Quản lý thị trường âm nhạc Việt Nam: Mục tiêu và Tiêu chí

10
07
'22

Nếu mục tiêu của quản lý kinh tế thường được quy vào những tiêu chuẩn dễ xác định như: nhịp độ phát triển đều đặn, mức độ thất nghiệp, cân bằng cán cân thanh toán... thì mục tiêu quản lý văn hoá thường thể hiện ở tính nhân văn và chất lượng. Do đó muốn xác định được mục tiêu của quản lý thị trường âm nhạc cần phải tranh luận với những vấn đề về chất lượng cuộc sống tinh thần, sự tác động đến nhân cách, sự bảo tồn văn hoá dân tộc…

 

Một tiết mục biểu diễn kết thúc học phần của sinh viên Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật, chương trình “Xuân Tứ Linh”, phát sóng trên Kênh HTVC-Đài truyền hình Tp.HCM

Về trước mắt, theo tinh thần của Nghị quyết 33/NQ-TW, mục tiêu quản lý đối với văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng là hướng tới xây dựng một thị trường lành mạnh. Nhưng, thị trường âm nhạc lành mạnh hay không lành mạnh lại là vấn đề cần được làm rõ bằng các tiêu chí cụ thể. Nếu hiểu, quản lý thị trường âm nhạc là sự tác động của cơ quan QLNN lên các thành tố: sản phẩm, bên cung và bên cầu thì chúng ta có thể xem xét một số tiêu chí sau:

Thứ nhất, nghệ sĩ và công chúng có thị hiếu lành mạnh

Có thể hiểu, thị hiếu lành mạnh là một thị hiếu thẩm mỹ có sự hoà hợp của yếu tố cá nhân với xã hội; lý trí với tình cảm. Trong đó, không nên tuyệt đối hoá một yếu tố nào. Nếu tuyệt đối hoá yếu tố cá nhân tức là phủ nhận sự can thiệp kịp thời, đúng đắn của xã hội đối với những thị hiếu thẩm mỹ lai căng, lập dị. Còn nếu tuyệt đối hoá yếu tố xã hội sẽ dẫn đến đồng nhất sở thích của mọi người, thủ tiêu cá tính sáng tạo, làm cho đời sống thẩm mỹ của cá nhân và xã hội trở nên nghèo nàn, nhàm chán, không có điều kiện để phát triển. Hay, nếu tuyệt đối hóa yếu tố cảm xúc sẽ mất đi tính định hướng, đúng đắn; tuyệt đối hóa yếu tố lý trí thì thị hiếu sẽ mất đi tính riêng biệt, độc đáo.

Đối với người nghệ sĩ, thị hiếu lành mạnh là khả năng lựa chọn, đánh giá trước các hiện tượng thẩm mỹ; nó thể hiện qua cách cảm thụ nhanh nhạy, chính xác, sâu sắc về đối tượng và cách sáng tác, trình bày bằng “những thủ pháp nghệ thuật nhằm hướng tâm hồn con người tới chỗ cao đẹp, bồi dưỡng tình cảm và nhân cách của con người” [2, tr.28] nhưng vẫn đảm bảo sự phù hợp với giá trị, chuẩn mực của xã hội và pháp luật của nhà nước.

Còn đối với công chúng, thị hiếu lành mạnh bộc lộ ở năng năng lực lựa chọn và quá trình thưởng thức sản phẩm “có sự rung động, cảm xúc của tâm hồn” [2, tr.29] đồng thời không đi ngược lại giá trị, chuẩn mực của xã hội hay pháp luật của nhà nước.

Nói chung, thị hiếu lành mạnh hình thành qua thời gian đào sâu tìm tòi, nghiền ngẫm của mỗi người. Nhờ có sự tích lũy kinh nghiệm thẩm mỹ mà họ có thể phân biệt, đánh giá một cách đúng đắn cái thật hay giả, xấu hay tốt, giá trị hay không giá trị. Và, khi thị hiếu của người nghệ sĩ lành mạnh sẽ tạo nên một thị hiếu tốt đẹp trong công chúng và ngược lại. Bởi trong mối quan hệ cung cầu trên thị trường âm nhạc, “nghệ thuật nào công chúng ấy” và “công chúng nào nghệ thuật ấy” [2, tr. 33]. H2

Sinh viên Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật biểu diễn trong chương trình “Thương ca tiếng Việt” thi kết thúc học phần Dàn dựng chương trình văn hóa, nghệ thuật, chương trình được phát sóng trên Kênh HTVC- Đài truyền hình Tp.HCM

Thứ hai, sản phẩm/dịch vụ âm nhạc lành mạnh

Sản phẩm hay dịch vụ âm nhạc là yếu tố quan trọng tạo nên tính lành mạnh của thị trường âm nhạc. Cơ sở để đánh giá sản phẩm/dịch vụ âm nhạc lành mạnh đó là: sản phẩm/dịch vụ phải phản ánh được các hiện tượng hay đối tượng của cuộc sống một cách chính xác, sâu sắc; sản phẩm/dịch vụ phải được thể hiện bằng các thủ pháp nghệ thuật có tính thẩm mỹ; sản phẩm/dịch vụ phải phù hợp với các giá trị, chuẩn mực xã hội và sản phẩm/dịch vụ không vi phạm pháp luật của nhà nước.

Thứ ba, người nghệ sĩ được tạo điều kiện phát huy tiềm năng sáng tạo

Người nghệ sĩ được tạo điều kiện để chủ động sáng tạo trong sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, trong cách thức tổ chức và biểu diễn; khuyến khích học tập, nghiên cứu tìm cái mới, cái hay và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa nghệ thuật của nhân loại đồng thời sáng tạo trong phương thức truyền bá những tác phẩm nghệ thuật mang bản sắc văn hóa Việt Nam ra cộng đồng quốc tế nhằm mở rộng thị phần, đem lại hiệu quả về văn hóa, xã hội và kinh tế. Những điều kiện này được thể hiện qua một số tiêu chí như: hệ thống chính sách của cơ quan quản lý phải hạn chế được những rào cản từ cơ chế hành chính; có những chính sách, hoạt động cụ thể tôn vinh, khích lệ tính sáng tạo của người nghệ sĩ; có chính sách và lộ trình đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của lao động sáng tạo nghệ thuật.

Cuộc thi âm nhạc “”Song ca vàng” do sinh viên Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật tổ chức.

Thứ tư, yếu tố văn hóa và kinh tế được cân đối hài hòa

Trong nền kinh tế thị trường, tác phẩm âm nhạc với các yếu tố liên quan như hệ thống truyền thông, hệ thống bán vé, tư vấn và chăm sóc khách hàng...tạo thành dịch vụ hoàn chỉnh và được xem là hàng hóa, do vậy nó chịu sự điều tiết của quy luật thị trường. Nhưng bản thân các tác phẩm được biểu diễn trong chương trình đó là sản phẩm văn hóa nghệ thuật nên nó đòi hỏi giá trị chân thiện mỹ, sự kết hợp của giá trị truyền thống và hiện đại. Nếu coi trọng yếu tố văn hóa nghệ thuật mà xem nhẹ yếu tố thị trường sẽ làm hạn chế sự phong phú, đa dạng của sản phẩm nghệ thuật, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội của sản phẩm với công chúng và yếu tố văn hóa cũng chưa chắc được toàn diện khi mà nhu cầu của công chúng không được thỏa mãn tối đa. Ngược lại, nếu nhấn mạnh yếu tố thị trường thì các giá trị văn hóa, nghệ thuật sẽ bị xem nhẹ, bị lấn át dẫn đến tình trạng thương mại hóa và mất cân bằng tiêu dùng văn hóa, ảnh hưởng tới đời sống tinh thần. Thị trường âm nhạc Tp. Hồ Chí Minh hiện nay, lĩnh vực âm nhạc đại chúng đang chiếm ưu thế - một biểu hiện của sự thiếu cân đối giữa yếu tố thị trường và yếu tố nghệ thuật, giữa kinh tế và văn hóa. Do vậy một tiêu chí quan trọng là tạo được thế cân xứng giữa 3 thể loại: âm nhạc đại chúng, âm nhạc hàn lâm và âm nhạc dân gian. Như vậy để đạt được tính lành mạnh, cần vận dụng hài hòa các quy luật của kinh tế và văn hóa để ổn định, phát triển thị trường âm nhạc.

Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Giữa lòng Miền Trung” do sinh viên Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật tổ chức

Thứ năm, trật tự hoạt động trên thị trường được đảm bảo. Đây là yêu cầu không chỉ đặt ra cho cán bộ quản lý mà còn đòi hỏi các nghệ sĩ, đơn vị tổ chức/sản xuất phải nghiêm túc chấp hành. Với chủ thể quản lý, cần phải chủ động, linh hoạt trong xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật; biết cách áp dụng đúng và hiệu quả công cụ, phương thức quản lý. Với đối tượng quản lý trong thị trường âm nhạc, được tự do phát huy khả năng sáng tác, biểu diễn, sản xuất ... nhưng phải chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh quản lý, điều chỉnh hành vi của mình theo quy định của pháp luật và chuẩn mực, giá trị của xã hội.

Như vậy, để xây dựng và phát triển một thị trường âm nhạc lành mạnh thì công tác quản lý giữ vai trò vô cùng quan trọng. Quản lý hiệu quả sẽ định hướng phát triển thị trường âm nhạc vừa hiện đại, vừa giữ gìn bản sắc đồng thời giúp cho việc thực thi các chính sách trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng thuận tiện hơn, tránh sự lúng túng, tùy tiện.

Một tiết mục trong chương trình thi kết thúc học phần Thanh nhạc của sinh viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật.

Phạm Phương Thùy – Giảng viên Khoa QL VH, NT

Tài liệu tham khảo

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
  2. Viện Văn hóa (1987), Thỏa mãn nhu cầu văn hóa và nâng cao thị hiếu nghệ thuật, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

Xem thêm về tuyển sinh 2022 của Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật

http://quanlyvanhoa.hcmuc.edu.vn/thong-tin-tuyen-sinh-khoa-quan-ly-van-hoa-nghe-thuat-nam-2022.html

 

 

 

Từ khóa:

Mạng xã hội