HỆ THỐNG PHÁP LÝ VỀ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TẠI VIỆT NAM – ĐÔI ĐIỀU NGẪM NGHĨ

10
04
'20

Tác giả: Nguyễn Hồ Phong

  Tóm tắt bài viết:

 Di sản văn hoá nói chung và di sản văn hóa phi vật thể (sau đây xin gọi tắt là DSVHPVT) nói riêng là tài sản quý giá của đất nước, là chất liệu gắn kết cộng đồng dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới và giao lưu văn hoá trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hiểu rõ được ý nghĩa này, Đảng, Nhà nước Việt Nam trong những năm gần đây đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai nhằm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, trong đó có DSVHPVT. Nhiều DSVHPVT được đưa vào các chương trình bảo vệ khẩn cấp của quốc gia và thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề giữ gìn và bảo tồn các giá trị DSVHPVT tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thử thách mà nguyên nhân chính là khả năng nhận thức về giá trị thực của các di sản còn nhiều hạn chế; việc thực thi pháp luật kém hiệu quả từ các cơ quan chức năng và người dân. Thực trạng này đang đặc nhiều giá trị di sản đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn; một số khác lại bị biến dạng so với nguyên gốc. Đây thật sự là những tổn thất lớn cho dân tộc, quốc gia. Từ thực tiễn đó, bài viết này sẽ tập trung phân tích một số vấn đề về hệ thống hành lang pháp lý của Việt Nam để bảo tồn các DSVHPVT.

 

  1. Ngoại diên và nội hàm của khái niệm di sản văn hóa phi vật thể

Theo UNESCO thì “di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kĩ năng và kèm theo đó là những công cụ đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng, các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”[1]. Ngoài ra, các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của DSVHPVT; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội; tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống[2] cũng được xem là các hình thức của DSVHPVT. Như vậy, trong khái niệm này, UNSECO đã cụ thể hóa tính trừu tượng của DSVHPVT bằng việc định dạng một số biểu hiện dạng tồn tại cụ thể như tập quán, biểu đạt tri thức, kỹ năng, các công cụ đồ vật, đồ tạo tác, các không gian văn hóa có liên quan… Đó cũng chính là phần cốt lõi bên trong, là phần hồn của DSVHPVT mà UNESCO ghi nhận dưới khía cạnh ý nghĩa của di sản đối với đời sống cộng đồng.

Lễ rước linh vị Hoàng tử Cải về An Sơn Miếu trong Lễ Giổ Bà Phí Yến tại Côn Đảo - Ảnh Hoàng Duẩn

Đối với Việt Nam, DSVHPVT là bộ phận cấu thành những giá trị di sản văn hóa dân tộc, nó được hiểu là “sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”[3]. Về cơ bản, Việt Nam đã tiếp thu quan điểm của UNESCO về nội hàm của khái niệm DSVHPVT. Tuy nhiên, trong Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Việt Nam không liệt kê các hình thức của DSVHPVT như một số quốc gia khác trên thế giới mà việc này được thể hiện trong Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/9/2010. Theo đó, 7 hình thức biểu hiện của DSVHPVT bao gồm: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian[4].

 Từ các khái niệm trên, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm, tính chất của DSVHPVT như sau: DSVHPVT là những giá trị tinh thần, có tính tiếp nối, kế thừa qua các thế hệ. Vì là sản phẩm của cộng đồng nên DSVHPVT cần được công nhận bởi cộng đồng sáng tạo và thực hành di sản. Cộng đồng là một phần của di sản và do đó, khi đời sống cộng đồng thay đổi thì những giá trị này cũng phải biến đổi cho thích hợp với bối cảnh mới. Tính chất này làm nên sự khác biệt cơ bản giữa DSVHPVT và di sản văn hóa vật thể vốn có tính cố định và nguyên trạng tương đối. Ngoài ra, DSVHPVT còn có khả năng gắn kết các cá nhân trong xã hội, từ đó làm tăng tính cố kết cộng đồng xã hội, làm cho mỗi cá nhân cảm thấy mình là một phần của xã hội.  Bên cạnh đó, DSVHPVT phải đại diện cho bản sắc của dân tộc. Nó góp phần thể hiện được những nét đẹp riêng có về văn hóa, lối sống, cách sống của một cộng đồng dân cư, một tộc người nhất định. Đó là những nét đẹp nổi bật, riêng biệt mà khó có thể tìm thấy ở cộng đồng khác.

2. Đánh giá các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về DSVHPVT

          2.1. Khái quát hệ thống pháp luật hiện hành về DSVHPVT tại Việt Nam

 Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định chính sách nhất quán là xây dựng Việt Nam có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một trong những công cụ để thực thi chủ trương này là hệ thống pháp luật. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng một hành lang pháp lý thống nhất để bảo tồn và phát triển hệ thống di sản văn hóa như Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành luật sửa đổi bổ sung năm 2009. Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam còn ban hành một số văn bản khác để cụ thể hoá chính sách, phương hướng, mục tiêu cũng như những cách thức để thực hiện hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa nói chung, DSVHPVT nói riêng như Quyết định số 25-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/01/1993 về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hóa nghệ thuật; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII, thông qua ngày 16/07/1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;  Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/05/2009 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020) cũng nêu vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Điều này cho thấy quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có văn hóa phi vật thể.

Đông đảo nhân dân Côn Đảo tham gia lễ rước linh vị Hoàng tử Cải về An Sơn Miếu trong Lễ Giổ Bà Phí Yến tại Côn Đảo - Ảnh Hoàng Duẩn

Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật về Di sản văn hóa mà cao nhất là Luật di sản văn hóa phù hợp với các điều ước quốc tế về di sản văn hóa mà Việt Nam đã tham gia. Luật Di sản văn hóa có những quy định riêng đối với DSVHPVT. Trong đó, Luật này đề cập cụ thể đến mục đích của luật, khái niệm về di sản văn hóa, di sản văn hóa vật thể và DSVHPVT; quyền và nghĩa vụ của các cá nhân đối với di sản văn hóa. Đặc biệt còn có quy định cụ thể đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị của DSVHPVT.

2.2 Ưu điểm của các quy định pháp luật về DSVHPVT hiện nay

          Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật về di sản văn hóa nói chung (trong đó có DSVHPVT) khá đầy đủ và toàn diện. Hệ thống pháp luật này được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng mà cụ thể là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều 9, Luật Di sản văn hóa năm 2001 có nêu: “Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Các biện pháp bảo vệ DSVHPVT được xây dựng trên phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Sự kết hợp này vừa thể hiện sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân, vừa mang lại hiệu quả cho việc bảo vệ DSVHPVT.    

Một ưu điểm khác là các quy định pháp luật của Việt Nam về DSVHPVT phù hợp với các Công ước quốc tế về di sản mà Việt Nam đã tham gia. Việt Nam là một trong số quốc gia sớm phê chuẩn Công ước về Bảo vệ DSVHPVT năm 2003 của UNESCO (phê chuẩn năm 2005), Việt Nam cũng là thành viên của Ủy ban Liên chính phủ tham gia xây dựng phương hướng hoạt động và các chính sách quốc tế có liên quan đến Công ước này. Cùng với việc tham gia Công ước là sự đảm bảo các quy định của Công ước nói trên phải được nội luật hóa vào pháp luật của các quốc gia thành viên. Trên cơ sở tiếp thu quan điểm của UNESCO, tại khoản I, điều 1 của Luật Sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, khái niệm về DSVHPVT đã xác định lại theo hướng xúc tích và trọng tâm “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”. Cách định nghĩa này đảm bảo các tiêu chí xác định DSVHPVT của Việt Nam phù hợp với quốc tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận DSVHPVT của nhân loại.

Không những thế, Chính phủ Việt Nam cũng tích cực thực hiện các yêu cầu của UNESCO là “cần nhận diện và xác định rõ các loại hình khác nhau của DSVHPVT hiện có trên lãnh thổ mình”[5] thông qua việc ban hành Nghị định số 98/2010/NĐ-CP để phân định các nhóm lĩnh vực thuộc DSVHPVT. Công ước của UNESCO về Bảo vệ DSVHPVT cũng nêu rõ “Để đảm bảo cho việc nhận diện nhằm mục đích bảo vệ, mỗi Quốc gia thành viên, dựa trên những điều kiện thực tế riêng, phải lập ra một hoặc nhiều danh mục thống kê về di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên lãnh thổ mình. Những danh mục thống kê này sẽ được thường xuyên cập nhật”[6]. Tiếp thu quy định này, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn năm 2001 ghi nhận “kiểm kê di sản văn hóa là hoạt động nhận diện, xác định giá trị, lập danh mục di sản văn hóa”[7]. Trên cơ sở này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 04/2010 ngày 30/06/2010 hướng dẫn kiểm kê và lập hồ sơ DSVHPVT. Thông tư cũng đưa ra mục đích của kiểm kê, lập hồ sơ khoa học DSVHPVT là nhằm nhận diện giá trị, xác định hiện trạng DSVHPVT để phục vụ việc xây dựng kế hoạch và phát huy giá trị DSVHPVT. Cũng trong Công ước trên, UNESCO khẳng định “Trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, mỗi Quốc gia thành viên cần phải nỗ lực để đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao loại hình di sản này và cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý”[8]. Theo đó, Việt Nam đã xây dựng biện pháp nhằm bảo vệ DSVHPVT với quy định chỉ đạo tại Điều 17, Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009): “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

2.3 Một số vấn đề cần suy nghĩ           

 Dù Việt Nam có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh để bảo tồn các giá trị DSVHPVT nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trăn trở. Cụ thể:

Thứ nhất, tiêu chí xác định các DSVHPVT được quy định trong Luật chưa thật tường minh. Ví như tiêu chí “DSVHPVT là sản phẩm tinh thần... không ngừng được tái tạo”[9]. Tiêu chí này đã thể hiện rõ đặc điểm của DSVHPVT là di sản “sống”, gắn liền với đời sống của cộng đồng, hiện hữu không chỉ ở quá khứ mà cả trong cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, hiểu thế nào cho đúng nghĩa của “tái tạo”, giới hạn của sự tái tạo ấy đến đâu là điều chưa được xác định rõ trong luật. Tiếp nữa, các di sản cần được chuyển giao qua bao nhiêu thế hệ thì sẽ được coi là phù hợp với tiêu chí “DSVHPVT... được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”[10], trong khi đó, việc xác định số thế hệ được chuyển giao các giá trị văn hóa được nghiên cứu dựa trên kí ức của cộng đồng, của những người lưu giữ và truyền tải di sản nên việc xác định thế hệ chuyển tiếp chỉ có tính chất tương đối.

Thứ hai, quan điểm về phát triển DSVHPVT chưa được nhận thức thống nhất. Một ví dụ điển hình là tháng 7/2009, tỉnh Hà Nam đã thực hiện dự án nâng cấp lễ hội đền Lảnh Giang (Thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên). Lễ hội được phục dựng theo hướng bên cạnh những yếu tố truyền thống còn có thêm các yếu tố mới của nghệ thuật biểu diễn đương đại như âm thanh, hiệu ứng, kĩ thuật[11]. Sự kiện này đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng đó là lai căng, làm mất đi tính chất truyền thống của lễ hội. Tuy nhiên, ban tổ chức lễ hội thì cho rằng việc tái hiện lễ hội Lảnh Giang trong một hình thức mới hơn và đầy đủ hơn là một hướng thử nghiệm phục hồi và bảo tồn DSVHPVT. Trường hợp này đã cho thấy quan điểm phát triển DSVHPVT chưa được nhận thức một cách thống nhất. Luật Di sản văn hóa hiện nay chưa đưa ra được định hướng chung về nguyên tắc, cách thức phát triển DSVHPVT để đảm bảo các giá trị di sản có thể “sống khỏe mạnh” trong xã hội hiện đại. Các quy định của pháp luật mới chỉ giới hạn phát triển DSVHPVT ở việc không được hủy hoại và làm giảm giá trị của loại hình di sản văn hóa này. Các hành vi có nguy cơ hủy hoại và làm giảm giá trị của DSVHPVT được quy định cụ thể tại khoản 2, điều 4 của Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Dưới góc độ lí luận, DSVHPVT được coi là “di sản sống” bởi chúng không ngừng được tái tạo để thích nghi với xã hội. Việc tái tạo hay phát triển di sản văn hóa này xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng dân cư. Thích nghi với xã hội hay phù hợp với cuộc sống là mục đích của việc phát triển DSVHPVT. Nếu phát triển xuất phát từ ý chí tự nguyện của cộng đồng dân cư vì mục đích đúng đắn thì nên khuyến khích. Tuy nhiên cần lưu ý, phát triển là một quá trình, có chọn lọc, các yếu tố mới được đưa vào phải mang tính bền vững.

Thứ ba, một số quy định chưa cụ thể. Việc bảo tồn DSVHPVT cần có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ giữa các ngành, các cơ quan. Theo quy định tại khoản 3, điều 55, Luật Di sản văn hóa năm 2001 thì Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc phối hợp với Bộ Văn hoá – Thông tin[12] để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hoá. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này. Cũng tương tự như vậy khoản 3, điều 24 của Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định Nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt và phát triển tiếng Việt nhưng đến nay vẫn chưa có bất kì văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn cụ thể. Hoặc như Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ có chỉ ra những hành vi được coi là có nguy cơ hủy hoại và làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể như “tùy tiện đưa những yếu tố không phù hợp làm giảm giá trị di sản”[13], tuy nhiên, Nghị định này không quy định đơn vị nào có chức năng đánh giá hành vi trên. Đây là một vấn đề khá nhạy cảm, phức tạp bởi cộng đồng là chủ thể có quyền quyết định đến sự sống và sức sống của DSVHPVT. Vì vậy, Cơ quan quản lý nhà nước khó có thể can thiệp dựa trên sự đánh giá chủ quan của chính mình.

Vấn đề tôn vinh các nghệ nhân thuộc lĩnh vực văn hóa phi vật thể cũng có sự bất cập. Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt”[14], nhưng chưa quy định cụ thể là áp dụng vào khi nào và như thế nào cho phù hợp, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm thực hiện việc tôn vinh này. Tại tại điều 1 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ban hành ngày 26/11/2003 mới chỉ xác định các nghệ nhân làng nghề là đối tượng điều chỉnh còn các nghệ nhân nắm giữ tri thức dân gian và nghệ thuật trình diễn chưa được đề cập đến. Điều 65 của Luật Thi đua, khen thưởng quy định danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” chỉ phong tặng cho các “cá nhân có nhiều năm trong nghề, kế tục, giữ gìn, sáng tạo và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống”[15] mà không điều chỉnh tới các cá nhân có công đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT ở các lĩnh vực khác.

          Thứ tư, thiếu cơ sở xác định quyền sở hữu trí tuệ đối với DSVHPVT. Quyền sở hữu trí tuệ các giá trị văn hóa phi vật thể đã được đề cập trong chính sách của UNESCO. Theo đó, bản quyền của các cộng đồng đã sản sinh và lưu truyền các DSVHPVT phải được tôn trọng. Tổ chức này cũng thừa nhận việc xác định quyền sở hữu trí tuệ đối với DSVHPVT là điều không dễ dàng bởi nó không không phải là sản phẩm sáng tạo của cá nhân mà là của cả cộng đồng. Ở Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nhưng quyền sở hữu đối với DSVHPVT chưa được đề cập một cách đầy đủ và toàn diện. Luật mới chỉ đưa ra quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 thì “Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian”[16]. Vấn đề ở đây là nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo của nhiều cộng đồng, lúc ấy, quyền tác giả sẽ thuộc về cộng đồng nào. Có thể lấy ví dụ với dân ca quan họ Bắc Ninh. Chủ nhân của loại hình nghệ thuật này là cộng đồng cư dân người Việt cư trú ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay[17]. Trong khi đó, vùng lưu hành Dân ca quan họ Bắc Ninh lại mở rộng sang các tỉnh Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên và Thành phố Hà Nội. Như vậy, không phải chỉ có địa danh Bắc Ninh trong dân ca quan họ Bắc Ninh là chủ thể sở hữu loại hình nghệ thuật dân ca quan họ là tỉnh Bắc Ninh như một số người vẫn hiểu. Vấn đề quyền sở hữu tác giả lúc này khó biết được sẽ trao cho cộng đồng nào. Nhìn sâu rộng ra đối với DSVHPVT, việc xác định quyền sở hữu tác giả là đối với các giá trị DSVHPVT thật sự là một thách thức đối với các nhà quản lý.

Chương trình Khai mạc Lễ hội truyền thống Anh Hùng Dân Tộc Nguyễn Trung Trực năm 2019

Thứ năm, Việt Nam vẫn còn thiếu các văn bản dưới luật để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến DSVHPVT. Hiện nay, Cơ sở quan trọng cho việc bảo tồn DSVHPVT là Luật Di sản văn hóa 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Trong khi đó, hệ thống các văn bản dưới luật trên cơ sở thống nhất ý kiến cộng đồng để đảm bảo cho việc hướng dẫn, thực thi luật ở địa phương lại chưa đầy đủ. Công tác quản lý lễ hội dân gian dưới góc độ là DSVHPVT là ví dụ. Lễ hội là DSVHPVT có những đặc điểm riêng, cần có các biện pháp bảo vệ cụ thể để không làm mai một loại hình này trong tương lai. Cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể và quy định rõ ràng về công tác tổ chức lễ hội là DSVHPVT, để có thể vừa bảo tồn được hoạt động lễ hội nói chung, vừa có thể phát huy được giá trị riêng của DSVHPVT là lễ hội dân gian.

Thạc sĩ Nguyễn Hồ Phong, Giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật tham dự một Hội thảo khoa học

Thay lời kết

 DSVHPVT là linh hồn của nền văn hóa ở mỗi quốc gia, cộng đồng. Qua những di sản đó, thế hệ ngày nay có thêm sự hiểu biết và sự trân trọng lối sống tốt đẹp của ông cha. Vì lẽ đó, việc bảo tồn, phát huy các giá trị DSVHPVT là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay. Quan điểm này đã được nhiều nước trên thế giới xác lập và thực hiện bằng cách ban hành hệ thống các văn bản luật và dưới luật. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Trong những năm qua, hàng loạt các văn bản pháp lý đã được ban hành mà cao nhất là Luật Di sản văn hóa. Thực tiễn đã chứng minh, các công cụ pháp lý này đã phát huy hiệu quả, nhiều di DSVHPVT của dân tộc đã được giữ gìn và phát huy trước sự tàn phá của xã hội hiện đại, trong số đó nhiều di sản được vinh danh ở tầm quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề quản lý, giữ gìn các giá trị DSVHPVT tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập như tiêu chí xác định các DSVHPVT được quy định trong Luật chưa thật tường minh; quan điểm về phát triển DSVHPVT chưa được nhận thức thống nhất; thiếu quy định để bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT; thiếu cơ sở xác định quyền sở hữu trí tuệ đối với DSVHPVT; hệ thống văn bản dưới luật chưa được hoàn thiện. Đây thật sự là những thách thức lớn cho công tác bảo tồn và phát huy DSVHPVT ở Việt Nam hiện nay./.

N.H.P

[1]Theo Tạp chí Văn hóa & nguồn lực (số 1) (2014)

Chú thích


[1] Điểm 1, 2, khoản I, điều 2, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể;

[2] Điểm 1, 2, khoản I, điều 2, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể;

[3] Điều 1, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

[4] Điều 2, chương 1, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP;

[5] Điểm 11, Khoản I, điều 2, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể;

[6] Điểm 1, khoản III, điều 12, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể;

[7] Khoản I, điều 14, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

[8] Khoản III, điều 15, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể;

[9] Điều 1, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

[10] Việc xác định này cũng chưa được thống nhất và giải thích rõ trong Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO. Theo đa số ý kiến của các nhà nghiên cứu thì trong xã hội cận hiện đại và truyền thống, chỉ cần 3 thế hệ là đủ, còn trong những xã hội hiện đại hơn thì chỉ hai thế hệ mà thôi;

[11] Thông cáo báo chí lễ hội truyền thống đền Lảnh Giang – Hà Nam được nâng cấp và mang màu sắc văn hóa đương đại, nguồn:  http://viettems.com, ngày 08/7/2009;

[12] Nay là Bộ VH, TT & DL;

[13] Điểm 2, khoảng b, điều 4, chương I, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP;

[14] Điều 26, chương III, Luật Di sản văn hóa;

[15] Điều 65, mục III, chương III, Luật Thi đua, khen thưởng;

[16] Điều 23, mục I, chương II, phần 2, Luật Sở hữu trí tuệ;

[17] Nguyễn Chí Bền (2010), “Dân ca quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, Di sản văn hóa phi vật thể, số 01: 35.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Chính trị - Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1998), Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8;
  2. Bộ VH, TT & DL (2010), Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
  3. Chính phủ (2010), Nghị định số 98/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
  4. Quốc Hội (2001), Luật di sản văn hóa;
  5. Quốc Hội (2009), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
  6. Quốc Hội (2003), Luật Thi đua khen thưởng;
  7. Quốc Hội (2005), Luật sở hữu trí tuệ;
  8. Quốc Hội (2009), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ;
  9. Thủ tướng Chính phủ (1993), Quyết định số 25-TTg Về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hóa nghệ thuật;
  10. Thủ tướng Chính phủ (2009), Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/05/2009 Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020);
  11. UNESCO (2003), Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

 

 

Từ khóa: