SUY NGHĨ VỀ PHƯƠNG PHÁP BẢO TỒN VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN VĂN HÓA DÂN GIAN HIỆN NAY

04
04
'18

SUY NGHĨ VỀ PHƯƠNG PHÁP BẢO TỒN VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN VĂN HÓA DÂN GIAN HIỆN NAY

Tác giả: Lê Thị Thanh Thủy

Hiện nay, “sức mạnh mềm” của văn hóa đã trở thành nội dung quan trọng của sức mạnh quốc gia, phát triển văn hóa trở thành một loại vấn đề chiến lược trong thế giới ngày nay, sự cạnh tranh văn hóa trở thành lực cạnh tranh mới trên trường quốc tế, thể hiện cơ bản quyền lực mềm của quốc gia. Văn hóa là cái gốc của dân tộc. Duy trì nền văn hóa của một dân tộc là duy trì sức sống về mặt tinh thần của một quốc gia, bao hàm cả tư tưởng, tình cảm của một dân tộc. Văn hóa dân gian xác định sức mạnh bản sắc văn hóa đó của một dân tộc. Nhưng trong thời kỳ hiện đại hóa, kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, việc bảo tồn và khai thác tài nguyên văn hóa dân gian đang vấp phải những áp lực và thách thức vô cùng to lớn. Làm thế nào để bảo tồn và khai thác hiệu quả di sản văn hóa dân gian của dân tộc, đây là vấn đề nan giải hiện nay. Theo chúng tôi, vấn đề bảo tồn và khai thác tài nguyên văn hóa dân gian không chỉ dựa vào ý thức tự giác của mỗi người, mà còn cần phải dựa trên những phương thức, phương pháp cụ thể, thích hợp và khoa học.

 

1. Đặt vấn đề

Tài nguyên văn hóa dân gian là kho báu tuyệt vời về tài nguyên văn hóa nhân loại. Văn hóa dân gian cho ta khả năng khai thác kho tàng tri thức bản địa. Có thể hiểu, tri thức bản địa là những hiểu biết mà một cộng đồng người đã tích lũy thành những kinh nghiệm ứng xử với tự nhiên và xã hội, trong lao động sản xuất và quản lý xã hội được truyền lại cho đời sau bằng trí nhớ, truyền miệng. Tri thức bản địa có những đặc trưng cơ bản là: mang dấu ấn tác động của môi trường tự nhiên, dấu ấn của chủ thể sáng tạo và có tính địa phương, vùng miền. Đặc trưng này chính là yếu tố làm nên sự đa sắc trong di sản văn hóa dân gian của một quốc gia, dân tộc. Vì vậy, xây dựng một nền văn hóa hài hòa, phát triển kinh tế bền vững không thể tách rời việc nghiên cứu sưu tầm, chỉnh lý, khai thác và bảo tồn văn hóa dân gian. Nhưng trong tình hình công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng tốc cùng với lợi ích của kinh tế thị trường, thói quen sinh hoạt với phương thức sinh hoạt của con người đều biển đổi, môi trường để tồn tại văn hóa dân gian truyền thống đã trải qua những thay đổi cơ bản. Nhiều nghệ nhân dân gian tìm không được chỗ đứng cho mình trong xã hội, những sản phẩm nghệ thuật dân gian nổi tiếng hàng trăm năm đã gặp phải sự từ chối của thị trường hay vài loại hình nghệ thuật biểu diễn thịnh hành đã được khai thác trở thành một loại sản phẩm văn hóa của sân khấu hóa, vì mục đích thương mại... Xã hội phát triển, nhu cầu đảm bảo về đời sống kinh tế nên sự lưu động về nhân khẩu ở địa phương, gia đình ngày càng trầm trọng hơn. Do đó, việc truyền thụ nghệ thuật dân gian thiếu người tiếp nhận, văn hóa dân gian đang đối diện với việc các nghệ nhân dân gian có nguy cơ mất dần, đồng nghĩa với việc các môn nghệ thuật dân gian có nguy cơ thất truyền. Như vậy, việc xác định rõ các phương thức, phương pháp cụ thể, thích hợp và khoa học vào việc khai thác sử dụng và bảo tồn tài nguyên phong phú của văn hóa dân gian nước ta hiện nay có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi nhận thấy có thể tham khảo những phương pháp sau:

2. Sử dụng năng lực của truyền thông hiện đại trong việc đề cao vai trò, ý nghĩa ứng dụng của văn hóa dân gian

Sự lan tỏa văn hóa một dân tộc không chỉ phụ thuộc tính hấp dẫn, độc đáo của nội dung, mà còn phụ thuộc vào khả năng to lớn của sự truyền bá thông tin, tức là thông qua sức mạnh của phương tiện truyền thông hiện đại. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay là xã hội thông tin nên việc gì trước tiên cũng đều thông qua phương tiện truyền thông. Truyền thông giúp lưu truyền rộng rãi tư tưởng và quan niệm giá trị về văn hóa, từ đó có thể tạo ảnh hưởng tới thế giới, tới nhân tâm con người. Chỉ có thể tạo ra một sản phẩm văn hóa dân gian nổi tiếng, có thương hiệu mới có thể khiến văn hóa dân gian truyền thống có đủ lực hấp dẫn và sức ảnh hưởng, mới có thể đạt được sự chủ động trong sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường văn hóa. Văn hóa dân gian Việt Nam không chỉ có sự phong phú về nội hàm, có giá trị vĩnh hằng, mà còn có tính ứng dụng rất cao. Để điều này đến được với công chúng, trong đó, năng lực của truyền thông đã trở thành nền móng tạo ra thương hiệu cho văn hóa dân gian, giúp khai thác bảo tồn tài nguyên văn hóa dân gian, đề cao nguyên tố quan trọng là năng lực mềm của văn hóa dân gian. Vì vậy, cần đề cao khả năng to lớn của việc truyền bá văn hóa, chủ yếu qua các phương tiện truyền thông, từng bước nâng cao việc truyền bá đối với tài nguyên văn hóa dân gian, hình thành dư luận tương ứng với tài nguyên văn hóa dân gian.

- Một trong những cơ quan truyền thông có hiệu quả cao trong việc truyền bá văn hóa đó là mạng Internet – hay loại phương tiện truyền thông đa phương tiện. Bên cạnh sự cải tiến không ngừng về tốc độ, dung lượng và tính đa dạng, mạng lưới internet ngày càng tăng nhanh khả năng chuyển tải lẫn chất lượng kỹ thuật của chúng. Những thay đổi ấy làm cho các thông tin có khả năng lan xa và thấm sâu, làm thay đổi cả bản chất của xã hội cũng như đời sống tâm lý, các chuẩn mực văn hoá và những thói quen của con người. Chúng ta cần nhận thấy một cách sâu sắc rằng mạng Internet có một tiềm năng to lớn trong phương diện bảo tồn, khai thác tài nguyên văn hóa dân gian và sự ảnh hưởng của nó tới công chúng trong và ngoài nước là không thể tính được. Như vậy, cần khai thác triệt để lợi ích từ mạng Internet trong việc quảng bá nguồn tài nguyên văn hóa dân gian.

- Thông qua điện ảnh, truyền hình: Bảo tồn và khai thác di sản văn hóa dân gian thông qua điện ảnh, truyền hình thường diễn ra hai hình thức, một là làm phim tài liệu, phim phóng sự, ghi lại nguyên trạng văn hóa dân gian ở cơ sở, và đây là “tài liệu sống” về quá trình hình thành, phát triển và các sắc thái của phong tục tập quán ở địa phương. Ví dụ như đài truyền hình VT4, VTC1 với các bộ phim tài liệu về “nhà dài Ê Đê”, “trò chơi dân gian của trẻ em”, “cổng làng của người Việt”... đã đưa văn hóa dân gian đến gần hơn với công chúng.

Ngoài ra, còn có một mô hình khác của công nghệ điện ảnh, truyền hình đó là xây dựng các bộ phim truyền hình, phim điện ảnh quảng bá di sản văn hóa. Ví dụ, Trung Quốc đã rất thành công khi vận dụng mô hình này để bảo tồn và khai thác tài nguyên văn hóa dân gian. Thông qua các bộ phim như “Thiếu lâm tự”, “Hồng Lâu Mộng”, “Tây Du Ký”, “Tam quốc diễn nghĩa”... đã giúp người dân Trung Quốc và cả thế giới biết về lịch sử và các kiệt tác văn hóa của họ.

3. Bảo tồn, khai thác tài nguyên văn hóa dân gian thông qua hoạt động du lịch

Đây là phương thức được thị trường và cơ quan quản lý ở địa phương hưởng ứng nhất, đặc biệt ở các nước trên thế giới. Bởi vì, không phải ngẫu nhiên du lịch được xem là “cầu nối” giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa trên thế giới. Qua hoạt động hướng dẫn du lịch, du khách có cơ hội không chỉ được được tận mắt nhìn thấy trong thực tế, mà còn được hiểu về giá trị các di sản văn hóa nơi mình đến du lịch. Nhiều giá trị văn hóa chỉ có thể cảm nhận được trong những khung cảnh thực của tự nhiên, của nếp sống truyền thống cộng đồng mà không thể có phim ảnh, diễn xuất nào có thể chuyển tải được. Và chỉ có du lịch mới có thể đem lại cho du khách những trải nghiệm đặc biệt, sống động. Nhưng hiện nay, thông qua phương thức du lịch để bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên văn hóa dân gian cần phải được chấn chỉnh vì có nhiều nơi đã lợi dụng du lịch để khai thác tài nguyên văn hóa dân gian chỉ với yếu tố thương mại hóa, không có biện pháp bảo vệ, hoàn nguyên dẫn đến nguy cơ triệt phá di sản, mất đi giá trị đích thực của các di sản văn hóa đó như hiện tượng tranh cướp trong lễ hội đền Trần, ở Sa Pa (Lào Cai) là tình trạng bán hàng rong, đeo bám khách du lịch của người dân bản địa đã làm mất đi vẻ đẹp ngây thơ chất phác của họ...

4. Thông qua hệ thống thiết chế bảo tàng

Bảo tàng với tư cách là một loại thiết chế văn hóa đặc thù trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Chức năng của Bảo tàng không chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu sưu tầm, bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập. Mà khả năng của bảo tàng còn là tạo lập không gian cho việc tiếp cận, giao tiếp, đối thoại giữa công chúng với sưu tập hiện vật và giữa công chúng với nhau. Hiện nay, tại các bảo tàng ở nước ta đã tiến hành các công tác nghiên cứu sưu tầm, thu âm, ghi hình... văn hóa dân gian ở địa phương khá tốt, nhưng công tác trưng bày vẫn còn quá đơn điệu, hiện vật nghèo nàn... do đó đã không thu hút được công chúng đến tham quan. Để có thể thu hút được công chúng đến tham quan, theo PGS,TS Nguyễn Duy Thiệu – Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam:“...hiện vật trưng bày phải đẹp, các câu chuyện đằng sau hiện vật phải phong phú, tổ chức trưng bày phải khoa học, phải biết tận dụng thế mạnh của công nghệ để giới thiệu các hình ảnh (động và tĩnh), âm thanh, phối hợp cùng với các bản text làm cho hiện vật sống động. Phải thường xuyên cùng cộng đồng tổ chức trưng bày các chuyên đề và các chương trình trình diễn, chương trình giáo dục và phải có chiến lược truyền thông thông minh...”.[1] Như vậy, ngoài việc tổ chức trưng bày, bảo tàng cần tổ chức không gian văn hóa để trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian, các buổi trình diễn do các nghệ nhân dân gian trình diễn và giới thiệu đến công chúng. Bằng phương thức này, bảo tàng vừa có thể chủ động tham gia vào việc bảo vệ di sản văn hóa, vừa có thể tôn vinh giá trị văn hóa và nghệ nhân dân gian.

*

Tóm lại, tài nguyên văn hóa dân gian không “nhất thành bất biến”, mà còn có quan hệ mật thiết với sự sinh tồn và sinh hoạt của chủ thể văn hóa, nơi chúng được sáng tạo ra và đang hiện diện trong đời sống đương đại của cộng đồng. Hiện nay, có không ít tài nguyên văn hóa dân gian đang nằm ở những làng bản xa xôi, nghèo khó, giao thông, thông tin không phát triển. Vì vậy, việc không ngừng khám phá sử dụng những phương pháp hiện đại giúp kết nối thông tin giữa các chủ thể sáng tạo văn hóa đó với cộng đồng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng nhằm vào việc bảo tồn kho tàng tri thức tuyệt vời của nhân loại và quảng bá giá trị đặc sắc của văn hóa dân gian ở nước ta tới công chúng và bạn bè thế giới./.

 

 

 

 

Chú thích:

[1]. Nguyễn Văn Hạnh:“Xứng đáng là ngôi nhà thu nhỏ văn hóa các dân tộc Việt Nam”, báo điện tử Quân đội nhân dân, 2013.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Ngọc Khánh (2003), Văn hóa dân gian, Nxb Nghệ An.

2. Đinh Gia Khánh (1995), Văn hóa dân gian Việt Nam với sự phát triẻ̂n của xã hội Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Nguyễn Đình Thanh chủ biên (2007), Bảo tàng – Di tích. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

4. Cục di sản văn hóa (2005), Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội.

 

Nguồn: Sách giáo dục và truyền thông với văn hóa dân gian Đông Nam Bộ, do Huỳnh Văn Tới chủ biên, Nxb Đồng Nai 2014, từ trang 234 – 231.

 

Từ khóa: