Sự tương tác giữa thể thao - du lịch và vấn đề bảo tồn, phát huy tài nguyên văn hóa

14
11
'18

1. Mối quan hệ hai chiều giữa tài nguyên văn hóa và hoạt động du lịch

- Tài nguyên văn hóa là cơ sở để phát triển du lịch

Văn hóa và du lịch là hai lĩnh vực có mối quan hệ không thể tách rời. Trong đó, văn hóa (cả yếu tố địa văn hóa) đóng vai trò tạo động lực để phát triển du lịch. Thực tiễn đã chứng minh, khi đời sống vật chất của con người ngày càng cao thì nhu cầu đi du lịch ngày càng tăng. Con người đi du lịch để thỏa mãn nhu cầu khám phá những giá trị văn hóa mới, là cách mà mỗi người mở rộng không gian văn hóa cho bản thân mình. Cái mới, cái khác lạ đó chính là bản sắc văn hóa tộc người, là quan cảnh thiên nhiên thơ mộng cùng những điều kiện tự nhiên hấp dẫn. Như vậy, một địa phương muốn phát triển du lịch thì điều kiện tiên quyết là phải có những sản phẩm văn hóa khác lạ, độc đáo và hấp dẫn. Văn hóa càng có sự khác biệt, có bản sắc riêng bao nhiêu thì càng có khả năng thu hút khách du lịch bấy nhiêu.

Tiếp cận từ góc độ đó chúng ta nhận thấy, Việt Nam là quốc gia có hơn 54 tộc người cùng định cư sinh sống trên khặp vùng miền, là đất nước lưu dấu những cuộc chiến tranh vệ quốc trường kỳ và khốc liệt; là nơi sở hữu nguồn tài nguyên nhân văn và tự nhiên phong phú, đa dạng. Đó chính là những “chất liệu” để thu hút du khách, phát triển du lịch.

- Hoạt động du lịch góp phần phát huy các giá trị của tài nguyên văn hóa

Tác động tích cực đầu tiên cần phải nhìn nhận là du lịch làm tăng giá trị của các tài nguyên văn hóa. Nếu không có du lịch, du khách trong và ngoài nước không thể có những trải nghiệm, “thưởng thức” những “đặc sản” văn hóa của đất nước, con người Việt Nam; càng không thể có cơ hội để khám phá những minh chứng sống động về một thời chiến đấu chống giặc ngoại xâm kiên cường của người dân Việt Nam thông qua hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên khắp mọi miền đất nước. Xét trên bình diện kinh tế, nếu không có hoạt động du lịch, các tài nguyên văn hóa của đất nước chỉ thuần túy có giá trị lịch sử, nghệ thuật hay khoa học, mà không thể có những đóng góp thiết thực, to lớn vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Không những thế, hoạt động du lịch đã giúp bảo tồn, duy trì lâu bền những giá trị văn hóa đang dần mai một bởi thời gian, bởi sự lãng quên của con người. Minh chứng rõ ràng cho nhận định trên là hàng năm, chính phủ Việt Nam đã dành khoản kinh phí khá lớn cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đất nước.

Bên cạnh đó, trong chuyến đi của mình, du khách thường sử dụng các dịch vụ, hàng hoá và thường tiếp xúc với dân cư địa phương. Thông qua giao tiếp, văn hoá của khách du lịch và cộng đồng dân cư nơi khách đến được trau dồi và nâng cao. Du lịch tạo khả năng cho con người mở mang, tăng cường sự hiểu biết về lịch sử truyền thống, văn hoá, phong tục tập quán, đạo đức,... và như vậy, hoạt động du lịch đã làm giàu thêm khả năng thẩm mỹ, tôi luyện tình cảm, thoải mái tinh thần khi được tham quan kho tàng văn hoá của đất nước, một vùng, một địa phương. 

Du lịch homestay – một loại hình du lịch phát triển trên nền tảng di sản văn hóa

Nguồn ảnh: Sưu tầm Internet

Đối với du khách trong nước, hoạt động du lịch còn là phương tiện giáo dục lòng yêu nước, giữ gìn và  nâng cao truyền thống dân tộc. Thông qua chuyến du lịch, con người được làm quen với cảnh đẹp, với lịch sử, văn hoá dân tộc, qua đó càng thêm yêu đất nước mình; cộng đồng dân cư địa phương cũng thấy được sự hấp dẫn của văn hoá bản địa, nhận thức ngày càng sâu sắc việc bảo tồn di sản văn hóa của chính mình.

- Những tác động không mong muốn từ hoạt động du lịch  

Như hai mặt của một vấn đề, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch cũng mang đến những ảnh hưởng không mong muốn đối với các giá trị văn hóa dân tộc. Chính du lịch đã tạo điều kiện cho vến đề thương mại hóa những giá trị văn hóa bản địa thuần túy, phá vỡ không gian văn hóa vốn có của chúng. Ngày nay, dễ dàng nhận thấy những hình ảnh khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, các quán ăn tạm, các cửa hàng bán đồ lưu niệm…với các hoạt động kinh doanh manh mún, xô bồ xung quanh khu vực đền, chùa - nơi vốn là chốn thiêng, không gian tĩnh mịch của tâm linh. Có lẽ vì thế, đã có nhiều lễ hội văn hóa, nhiều khu du lịch được tổ chức, vận hành theo các tiêu chí văn hóa "ảo", mục đích kinh doanh – lợi nhuận lấn át đi rất nhiều mục đích văn hóa.

Tiếp nữa, chính những nét “văn minh” mới lạ của du khách đã ảnh hưởng đến lối sống của một bộ phận dân địa phương, làm mai một đi những giá trị văn hóa cổ truyền như lối sống, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ,...vốn tồn tại bao đời trong tâm thức cá nhân và đời sống cộng đồng.

Những khối bê tông đã góp phần phá hoại cảnh quan văn hóa cua khu danh thắng Tràng An – tỉnh Ninh Bình-Minh chứng sinh động cho sự tác động tiêu cực từ sự phát triển nóng của hoạt động du lịch

Nguồn ảnh: Sưu tầm Internet

2. Mối quan hệ của hoạt động thể thao, du lịch với bảo tồn, phát huy tài nguyên văn hóa

Thực tế cho thấy quốc gia, địa phương nào có một hay một số môn thể thao thế mạnh sẽ là công cụ tạo dựng thương hiệu cho quốc gia, địa phương đó. Thành tích thể thao chính là sự quảng bá du lịch hữu hiệu cho hình ảnh của một quốc gia, dân tộc. Nói đến bóng đá người ta nghĩ ngay đến Braxin, Argentina, Anh, Pháp…, nói đến bóng bàn không thể không nhắc tới Trung Quốc v.v… Không phải tự nhiên mà các quốc gia luôn cạnh tranh để được quyền đăng cai tổ chức các giải thể thao mang tầm thế giới. Khi đó, thông tin về giải đấu – tất nhiên gắn liền với quốc gia, địa phương đăng cai tổ chức sẽ xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông trên phạm vi rộng lớn, và như vậy, tên của các quốc gia, địa phương này cùng với những giá trị văn hóa có nhiều cơ hội để mọi người biết đến.

Với Việt Nam, thông qua việc đang cai thành công các giải đấu mang tầm khu vực như Seagames 22 (2003), Asian Indoor Games 3 (2009); hoặc những thành công vang dội của môn bóng đá nam trong những năm gần đây như việc U19 Việt Nam lần đầu tiên giành vị trí thứ 3 trong giải U19 Châu Á (2016); U23 Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương bạc tại giải U23 Châu Á (2018); gần đây nhất đội tuyển Olympic Việt Nam lọt vào đến trận tranh 3-4 trong giải Asiad 2018 đã góp phần to lớn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Từ đó góp phần phát triển hoạt động du lịch. Đây cũng là cơ hội để những “đặc sản” văn hóa nghìn năm của dân tộc Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn.

U23 Việt Nam nhận huy chương bạc tại giải AFC U23 tháng 1/2018

Nguồn ảnh: Sưu tầm Internet

Tóm lại: 

Sự gắn kết chặt chẽ của phát triển hoạt động thể thao, du lịch trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là tất yếu trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội chung hiện nay. Hoạt động du lịch hình thành và phát triển bền vững dựa trên những giá trị tài nguyên văn hóa. Ngược lại, chính du lịch lại tạo cơ hội để văn hóa có thể bảo tồn, phát huy giá trị rộng hơn. Tuy nhiên, vấn đề cần lưu tâm là trong sự gắn kết này chứa đựng cả những yếu tố tích cực, tiêu cực. Vì lẽ đó, nhiệm vụ của nhà quản lý là cần có những giải pháp nhằm hạn chế tối đa những hệ lụy không mong muốn, cũng như phát huy những hữu ích từ hoạt động du lịch mang đến để tạo nên thế phát triển bền vững của văn hóa, du lịch và thể dục thể thao.

L.T.V.N

 

Từ khóa: