“Mai giao thừa rồi Tết” thành công ngoài mong đợi!

17
01
'19

Chiều 15/1/2019, chương trình nghệ thuật “Mai giao thừa rồi Tết” diễn ra ở Hội trường C trường ĐH Văn hóa TPHCM đã đưa hàng trăm trái tim khán giả chìm đắm cảm xúc qua các tiết mục đặc sắc được dàn dựng công phu bởi tập thể lớp Đại học quản lý văn hóa 10.3. Chương trình do thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa hướng dẫn chính cùng sự hỗ trợ của giảng viên Nguyễn Thị Thu Trang và các thầy cô Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật.

Dàn PGs xinh đẹp của chương trình Check in với Backdrop khu vực buffet Mứt Tết

Trước giờ diễn ra chương trình nghệ thuật “Mai giao thừa rồi Tết”, tại khu vực buffet đã thu hút khá nhiều các bạn sinh viên tham dự với những món ăn đặc sản miền Tây Nam Bộ như: Bánh tét chuối, bánh tét đậu, bánh ú tro, mứt gừng, mứt dừa... cùng nhiều loại món ăn khác..

Các bạn sinh viên lớp ĐH QLVH 10.1 chụp ảnh lưu niệm với Backdrop chương trình

Khu vực buffet Mứt Tết thu hút được nhiều bạn sinh viên tham dự và chụp ảnh lưu niệm với Backdrop chương trình

Thầy cô Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật chụp ảnh lưu niệm cùng Backdrop chương trình

Tinh thần hăng say, nhóm hậu cần và lễ tân nhanh chóng mời mọi người dùng buffet, hướng dẫn khán giả đến những hàng ghế. Đến khoảng 14:30, số lượng khán giả tham dự đã chiếm gần đầy số ghế mà hội trường có được. “Mai giao thừa rồi Tết” bước đầu như vậy đã thành công ngoài mong đợi bởi số lượng khán giả tham gia ngày càng đông đủ. Khách mời, các cơ quan thông tin, báo chí, thầy cô giáo, sinh viên và có cả những phụ huynh từ dưới quê xa xôi cũng đã đến tham dự chương trình của con em mình.

“Vạn hương mai” mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng đầy thanh thoát của một bức tranh muôn hoa đua nở trong những ngày vào xuân

Khai “tiệc” ấn tượng, tiết mục múa “Vạn Hương Mai” do nhóm múa của lớp cùng với sự góp mặt của các bạn sinh viên từ các lớp trong khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật đã chiếm được nhiều cảm tình từ quý khán giả tham dự. Một bức tranh mùa xuân với trăm hoa đua nở, được trình diễn duyên dáng, dàn dựng công phu, sân khấu đẹp, âm thanh ánh sáng chất lượng, sống động rực rỡ đã đưa khán giả có được cảm xúc trọn vẹn ngay từ những phút giây đầu tiên khi chương trình bắt đầu.

Bộ sưu tập “Hoa xuân” lung linh ra mắt khán giả

Tiết mục biểu diễn thời trang “Hoa xuân” tiếp nối sức nóng của khán giả tại hội trường với màn trình diễn áo dài xuân duyên dáng. Bắt nguồn cảm hứng độc đáo từ những đóa hoa đặc trưng ở miền Nam nở rộ vào mùa xuân, bộ sưu tập không chỉ khéo léo sử dụng màu sắc của loài hoa cho thiết kế của mình, mà còn ứng dụng cả hình dáng của đóa hoa để tạo ra những đường nét, hoa văn tinh tế. Điều đó đã lý giải vì sao tiết mục trình diễn thời trang “Bộ sưu tập Hoa xuân” vào ngày 15/1 nhận được sự đánh giá khá cao của vị khách mời của các đơn vị, thiết chế văn hóa, các công ty sự kiện lớn đến từ TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp, Bến Tre... Tiết mục quy tụ được những người mẫu đến từ lớp ĐH QLVH 10.3 và sự hỗ trợ của các sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật.

Tiểu phẩm kịch “Chiều giao thừa” tái hiện hình ảnh gia đình sum họp trong những ngày cuối năm

Người mẹ (Diễn viên Cẩm Tiên) dặn dò con cái phải nhớ nấu món canh khổ qua trong ngày Tết theo truyền thống gia đình

Chị Hạnh (Thiên Lý) dạy các em (Bé Mi Su Phượng Quỳnh, bé Phúc Nghĩa Nguyễn) không được quét nhà vào ngày Tết theo lời bà nội dặn

Diễn viên trong “Chiều giao thừa” chúc xuân quý khán giả

Những nét văn hóa của Tết cổ truyền vẫn còn in sâu trong tâm trí những người con đất Việt. Ngày Tết phải có đủ những món: canh khổ qua, thịt kho hột vịt, dưa cà củ kiệu..., trước giao thừa phải dựng được cây nêu... Rồi đừng quét rác ra cửa trong mùng 1, đừng hái cây, hái lá, không được xài tiền hay mua sắm... Tất cả đều được xuất hiện rất chân thật trong tiểu phẩm Kịch “Chiều giao thừa”. Một câu chuyện về những khát vọng nên duyên đôi lứa trong tình yêu, ước mong những điều an lành trong năm mới, những câu chúc xuân ấm lòng... Tiểu phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả qua những tràn vỗ tay, những tiếng cười rộn rã, tiếng hô hào náo nhiệt cả khán phòng mỗi khi diễn viên đã “ghi được điểm” trong tim “khách đến chơi nhà”.

Ngày tết Kính nhớ Tổ tiên là truyền thống quý báu từ bao đời nay của cha ông

Cả khán phòng lắng đọng hơn khi bắt đầu chuyển tới tiết mục múa “Giao thừa”, trên sân khấu lúc này là một bức tranh về giây phút thiêng liêng đêm giao thừa với hồi trống đến giờ cúng rước Tổ tiên, thắp hương trước bàn thờ thiêng, tận dụng cảnh trí ở tiết mục trước, thủ pháp ghép nối tiết mục mượt mà, dàn dựng tinh tế, từng bước chuyển động của diễn viên trên sân khấu được gắn với tiếng vỗ tay không ngừng từ phía hàng ghế khán giả. H15

Múa “Giao thừa” tái hiện khung cảnh con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ trong ngày lễ quan trọng nhất trong năm

Một trong những phần được chờ đợi nhiều nhất của chương trình cũng được xuất hiện, tiết mục Acapella “Vọng cổ tình xuân”. Được thể hiện bởi ca sỹ Lê Hoa Lý hiện đang là sinh viên lớp ĐH QLVH 11.3 trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Tiết mục nằm trong Chương 3 “Du xuân”, theo giọng hát là sự tái hiện hoạt cảnh du xuân trên sông với chiếc xuồng ba lá, những chàng trai cô gái ở tuổi cặp kê hát Acapella, ngân nga đôi câu vọng cổ.

Lấy ý tưởng từ những điểm tương đồng về văn hóa Tết cổ truyền, kết hợp với lối dàn dựng chọn lọc những điểm nổi bật, đặc trưng trong văn hóa Tết của các nước phương Đông: Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam; tiết mục Liên khúc “Ngày Tết du xuân” đã mang không khí Tết từ các nền văn hóa của các nước láng giềng về tề tựu “chung một mái nhà” ngay trên sân khấu ĐH.Văn Hóa TP.HCM... không cần đi đâu xa cũng có thể hình thấy một cái Tết trọn vẹn nghĩa tình, cái Tết trong thời kỳ hội nhập, các nước phương Đông có cùng văn hóa Tết như Việt Nam.

Chương trình khép lại bằng ca khúc có tiết tấu vui nhộn và dễ thương, ca khúc “Vui như Tết”, sáng tác Châu Đăng Khoa, với phần trình diễn của nhóm hát của lớp.

Đa số khán giả tham dự đã đánh giá cao chương trình “Mai giao thừa rồi Tết” của tập thể lớp Đại học Quản lý văn hóa 10.3. Bởi chương trình đã mang lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc từ sâu lắng đến tươi vui, đặc sắc trong từng tiết mục. Một vị phụ huynh tham gia chương trình cho biết: “Tôi đặc biệt hài lòng vì lần này các em lớp Đại học Quản lý văn hóa 10.3 đã thể hiện sự trưởng thành của các em thông qua chương trình “Mai giao thừa rồi Tết”, có thể thấy các em đã rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm từ 2 chương trình trước, và quan trọng là các em đã vận dụng đúng những kiến thức học được từ thầy Ths Trịnh Đăng Khoa, đưa vào thực tiễn, do đó chương trình gặt hái được thắng lợi thế này cũng là điều hết sức hiển nhiên, xin chúc mừng các em!”

Để chương trình được thành công, tập thể lớp xin cám ơn sự đồng hành cùng chương trình của các nhà tài trợ từ các công ty: Công ty Công nghệ Quốc tế DHT Group, đã hỗ trợ âm thanh ánh sáng chuyên nghiệp với tổng chi phí lên đến 50.000.000 đồng, công ty VIET BAMBOO BIKE, Công ty Truyền Thông sự kiện Việt, Công ty The Blue Cricle đã tài trợ hiện kim giúp chương trình thêm phần kinh phí được thực hiện chất lượng như mong đợi của thầy trò Tập thể lớp QLVH 10.3; nhãn hiệu ALL ABOUT THE MASK tài trợ mặt nạ Hàn Quốc đang được nhiều bạn trẻ yêu thích và tin dùng đưa vào chương trình làm quà tặng gửi đến thí sinh tham gia Minigame.

Thầy đạo diễn Hoàng Duẩn và Thầy Biên đạo múa Võ Nguyễn Thành Nhân luôn quan tâm, giúp đỡ tập thể lớp và hoàn thành tốt nhiều chương trình

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Thế Dũng, các thầy cô chụp hình lưu niệm cùng tập thể lớp

Tập thể lớp, các bạn sinh viên hỗ trợ biểu diễn chụp hình cùng Thầy Trịnh Đăng Khoa và Thầy cô đến tham dự chương trình

Thành công hơn mong đợi của chương trình “Mai giao thừa rồi Tết” được tạo nên nhờ sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ từ tập thể lớp với nhau, dưới sự dìu dắt tận tâm của thầy Ths Trịnh Đăng Khoa và cô Nguyễn Thị Thu Trang. Bên cạnh đó, còn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu tổ chức, sự nỗ lực của các bộ phận thiết kế sản phẩm, khâu quảng bá tiếp thị… Sự giúp đỡ từ thầy Võ Nguyễn Thành Nhân (biên đạo các tiết mục múa), cô Lê Thị Vương Nguyệt (dựng ca), thầy đạo diễn Hoàng Duẩn (cố vấn phần Tổ chức biểu diễn và diễn xuất), thầy Nguyễn Nam Ninh (cố vấn thiết kế sân khấu), diễn viên Tấn Phát (kịch bản và tập luyện tiểu phẩm kịch), đã góp phần xây dựng nên một chuỗi các tiết mục với tính hấp dẫn cao, chất lượng tốt và có sức hấp dẫn trong lòng khán giả.

Chương trình đã chính thức kết thúc nhưng dư âm của “Mai giao thừa rồi Tết” để lại trong lòng khán giả vào dịp Tết Kỷ Hợp 2019 này có lẽ sẽ là những ấn tượng, cảm xúc khó quên.

Tuyết Ngân

Ảnh Lee Do

 

Từ khóa: