TÁC ĐỘNG CỦA CMCN 4.0 ĐẾN ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHO LĨNH VỰC VĂN HÓA NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

10
04
'20

How is the  Fourth Industrial Revolution affect to training human resource for Art and Culture in Vietnam The Fourth Industrial Evolution

                         Ths. Lê Hồng Khanh

Tóm tắt

CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Việt Nam. Thực trạng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật bên cạnh một số chuyển biến mới vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế. Một số giải pháp chính đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0 là đổi mới nội dung, đẩy mạnh phương thức đào tạo trực tuyến, đào tạo văn hóa nghệ thuật theo khung chuẩn quốc gia và khu vực, hiện đại hóa cơ sở vật chất, mở rộng giao lưu hợp tác đào tạo trong nước và quốc tế, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ nghiên cứu giỏi.

How is the  Fourth Industrial Revolution affect to training human resource for Art and Culture in Vietnam The Fourth Industrial Evolution has taken place all over the world and it affect to all the field of human life, include art and cultural field. The reality of training human resource for Art and Culture in Viet Nam has some positive change but beside that, it still have some limitation.Some solution to resolve this problem is Changing the  content- Promote the online training, Using the national form in training- Modernize the facility, Expand the exchange relationship or cooperate training inside and outside the country, Build the high quality  teacher, researcher team.

  1. Vài nét về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới và thực trạng Việt Nam trong việc đáp ứng ứng yêu cầu của cách mạng 4.0
  • Vài nét về cách mạng công nghiệp 4.0

Trong thời kỳ cận - hiện đại, nhân loại đã lần lượt diễn ra 4 cuộc cách mạng công nghiệp với những đặc trưng và trình độ phát triển ngày một cao. Xuất hiện trong những năm gần đây, CMCN 4.0 dựa trên nền tảng số hóa, đặc biệt là việc sử dụng phổ biến Internet của cuộc CMCN 3.0 nhưng mang một bản chất khác. Nội dung của CMCN 4.0 là sự phát triển hệ thống liên kết thế giới thực và ảo trên cơ sở internet kết nối vạn vật. Tiểu biểu cho CMCN 4.0 là sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo. Việc tạo ra trí tuệ thông minh nhân tạo đã tạo ra bước ngoặt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thạc sĩ Lê Hồng Khanh tham dự sự kiện Thi kết thúc học phần của sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật và trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Cam Lợi - Cam Ranh

Đối với nền sản xuất, CMCN 4.0 thay đổi mô hình sản xuất từ tập trung sang phân cấp. Trước kia, sản xuất công nghiệp chủ yếu dừng lại ở việc con người tác động vào máy móc thiết bị để làm ra sản phẩm. Tiến hơn một bước nhờ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nền sản xuất hiện đại, con người có thể cho sản phẩm tiếp xúc với máy móc thiết bị nhằm giúp máy móc thiết bị biết là cần phải làm gì để hoàn thành sản phẩm.

Các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn trong cuộc cách mạng này có thể chia thành ba nhóm về vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Công nghệ vật lý đạt thành tựu cơ bản trong việc sáng tạo xe tự lái, công nghệ in 3D, rôbôt cao cấp và các vật liệu mới. Đối với công nghệ kỹ thuật số, thành tựu đỉnh cao là sự ra đời internet kết nối vạn vật (IoT). Về sinh học, lĩnh vực này trong những năm gần đây đạt được nhiều tiến bộ trong công nghệ sinh học như công nghệ gen, tế bào, visinh, enzim. Công nghệ sinh học nói chung, di truyền nói riêng đã có tiến bộ vượt bậc thời gian gần đây.

Cuộc CMCN 4.0 diễn ra với tốc độ cao thể hiện ở những bước đột phá chưa từng có trong lịch sử. Phạm vị lan rộng toàn cầu và ảnh hưởng trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, mọi sinh hoạt văn hóa xã hội. “Phạm vi ảnh hưởng của cuộc cách mạng này rất rộng, từ việc thay đổi cách thức giao tiếp, quản lý của các chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, thay đổi cách thức tương tác giữa các doanh nghiệp và cuối cùng là thay đổi cách thức sinh hoạt của người dân”[1]

CMCN 4.0 đã thúc đẩy các quốc gia trên thế giới đưa ra chiến lược và chính sách triển khai thực hiện để ứng phó với cuộc cách mạng này. Những quốc gia tiên phong cho phong trào này cơ bản là nhóm các nước phát triển như Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Bên cạnh đó là các quốc gia sát gần Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia...

  • Thực trạng Việt Nam trong việc đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0

Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia đang phát triển trên thế giới. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng ở nước ta. Cuộc CMCN 4.0 trên thế giới đang thu hút được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chuyên gia, các nhà quản lý, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và đông đảo quần chúng nhân dân.

Chính phủ Việt Nam cũng đã quan tâm xây dựng cơ chế và chính sách phát triển CMCN 4.0. Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhận định về bối cảnh quốc tế và trong nước trước tác động của khoa học công nghệ, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Cụ thể hơn, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 ngày 4-5- 2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư. Tuy nhiên, thực trạng kinh tế - xã hội của Việt Nam cho thấy mức độ sẵn sàng của Việt Nam đối với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở mức trung bình thấp.

Thi kết thúc học phần Phương pháp dàn dựng múa của sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật

Về công nghiệp, trình độ của Việt Nam còn thấp, chủ yếu phát triển chiều rộng nhưng giá trị gia tăng chưa cao. Ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều nhiều vào doanh nghiệp FDI, nội lực phát triển yếu. Bên cạnh đó, năng suất lao động công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo mức độ thấp.

Về khoa học và công nghệ, lĩnh vực này cơ bản có nét khởi sắc trong những năm gần đây. Hoạt động đổi mới công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao. Mức độ tiên tiến hiện đại của công nghệ và thiết bị được các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhưng nhập khẩu còn hạn chế. Hoạt động cải tiến khoa học và công nghệ đã có hiệu quả đáng kể tuy nhiên trình độ còn thấp.

Về công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam đã có những bước phát triển nhất đinh trong những năm gần đây. Số lương dân sử dụng điện thoại di động, sử dụng mạng internet có chiều hướng tăng mặc dù vẫn còn thấp hơn so với nhiều quốc gia Châu Á. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội trở nên phổ biến.

Tuy ưu điểm của nước ta là mật độ thuê bao di động vượt xa các nước có mức thu nhập tương đương trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, nguồn nhân lực công nghệ ở Việt Nam về cơ bản chưa tương đương với ASEAN. Chúng ta còn có một điểm yếu nữa là năng suất lao động của Việt Nam còn thấp.

Trong bối cảnh cách mạng 4.0, các nước phát triển sẽ có lợi thế hơn các nước đang phát triển như Việt Nam ở tiềm lực công nghệ và kinh tế. Việt Nam là một nước nhỏ nhưng không phải là một nước yếu về công nghệ thông tin và viễn thông. Do đó, Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp này cho sự phát triển đất nước nếu chúng ta có định hướng và giải pháp đúng cho các lĩnh vực khác nhau

Về giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, theo Tổng cục thống kê, tính đến năm 2016, cả nước có 229 trường đại học, bao gồm 169 trường công lập và 60 trường ngoài công lập. Số giáo viên đại học là 72.3 nghìn người. Số sinh viên đại học là 1.8 triệu người. Nhiều cơ sở giáo dục mới được thành lập trong một vài năm gần đây. Riêng vốn đầu tư trong năm 2017 mà Bộ giáo dục và Đào tạo thực hiện phát triển giáo dục là 474 tỷ đồng. Điều này góp phần vào việc đổi mới nội dung, chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của đất nước. Các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viện trong các nhóm ngành nghề khác nhau để  bắt kịp với nền kinh tế hiện đại, phức tạp.

  1. Thực trạng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay

Xét riêng về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, việc giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thuộc nhiệm vụ của khối các đơn vị đào tạo thuộc Bộ văn hóa thể thao và du lịch. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng và các trường trung học chuyên nghiệp có chức năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này cơ bản tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Những cơ sở đào tạo đầu ngành về văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay phải kể đến đại học Văn hóa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đại học Sân khấu điện ảnh, đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội...

Thi kết thúc học phần Phương pháp dàn dựng múa của sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật

Đào tạo, giáo dục văn hoá nghệ thuật vốn là một loại hình đào tạo đặc thù. Đó là một quá trình thực hành công việc giảng dạy và học tập một loại kiến thức đặc biệt, một loại kỹ năng lao động đặc biệt chứ không thông dụng, phổ cập như các loại kiến thức tự nhiên, xã hội thông thường khác. Nó vừa mang chức năng xã hội về phương diện nghề nghiệp: dạy và học một loại kiến thức và kỹ năng đặc biệt. Nó lại vừa mang chức năng tâm sinh lý đặc thù khi tiêu chí về năng khiếu bẩm sinh được đặt lên hàng đầu.

Quy luật của nền kinh tế thị trường là quy luật giá trị. Sản phẩm sáng tạo văn hoá - nghệ thuật cũng được coi là một sản phẩm hàng hoá ở dạng đặc thù, người sản xuất ra nó đương nhiên cũng là những thành phần lao động đặc thù. Điều quan trọng quyết định đến giá trị sản phẩm chính là chất lượng, để đạt điều đó, rất cần có tài năng, năng lực sáng tạo thực sự. Và đây chính là thách thức đối với tất cả các cơ sở đào tạo văn hoá - nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước nhằm cung cấp cho xã hội đội ngũ những cán bộ văn hoá, những nghệ sĩ tài giỏi hoạt động trên các lĩnh vực, không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả tương lai lâu dài.

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa nghệ thuật với các nước trên thế giới, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà đã và đang đạt được những thành tích đáng khích lệ, trong đó có việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Nhờ vậy, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Việt Nam có nhiều khởi sắc. Đó là sản phẩm văn học - nghệ thuật phong phú, đa dạng. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc.

Bên cạnh một số thành tựu, thực trạng đào tạo nguồn nhân lực tại các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật cũng bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Điều này sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới và không thể đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ nhất, đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng của đất nước ngày một khan hiếm; học sinh, sinh viên có năng khiếu trong các trường văn hóa nghệ thuật thiếu vắng ngày càng nhiều. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu xã hội và thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ hai, hầu hết cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật của nước ta còn lạc hậu cả về nội dung kiến thức lẫn cơ sở vật chất; đội ngũ giảng viên còn yếu ngoại ngữ, thiếu tính chủ động hội nhập. Số lượng sinh viên các ngành văn hóa nghệ thuật ra trường thất nghiệp không ít. Nhiều người không phát huy được khả năng sáng tạo, giữ gìn bản sắc ngay ở trong nước. Việc đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao để thi thố, hợp tác với nước ngoài về văn hóa nghệ thuật thực sự không đáng kể.

  1. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0

Trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay, nhiệm vụ hàng đầu của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật từ trung cấp đến cao đẳng, đại học hiện nay là cần phải nhanh chóng tập trung trí lực, tài lực và vật lực sớm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục được tình trạng khó khăn, tụt hậu. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần nâng cao ý thức trách nhiệm, làm tròn trọng trách được Đảng và Nhà nước giao về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn xã hội, cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng, tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới, trước hết là các nước cộng đồng kinh tế khối ASEAN.

Thi kết thúc học phần Nghệ thuật diễn xuất của sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật trường Đại học Văn hóa TP.HCM.

Chương trình được thu hình và phát sóng trên Kênh HTVC Thuần Việt - Đài Truyền hình TP.HCM .

Để có thể hoàn thành được những nhiệm vụ nêu trên, các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trước hết phải thấy nhận thức rõ cuộc CMCN 4.0 không chỉ tác động đến việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực then chốt như sản xuất công nghiệp, kinh tế, kỹ thuật công nghệ, thông tin truyền thông ...mà tác động mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Do đặc thù chuyên ngành đào tạo riêng, mỗi cơ sở đào tạo về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nên đề ra những chiến lược và mục tiêu cụ thể để phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, một số giải pháp chính các cơ sở đào tạo này nên lưu ý trong quá trình đào tạo để phù hợp với bối cảnh kịnh tế - xã hội hiện nay bao gồm các nội dung dưới đây.

Thứ nhất là vấn đề đổi mới đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo nhằm thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0.

Việc đổi mới quan trọng đầu tiên là đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong tổng thể chiến lược phát triển của quốc gia. Mục tiêu của giáo dục là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, trong đó có cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phải chuyển từ biệt lập, tự phát nặng về số lượng sang chất lượng, có kết nối giữa đào tạo và sử dụng, từ cách đào tạo làm cho người học thụ động sang chủ động sáng tạo, không ngại đương đầu với khó khăn thách thức.

Thi kết thúc học phần Đạo diễn Chương trình văn hóa, nghệ thuật của sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật trường Đại học Văn hóa TP.HCM. Chương trình được thu hình và phát sóng trên kênh HTVC Thuần Việt - Đài Truyền hình TP.HCM  

Để làm được điều này, các trường cần đổi mới phương pháp dạy - học, phương pháp đánh giá kết quả của người học theo hướng khơi gợi tính tích cực, chủ động của sinh viên. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học trong toàn bộ các hình thức đào tạo, các bậc học; vận động giảng viên tích cực sử dụng các trang thiết bị công nghệ hiện đại. Các cơ sở đào tạo nên cập nhật và ứng dụng rộng rãi thành tựu của CMCN 4.0 như mạng internet kết nối vạn vật, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và học tập.

Song song với việc mở các mã ngành mới mà xã hội có nhu cầu xã hội cao, các cơ sở đào tạo này cũng cần đa dạng hóa và triển khai hình thức đào tạo trực tuyến để nâng cao trình độ và có sức thu hút người học. Để tận dụng thế của mạng IoT, các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật phải kêt hợp song song 2 phương thức đào tạo trực tuyến và truyền thống. Mô hình “lớp học đảo ngược” rất nên cần áp dụng và hoàn thiện. Giảng viên có thể hướng dẫn trước bài giảng tại nhà thông qua video, sách, trang web...Sinh viên chủ động tiếp thu, truy cập tra cứu thông tin liên quan đến những khái niệm, nội dung bài học. Sinh viên cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ cá nhân khi cần thiết. Trên cơ sở nắm vững lý thuyết, thời gian học trên lớp của sinh viên chủ yếu dành cho việc thảo luận và thực hành kỹ năng với sự hướng dẫn cụ thể của giảng viên. Có thể nói, phương pháp học này cần thiết cho việc đổi mới đào tạo đại học ở Việt Nam.

Sinh viên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần tính sáng tạo, cảm xúc và linh hoạt trong hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật. Phương thức giáo dục mới ứng dụng công nghệ số này không gò bó theo khuôn mẫu truyền thống về thời gian, địa điểm học nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nội dung và nâng cao tính tích cực của sinh viên chắc chắn sẽ phù hợp phát triển đào tạo hiện nay tại các cơ sở đào tạo về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, để áp dụng phương thức học trực tuyến cần có sự đồng bộ hóa nhiều yếu tố từ mặt bằng cơ sở vật chất, kiến thức cấp nhật về công nghệ thông tin và nhất là thái độ tích cực của cả giảng viên và sinh viên.

Các trường cũng nên chú trọng giao lưu quốc tế, trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đại học quốc tế có kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về văn hóa nghệ thuật của châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản; các nước ở Đông Âu như Nga, Ba Lan.... Để hội nhập văn hóa thế giới, việc chú trọng đến ngoại ngữ là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, do đặc thù của giảng viên văn hoá nghệ thuật thường giỏi về chuyên môn nhưng hạn chế về ngoại ngữ đã khiến cho giảng viên ít có điều kiện cập nhật và mở rộng kiến thức chuyên môn hoặc trao đổi, đào tạo và hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác nước ngoài. Vì vậy, các cơ sở đào tạo nên chú trọng thúc đẩy trình độ ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên. Điều này sẽ giúp nhà trường có cơ hội tiếp cận được chương trình và dự án hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học quan trọng.

Hai là, các cơ sở đào tạo nên đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa nghệ thuật theo khung chuẩn quốc gia và khu vực. Để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế thì tư duy đào tạo của các cở sở đào tạo phải khác trước. Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu thực tiễn của cuộc sống ở trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Các trường cần tìm cách thay đổi giáo dục để lớp công dân mới có tri thức và kỹ năng thích ứng được với thay đổi do cuộc cách mạng công nghiệp mới, để nâng cao những phẩm chất và tính nhân văn của con người mà máy không bao giờ có được. Nguồn nhân lực cho văn hóa nghệ thuật phải sẵn sàng thích ứng và tận dụng cơ hội mà Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang đến. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực phải được cải thiện, nâng tầm mà trước tiên phải đảm bảo người tốt nghiệp chuẩn theo “Khung trình độ quốc gia”. Đa số các quốc gia trong khối ASEAN đã xây dựng và ban hành “Khung trình độ quốc gia” dựa trên khung trình độ tham chiếu ASEAN (AQRF). AQRF có thể xem là thước đo chung để các nước trong khối có thể tuyển dụng lao động qua đào tạo và giúp tạo nên thị trường lao động thống nhất, hiệu quả khi AEC thành lập. Do đó, việc xây dựng “Khung trình độ quốc gia” là một nhiệm vụ và yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Việt Nam. Làm tốt điều này mới có thể hy vọng nhân lực của ngành văn hóa nghệ thuật nước nhà hướng tới chuẩn khu vực, kích thích cạnh tranh lành mạnh, tiến gần đến trình độ thế giới.

Ba là vấn đề hiện đại hóa cơ sở vật chất và tạo môi trường học thuận lợi để ươm mầm tài năng cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Phát triển và ứng dụng rộng rãi hệ thống các công cụ phục vụ đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo.

Trước thực trạng các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật hiện nay đang gặp nhiều khó khăn thách về cơ sở vật chất trong bối cảnh kinh tế, kỹ thuật và công nghệ số phát triển, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư giúp hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tác văn hóa nghệ thuật trong các cơ sở đào tạo này. Các giảng viên, sinh viên, học viên sẽ được cung cấp trang thiết bị hiện đại tạo điều kiện cho việc nghiên cứu và học tập tốt nhất. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cung cấp cho xã hội đội ngũ những cán bộ văn hoá, những nghệ sĩ tài giỏi hoạt động trên các lĩnh vực,

 Các vườn ươm này sẽ gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với xã hội, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao khởi đầu của các ý tưởng, sáng tạo, đưa sản phẩm văn hóa nghệ thuật tới công chúng...

Bốn là, các cơ sở đào tạo cần tăng cường liên kết đào tạo với các tổ chức đoàn thể, các đơn vị biểu diễn và thậm chí cả các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo và sử dụng nguồn lực chất lượng cao về văn hóa nghệ thuật. Cần xác định rõ yêu cầu trọng tâm trong đào tạo Văn hoá - Nghệ thuật là đào tạo đạt chuẩn và đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Sự liên kết này sẽ giúp các sinh viên của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật có nơi thực hành nghề. Bên cạnh đó, các trường cũng nắm được nhu cầu sử dụng và phát triển đào tạo trở thành trung tâm nghiên cứu chuyên sâu theo đơn đặt hàng của tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm dịch vụ văn hóa có chất lượng cao. Điều này cũng khuyến khích đưa các sản phẩm văn hóa nghệ thuật phát triển ra thị trường và tạo điều kiện rèn rũa các nghệ sĩ tài năng về nghệ thuật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Các trường đại học ở Việt Nam nói chung, cơ sở đào tạo về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tự chủ. Vì vậy, việc hợp tác nghiên cứu đào tạo sẽ mang lại cho các trường đại học nguồn kinh phí đáng kể để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật cho đất nước. Các trường đại học cần tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ nghiên cứu, thu hút cán bộ giỏi các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác với nhà trường. Tóm lại, trong bối cảnh biến đổi không ngừng có kinh tế - xã hội Việt Nam trước tác động của CMCN 4.0, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chính là việc đổi mới nội dung, phương pháp học cơ chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó xây dựng đội ngũ giảng viên là khâu then chốt. Việc xây dựng được lực lượng giảng viên giỏi chuyên môn và biết ứng dụng được khoa học công nghệ hiện đại sẽ giúp cho việc giáo dục và đào tạo của Việt Nam về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thu hẹp khoảng cách so với bên ngoài và có thể tạo ra sự đột phá cho nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.

KẾT LUẬN

Cuộc cách mạng cộng nghiệp 4.0 đang hiện hữu trên đất nước ta, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Do vậy, từ tư duy đến hành động của Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức khoa học và giáo dục, cộng đồng dân cư cần chuyển động theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội mới để xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại.

           Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần tư, các công việc truyền thống sẽ ngày càng mất dần vào tay rô bốt, trí tuệ nhân tạo và các thiết bị thông minh. Để đáp ứng nhu cầu của cách mạng 4.0, nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam phải sở hữu những kỹ năng mà máy móc không thể có. Đó là sáng tạo, linh hoạt trong nhận thức, trí tuệ, cảm xúc, khả năng không ngừng sáng tác các sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Muốn vậy, tại các cơ sở đào tạo về lĩnh vực này, việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế sâu rộng là vô cùng cần thiết. Điều này giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại nhưng giàu bản sắc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước./.

Theo Tạp chí Văn hóa, Nghệ thuật số 421, tháng 7 năm 2019

  • Tài liệu tham khảo
  1. Ban kinh tế Trung Ương, Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2017
  2. Bộ Khoa học và Công nghệ: Báo cáo “Khoa học và Công nghệ 2015”, NXB Khoa học Kỹ thuật, H,2016
  3. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia: Tổng luận “Cuộc cách mạng công nghiệp lần tư”, 2017
  4. Trần Thị Vân Hoa, các mạng công nghiệp 4.0 - vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia sự thật, H, 2017
  5. Trường đại học Công nghệ Sài Gòn, kỷ yếu hội thảo Giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, NXB Khoa học và kỹ thuật, thành phố HCM, 2017
  6. Trường đại học Kinh tế quốc dân, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia, Đào tạo trực tuyến trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, H, 2017
  7. Tổng cục thống kê: “Tình hình kinh tế - xã hội 2016”, http://gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=16174,2017

 


[1] Trần Thị Vân Hoa, các mạng công nghiệp 4.0 - vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia sự thật, H, 2017, tr23

 

Từ khóa: