật; đại diện đơn vị, cá nhân hướng dẫn tại nơi SV-HV thực tập.
Điều 2. Mục tiêu thực tập
Sau đợt thực tập, SV-HV có thể:
- Thực tập giữa khóa
- Mô tả được đặc điểm, hoạt động nghiệp vụ tại các cơ quan, doanh nghiệp...
- Thực hiện các công việc theo sự phân công của cơ sở thực tập.
- Chấp hành nội quy, quy định của khoa, trường và cơ sở thực tập.
- Thực tập cuối khóa
- Áp dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề về quản lý hoạt động văn hóa, xã hội, nghệ thuật.
- Hoàn thành có sáng tạo các công việc được giao trong quá trình thực tập.
- Có ý thức chủ động phối hợp với cơ sở thực tập khi thực hiện công việc.
Điều 3. Nội dung thực tập
Nội dung thực tập phải phù hợp với chương trình đào tạo của từng chuyên ngành và được Khoa/ Bộ môn thường xuyên xem xét, điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế. SV-HV được giao nhiệm vụ tìm hiểu tổng thể, nghiên cứu sâu hoặc thực hiện một trong những nội dung thực tập theo đề cương thực tập của khoa hoặc theo khả năng, nguyện vọng của bản thân và những yêu cầu khác của cơ sở thực tập.
Điều 4. Thời gian thực tập
- Thực tập giữa khóa
Sau khi học xong phần Kiến thức cơ sở ngành và Kiến thức ngành, SV-HV thực tập 04 tuần (tương đương 02 tín chỉ/ 02 đơn vị học trình) theo thời gian làm việc của cơ sở thực tập.
- Thực tập cuối khóa
Sau khi hoàn thành chương trình học, SV-HV bậc cao đẳng thực tập 12 tuần, bậc đại học thực tập 08 tuần (tương đương 04 tín chỉ/ 04 đơn vị học trình), theo thời gian làm việc của cơ sở thực tập.
Điều 5. Trách nhiệm tổ chức thực tập
1. Đối với Khoa/Bộ môn
- Tìm kiếm cơ sở thực tập phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo; tiến hành trao đổi, thống nhất với cơ sở thực tập về nội dung thực tập, theo dõi, quản lý, đánh giá quá trình thực tập, sắp xếp chỗ ăn, ở, đi lại cho SV-HV.
- Lập kế hoạch, dự trù kinh phí thực tập trình Hiệu trưởng phê duyệt.
- Xây dựng đề cương thực tập và định kỳ điều chỉnh hằng năm cho phù hợp với nội dung, mục tiêu yêu cầu đào tạo và điều kiện cụ thể của cơ sở thực tập.
- Phổ biến kế hoạch thực tập, nội dung thực tập, đề cương thực tập cho SV-HV trước thời điểm thực tập 30 ngày.
- Chủ động liên lạc, phối hợp với cơ sở thực tập đưa SV-HV đi thực tập.
- Phân công giảng viên hướng dẫn quản lý quá trình đi thực tập và chấm báo cáo thực tập của SV-HV.
- Phối hợp với cơ sở thực tập giám sát, hỗ trợ SV-HV trong quá trình thực tập và tổ chức tổng kết, đánh giá đợt thực tập.
2. Đối với cơ quan thực tập
- Phối hợp với Khoa chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn SV-HV trong quá trình thực tập và tổng kết, đánh giá kết quả thực tập; có kế hoạch triển khai, phối hợp với giảng viên hướng dẫn của Khoa thực hiện tốt công việc, đảm bảo SV-HV được thực tập trong điều kiện tốt nhất.
-
Phân công người phụ trách hướng dẫn SV-HV trong suốt quá trình
thực tập. - Người phụ trách hướng dẫn có trách nhiệm phối hợp với giảng viên hướng dẫn của Khoa đánh giá kết quả thực tập của SV-HV.
- Được nhận một khoản thù lao trích từ học phí/ lệ phí thực tập của SV-HV.
3. Đối với giảng viên hướng dẫn của Khoa
- Tư vấn, hướng dẫn SV-HV, nhóm SV-HV lựa chọn, đăng ký địa điểm thực tập, chuyên đề nghiên cứu thực tập phù hợp với chuyên ngành được đào tạo đúng quy định của Khoa chuyên môn.
- Hướng dẫn SV-HV làm đề cương/kế hoạch thực tập, viết báo cáo thực tập hoặc chuyên đề nghiên cứu.
- Duyệt đề cương/kế hoạch thực tập; đề cương chi tiết đối với các trường hợp viết chuyên đề.
- Xây dựng kế hoạch quản lý SV-HV trong quá trình thực tập.
- Chuẩn bị đầy đủ các thủ tục, giấy tờ phục vụ cho việc thực tập của SV-HV.
- Phối hợp với cơ sở thực tập tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội quy, quy định, kế hoạch thực tập của SV-HV và tổng kết đợt thực tập.
- Chấm báo cáo thực tập và hoàn tất thủ tục hướng dẫn thực tập; công khai đến SV-HV quy trình, cách thức kiểm tra, đánh giá thực tập của SV-HV.
- Các quyền lợi được hưởng theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường và Quy định của Khoa.
4. Đối với SV-HV
- Xác định và đăng ký cơ sở thực tập phù hợp với chuyên ngành và năng lực của bản thân.
- Thực hiện nghiêm túc các quy định, kế hoạch, đề cương thực tập, thời gian thực tập của Trường và Khoa.
- Thực hiện nghiêm túc quy định của cơ sở thực tập và yêu cầu chuyên môn của giảng viên hướng dẫn trong suốt quá trình thực tập, đồng thời phát huy tính độc lập, sáng tạo trong quá trình thực tập, nghiên cứu chuyên đề.
- Chủ động tích cực thích nghi với môi trường làm việc tại cơ sở thực tập; xây dựng mối quan hệ tích cực với mọi người trong cơ sở thực tập, đảm bảo uy tín của Khoa, của Trường.
- Thực hiện báo cáo tiến trình thực tập theo yêu cầu cụ thể của giảng viên hướng dẫn của Khoa và người phụ trách hướng dẫn tại cơ sở thực tập.
Kết thúc thực tập, SV-HV nộp cho giảng viên hướng dẫn: 01 báo cáo chuyên đề nghiên cứu (nếu viết chuyên đề nghiên cứu) hoặc 01 báo cáo thực tập (nếu không viết chuyên đề nghiên cứu), nhật ký thực tập, các phiếu đánh giá thực tập (để vào phong bì, niêm phong).Tất cả các sản phẩm, lao động sáng tạo của SV-HV có liên quan đến nội dung và quá trình thực tập đều phải có bản nhận xét, chữ ký lãnh đạo và đóng dấu của cơ quan thực tập.
- Hoàn thành nhiệm vụ đóng các khoản kinh phí theo quy định của trường.
Điều 6. Kinh phí hướng dẫn thực tập
- Kinh phí đi lại, ăn ở cho giảng viên hướng dẫn thực tập: theo Chế độ công tác phí trong Quy chế chi tiêu nội bộ hiện hành của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
- Kinh phí thanh toán cho giảng viên hướng dẫn thực tập được tính theo Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy định Chế độ làm việc đối với giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
-
Kinh phí bồi dưỡng cho người phụ trách hướng dẫn tại cơ sở thực tập được thực hiện dựa trên văn bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ giữa khoa và cơ sở
thực tập.
Điều 7. Quy trình
1. Bước 1: Khoa/Bộ môn phổ biến cho SV-HV quy định về việc đi thực tập, nội dung thực tập, đề cương thực tập; cung cấp các biểu mẫu liên quan đến việc thực tập; giới thiệu, tư vấn cho SV-HV chọn cơ sở thực tập.
2. Bước 2: SV-HV đăng ký thực tập dưới hình thức cá nhân hoặc nhóm. Mỗi nhóm từ 6 - 10 người.
3. Bước 3: Khoa/Bộ môn lập danh sách SV-HV đăng ký thực tập, phân công giảng viên hướng dẫn thực tập và trình Hiệu trưởng ra Quyết định.
4. Bước 4: Khoa chuyên môn phân công giảng viên hướng dẫn tổ chức duyệt đề cương/kế hoạch thực tập theo mẫu. Đề cương/kế hoạch thực tập được lập thành 02 bản: 01 bản gửi cho cơ sở thực tập, 01 bản SV-HV lưu.
5. Bước 5: SV đi thực tập theo Quyết định thực tập của Nhà trường.
6. Bước 6: Kết thúc đợt thực tập, SV-HV nộp báo cáo kết quả thực tập theo quy định. Khoa/Bộ môn tổ chức buổi báo cáo, đánh giá kết quả thực tập cho SV-HV.
Điều 8. Khen thưởng, kỷ luật
1. Khen thưởng
- SV-HV có thành tích xuất sắc trong đợt thực tập, tùy theo mức độ sẽ được Khoa và Nhà trường xem xét khen thưởng vào cuối học kỳ/khóa học.
- Giảng viên hướng dẫn có thành tích xuất sắc trong đợt hướng dẫn thực tập sẽ được ưu tiên trong việc xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, thi đua trong năm học.
2. Kỷ luật
- SV-HV trong thời gian thực tập, nếu vi phạm quy định về việc thực tập giữa khóa và thực tập cuối khóa sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của Trường và Khoa.
- SV-HV có hành vi gian lận trong quá trình thực tập sẽ bị kỷ luật theo Quy chế đào tạo và Quy chế công tác sinh viên của Trường; SV-HV không hoàn thành nhiệm vụ thực tập hoặc vắng hơn 30% thời gian thực tập sẽ không được công nhận kết quả thực tập, phải đăng ký và chi trả toàn bộ chi phí tổ chức thực tập lại.
- Giảng viên hướng dẫn thực hiện không đúng các điều trong quy định này, tùy tính chất của sự việc và trách nhiệm của các bên liên quan, lãnh đạo Khoa sẽ xem xét đề nghị Nhà trường hạ bậc thi đua, khen thưởng theo các Quy định về thi đua, khen thưởng và đánh giá, xếp loại lao động viên chức.
Điều 9: Tổ chức thực hiện
- Lãnh đạo khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật; Tổ trưởng Bộ môn; giảng viên hướng dẫn, giáo viên chủ nhiệm, SV-HV có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ được giao theo đúng kế hoạch, tiến độ.
- Trong quá trình thực tập, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc hay phát sinh, SV-HV và giảng viên hướng dẫn phải báo cáo với cá nhân/tổ chức quản lý (SV-HV báo cáo giảng viên hướng dẫn; giảng viên hướng dẫn báo cáo với Tổ trưởng Bộ môn, Trưởng khoa) để được trao đổi, hỗ trợ và giải quyết.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Quy định này được triển khai thực hiện từ năm học 2017 – 2018.
Nơi nhận: - Tổ bộ môn; - Giáo vụ khoa; - Giáo viên chủ nhiệm, Giảng viên hướng dẫn; - Các lớp đi thực tập; - Lưu: VT khoa. |
|
PHÓ TRƯỞNG KHOA PHỤ TRÁCH KHOA QUẢN LÝ VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT
Trịnh Đăng Khoa |