QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO Ở ĐẠI HỌC VĂN HÓA TP.HCM

22
04
'18

Nguyễn Thị Phà Ca

(Bài đã được đăng trên Tạp chí văn hoá nghệ thuật, ISSN 0866-8655, Số 405. Tháng 3-2018).

Nghiên cứu này trình bày kết quả khảo sát thực trạng quản lý chất lượng đào tạo (QLCLĐT) của trường Đại học Văn hoá TP.HCM (ĐHVH TP.HCM) dựa trên năm thành phần quản lý chất lượng tổng thể [1] (QLCLTT): 1- Người học; 2- Lãnh đạo và chiến lược; 3- Hệ thống và Thủ tục; 4- Làm việc nhóm của giảng viên và nhân viên và 5- Tự đánh giá. Sử dụng số liệu khảo sát trong phạm vi của trường vào năm 2016, kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy những điểm mạnh và điểm yếu về QLCLĐT của trường ĐHVH TP.HCM thời gian qua. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất các giải pháp QLCLĐT ở trường ĐHVH TP.HCM theo tiếp cận TQM, giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, thỏa mãn nhu cầu người học, xã hội và đạt được mục tiêu chiến lược của mình.



[1] Quản lý chất lượng tổng thể (tiếng Anh là Total Quality Management - TQM)

 

Nâng cao chất lượng đào tạo là một yêu cầu cấp bách của giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bởi thời gian qua, Việt Nam tuy đã đạt được những thành tựu nhất định trong giáo dục đại học nhưng “Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới và so với trình độ của các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực, trên thế giới” [1]. Nguyên nhân cơ bản của chất lượng giáo dục thấp được xác định là do sự bất cập, trì trệ của việc quản lý giáo dục và đào tạo [2] Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 8, khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo”, trong đó có việc “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo”, “coi trọng quản lý chất lượng” [3]

QLCLTT là một mô hình quản lý chất lượng hiện đại, đã được áp dụng thành công trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhiều trường đại học trên thế giới. Tính ưu việt của nó là ở chỗ: chất lượng được xây dựng trên nền tảng lấy con người làm trung tâm, huy động mọi người, mọi đơn vị tiến hành hoạt động cải tiến chất lượng theo mô hình quản lý đảo ngược từ dưới lên: Lãnh đạo - Làm việc nhóm của giảng viên và nhân viên - Khách hàng/ Người học là tối cao, dựa trên các chuẩn mực để đối sánh và có thể áp dụng cho mọi hoạt động và các bên có liên quan của tổ chức. Chính vì vậy mà ở Việt Nam, đã có nhiều trường đại học đề xuất áp dụng mô hình QLCLTT, kể cả trường đã áp dụng ISO 9000 trong QLCL. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chưa có trường nào nghiên cứu ứng dụng QLCLTT vào QLCLĐT.

Trường ĐHVH TP.HCM là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, truyền thông và du lịch lớn ở phía Nam, sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, đã có nhiều thành tựu đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành. Song, cũng như các trường đại học khác trên cả nước, hiện nay nhà trường đang gặp nhiều khó khăn thách thức trong việc đổi mới công tác quản lý giáo dục nói chung, QLCLĐT nói riêng, làm ảnh hưởng không ít đến chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, nghiên cứu thực trạng QLCLĐT ở ĐHVH TP.HCM và đề xuất các giải pháp QLCLĐT theo tiếp cận QLCLTT sẽ giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, thỏa mãn nhu cầu của người học, của xã hội và đạt được mục tiêu chiến lược: “Phát triển trường thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và châu Á” [4]

Một vài khái niệm

Chất lượng là một khái niệm đa nghĩa [5] Trong nghiên cứu này, chúng tôi chọn cách tiếp cận khái niệm chất lượng theo QLCLTT: chất lượng được hiểu là sự phù hợp với mục tiêu và đảm bảo chất lượng (Harvey và Green, 1993).

Chất lượng đào tạo cũng bao hàm nhiều nghĩa, ở đây nó được hiểu theo nghĩa là sự đạt được mục tiêu đào tạo và thỏa mãn yêu cầu của mọi khách hàng [6]. Trong giáo dục, khách hàng gồm nhiều thành phần, khách hàng bên trong là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, nhân viên. Khách hàng bên ngoài bao gồm người học, phụ huynh, nhà tuyển dụng, nhà nước, thị trường lao động (Sallis, 2002). Nghiên cứu này giới hạn thuật ngữ khách hàng ở phạm vi người học – sinh viên (SV).

QLCLĐT “là quá trình tổ chức thực hiện có hệ thống các biện pháp quản lý toàn bộ quá trình đào tạo nhằm bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu người sử dụng lao động” [7]

QLCLTT “là cách quản lý của một tổ chức tập trung vào chất lượng, dựa trên sự tham gia của tất cả các thành viên nhằm đạt được sự thành công lâu dài nhờ việc thỏa mãn khách hàng và đem lại lợi ích cho các thành viên của tổ chức đó và cho xã hội” [8].

QLCLĐT đại học theo tiếp cận quản lý chất lượng tổng thể “là sự tác động có hệ thống các biện pháp quản lý quá trình đào tạo của chủ thể quản lý đến tất cả các thành phần Người học, Lãnh đạo và chiến lược, Hệ thống và các thủ tục, Làm việc nhóm của giảng viên và nhân viên và Tự đánh giá để đạt được mục tiêu chất lượng” [9]

Căn cứ vào mô hình QLCLĐT và 10 tiêu chuẩn chất lượng tổng thể của Sallis (2002), chúng tôi đề xuất Khung Quản lý chất lượng đào tạo theo tiếp cận QLCLTT tại trường ĐHVH TP.HCM  (Hình 1) gồm năm thành phần cốt lõi: Người học; Lãnh đạo và Chiến lược; Hệ thống và Thủ tục; Làm việc nhóm của giảng viên, nhân viên và Tự đánh giá. Đây chính là các quá trình cần thiết của việc quản lý chất lượng đào tạo, là nguyên nhân sinh ra chất lượng tổng thể, từ đầu vào đến đầu ra, gồm: Khả năng và mức độ tiếp cận của SV; Dịch vụ sinh viên; Lãnh đạo; Môi trường cơ sở vật chất và các nguồn lực; Giảng dạy và học tập hiệu quả; Sinh viên; Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhận viên; Các mối quan hệ với bên ngoài; Tổ chức và Các tiêu chuẩn.

Description: Mô hình khảo sát_ Edited2

Hình 1: Khung QLCLĐT theo tiếp cận QLCLTT

 

Điểm đặc biệt của Khung QLCLĐT này là ở chỗ: 1- Người học - khách hàng đầu tiên của quá trình được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho việc cải tiến liên tục chất lượng. 2- Lãnh đạo và Chiến lược đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng. 3- Hệ thống quản lý chất lượng có vai trò đảm bảo chất lượng toàn bộ hoạt động đào tạo thông suốt từ Đầu vào, cho đến Quá trình và Đầu ra. Nó giúp cho hoạt động Tự đánh giá được tiến hành một cách dễ dàng, thuận tiện và chính xác nhờ vào các quy trình và tiêu chuẩn có sẵn. 4- Làm việc nhóm của giảng viên và nhân viên là thành phần nòng cốt làm nên Văn hóa chất lượng, tạo ra sự thay đổi văn hóa trong tổ chức, giúp nhà trường phát triển một cách bền vững. Cuối cùng, 5- Tự đánh giá là một bước chẩn đoán chất lượng đào tạo, cung cấp bằng chứng về kết quả đào tạo giúp cho Lãnh đạo tiếp tục thực hiện cải tiến chất lượng thỏa mãn người học, đạt được mục tiêu chất lượng.

Dữ liệu và phương pháp

Để khảo sát thực trạng QLCLĐT ở trường ĐHVH TP.HCM, căn cứ vào Khung QLCLĐT theo tiếp cận QLCLTT, chúng tôi thiết kế một bảng hỏi xoay quanh 3 câu hỏi:

  1. Nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, thỏa mãn khách hàng (SV) ở trường ĐHVH TP.HCM;
  2. Sự tác động của chủ thể quản lý (nhà quản lý cấp cao và cấp trung) trong việc thực hiện các biện pháp quản lý quá trình đào tạo, gồm: Đào tạo lấy Người học làm trung tâm, Lãnh đạo thiết lập Chiến lược, xây dựng Hệ thống và Thủ tục, đẩy mạnh phương pháp Làm việc nhóm của giảng viên và nhân viên, và tổ chức Tự đánh giá;
  3. Sự hài lòng về chất lượng đào tạo hiện nay một cách toàn diện từ Đầu vào, Quá trình cho đến Đầu ra: Khả năng và mức độ tiếp cận của SV; Dịch vụ SV; Lãnh đạo; Môi trường CSVC và các nguồn lực; Giảng dạy và học tập hiệu quả; Sinh viên; Đội ngũ CBQL, GV, NV; Các mối quan hệ với bên ngoài; Tổ chức và Các tiêu chuẩn.

Sử dụng phương pháp nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional study), chúng tôi thực hiện khảo sát trong phạm vi trường ĐHVH TP.HCM vào năm 2016. Đối tượng khảo sát là đại diện lãnh đạo, CBQL, GV, NV, gọi tắt là ĐHVH HCM và sinh viên của trường (SV năm thứ 3, SV năm thứ  4 và SV tốt nghiệp), gọi tắt là SVN3, SVN4 và SVTN. Thông qua hình thức gửi phiếu khảo sát trực tiếp, qua email và facebook. Chúng tôi phát ra 350 phiếu, sau khi thu và loại bỏ những phiếu không trả lời, tổng số phiếu hợp lệ là 297 (đạt tỷ lệ 85%). Trong đó, số phiếu của ĐHVH là 67, SVN3 là 108, SVN4 là 77 và SVTN là 45.

Thang đo được dùng để đo lường là likert, gồm 5 bậc: Cao nhất là 5 - thấp nhất là 1.

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp định lượng để đo mức trung bình (mean) và trung vị (median) của các biến số. Phần mềm R Statistical Environment (R version 3.3.1) được sử dụng để phân tích dữ liệu.

Kết quả phân tích

Kết quả phân tích nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, thỏa mãn khách hàng (SV) ở trường ĐHVH TP.HCM được thể hiện trong bảng 1. Trong đó, SVTN có mức trung bình cao nhất là 4.42, trung vị 5, tức mức Rất cao, các nhóm còn lại đều có mức trung bình, trung vị trong khoảng 4, tức mức cao.

Nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, thỏa mãn khách hàng (SV) ở trường ĐHVH TP.HCM

Số lượng (n): 297

 

Trung bình

(mean)

Trung vị

(median)

 ĐHVH

4.37

4

SVN3

4.06

4

SVN4

4.21

4

SVTN

4.42

5

 

Bảng 1: Nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, thỏa mãn khách hàng (SV) ở trường ĐHVH TP.HCM

Hình 2 cho thấy mức độ tác động của chủ thể quản lý trong việc thực hiện các biện pháp quản lý quá trình đào tạo. Trong đó, Đào tạo lấy Người học làm trung tâm có giá trị trung bình cao nhất là 3.75, trung vị 4. Kế đến là Lãnh đạo thiết lập Chiến lược, tạo ra một Môi trường giáo dục thuận lợi cho các hoạt động chất lượng có mức trung bình 3.58, trung vị 4 và Lãnh đạo nhà trường tổ chức Tự đánh giá nhằm hiểu đúng về những điểm mạnh, điểm yếu của trường, từ đó xây dựng kế hoạch hành động cải tiến chất lượng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và các bên liên quan trung bình 3.42, trung vị 4, cả ba thành phần này đều ở tức mức Tốt. Mức thấp nhất có số trung bình, trung vị lần lượt là 3.31 và 3.24, số trung vị là 3, tức là mức Trung hòa, gồm xây dựng Hệ thống và Thủ tục (quy trình) quản lý chất lượng đẩy mạnh phương pháp Làm việc nhóm của giảng viên (GV) và nhân viên (NV).

Hình 2: Trung bình mức độ tác động về quản lý chất lượng của trường ĐHVH TP.HCM

Kết quả phân tích sự hài lòng về chất lượng đào tạo hiện nay của trường ĐHVH TP.HCM một cách toàn diện từ Đầu vào, Quá trình và Đầu ra được thể hiện trong bảng 2. Trong đó:

Mức Hài lòng gồm 05 chỉ số có trung bình, trung vị nằm trong khoảng 4:

  1. Các hoạt động tư vấn và hướng dẫn khi nhập học (Tiêu chuẩn 2- Dịch vụ SV).
  2. Hiệu trưởng (Tiêu chuẩn 3- Lãnh đạo)
  3. Phương pháp dạy - học (Tiêu chuẩn 5- Giảng dạy và học tập hiệu quả).
  4. Quan điểm và động cơ của GV (Tiêu chuẩn 7- Đội ngũ CBQL, GV, NV)
  5.  Làm việc nhóm (Tiêu chuẩn 7- Đội ngũ CBQL, GV, NV)

Mức Không hài lòng gồm 02 chỉ số có trung bình, trung vị nằm trong khoảng 2:

  1. Trường học, phòng học (Tiêu chuẩn 4- Môi trường CSVC và các nguồn lực)
  2. Vấn đề của SV (khu sinh hoạt tập thể, thời gian, phương tiện giải trí, giao thông, tâm lý học tập) (Tiêu chuẩn 6- Sinh viên).

Mức Trung hòa gồm 28 chỉ số còn lại có trung bình, trung vị nằm trong khoảng 3.

10 Tiêu chuẩn chất lượng tổng thể

Số lượng (n): 297

Trung bình (mean)

Trung vị (median)

1. Khả năng và mức độ tiếp cận của SV

 

 

Tư vấn và hỗ trợ: Các hoạt động tư vấn và hỗ trợ cho SV trước khi vào trường

3.20

3

Mức độ mở rộng trong việc tiếp cận

3.11

3

2. Dịch vụ SV

 

 

Các hoạt động tư vấn và hướng dẫn khi nhập học

3.60

4

Nguồn học liệu

3.18

3

Căn tin, nơi giải trí, thư giãn

2.91

3

3. Lãnh đạo

 

 

Hiệu trưởng

 3.56

4

Quản trị

3.20

3

Các giá trị của trường

3.34

3

4. Môi trường cơ sở vật chất và các nguồn lực

 

 

Trường học, phòng học

2.62

2

Môi trường học tập thú vị hào hứng

3.00

3

Chăm sóc sức khỏe và sự an toàn cho SV

3.09

3

Kiểm soát và phân bổ nguồn lực

2.96

3

Đo lường chi phí chất lượng

2.88

3

5. Giảng dạy và học tập hiệu quả

 

 

Phương pháp dạy - học phù hợp

3.37

4

Chương trình đào tạo phù hợp

3.28

3

Giám sát và đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập

3.21

3

6. Sinh viên

 

 

Vấn đề của SV (khu sinh hoạt tập thể, thời gian, phương tiện giải trí, giao thông, tâm lý học tập)

2.63

2

Sự hài lòng của SV

3.13

3

Giám sát sự tiến bộ của SV trong quá trình học

3.10

3

7. Đội ngũ CBQL, GV, NV

 

 

Quan điểm và động cơ của GV

3.41

4

Làm việc nhóm 

3.44

4

Đào tạo và phát triển về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ thuật cải tiến chất lượng

3.25

3

Đảm bảo các điều kiện làm việc

3.02

3

8. Các mối quan hệ với bên ngoài

 

 

Marketing, nghiên cứu thị trường, khảo sát khách hàng

2.97

3

Liên kết, duy trì quan hệ với cộng đồng, xã hội

3.39

3

9. Tổ chức

 

 

Lập kế hoạch chiến lược; phổ biến mục tiêu, tầm nhìn kế hoạch chiến lược

3.34

3

Văn hóa tổ chức

3.22

3

Truyền thông giao tiếp trong trường

3.16

3

Quản lý tri thức

3.29

3

Các kỹ thuật và công cụ chất lượng

2.99

3

10. Các tiêu chuẩn

 

 

Các tiêu chuẩn cứng (kết quả đánh giá chất lượng xuất sắc; SV hoàn tất khóa học, SV có việc làm phù hợp đạt tỷ lệ cao…)

3.22

3

Các tiêu chuẩn mềm (môi trường văn hóa tốt; vấn đề chăm sóc sức khỏe được ưu tiên…)

3.24

3

Đối sánh

3.16

3

Giá trị gia tăng

3.08

3

Tự đánh giá và thiết lập chiến lược

3.19

3

 

Bảng 2: Mức độ hài lòng của trường ĐHVH TP.HCM và SV về chất lượng đào tạo hiện nay

Tóm lại, dựa vào kết quả phân tích trên có thể rút ra những điểm mạnh và điểm yếu về thực trạng QLCLĐT của Trường ĐHVH TP.HCM thời gian qua như sau:

Điểm mạnh: sự tác động về QLCLĐT của trường có 3 mặt được đánh giá Tốt là: 1- Đào tạo lấy Người học làm trung tâm; 2- Lãnh đạo và Chiến lược; và 3- Tự đánh giá; Mức độ Hài lòng của đại diện nhà trường và SV về chất lượng đào tạo của trường ĐHVH TP.HCM theo 10 tiêu chuẩn chất lượng tổng thể có 05 chỉ số thuộc Đầu vào và Quá trình.

Điểm yếu: có hai thành phần QLCLĐT được đánh giá ở mức Trung bình là: Xây dựng Hệ thống và Thủ tục (quy trình) quản lý chất lượng và Làm việc nhóm của giảng viên và nhân viên; có 28 chỉ số chất lượng tổng thể thuộc Đầu vào, Quá trình và Đầu ra ở mức Trung hòa và 02 chỉ số ở mức Không hài lòng.

Từ cơ sở thực tiễn nêu trên, chúng tôi đề xuất 3 nhóm giải pháp căn bản về QLCLĐT ở trường ĐHVH TP.HCM theo tiếp cận QLCLTT nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

Một là, áp dụng QLCLTT vào quản lý chất lượng đào tạo nhằm tập trung vào mục tiêu chất lượng, thỏa mãn khách hàng (SV). Để đạt được mục tiêu trên, điều then chốt là phải thay đổi văn hóa, trong đó có xây dựng hệ thống tổ chức: hướng tới khách hàng. Cấu trúc của hệ thống này gồm ba tầng bậc: 1- Khách  hàng/ Người học được đặt ở vị trí cao nhất, 2- Đội ngũ Giảng viên, Nhân viên đứng vị trí thứ hai, và Lãnh đạo đứng ở vị trí thứ ba đóng vai trò hỗ trợ và trao quyền cho đội ngũ GV, NV và người học (Hình 3).

Hình 3: Hệ thống thứ bậc trong tổ chức và mô hình tổ chức đảo ngược trong giáo dục

(Nguồn: Sallis, 2002).

Hai là, chuẩn hóa mô hình QLCL đào tạo của trường ĐHVH TP.HCM theo tiếp cận QLCLTT dựa trên năm quá trình căn bản: 1- Người học; 2- Lãnh đạo và Chiến lược; 3- Hệ thống và Thủ tục (quy trình); 4- Làm việc nhóm của giảng viên và nhân viên và 5- Tự đánh giá nhằm thực hiện QLCLĐT một cách hệ thống và đồng bộ, từ đó tạo nên chất lượng tổng thể. Đặc biệt, Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan xây dựng, hoàn thiện Hệ thống và Thủ tục (quy trình) QLCLĐT đồng thời đẩy mạnh phương pháp Làm việc nhóm của giảng viên và nhân viên.

Ba là, nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn, chỉ số chất lượng cụ thể, phù hợp với đặc thù đào tạo nhằm làm căn cứ cho việc đối sánh, qua đó thực hiện cải tiến liên tục các quá trình quản lý chất lượng, giúp trường ĐHVH TP.HCM thỏa mãn khách hàng, đạt được mục tiêu chất lượng. Trước mắt, Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, có kế hoạch, phương án giải quyết ngay những tồn tại về Trường học, phòng học và các vấn đề của SV (khu sinh hoạt tập thể, thời gian, phương tiện giải trí, giao thông, tâm lý học tập).

Tựu trung, kết quả nghiên cứu về thực trạng QLCLĐT trường ĐHVH TP.HCM thời gian qua cho thấy, nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của SV và nhà trường đều ở mức cao. Tuy nhiên, sự đáp ứng theo nhu cầu của SV thì lại có giới hạn. Nguyên nhân chính  là do các biện pháp quản lý quá trình đào tạo chưa được thực hiện đồng bộ.

Để khắc phục những bất cập trên, chúng tôi đề xuất ba nhóm giải pháp: 1-Áp dụng QLCLTT vào quản lý chất lượng đào tạo nhằm tập trung vào mục tiêu chất lượng, thỏa mãn khách hàng (sinh viên). 2- Chuẩn hóa mô hình QLCL đào tạo của trường ĐHVH TP.HCM theo tiếp cận QLCLTT nhằm thực hiện QLCL đào tạo một cách hệ thống và đồng bộ, từ đó tạo nên chất lượng tổng thể. 3- Áp dụng các tiêu chuẩn, chỉ số chất lượng cụ thể, phù hợp với đặc thù đào tạo nhằm làm căn cứ cho việc đối sánh, qua đó thực hiện cải tiến liên tục các quá trình quản lý chất lượng, giúp trường ĐHVH TP.HCM thỏa mãn khách hàng, đạt được mục tiêu chất lượng./.

 

 

Lời cám ơn

Đội ngũ LĐ, QL, GV, NV, SVTN và cựu SV năm học 2016 trường ĐHVH TP.HCM đã nhiệt tình trả lời khảo sát, giúp hoàn thành nghiên cứu này.

Tài liệu tham khảo

  1. Harvey, L. & Green, D. (1993), Defining quality, Assessment & Evaluation in Higher Education, 18(1), 9–34, http://dx.doi.org/10.1080/0260293930180102.
  2. John S.Oakland (2003), Total quality management, Oxford Butterworth- Heinemann.
  3. Sallis, E. (2002), Total Quality Management in Education, London: Kogan Page.
  1. Đỗ Ngọc Anh (2016), Xây dựng Báo cáo tự đánh giá Trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2015, Trường ĐHVH TP.HCM.
  2. Nguyễn Thị Phà Ca (2016), “Chất lượng đào tạo các ngành văn hóa: khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng về năng lực của sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH. Văn hóa TP.HCM”, Tạp chí Văn hóa và Nguồn lực ISSN 2354 -0907, 7 (3), tr.65-72.
  3. Nguyễn Thị Phà Ca (2017), Luận văn  thạc sỹ “Quản lý chất lượng đào tạo ở trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh theo tiếp cận quản lý chất lượng tổng thể (TQM)”, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, tr.22.
  4. Trần Ngọc Trình (2013), “Quản lý chất lượng đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp thành phố Hồ Chí Minh”. Nguồn: Internet.


[1] Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020.

[2] Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

[3] Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Đổi mới giáo dục là một “trận đánh” lớn. Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-truong-bo-gddt-pham-vu-luan-doi-moi-giao-duc-la-mot-tran-danh-lon-831565.htm

[4] Quyết định số 85/QĐ-BVHTTDL ngày 09.01.2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phê duyệt Đề án phát triển Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2020.

[5] Harvey, L. & Green, D. (1993), Defining quality, Assessment & Evaluation in Higher Education, 18(1), 9–34, http://dx.doi.org/10.1080/0260293930180102.

[6] Nguyễn Thị Phà Ca (2016), Chất lượng đào tạo các ngành văn hóa – kết quả khảo sát khách hàng về năng lực sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa Thành Phố Hồ Chí Minh,  Tạp chí văn hoá và nguồn lực, ISSN 2354-0907, Số 7 (3)/2016. Tr 65-72.

[7] Trần Ngọc Trình (2013), “Quản lý chất lượng đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp thành phố Hồ Chí Minh”. Nguồn: Internet.

[8] TCVN ISO 9000:2000

[9] Nguyễn Thị Phà Ca (2017), Luận văn  thạc sỹ “Quản lý chất lượng đào tạo ở trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh theo tiếp cận quản lý chất lượng tổng thể (TQM)”, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM,tr.22.

 

Từ khóa: